Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

TẾT NÀY HƠN HẲN MẤY TẾT QUA

                                        

                 
  
Quả thực tết này ở nhà anh “Cu Cườm “  “khí thế” lắm. Mới sáng sớm hai mươi ba, cúng ông táo về trời, anh Cu đã réo chị Cu chạy xe về chợ huyện sắm tết. Tợp ly rượu thuốc cho rần rần, anh Cu mới cao giọng phán :

                  “ Mười ký thịt heo, năm ký thịt bò, hai chục gà vịt mỗi con hai ký trở lên….Rồi năm chai rượu tây, hai chục thùng  bia lon “Con Cọp”…
                   Chị “Cu Cườm” giãy nảy :
                   “ Sao lắm rượu tây vậy ? Nửa triệu một chai lận…”
                    “ Nửa triệu chớ cả triệu cũng phải mua . Ong Bí thơ xã, ông Chủ tịch, ông công an, ông địa chánh rồi thằng điện lực…ôi chà, rồi nhà cũng phải có một chai ăn tết mừng nhà mới chớ…”
                   Anh Cu đắc ý quát to hai chữ “nhà mới” , người phừng phừng như con nghiện đang “phê”. Chứ lại không ư ? Thử hỏi nội cái làng này nhà nào “oách” hơn nhà anh nữa không ? Phòng khách nha, phòng ăn nhá , rồi phòng ngủ…phòng nào cũng chạy “chỉ”, đèn chìm, sơn nước nom cứ bóng loáng chẳng thua khách sạn Sàigòn. Lại còn đổ “ô văng”  to tổ mẹ, trên lắp đèn chùm, nền lát đá kiếng, năm chục anh ngồi nhậu vẫn còn dư chỗ ngả ngớn. Chập tối, anh Cu cho bật tất cả đèn lớn đèn nhỏ, sáng trưng cả xóm nhiều nhà vẫn leo lét đèn cầy.
  Thật chẳng ai ngờ, mới tết năm ngoái chứ đâu, chồng cuốc đất mướn, vợ cuốc cỏ thuê, con gái bưng bê cho quán cơm, cả nhà  chui ra chui vào túp lều rách, đêm đêm nằm la liệt sàn đất. Ấy thế mà đùng một cái, đổi đời còn hơn cả “sáu mươi năm đời ta có Đảng”. Nói vậy cho sang thôi,  anh Cu Cườm có biết Đảng với Chính phủ là cái gì đâu ? Đó là việc của mấy ổng, ông Bí thơ, ông Chủ tịch xã, ông nào ông nấy nhà cao cửa rộng, đất vườn đất rẫy cả vài chục mẫu. Anh Cu ngày ngày chỉ biết vác cuốc đi làm cỏ mướn, tối về vợ rót cho  xị rượu đế lai rai vài miếng khô cá là sướng nhất hạng, ti vi đài đóm chả có, sách báo lại càng không, chập tối cứ sừng sừng là lăn ra ngủ, mặc cha thiên hạ muốn xuôi thì xuôi, muốn ngược thì ngược.
 Ấy thế rồi một hôm vác cuốc đi làm về, anh Cu Cườm thấy ông địa chánh đã ngồi lù lù, chờ sẵn trước cổng. Cha này nghe đồn cứ mỗi vụ mua bán qua tay là kiếm vài chục triệu, giờ  có cả  nhà cho thuê dưới  Sàigòn, lại còn tiền tỷ gửi nhà băng. Chuyện gì nữa đây ? Lại tính mướn cuốc cỏ hẳn?
          “ Chú Bảy tìm con có việc gì ? Nhãn chú con mới “dưỡng ” tháng trước mà…”
         “ í trời…cố nội tao cũng không dám thuê mày cuốc mướn nữa….mày sắp giàu lớn rồi…”
         “ Chú xỉn đấy hả ? Con đâu có chơi xổ số…”
         “ Tao đâu có xỉn, tao nói thiệt đó. Mày sắp giàu lớn rồi đó. Cái vườn cà gần đầu làng đó, mày bán không tao mua ?”
         “ Í trời, vườn chó ỉa, trồng cà- cà chết, trồng tiêu - tiêu…đời, chú mua làm gì ?”
          “ Tao mua làm kho thôi , đâu có trồng trọt gì ?”
          “ Vậy chú trả con nhiêu ?”
          “ Của mày có 6 công, tao trả 30 triệu một công  , thành tiền 180 triệu….”
        Nguyên là mới đây Nhà nước có chủ trương cấp “sổ đỏ” cho người  có đất. Hai mươi năm đội đá vá trời, anh Cu Cường đã khai phá được một mẫu rừng hoang và một mảnh vườn vốn đất sỏi vẫn để hoang, giờ ông Phước địa chánh hỏi mua những 180 triệu thì bán phứt .
Và thế là không đầy nửa tháng sau, anh “Cu Cườm” đã có trong tay một món tiền “khổng lồ” mà dẫu vợ chồng anh có đi cuốc đất cả đời cũng chẳng kiếm nổi một góc số đó. Tiền lĩnh về xếp chặt trong  rương gỗ, ban đêm anh đặt nó ngự giữa hai vợ chồng, rồi còn buộc  giây vòng qua cả rương lẫn người, tuyệt đối không cho vợ con xớ rớ tới.
  Trước hết  anh  Cu nghỉ việc cuốc cỏ ở nhà … giữ tiền và tính toán chuyện tương lai. Chị Cu bàn :
          ” Thì cứ mua ngay chiếc xe máy lên phố huyện chạy xe ôm ngày ngày khỏi vác cuốc…”
          “Xe máy kia à  ? Mẻ một chục triệu như bỡn, rồi xăng nhớt, bảo hiểm, bằng lái, ối thôi thôi, rách việc.”
        Cãi qua cãi lại chưa ra sao, cô con gái tên Mì đã chen vào :
          “ Ba mua ngay cho con cái giường ngủ riêng, con gái lớn nằm chung với ba mẹ coi kỳ quá à …”
        Anh Cu trợn mắt :    
” Cái gì cũng đòi mua, nát hết tiền , thôi quyết định , cứ để tiền làm nhà, “an cư rồi mới lạc nghiệp “ nghe hôn ? “
Thế là hôm sau, thằng thầu xây dựng được mời tới. Thằng này nổi tiếng  “xui dại” gia chủ, tỷ như định làm một thì nó “bày đặt” thành mười, bởi thế anh Cu điều kiện :
“ Tao có nhõn trăm triệu, mày muốn làm gì làm, nếu phát sinh  tao trừ vào tiền công mày…”.
Thằng thầu cười cười :
“ Tiền nào của đó, ông có trăm tôi làm trăm, sao mà phát sinh…”
Ay thế là được ngày lành tháng tốt , anh Cu Cườm làm lễ khởi công, nhảy tót lên vai ông chủ ngày ngày ký giấy mua vật liệu, phát tiền cho thợ. Anh sung sướng nở nang cả mặt mày, quát tháo tía lia, quát chán rồi lại cười ha hả như người trúng số . Với trăm triệu, thằng thầu chỉ xây được một phòng ăn , một phòng ngủ,  không có gạch bông, ô văng , tô tường gì hết trơn. Làm được một tuần, thằng thầu  như sực nhớ ra điều gì, hớt hải chạy tới anh Cu :
“ Này ông chủ, ông không xây nhà cầu thì… ị vào đâu ?”
Nghe hai chữ “ông chủ’, anh Cu Cườm sướng rơn người, cười hề hề :
“ Thì cứ tương đại ra vườn chứ đâu. “
“ Lạc hậu rồi ông chủ ơi, ở nhà lá như trước đây , bậy ra vườn còn được, giờ ở nhà xây ai làm vầy ?”
Anh Cu Cườm ngớ ra, thằng thầu này  có lý, nhà có đàn bà con gái ai lại cứ ngồi chồm hổm ngoài vườn nhỡ có thằng nào đi qua ghé mắt vào thì…thiệt. Ừ thì làm thêm cái nhà cầu.
 Nhà cầu làm xong thằng thầu lại hỏi vậy rồi mai mốt nấu cơm đâu ? Anh Cu Cườm lại vỗ đầu, ừ nhỉ, nhà cửa hoành tráng  thế này ai lại nấu nướng ngoài vườn, khói um cả nhà, bẩn cả tường. Ừ thì làm thêm cái nhà bếp. Cứ như thế, thằng thầu dụ “ông chủ” xây thêm phòng ăn, phòng khách, 180 triệu đã hết cái vèo, tính ra phát sinh hơn chục triệu . Chị Cu lo đứng lo ngồi, suốt ngày càm ràm “ tiền không có, cứ lo bày đặt…”. Anh Cu Cườm lừ mắt :” Đàn bà con gái biết cái gì, im cái miệng cho người ta còn tính…”. Anh Cu tính rằng anh còn nguyên một mẫu rãy, mai mốt bán đi  chắc được cả đống tiền., xây một nhà chứ ba nhà vẫn cứ được, lo gì…”.
Thế là hôm sau, anh Cu Cườm lật đật cầm sổ đỏ tới nhà ông  địa chánh.  Vừa nhác thấy anh Cu bước vào, ông đã cười ha hả :
“ Lại tính bán đất nữa hả ? Tao bảo thiệt chờ sang năm ,  đường quốc lộ mở qua rẫy nhà mày, lúc đó mới bán thì có tiền tỷ …”
Anh Cu Cườm mừng rỡ :
“ Thiệt không chú Bảy ?”
“ Thiệt chứ sao không ? Tao nắm quy hoạch mờ…”
“ Nhưng con đang xây nhà, cần tiền, chờ tới sang năm lâu quá…”
“ Ô thằng này ngu thiệt ngu. Mày cầm sổ đỏ đất rẫy lên ngân hàng huyện mà vay chớ. Chờ khi sốt đất mới bán đi thì dư trả nợ  còn muốn xây gì xây, xây biệt thự, hồ bơi cũng được…”
Anh Cu Cườm được lời như cởi tấm lòng, hôm sau tức tốc mang sổ đỏ đất rẫy  đi cầm tại “Ngân hàng phát triển nông thôn”, vay được 100 triệu nữa. Vừa về tới nhà anh cho gọi ngay thằng thầu tới buông một câu xanh rờn :
“ Mày mua gạch bông Italy lót nền cho tao, rồi sơn nước, đổ bê tông ô văng mặt trước ….bao nhiêu tao chi hết…”
Thế là thằng thầu được thể “phán “ ra đủ thứ nào ô văng, nào chỉ tường, nào phù điêu, đèn chùm…Rồi khi nhà xây  xong rồi, choáng lộn vầy không lẽ đun bếp dầu hôi ? Thế là phải sắm cái bếp ga ? Rồi phòng khách sang thế không lẽ để trống hốc, phải có bộ xa lông gỗ gụ khảm xà cừ mới xứng ? Rồi bếp sáng choang vầy  phải sắm tủ lạnh chớ .  Thế là anh Cu Cườm lại đi vay nóng mụ  Mười Phân thêm 100 triệu nữa. Gọi là Mười Phân là vì cứ cho vay 1 triệu mỗi tháng mụ thu lãi một trăm ngàn. Bị cắt cổ vậy nhưng anh Cu Cườm không lo. Anh có cả mẫu đất rừng mai kia đường lộ đi qua thì có mà bán cả núi tiền. Vậy thì cứ vay đại đi. Nhà có cả đống tiền rồi, chị Cu đòi mua xe máy, anh duyệt luôn. Cô Mì đòi mua giường, xong luôn, anh Cu còn cho sắm thêm cái bàn phấn nữa kìa. Vậy mới sành điệu chớ. Quả thật đồng tiền là “sức bật của  tuổi trẻ”, chỉ vài tháng sau, trong xóm không ai còn nhận ra cô Mì nhà Cu Cườm nữa. Cổ tay cô đeo vòng vàng, trước ngực lủng lẳng cái dây chuyền 5 chỉ, quần áo cũ cô cho ông táo , sắm hết đồ mới, váy áo , giày cao gót, túi sách tay đúng mốt trên tivi.
Ngày 28 tết, sinh nhật cô Mì, anh Cu Cườm cho mở tiệc ngọt, khuân về một dàn karaoke cho bạn bè con gái hát om sòm. Hát chán lại túm tụm ngồi buôn chuyện . Cô Mì khoe mới lên Sàigòn ăn cưới, nghe nói con gái miệt vườn hổng có thèm lấy Đài Loan nữa, toàn lấy con trai thành phố không à. Cô bạn nhuộm tóc vàng, ra vẻ sành sỏi:
“ Lấy trai Sàigòn thì phải lấy ở quận có số kìa. Tỉ như Quận 3,quận 5, quận 10...Quận có chữ như Gò Vấp, Nhà Bè…thì hơn gì miệt vườn …”
Cô tô mắt xanh  cướp lời :
“ Quận có số thì ô kê rồi, nhưng mà chỉ một số thôi, Quận 1, Quận 3, cùng lắm là Quận 5 . Chứ mà lấy phải Quận hai số sang Quận 12 thì thà lấy Quận có chữ như Phú Nhuận lại chẳng hơn…”
Cô Mì lắc quầy quậy :
“ Mấy bồ hổng biết gì hết trơn. Cậu Tám Việt kiều con nhà thím Bảy mới về chơi đó. Nghe nói cậu ở Quận Cam lận. Vậy lấy chồng ở Quận có chữ là đúng  rồi. Có điều chỉ một chữ thôi…”
Anh “Cu Cườm” nghe loáng thoáng, nhảy vô góp chuyện :
“ Nè nè…tao không có gả con Mì cho Việt kiều đâu nha. Việt kiều cũng chẳng bằng Việt cộng làm địa chánh. Thấy nhà ông Bảy Phước chưa ? Bằng mười Việt kiều…”
Sáng sớm ngày mồng một Tết, nhà anh “cu Cườm” còn đang náo nhiệt bày cỗ cúng, bỗng đâu vinh dự đón đoàn đại biểu Đảng uỷ, Uỷ ban, Mặt trận Tổ quốc xã  rần rần tới chúc tết. Oi má ôi, thực là cảm động hết biết, anh Cu Cườm cuống queo quát vợ con mặc đồ mới, khui chai rượu tây, mở hộp mứt ngoại đãi khách. Đồng chí Bí thơ nói vài lời chúc tết gia đình “ Mừng Đảng, mừng Xuân , ăn tết vui tươi, hồ hởi, phấn khởi” rồi đến ông Chủ tịch xã hoan nghênh “ tinh thần làm giàu nhưng không quên xoá đói giảm nghèo, lá lành đùm lá rách” … Trong lúc anh Cu Cườm nở nang mặt mày thì hàng xóm bu đầy hàng hiên, cô Mì phải mang kẹo xúc cù là phân phát.
Đoàn quan xã về rồi, anh Cu Cườm mới đắc ý bảo vợ :
” Thấy chưa ? Còn tiếc tiền mua rượu tây nữa không ? Không có mấy chai rượu đó hả , còn lâu mấy cha mới chịu ghé…“.
Chị Cu lo xa :
“ Vậy mai mốt mình phải đóng góp quỹ “xoá đói giảm nghèo “?
“ Chứ lại không ư ? Nhà cửa sáng choang như cái biệt thự thế này  dễ thường nó tha ? Mai mốt còn khối “quỹ “. Nhưng mà nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ…Sang năm mình tính chuyện làm ăn lớn mờ…”
Làm ăn lớn chưa bàn tới, ra giêng chị Cu vác cuốc đi làm thì ôi thôi,  chủ vườn  nào cũng chối đây đẩy :” Ay chết, anh chị bây giờ thành ông bà chủ cả rồi, tôi đâu dám thuê cuốc vườn . Nhà anh chị có việc gì cho con cháu nó sang làm mướn  thì có…”. Thấy vợ lủi thủi vác cuốc về, anh Cu  cười ha hả :
” Họ nói vậy đúng quá rồi. Nhà mình đẹp nhất xóm ai lại đi cuốc mướn. ..”
“ Không cuốc mướn thì cạp đất ra mà ăn ? Rồi tiền điện, tiền ga, tiền mướn băng đĩa…lấy đâu ra ?”
Anh Cu Cườm xua tay :
“ Khỏi lo, khỏi lo…chờ Nhà nước mở đường qua rẫy, mình bán đi một mẫu thì dư cả tiền đi du lịch Thái Lan ấy chớ…’
Cho tới khi trong nhà vét sạch không còn đồng xu cắc bạc,  anh Cu Cườm mới  lững thững sang nhà ông địa chánh :
“ Chú Bảy coi có ai mua rẫy mách con bán….”
“ í trời , rẫy mày bán được mấy tiền. Liệu đủ trả nợ ngân hàng không ?”
Anh Cu Cườm ngớ người :
“ Sao chú Bảy bảo Nhà nước sắp mở đường lộ qua rẫy con…”
“  Quy hoạch thay đổi rồi, đường lộ sẽ mở qua xã khác kìa ?”
Anh Cu Cườm nổi cáu :
“ Quy hoạch  là cái đéo gì mà cứ thay đổi xoành xoạch vậy…”
“ Sao tao biết được, mày đi hỏi mấy ông trên chứ hỏi gì tao ?”
Anh Cu Cườm tê tái quay về. Anh thất thểu bước trên con đường làng lổn nhổn những phân trâu và cứt chó khô. Ấy thế rồi vừa về tới cổng đã nghe tiếng mụ Mười Phân xoe xoé :
“ Trả nợ đi chớ, tới hạn rồi…”
Tiếng chị Cu van vỉ :
“ Bà thư thư cho nhà cháu bán đất , mới vay có 3 tháng thôi chứ mấy…”
“ Ba tháng cả gốc lẫn lãi là 165 triệu, đất nhà chị đã thế chấp ngân hàng…mà đất đó ai thèm mua …”
 Anh Cu Cườm len lén đi giật lùi để tránh mặt mụ Mười. Nhưng tránh đâu cho thoát, không đầy tuần sau , trong lúc anh Cu trốn biệt trên rẫy, mụ đã cho đầu gấu tới xiết đồ, khuân đi nào tivi, tủ lạnh, xe máy….tuốt luốt mọi thứ , còn trơ lại cái xác nhà mụ cũng khoá “tách” lại, niêm phong luôn. Ngay chiều hôm đó, anh Cu Cườm đành phải dựng tạm cái túp cho cả nhà chui ra chhui vào.
Tuy nhiên trong cái rủi lại có cái may, từ ngày bị xiết nợ, vợ chồng anh vác cuốc đi làm thuê lại được các chủ đất mướn làm chứ không xua đuổi như  khi còn là “ông bà chủ” nữa. Cô Mì cũng bỏ nghề rửa chén, được bạn bè kéo lên huyện lái máy…may chờ cơ hội lấy…Đài Loan chứ không mong lấy Việt kiều ở quận Cam “một chữ” nữa. Riêng anh Cu Cườm, cứ mỗi lần nhậu lai rai, lại chửi lè nhè:” Đ.M thằng quy hoạch…”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét