Sau khi đưa lên blog bài “Trần Hoài Dương- chuyện chưa biết” của Huy Thắng, nhiều viewer gọi điện tới yêu cầu còn chuyện gì chưa biết về Trần Hoài Dương thì kể nốt ra. Vậy thì " tôi xin kể nốt…không phải “chuyện con voi” trong bài đồng dao “con vỏi con voi…” mà kể nốt…chuyện Trần Hoài Dương.
Những năm đầu 1970 ở Hà Nội, Trần Hoài Dương thân với Hoàng Hưng đến mức hai người tiễn tôi đi B tại ga Hàng Cỏ cùng đội mũ tai bèo, cùng mặc quần áo mầu xanh rêu vào buổi tối ngày 23 tháng 9 năm 1973 , ngày mà người ta vẫn hát “ mùa thu này…ngày 23…ta ra đi…”. Sau này, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh đôi bạn thân tình vào đêm Hànội vào đầu thu lành lạnh đó.
Hai năm sau, Hoàng Hưng chuyển vào Sàigòn ngay sau năm 1975, tôi mãi 1980, Trần Hoài Dương vào sau cùng năm 1982. Một hôm Trần Hoài Dương bổ đến tôi , rụng rời :
“ Hoàng Hưng bị bắt ngoài Hà Nội…”
Tôi ngớ người :
“ Bắt Hoàng Hưng ? Bắt về tội gì ?”
Phản động à ? Không phải, Hoàng Hưng làm thơ tránh rất xa chuyện thời thế. Cùng lắm là bóng gió xa xôi như bài thơ “ Chờ đợi gió thu…” gợi ra sự chờ đợi vô vọng trong không khí oi bức. Đó là “tán rộng” ra thôi, chứ bài thơ khá hay này chẳng có ẩn ý chính trị gì . Vậy Hoàng Hưng bị bắt về tội gì ? Trần Hoài Dương lắc đầu :
“ Chịu…mình cũng chẳng biết. Thôi, tốt nhất là hai thằng kéo tới nhà Hoàng Hưng lục lọi xem có tài liệu gì “phản động” thì cất đi , thế nào vài bữa nữa nữa công an cũng tới khám nhà…”
Thế là tôi và Trần Hoài Dương tức tốc phi ngay tới nhà Hoàng Hưng lục tìm trong giá sách, tủ sách, tuy nhiên chẳng có một tờ giấy nào ghi tới một chữ gọi là “phản động”. Ít lâu sau, Trần Hoài Dương gặp tôi báo tin :
“ Hoá ra Hoàng Hưng bị bắt vì cầm bản thảo tập thơ “Về kinh Bắc” của Hoàng Cầm sau khi đi Hải Phòng tìm mua sách cũ trở về Hà Nội…”
Tôi chợt kêu lên :
“ Thôi chết rồi…sinh ư nghệ…tử ư nghệ thật rồi…”
Trần Hoài Dương ngớ người :
“ Cậu nói thế là sao ?”
Tôi thong thả cắt nghĩa :
“ Hoàng Hưng vốn có tài … đi buôn chẳng kém gì làm thơ. Mới vào Sàigòn đã buôn máy ảnh, giấy ảnh, máy Akai, thùng loa rồi tự điển, sách cũ. Kỳ này ra Hà Nội , đi Hải phòng tìm mua bộ tự điển Britanica. Từ buôn sách cũ dấn lên buôn bản thảo khác gì buôn hàng quốc cấm nên mới chết …”
Trần Hoài Dương gật gù :
“ Chắc cậu muốn đưa tập thơ “ Về kinh Bắc” của Hoàng Cầm ra nước ngoài in. Thảo nào thuê cả cụ Văn Cao vẽ bìa. Hoá ra Hoàng Hưng bị bắt không phải do làm thơ “phản động” hoặc hoạt động chính trị mà do đi buôn bản thảo ? Thế mà mình cứ sợ , chưa chi đã chạy đến nhà hắn lục lọi coi có viết gì “phản động” không ?”
Sau này nghe nói vào tù Hoàng Hưng “thành khẩn” vượt yêu cầu nên “ưu tiên” được làm Trưởng đại diện tù nhân, chuyên ngồi trình bày báo tường, sau Hoàng Hưng đến lượt Phan Đan “xộ khám” và khi ra tù Hoàng Hưng hỏi tôi một câu bất ngờ :
“ Tớ vào đó cứ chờ cậu…tưởng thế nào cậu cũng vào …”
Ôi chết cha…mình có viết lách gì “phản động” đâu nhỉ ? Chắc cha này khai báo ghê gớm lắm nên chắc mẩm mình phải vào theo hắn.
Hai tháng sau ngày Hoàng Hưng bị bắt, Trần Hoài Dương tới tôi nhăn nhó :
“ Chẳng biết Hoàng Hưng khai gì về mình mà công an văn hoá có giấy triệu tập tớ lên trụ sở ở Nguyễn Trãi này…”
Tôi cười cười :
“ Cả tớ cũng có giấy triệu tập mời ông Nhật Tuấn đây…thì cứ lên coi sao !”
Hai năm sau ngày Hoàng Hưng ra tù, Trần Hoài Dương hình như giận Hoàng Hưng sao đó, đến tôi ca cẩm :
“ Cậu Hưng có phải tù chính trị quái đâu, bởi vậy giờ được đưa lên làm Trưởng ban văn hoá văn nghệ báo Lao động chủ nhật kìa…”
Tôi gật gù :
“ Hồi này nhà thơ Hoàng Hưng ký tên Thuận Thiên viết xã luận “ hồ hởi phấn khởi “lắm, như Nô-en mới rồi, cậu viết “nô en là no ấm yên lành..hồi chuông vang vang…no ấm yên lành, no ấm yên lành…”
Cả tôi và Trần Hoài Dương cùng cười ha ha.
Hồi còn “hàn vi” ngoài Hà Nội, Trần Hoài Dương cũng thân với nhạc sĩ Dương Thụ lắm. Vài tháng trước khi mất, Trần Hoài Dương tới nhậu ở nhà tôi, tâm sự :
“ Dương Thụ nó mở quán “Càphê Mưa” thỉnh thoảng tụ tập văn nghệ sĩ và kỳ nào cũng mời mình tới dự …”
Tôi tấm tắc :
“ Vậy nó quý cậu lắm đấy. Chẳng bù cho tớ, chẳng bao giờ nó mời…”
Trần Hoài Dương cười khì khì :
“ Mời Nhật Tuấn có mà nó dẹp tiệm. Nó phải chọn toàn “văn nghệ sĩ”,”trí thức” quốc doanh thôi chớ. Ngay cả tớ giờ nó cũng cho ra rìa , không mời nữa rồi..”
Tôi ngạc nhiên :
“ Trần Hoài Dương mà không mời thì còn mời ai ?”
Trần Hoài Dương cười cười :
“ Chắc tại tớ chửi nghị sĩ Dương Trung Quốc ngay trong nhà hàng Lotus của thằng Lân kính, rồi lại chẹn họng đồng chí Ba Đua , Phó Bí thư thành uỷ trong cuộc họp với các nhà văn trước khi đi đại hội nên nó sợ…”
Tôi bật cười :
“ Vậy thì đúng rồi. Chẳng hạn khi Dương Thụ mời nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng hay nhà lý luận Lê Quang Trang tới quán, ông lại nổi máu điên đốp vào mặt người ta một câu nổ đom đóm mắt thì nó …chết đứng. “ Cà phê Mưa” là nơi làm ăn của nó mà…”
Trần Hoài Dương không nói gì, mặt hơi buồn. Đang uống rượu, bất chợt anh gục mặt xuống bàn, lát sau mởi ngẩng đầu lên. Tôi hoảng sợ :
“ Hoài Dương có sao không ?”
“ Không sao đâu. Thỉnh thoảng mình cứ thấy chóng mặt rồi xung quanh cứ quay tròn, quay tròn…”
Tôi kêu lên :
“ Ấy chết …Hoài Dương phải đi khám coi nó là cái bệnh gì…”
Hoài Dương lắc đầu :
“ Mình hay bị thế lắm nên quen rồi, khám làm gì, tốn tiền…”
Thật không ngờ nó là dấu hiệu báo trước sự ra đi đột ngột của anh chỉ vài tháng sau.
Rạng ngày 8-1-2012
Rạng ngày 8-1-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét