Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

TRẦN HOÀI DƯƠNG - CHUYỆN CHƯA BIẾT



                                                                HUY THẮNG
                                               Huy Thắng và Trần Hoài Dương 

           Trần Hoài Dương nhiều bạn bè. Rất nhiều.  Sau cái chết  của anh thì càng rõ, nhiều đến ngạc nhiên.

           Ngay sau khi Trần Hoài Dương đột ngột qua đời, hầu như trên tất cả báo chí ra hàng ngày hay hàng tuần, hàng tháng, rồi trên mạng Lê thiếu Nhơn, Trần Nhương… và trên  blog của các nhà văn ,nhà thơ, nhà báo…khắp cả nước, liên tiếp trong nhiều ngày liền liên tục tải bài viết của các cơ quan ngôn luận, nhất là của bạn bè, nhà văn, nhà thơ, nhà báo nói về sự ra đi của anh, gợi lại những kỉ niệm với anh, cảm nhận về những tình cảm , lòng yêu quí, kính trọng , thương yêu với anh, sự hụt hẫng khi thiếu vắng anh.

          Rất hiếm trường hợp một con người bình thường khi ra đi  đã  để lại biết bao tình cám sâu sắc, xúc động và yêu thương thực lòng của rất nhiều người đến vậy . Cảm giác những ai ít nhiều quen biết anh nhân đây cũng muốn được một lần nói lên những cảm nghĩ tốt đẹp về anh . Mới rõ Trần Hoài Dương có một vị trí  như thế nào trong lòng bạn bè, những người thân quen..

          Vì sao Trần Hoài Dương có được những tình cảm ấy, đặc biệt là trong giới văn chương, vốn thường khá khắt khe, thận trọng  khi nói về nhau.?

        Trước hết người ta trọng anh ở nhân cách. Ai thân thiết với Trần Hoài Dương thường biết tính anh đôi khi bất thường. Đang vui đấy, đang chuyện trò đậm đà đông vui đấy nhưng thấy có  một câu nói, một cử chỉ nào đó lố bịch , khó chịu, thì lập tức anh  nổi giận , tỏ thái độ , thậm chí không ngại buông ra những lời lẽ rất mạnh, rất phũ, rất thẳng, cho dù người được nói tới có là quan chức, tên tuổi gì đi chăng nữa.  Hẳn nhiều người còn nhớ hôm ở nhà hàng Lotus đường  Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Hồ Chí Minh, trước một vị đại biểu quốc hội nhiều khoá, vốn nổi tiếng khôn khéo , hay trong cuộc gặp mặt các nhà văn thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị lên đường ra Hà nội họp đại hội nhà văn Việt Nam trước rất nhiều  chức sắc . Anh rất ghét  thói giả dối, ba hoa đạo đức, lên mặt dạy đời của những kẻ xu thời,nịnh bợ, ăn theo, nói leo.  Nhiều người có mặt  khi đó cũng có chung ý nghĩ như anh nhưng thường chỉ dè dặt tỏ thái độ bằng sự im lặng.  Trần Hoài Dương không thế. Những trường hợp này anh thường  quyết liệt, không thoả hiệp.
 
         Bản tính của Trần Hoài Dương là anh không bao giờ phân biệt người này người khác.Ai anh cũng rất trân trọng, nếu  xứng đáng. Dù là một tên tuổi lớn, một quan chức chính quyền hay một người bình thường khi đã là bạn thì anh ứng xử đều như nhau. Có lần anh bảo, một cô “ ca ve “  còn nhân cách hơn khối quan chức thoái hoá biến chất chưa lộ mặt.  Không quan trọng hoá bất cứ việc gì nhưng anh cũng không bao giờ có một cử chỉ, lời ăn tiếng nói buông tuồng. Khi nào cũng rất nghiêm túc,từ cử chỉ, nói năng. Trần Hoài Dương có điều này hình như hơi”cứng”. Anh yêu bạn  nhưng  vì quá yêu nên cũng đôi khi  hờn giận bạn một cách bất thường. Nhiều bạn bè thân thiết, con chấy cắn đôi,  có không ít gắn bó trong tình cảm nhiều năm với anh mà tôi biết như nhà văn N.T, nhà thơ H.C., nhà thơ H.H., nhà thơ T.T., ..vậy mà có lúc tưởng đã không nhìn mặt nhau.  Cũng không ít người quen đang cùng anh vui vẻ, bỗng dưng thấy anh tự nhiên lạnh nhạt, không quan hệ, chẳng hiểu sao. Sau vỡ lẽ, cũng chỉ vì một câu nói , một cử chỉ , có khi chỉ là bạn vô tình, sơ ý. Hiểu anh và hiểu những  bạn bè thân thiết của anh, lại biết câu chuyện nên  đôi khi tôi cũng trung gian  làm rõ sự việc. Cũng may là chỉ một thời gian ngắn ngay sau đấy hiểu ra, liền quên giận  Họ trở về bình thường, thắm thiết như xưa. Xin kể lại một chuyện. Cách đây mấy năm, một lần có việc ra Hà nội, chưa kịp cả về nhà, nhớ đến bạn. anh liền gọi điện mời nhà thơ T.T.và không quên nhờ mời thêm cả vợ con nhà thơ cùng đi ăn cơm chiều. Dương mời gia đình bạn ra một nhà hàng khá sang trọng, ăn uống ngon lành, chuyện trò vui vẻ. Lúc ăn xong còn đang ngồi uống nước thì trên ti vi phát chương trình bóng đá quốc tế.  T.T. vốn mê môn thể thao vua  nên chẳng thể đừng,  bỏ ra ngồi trước màn hình. Không  thấy T.T. quay lại dù Dương gọi, vợ nhắn nhưng T.T. lí do, coi bóng đá cũng là một cách đi thực tế. Chờ lâu quá, cuối cùng Dương  đành đứng lên thanh toán rồi cùng vợ con T.T. về trước.  Qua chuyện ấy Dương rất giận ,cho như thế là không tôn trọng bạn,tôn trọng vợ con. Thế nhưng khi nghe tin T.T. ngã bệnh  Dương đã bay ra lần mò  tìm bằng được tới ngôi nhà mới của bạn xây ở ngoài đê sông Hồng. Thế đấy, dù đôi khi có giận hờn nhưng thẳm sâu là đầy ắp những tình yêu, kỉ niệm bạn bè làm sao anh có thể dễ dàng. quên đi được? Cách một ngày trước khi anh mất, tôi có nhâm nhi cùng Trần Hoài Dương , anh tâm sự đang giận Nhật Tuấn, nhưng rồi anh lại nói : “Giận thì giận nhưng luôn nhớ. Ở Sài gòn bây giờ mình thường chỉ  nói chuyện nhiều với Phan Đan và Nhật Tuấn”. Anh nói thơ Phan Đan ít đăng báo nhưng rất hay. Anh  bảo Nhật Tuấn viết văn xuôi cực kì hấp dẫn.

          .Trần Hoài Dương  rất quan tâm, năng đi lại  tới những người anh kính trọng, yêu quí..Không lần nào ra Hà nội mà anh không đến thăm nhà văn Tô Hoài, người mà theo anh nói, đã có ảnh hưởng lớn giúp anh bước vào con đường văn chương..  Tôi cũng đã cùng anh nhiều lần tìm đến thăm nhà văn Đào Vũ, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Triều Dương, nhà thơ Băng Sơn, nhà văn Nghiêm Đa Văn… khi các anh đau yếu, nằm viện.  Và không chỉ một lần.  Rồi cả khi các anh qua đời.  Sau khi Triều Dương mất, vợ con chuyển nhà không thông báo nên mỗi lần ra Hà nội anh đều nhờ người tìm địa chỉ mới của bạn mà không được nên cứ băn khoăn làm sao có thông tin,  chỉ để thêm một lần được thắp  nén hương trước ban thờ của bạn. Nhớ hôm vào bệnh viện Bạch Mai thăm Nghiêm Đa Văn đang  nằm chạy thận Thấy Văn bủng beo, đờ đẫn, Trần Hoài Dương sốt ruột dục thử tìm chạy chữa thêm đông y. Rồi bỏ tiền thuê taxi đưa lén đưa Văn đi khám và mua thuốc nam của một lương y tận huyện Hoài Đức. Mà tiền xe đi về và mua thuốc đâu có ít.

         .Tình cảm đối với bạn bè, anh không nhiều lời mà thường bằng việc làm. 

     Trần Hoài Dương  rộng tính.  Ai có khó khăn gì cần sự giúp đỡ của anh,nếu trong khả năng có thể làm được thường không bao giờ anh từ chối.Cả tinh thần và vật chất. Hứa hẹn với ai điều gì thì thực hiện bằng được. Khi anh còn đi làm cơ quan  có lương lại viết khoẻ không nói làm gì, nhưng sau này ra biên chế, ra Đảng thì không phải cuộc sống của anh  không có lúc gặp khó khăn. Nhưng mỗi lần ra Bắc, gặp bạn bè hay những khi bạn bè từ Bắc vào, được tin  thường anh hay chủ động đến thăm, mời đến ăn ở chỗ anh và  đi lai rai. Và gần như bao giờ Trần Hoài Dương cũng   là người chủ động đứng lên thanh toán. Rồi để cho bạn đỡ áy náy, anh hay thủ thỉ nửa đùa nưả thật: “ Em báo cáo thật với bác , em vừa  đi bán được ít máu nên đang có tiền. Bác cứ yên tâm, chứ thảo dân như chúng em bây giờ biết đục khoét, tham nhũng vào đâu”. Anh nói phải đi bán máu, có người tin và còn  thêm  , anh đã  bán máu để nuôi cháu Quỳnh đi học và   thêm tiền sinh sống. Nhưng  về chuyện này  biết anh lâu,tôi thực sự không tin lắm. Tôi từng nghe Trần Hoài Dương tâm sự,  có lần phải đi bán máu, nhưng ngày đó đã lâu lắm rồi,tại Hà nội, từ khi anh còn chưa lập gia đình, Đó là lần anh cần tiền để giúp ngừơi bạn gái chữa bệnh. Chuyện bán máu nuôi con đi học, tôi chắc không có nên  chẳng có lần chị Trinh , vợ anh, từng khổ tâm khi nói ra trên công luận đó sao ?   Thi thoảng  thường thấy anh nói với bạn này bạn khác chuyện anh bán máu, nhưng tôi cho là  anh nói cho vui thôi, chứ ai mà không biết sức vóc anh thế nào. Nhìn thân hình gày gò, lòng khòng, ẻo lả , nước da lúc nào cũng mai mái như người hậu sản, thì đâu có nhân viên y tế nào  dám đang tâm  đưa kim tiêm vào thân thể để hút máu của anh ?

     Hồi Trần Hoài Dương làm biên tập văn xuôi ở  báo Văn Nghệ đã có nhiều tâm sức giúp đỡ, chăm sóc cho rất nhiều tên tuối văn học xa lạ trở nên gần gũi, quen thuộc với công chúng.  Nhà văn Nhật Tuấn có lần viết trên Văn Nghệ rằng, chính Trần Hoài Dương và tuần báo Văn Nghệ đã  “dắt “  anh vào văn học. Không phải chỉ một trường hợp Nhật Tuấn mà còn biết bao nhà văn khác đã nổi lên trên văn đàn từ những năm bẩy mươi của thế kỉ trước từng biết ơn anh như là một bà đỡ tận tâm, vô tư và tinh tế để có được những đưá con tinh thần mang lại tự hào cho văn học. Theo tôi cho đến nay, hình như hiếm gặp người biên tập văn nghệ nào có trách nhiệm, tận tâm hết lòng một cách  trong sáng với các cộng tác viên  như Trần Hoài Dương. Đáng nói hơn, hầu hết những cộng tác viên này trước đó,chưa một lần anh từng gặp. Phải chăng  bạn bè văn chương yêu mến, trọng nể anh vì như vậy ?

       Ai cũng biểt Trần Hoài Dương có nhiều sách. Tủ sách riêng của anh đồ sộ,có lẽ còn nhiều hơn bất cứ một thư viện cỡ tỉnh huyện nào ở nươc ta nếu xét riêng về sách văn học được xuất bản ở nước ta trong khoảng trên 60 năm qua. Sách bạn bè tặng, sách biếu, sách mua. Anh yêu và giữ sách như đối với một người thân. Nhưng cũng có khi hơi thái quá.Cách đây hai ba năm anh bắt gặp một bộ sách mĩ thuật cổ Trung hoa mà anh rất thích nhưng giá của bộ sách đắt quá sức anh nên chỉ thỉnh thoảng đảo qua nhìn cho đỡ nhớ. Sau anh ốm phải nằm viện. Cháu Quỳnh gửi nhanh về cho bố 300 bảng Anh ,đổi sang tiền Việt đâu đươc hơn 10 triệu để bố chữa bệnh vì nay anh đã là phó thường dân , đâu có lương, có bảo hiểm y tế. May bệnh tình không đến nỗi nào, viện phí chỉ mất hơn một triệu. Còn lại chín triệu định mang về tằn tiện ít bữa  nhưng thế nào chân anh lại tìm ra đúng hiệu sách có bày bán bộ sách quí hiếm kia. Giá đâu lên tới hơn tám triệu. Ngẩn ngơ đi đi lại lại mấy lần sau anh liều quyết định đếm tiền trả để lấy bộ sách. Vậy là chỉ còn gần triệu bạc đem về mua mấy thùng mì ăn liền thay cơm.

        Khác với nhiều người mua sách,thích bầy sách để làm sang,  Trần Hoài Dương  đọc nhiều và rất nhớ. Đến mấy chục năm qua đi mà khi cần anh vẫn có thể đọc lầu lầu cả mấy trang trong cuốn “Ruôi Trâu “ hay “ Thép đã tôi thế đâý”mà anh đọc từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỉ trước. Việc này giúp anh  nhiều trong công tác biên tập, tránh được tình trạng có biên tập viên vì lười đọc, cho in cả những bài của các tác giả đã “đạo”trắng trợn của tác giả khác chỉ  in trước đó không lâu. Việc đọc nhiều còn giúp anh tìm thấy nhiều  truyện hay của các tác giả trong và cả ngoài nước, và giúp anh cho ra đời được các bộ sách biên soạn giá trị như :”Tuyển tập truyện ngắn hay thế giới viết cho thiếu nhi”,”Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam viết cho thiếu nhi”,bộ sách giới thiệu những áng văn thơ hay của các tác giả đông tây kim cổ nói về thời tiết “Bốn mùa”…mỗi bộ gồm nhiều tập,  vài ngàn trang.  Có thêm một cử chỉ rất đẹp ở Trần Hoài Dương. Lần tái bản bộ”Tuyển tập truyện ngắn hay Việt nam viết cho thiếu nhi”vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Đến  hỏi hộ các tác giả nhuận bút nhưng vì nhà xuất bản có nhiều việc phải chi gấp nên nói chưa có, lập tức anh đã mượn bảng nhuận bút từ Nhà xuất bản rồi chủ động bỏ tiền cá nhân ứng trước gửi tới những tác giả mà anh biết có khó khăn. Chính anh đã nhờ tôi giúp chuyển sách biếu và nhuận bút tới một vài nhà văn quen biết với lời giải thích: Têt nhất đến nơi, tuy số tiền cũng chẳng đáng bao nhiêu nhưng  gọi là một chút quà cho vui”.Thế đấy, tuy nhỏ thôi nhưng mấy ai đã  có được cái tâm lí và việc làm tinh tế như vậy ?

    Nửa cuối cuộc đời mình, Trần Hoài Dương gặp khá nhiều trắc trở. Nhưng bất ngờ ở chỗ,  đọc những tác phẩm của anh, nó vẫn lóng lánh những đẹp đẽ mê hoặc.    Nghiệt ngã cuộc đời từng lấy đi của anh gần như tất cả, niềm tin, tình yêu , lí tưởng mà cả một thời trai trẻ anh từng đặt hết vào những mơ mộng đó.  Dẫu vậy anh vẫn luôn dành những trang viết  của mình cho các em nhỏ và cả những ai từng đánh mất tuổi thơ của mình, gửi gắm những tâm huyết, mong tất cả hãy cứ sống hết mình vì cái đích của cuộc đời là  cái đẹp và cái thiện và lòng nhân ái.

                                 H.T.
       .
         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét