Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (1)



MỘT

1.

      Thử tưởng tượng, bỗng một ngày nào đó, sau những trận mưa lớn kéo dài, tất cả các con sông đều dâng cao tới mức nước lịch sử, đúng lúc đó, sóng triều tại các cửa sông đổ ra biển cũng dâng cao nhất.
      “Trong cơ hội trùng phục có tính cách lịch sử đó, một trăm mét nước đó sẽ phủ lên làng mạc ruộng đồng, thành phố. Cầu Long Biên,Nhà thờ lớn, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn,Cột Cờ… sẽ cuốn trôi theo nhà cửa, con người, con vật, tiện nghi...
      “Thử tưởng tượng, khi cơn hồng thủy ấy  tới ...
      “Bạn sẽ làm gì ?”
      Mặc dầu trong đầu mỗi người đều loáng thoáng một câu trả lời, nhưng không ai muốn là người đầu tiên hưởng ứng đề xuất độc đáo của anh kỹ sư thủy văn ném ra trong một cuộc họp mặt vui vẻ.
      “Theo  lý thuyết  xác xuất,  nếu giao  máy  chữ cho  một con khỉ, rất có khả năng nó đánh ra được một vở bi kịch của Shakespeares. Bởi vậy, cái cơ hội trùng phục có tính cách lịch sử ấy rất có thể xảy ra. Nào, mời cô Vân, trước ngày tận thế, cô sẽ làm gì ?”
 Anh ta chỉ vào tôi, và lập tức mọi người nhao nhao lên thúc giục.
Tôi ấy ư, thú thực, tôi chưa sẵn sàng một câu trả lời nghiêm chỉnh. Cách đây vài năm, tôi có được xem một phim viễn tưởng nước Nhật chìm dưới đáy biển do một đứt gãy địa tầng, lúc này tôi loáng thoáng nhớ lại hình ảnh những chiếc ô tô, những nhà cao tầng bị sóng thần quét tung lên trời, những bà mẹ bế con, những cặp tình nhân tuyệt vọng chạy trốn trên đường phố đang chìm dần dưới làn nước hung dữ... Nếu được báo trước một cái chết như thế, thà chọn một liều thuốc ngủ còn hơn. Dù vậy, tôi sẽ làm  gì trong cái ngày trước đó ?
 Tôi liếc nhìn chồng tôi đang cười mủm mỉm vẻ như chờ đợi kết quả một cuộc thử nghiệm. Và rồi ý thức bổn phận chợt tới, anh vội tìm cách gỡ rối cho tôi như bao trường hợp khác : đỡ lấy cái làn khi tôi đi chợ về, giành lấy việc khi tôi sắp sửa lau nhà, giặt quần áo, rửa bát...
      “Tôi không ưa bàn những chuyện xa vời. Hiểm họa hạt nhân còn có xác xuất lớn hơn là cơn hồng thủy ấy. Tuy nhiên tôi cũng trả lời thay bà xã, khi cái “cơ hội trùng phục ấy xảy ra, hai đứa sẽ vét hết tiền túi... ngày ngày đi ăn đặc sản cho tới khi cái cửa hàng ấy chìm dưới đáy biển”.
      Câu trả lời của chồng tôi làm nổ ra một trận cười khiến tôi chỉ muốn chui xuống đất. Dường như cái khả năng trừu tượng hóa, suy tư bay bổng của anh đã trút hết vào công việc  nghiên cứu  các  kiểu cầu vượt sông  nên  thường ngày anh chỉ nói rặt những điều cụ thể, trần trụi và thực tế như cái câu trả lời kia. Tôi muốn kêu to lên đó chỉ là ý kiến của anh thôi, trong chuyện này, tôi không cần anh đại diện, vào lúc đó, tôi chưa biết mình sẽ làm gì, có điều chắc chắn không còn nhằm tới bồi bổ cho cái dạ dày.
Chồng tôi là một người rất lạ, anh mải sống tới mức dường như  thường quên mất trên đầu anh là cả một bầu trời vô cùng tận chứ không phải chỉ có cái trần nhà gắn đèn ống và chiếc quạt quay. Bởi vậy vào những buổi tối, lẽ ra mải mê trước màn hình tivi như anh, tôi thường bắc ghế ra ban công ngước nhìn vòm trời, ở đó vô số các chòm sao chẳng biết từ đâu tới và đang đi về đâu.
Chòm sao Kim Ngưu, chòm sao Song Mã, chòm sao Thần Nông... trong cái hỗn độn vô cùng vô tận kia, con người đã cố gắng “thiết lập một trật tự” bằng cách phân loại, vẽ bản đồ, đặt tên cho chúng, theo tôi, chuyện đó chẳng là cái gì, hãy cứ ngắm chúng trong hỗn mang, ban sơ chẳng thú vị hơn sao? Chồng tôi không hề biết tới cái thú đó, hết tivi, anh kéo tôi vào giường, và lạy trời, điều này anh không thể nào biết được, ngay cả trong những đợt sóng xung kích yêu đương của anh dâng lên ào ào , đôi mắt tôi vẫn len lén qua cửa sổ, nhìn ra bầu trời chi chít những chòm sao đang tụ hội.
Khi đã làm xong cái việc cuối cùng trong ngày, chồng tôi thường bị lôi tuột vào giấc ngủ để mặc tôi nằm trằn trọc với ám ảnh của bầu trời tôi đã ngắm nghía suốt tối. Đương nhiên, trong chuyện này, chồng tôi không có lỗi, luôn luôn anh vẫn là người đàn ông tử tế mà tôi đã chọn và đã lấy. Một căn hộ có hai phòng, một chức vụ kỹ sư, một dáng người khỏe mạnh, một tính cách tận tụy... thử hỏi cô gái như tôi có thể chọn đâu được người hơn thế nữa  ? 
Vậy là tôi đã lấy chồng  sau một  thời  “tìm hiểu” … ba tháng.  Đám bạn  xúm vào khen chê, bàn ra tán vào, thậm chí ngay tới lúc tôi ngồi vào bàn trang điểm cô dâu rồi, một cô bạn còn ghé vào tai tôi nhỏ to :
        “ Bỏ lão ấy đi, bỏ đi”
        “ Ừ nhé, tao bỏ lão ấy nhé...”
        “ Lẻn đi, lẻn ra cửa sau hãy còn kịp”
      Tôi cười và thay vì tháo cái mũ cô dâu ra, tôi cầm lấy cục son tô vào môi. Thôi nhé, vĩnh biệt chúng mày, cái đám quỷ con đang cười rúm vào nhau kia. Năm năm cùng ngồi dưới mái trường Đại học Tổng hợp văn, đú với nhau thế đủ chán rồi, bây giờ tới lúc chia tay mà đi làm... vợ.
Ngoài cửa có tiếng xe hơi rồ máy, tiếng pháo nổ đì đẹt, có người vào báo họ nhà trai đã tới xin đón dâu, tôi cuống lên vì một bên lông mày bị tô hỏng, cô bạn ngồi bên vẫn cứ cười cợt : “Lẻn đi, lẻn ngay đi...”  Ừ thì tao lẻn đi đây, lẻn cả lũ con gái chúng mày để đi tới một người đàn ông trong một căn hộ, đóng kín các cửa lại và như thế người đời gọi là “xây dựng gia đình”.
Thời con gái chẳng mấy ai là không một lần tưởng tượng đám cưới mình sau này, riêng tôi thì hiểu lắm, ít ra là với vài người tôi đã yêu và đã chia tay. Người xung quanh bảo cái tuổi Cọp của tôi cao số lắm, phải đi những ... “hai lần đò”, bạn bè thân thiết lại bảo tại cái tính cứng rắn của tôi, hiểu rõ hơn cả, thực ra chỉ riêng “những người trong cuộc”, nhưng thôi hãy để các vị đó sống êm đềm và yên ổn vợ con.
Rốt cuộc đám cưới của tôi là thế này đây. Xe hơi đưa chúng tôi chạy vun vút qua các phố, chồng tôi mặt mũi hí hửng ghé vào tai tôi nói nhỏ:
“Em yên tâm, mắt tô đậm vậy, lát nữa đứng dưới ánh đèn mới đẹp”.
Tôi giật thót tim, quả thực vừa nãy, mấy cô bạn đã quá sốt sắng tô đôi mắt khiến nó trở thành như của diễn viên ra sân khấu và lúc này đúng là tôi đang lo chuyện đó. Tôi liếc sang bên, phục lăn, anh thật thông minh , đoán được cả ý người khác. Tôi cứ lan man chuyện đó trong lúc chiếc xe hoa vẫn chạy và khi mở cửa dắt tay tôi xuống, anh lại nói một câu khiến tôi sa sầm mặt mày:
“Em đừng tưởng anh đoán đâu, anh đọc đấy, anh đọc được ý nghĩ của em đấy”.
Chao ôi còn gì kinh khủng hơn lấy phải một anh chồng lúc nào cũng như  là đang “đi guốc trong bụng” mình, mọi ý nghĩ dù thầm kín đến đâu cũng bị phơi bày, mọi tưởng nhớ tới kỷ niệm quá khứ đều bị bại lộ, và như thế chỉ có nước biến thành cây hoa hướng dương hướng về phương mặt trời duy nhất là ông chồng mình thôi.
Tôi có đọc trong sách, nghe nói ngày xưa Mỹ có đủ các máy móc tra tấn người tù nhưng chẳng có cái máy nào đọc được ý nghĩ con người. Chồng tôi khoác lác vậy thôi, nếu không anh đã nổi tiếng thế giới, đã được đưa đi khắp nơi để biểu diễn cái trò đặc biệt ấy, giống như một người đàn bà nào đó “nhìn” được bằng tay mà báo chí một dạo đã làm rùm beng. Tuy nhiên, nỗi phân vân ấy cứ bám riết lấy tôi suốt trong buổi cưới khiến tôi cứ ngơ ngơ  ngẩn ngẩn bước theo anh đi tới các bàn để nghe những lời chúc tụng, nhận những chiếc phong bì tiền, lúng búng cảm ơn làm anh phải nhắc khẽ :
      “Cười lên em, cười lên cho người ta chụp ảnh”.
      “Có thực anh đọc được ý nghĩ em không ?”
      Anh chưa kịp trả lời, chúng tôi đã tới bàn bạn bè, lập tức chúng nhao nhao lôi kéo, cười nói hỏi han, chúc tụng, thôi cứ là náo loạn cả lên.  Được thể,  mấy  ông  thợ ảnh xấn tới, bấm lia lịa toàn ảnh gái đẹp. Cô bạn lúc nãy lại ghé tai tôi :
      “Trốn đi, chui dưới gầm bàn này, trốn đi”.
      “Ừ nhé, tao để “lão ấy” lại cho chúng mày nhé”.
      “Ấy chớ, để lại cho đứa nào phải nói rõ họ tên kẻo chúng nó tranh nhau, xé lão ấy ra mỗi đứa một mảnh”.
      Cả bọn lại cười rúm vào nhau. Chồng tôi đứng ngẩn người, chơ vơ giữa bầy con gái nom cứ như  anh kẻ trộm lẻn vào nhà người ta giữa lúc đông đủ mọi người. Quả thực ngồi giữa đám bạn bè  chưa chồng con, chưa ràng buộc, nói cười hơn hớn, len lén vào đầu tôi ý nghĩ buồn rầu là chính tôi đã bị anh ta ăn trộm, mang tôi đi khỏi đại gia đình các cô gái hồn nhiên này. Rồi như sợ chồng tôi đọc được ý nghĩ, tôi vội vàng xóa ngay nó đi bằng một câu hỏi :
      “Em đố anh, Hồng Loan nói gì làm cả bọn cười lăn ra thế kia ?”
      Mặt anh chợt ngẩn, thoáng ửng đỏ, miệng lúng búng chẳng nên lời. A, hóa ra, anh khoác loác thực, đến nói ra lời cũng chẳng nghe được huống hồ đòi đọc ý nghĩ người ta. Tôi nhẹ nhõm cả người, tươi tỉnh theo chân anh đi qua bàn khác, không quên gởi lại một nụ cười vĩnh biệt... thời con gái. Đồ phản bội, quân đào ngũ... vâng, xin các chị cứ chửi em đi, rồi một ngày nào đó... tôi chợt ngẫm tới câu thơ của Hàn Mặc Tử:
            “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
            Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...”
      Thôi, chẳng còn những buổi tối hai đứa chúng tôi, con Hồng Loan và tôi, hai người hai chiếc xe đạp lang thang khắp phố phường, hoặc là dọc theo đường Cổ Ngư, ngắm trăng trong sương mù Hồ Tây, đứa nào đứa ấy buồn rười rượi mà chẳng hiểu buồn vì cái nỗi gì, hoặc là cười rúc rích trên ghế đá vườn hoa Chí Linh mà cũng chẳng có cái gì đáng cười, tự dưng thế thôi, như là mưa nắng vậy. Thế nhưng khi đã làm vợ thì chẳng còn cái gì  “tự dưng” được nữa, làm bất cứ cái gì cũng phải “hợp lý”, “lô gích”, nếu không, cái người đàn ông luôn luôn có mặt bên cạnh mình sẽ tròn xoe mắt kinh ngạc, vặn vẹo : tại sao ? ở đâu? như thế nào? nhất chồng tôi lại là nhà kỹ thuật , mọi thứ với anh đều phải hợp lôgich, đúng thủ tục, đúng quỹ đạo, cứ như những bánh xe một toa tàu trên đường ray vậy.

                                         (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét