Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (2)


                      

                     (tiếp theo)

Nỗi lo ấy đã nảy mầm trong tôi lâu rồi, từ cái ngày chúng tôi mới gặp nhau và anh rủ đi chơi giao thừa quanh hồ Hoàn Kiếm.
Lời mời của anh bất giác làm tôi đỏ mặt, tim đập rộn, chẳng khác gì nghe anh tỏ tình. Theo lệ, vào đêm trang nghiêm nhất trong năm, đêm ba mươi Tết, người Hà Nội thường dạo quanh bờ Hồ với người thân nhất. Mấy năm qua, vào dịp ấy, còn đang “bơ vơ”, tôi vẫn đi với đám bạn gái, năm nay nếu đi với anh, chẳng hóa tôi đã là người yêu của anh rồi sao.
Giá như “tụi nó” không xúm vào can ngăn quyết liệt, nhất là Hồng Loan không dọa đuổi tôi ra khỏi “hội”, chắc tôi đã từ chối ,  ngược lại, chính điều đó làm tôi nổi máu “bỗng dưng” lên, đã vậy mình sẽ đi với chàng cho tụi nó tức điên.
Anh tới tôi từ chập tối, cứng ngắc trong bộ đồ “lớn”: comlê, cravát, giày da đen. Không thoái thác được nữa, ừ thì đi, vả lại lúc này tôi cũng muốn ra phố cho mọi người ngắm nghía cái dáng uyển chuyển của tôi trên đôi giày cao gót, tà áo dài hoa đào ôm khít lấy khổ người thon mảnh và mái tóc dài buông thả trên bờ vai.
Hai đứa thả bộ ra tới bồn nước phun hình rẻ quạt gần nhà hàng Thủy Tạ. Những ngọn đèn chăng quanh hồ đã được bật sáng nom như vòng khăn quàng sặc sỡ. Anh nói say sưa về cái gì nhỉ, a... tết năm nay nóng hơn năm ngoái, thời tiết sang năm còn biến động nhiều.
 Tôi vẫn lắng nghe nhưng mắt không rời mấy đứa bé đang luồn lách qua dòng người cuồn cuộn đuổi nhau ném pháo vào nhau. Một quả nổ ngay dưới chân tôi và anh. Anh cau mặt quát đứa bé, còn tôi phá lên cười.
 “Ê, cháu ném cô chứ, việc gì  đến chú mà quát tháo?”.
Tôi kéo anh vào một sạp pháo.
“Anh cứ đứng đây nhé, em thử thần kinh xem sao”.
Tôi lùi ra xa và ném vào chân anh quả pháo hồng điều cháy xì  xì. Anh vẫn đứng như trời trồng sau tiếng nổ và làn khói xanh bốc lên quanh người.
“A... anh dũng cảm thật”. 
Nhưng sao anh lại không cười? Sao anh lại không cười cơ chứ ? Tôi thầm kêu lên và “bỗng dưng “ muốn tách khỏi anh, một mình lang thang giữa dòng người đang cười nói, như anh bộ đội kia, anh cũng đi một mình ngắm nhìn bốn phía. Anh đang nghĩ gì nhỉ ? Chắc anh nhớ đồng đội trên chốt đang vây quanh chiếc rađiô đón buổi phát thanh giao thừa, hoặc nhớ tới vợ con quê xa vì lỡ tàu anh không về kịp.
Càng gần tới 12 giờ, dòng người xuôi ngược càng đông và ồn ào, cứ như bị hối thúc bởi cái kim đồng hồ khổng lồ treo trên nóc nhà bưu điện đang lấn dần tới thời điểm trang nghiêm nhất trong năm : giao thừa. Năm mới sắp tới, đời người ngắn đi một đoạn, và thật lạ, dường như cái điều đó lại làm người ta reo vui, mừng rỡ như cất đi một phần gánh nặng.
Một chùm sáng chói lọi phát lên từ chùa Tháp Rùa, nổ bùng trên bầu trời mờ khói và ánh đèn, lập tức không gian rung lên bởi vô vàn tiếng pháo, tiếng cười, tiếng nhạc. Thời gian đã làm xong cái việc báo hiệu, người ta chìm đắm vào mừng vui quên phứt ngay cái kim đồng hồ đã vượt qua con số 12 nhẫn nại đi vào miền năm mới.
 “Chúc em năm nay gặp nhiều may mắn...”, anh nói và nhận ra rằng chẳng có lời nào lọt vào tai tôi, tệ hại hơn, dường như tâm trí tôi hướng tới cả mấy anh chàng đi đằng trước, quên biến mất anh đang đi cùng.
“Em sao thế ? anh gằn giọng, nếu không muốn đi nữa, mình có thể về?”
“ Không, em chưa muốn về, em chỉ muốn... đi một mình .”
“ Em có thể cho anh biết tại sao không ?”
 Tôi bật cười :
“Không tại sao cả, “bỗng dưng” em thích, thế thôi.”
 Anh nóng mặt :
“Không thể vô lý thế được, bất cứ chuyện gì cũng có nguyên nhân, anh có thể chiều theo mọi hành động của em, miễn nó hợp lý.”
 Đấy, nỗi lo của tôi đã nảy ra ngay từ giây phút ấy. Hai đứa chúng tôi đã trở lại bồn nước phun hình rẻ quạt, như vậy, tôi đã đi với anh đúng một vòng hồ trong đêm giao thừa.
“Em có thể đi với anh một đoạn nữa được không ? Anh có câu chuyện muốn nói”.
Tôi lắc đầu :
“Không, em nói rồi, em muốn đi một mình. Hẹn anh lúc khác, lúc khác mời anh lại chơi. “
Mặt anh thoắt tối xầm, bỏ đi, giận dỗi một cách cường điệu. Tôi buông một tiếng thở dài, rất dài và chẳng hiểu sao nước mắt lại cứ ứa ra. 
“Mua cho cháu bánh pháo đi cô, nổ giòn lắm đấy”. 
Không phải đứa bé lúc nãy ném pháo vào chân anh và tôi. Khỉ thật, tại sao tôi lại nhớ anh và tại sao tôi lại buồn ? Tôi ấn tiền vào tay đứa bé và xòe diêm đốt gần trọn bánh pháo mới quăng nốt những quả cuối cùng nổ tan tành trên mặt phố. 
Thế rồi, rất lạ, nỗi buồn của tôi bỗng dưng biến đâu mất, hệt như nó cũng tan theo xác pháo, tôi bước đi hăm hở giữa đường phố thân thuộc, hai bên, dãy nhà mở ra những ô cửa sáng, bên trong là cành đào, chậu quất và những con người đang nói cười. Tết thực rồi đấy, cả nhà chắc đang chờ tôi bên bàn ăn có bánh trưng, dưa hành, chè đậu xanh... những món suốt cả chiều nay mẹ tôi lúi húi nấu nướng. Lẽ ra tôi phải phụ giúp bà, nhưng vừa ngồi bóc được mấy  củ hành,  ruột gan tôi  đã  muốn điên lên  vì những âm thanh ngoài phố. Con phải đi chợ hoa đây mẹ ạ. Thôi đi cô, con gái lớn mà đoảng, suốt ngày mất mặt, vừa ngồi giúp mẹ chưa nóng chỗ đã chực nhảy. Mẹ tôi gắt thế thôi, lúc tôi dắt xe đạp ra, lại chạy theo dúi cho tờ một trăm, dặn về cho sớm. Bây giờ hăm hở trên đường về, tôi lại thấy thương mẹ. A, chẳng biết có vị nào xông nhà chưa, tôi là con gái, dẫn xác về khi chưa ai xông đất, mẹ tôi chửi chết.
“Mời cô lên xe, năm mới tội gì cuốc bộ dông cả năm”.
Tôi cảm ơn ông xích lô từ nãy kiên trì theo tôi, nhà tôi kia rồi, thôi năm mới mừng tuổi bác chục bạc. Chiếc xe lọc cọc vượt lên lướt qua mặt tôi cái dáng uể oải, mệt nhọc của cả xe lẫn người làm tôi không nén nổi một tiếng thở dài. Ôi, vậy mà cũng có người “kiên trì bám trụ” hơn cả ông xích lô cơ đấy. Ở trước cửa nhà tôi có một người đang đứng chờ, hẳn là từ lâu lắm rồi: Anh. 
Trông thấy tôi anh chạy tới và tôi không cưỡng được cứ mặc anh ôm chầm lấy tôi, hổn hển :
“Anh yêu em... anh yêu em...”.
Không biết vì cái gì, bầu trời trong vắt lấp lánh ngôi sao mai, niềm vui ngày tết hay nỗi buồn lẻ loi trong đêm trừ tịch, không biết vì sao nữa, tôi cứ ngửa cổ ra và mỉm miệng cười, để yên cho anh hôn tới tấp lên mặt. Và thế là xông đất nhà tôi chẳng phải chỉ có mình tôi, trong tiếng vui cười của em tôi, anh bước vào nhà như  thể là người vừa chiến thắng trong cuộc chinh phục, báo trước một ngày không xa sẽ đột nhập gia đình trong tư cách chàng rể. Mẹ tôi không nói gì hết, chỉ cười tủm tỉm. 
“Vào nhà ăn bánh trưng đi, còn  phần hai đứa đấy”. 
Cậu em đốt ngay một tràng pháo đùng. Lạ thật, hình như tất cả mọi người đều đứng về phe anh, đẩy nhanh tới cái sự kiện càng ngày tôi càng không thể lẩn trốn được nữa : Ngày cưới.

(còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét