(tiếp theo)
Tôi nói thật đấy…tôi chạy thục mạng , chạy trối chết khỏi các Phòng, các Ban , các đoàn thể trong đó nhung nhúc người đang cười nói, la hét, phùng má trợn mắt diễn kịch với nhau…Đúng đấy, tôi chạy cho nhanh khỏi cái nền văn minh chưa hề có trong 4000 ngàn năm lịch sử : “nền văn minh cán bộ” . Giờ tôi đã hiểu chính nó chứ không phải cái chuồng chồ cạnh phòng tôi đã biến tôi thành con bọ hung. Tôi chạy cho nhanh khỏi cộng đồng đó để trở về với nhân loại của tôi, văn minh của tôi : NÀNG.
14.
Phép lạ xảy ra đúng vào đêm trăng tròn, thưa đúng thế, tôi lại được nhìn thấy nàng không phải trong giấc ngủ, cũng không phải mộng du trên mái nhà mà ngay trên giường khi qua cửa sổ mở toang, ánh trăng vàng kỳ diệu làm mắt nàng hấp háy, mở ra và nàng ngồi dậy nở ra một nụ cười tuyệt điệu.
Tôi muốn hét to lên, bế bổng nàng chạy bay ra bờ sông nơi hai đứa đã ngồi nhỏ to suốt một buổi tối trước ngày tai họa nhưng ông bà Đ. đã xô cửa chạy vào, vây quanh nàng khóc lóc, mừng mừng tủi tủi.
- Con ơi, con tỉnh lại, trò chuyện nói năng với bố đi, bố ăn năn, cắn rứt vì tội lỗi bố đã gây ra bây giờ con phải gánh chịu, con sống lại đi không bố đến chết theo con mất thôi…
Ông Đ. bật khóc và kể lể làm bà vợ phải gạt ra, quát khẽ :
- Ô hay, con nó tỉnh rồi sao ông nói năng gở miệng thế, ông xích ra tôi cho nó uống cốc sữa.
Nàng ngoan ngoãn uống hết và chẳng nói năng gì, nàng gạt mọi người, lặng lẽ đi tới cửa sổ đăm đăm nhìn lên trời như chờ đợi một cái gi ở trên ấy. Tôi ra hiệu cho ông bà Đ. lui khỏi phòng và tôi bước tới ôm lấy nàng, thủ thỉ bên tai, van nài nàng hãy nói đi, nói đi dù chỉ là một tiếng thôi. Nàng ngoan ngoãn ngả đầu lên vai tôi vòng đôi tay mềm mại lên cổ tôi, nhìn sâu vào mắt tôi với vẻ dịu dàng, thân thiết như xưa nhưng tuyệt nhiên nàng vẫn không thốt lên một lời. Tôi lại van nài nàng nói đi và rồi chẳng cần biết nàng có nghe hay không, tôi thì thầm kể lể bên tai nàng về những gian truân tôi trải qua, về nỗi thương nhớ nàng, về dự định làm đám cưới mai sau khi nàng lành bệnh… Tôi cố nói thật rõ ràng, rành rọt, tuy thế, chẳng có vẻ gì là nghe được, nàng vẫn mơ màng nhìn tôi, miệng he hé và cứ đứng nguyên vậy cho tới lúc trăng tàn nàng lại ngủ thiếp đi trên vai tôi và tôi hiểu rằng nàng lại chìm đắm vào cõi mộng mơ của riêng nàng cho tới tối mai khi trăng lên. Tôi bước ra phòng ngoài bắt gặp ánh mắt tuyệt vọng của ông bà Đ. và hiểu ngay rằng cả hai đã không bỏ sót một hình ảnh nào giữa hai chúng tôi trong suốt lúc còn trăng.
- Em nó lại ngủ rồi hả ?
- Dạ vâng.
- Nó có nói được câu gì không ?
Câu hỏi tuyệt vọng của ông Đ. đâm nhói trong tôi, tôi không nỡ dối ông và cũng không dám để ông biết sự thực, đành im lặng, nắm lấy đôi tay gầy guộc :
- Bác yên tâm, cháu tin chắc dần dà cô ấy sẽ khỏi bệnh.
Ông Đ. nhìn tôi trừng mắt :
- Nhưng nó mắc cái bệnh gì ? Chẳng phải cái bệnh gì hết, đúng không ? Chẳng qua trời quả báo đấy thôi…
Ông lại rền rĩ kể lể làm bà vợ phải gắt lên lặp lại cảnh bấy nay thường diễn ra từ sau ngày nàng lâm bệnh. Tôi chẳng biết sao đành ngồi hút thuốc, im lặng chờ đôi vợ chồng già qua được cơn dằn vặt. Càng ngày tôi càng nhận ra cả hai ông bà đều có những dấu hiệu khủng hoảng thần kinh mà chắc chắn chỉ sự hồi phục của cô con gái mới chữa được cho họ.
Tuần trăng qua nhanh với những đêm hạnh phúc bên nàng dẫu rằng sự giao cảm giữa hai chúng tôi không vượt quá ánh mắt và nụ cười. Bây giờ, khi mặt trăng đã khuất phía bên kia địa cầu, dường như nàng cũng bỏ tôi đi theo tới đó để lại cái phần xác chìm đắm trong giấc ngủ.
Trong những đêm như thế, tôi bỗng trở nên thừa thãi thời gian và một tối sau khi đã lang thang chán chê trong các phố quen nhẵn, tôi ghé quán cà phê vợ chồng bác sĩ Trịnh.
- Đàn bà là mật ngữ lớn nhất của nhân loại..
Hắn thở vào tai tôi và sợ rằng tôi chưa rõ, hắn cắt nghĩa :
- Nàng không cho tớ nghỉ một đêm nào cả, không phải nàng cần tới mức thế đâu, cái chính nàng không muốn tớ đem “ của nhà” đi cho “ Thiên hạ”. Nàng ghen kinh khủng, ghen cả với thời tớ sống với vợ cũ nữa có vô lý không ? Ấy thế mà chính nàng…
Hắn im bặt khi nàng “ ngựa vía” khệ nệ bước tới, tôi hoa cả mắt không hiểu mình có nhìn nhầm chăng, trước tôi là một bà chủ loè loẹt son phấn, bệ vệ trong chiếc áo bầu, thoắt quát người làm, thoắt lại cười cợt :
- Lâu lắm anh không tới thăm tụi em. Anh Trịnh ra phụ với chúng nó khiêng cây đá vào đi. Nhà em bây giờ càng ngày càng lười nhác anh ạ, ngồi đâu cứ muốn ngồi chết đấy, em thì chạy ngược chạy xuôi, lúc đông khách phải phụ cả bưng bê nữa, ấy thế mà ông chồng cứ ngồi nhấm nháp cà phê mọc rễ ra ở ghế. Anh bảo thời buổi này kiếm được đồng tiền có dễ đâu. Mai kia em còn phải nằm chỗ nữa chẳng hiểu rồi xoay xở ra sao…
Tôi rùng mình nghĩ tới cái giá Trịnh phải trả khi nghỉ ăn 70 phần trăm lương cơ quan, nằm nhà ăn… 100 phần trăm lương vợ. Trên đời chắc hiếm có người vợ giàu có nào lại nuôi chồng một cách vô tư, nàng “ ngựa vía” và cả nàng Ánh Tuyết mà Cẩm Lai cứ khăng khăng bắt tôi phải lấy, dứt khoát nằm trong số đó. Ôi chao ôi , thà ăn cơm muối của mình còn hơn gặm cái đùi gà vợ cho với thân phận "tri ân" như anh chàng Trịnh . Lạy trời đã giun giủi tôi tới thăm vợ chồng này để tỉnh táo tránh xa nàng Ánh Tuyết với viễn ảnh như thế một khi tôi vẫn chỉ có mức thu nhập còm của một anh chàng kỹ sư bàn giấy. Nàng “ ngựa vía” chẳng hề biết tôi nghĩ gì, cứ hể hả kể lể chiếc kính gọng vàng đã sắm cho “anh Trịnh em”, bình rượu rắn đủ bộ ngũ xà mới ngâm, chiếc áo pull những non nửa chỉ mới may cho “anh ấy”.
Chẳng còn thiếu gì, sướng gấp mười lần so với thời vợ cũ, ấy thế mà mặt mũi lúc nào cũng rầu như dưa mới lạ. Không, không phải anh ấy luyến tiếc vợ cũ đâu, thoát được nó anh ấy đổi đời mà, chính miệng anh ấy nói thế. Em mới hỏi thẳng vậy thì anh buồn vì cái nỗi gì, anh ấy chỉ cười hề hề : không, buồn gì đâu, anh đang vui như tết đây này. Đàn ông các anh lạ thực.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét