Cuối cùng thì tôi cũng đã lấy lại được bình tĩnh để lên tiếng giảng bài mặc dù tôi biết lúc đó sẽ chẳng còn có đứa học trò nào để tâm tới :
“Tiêu cự của Thấu kính thì tỷ lệ nghịch với độ Hội tụ nếu gọi độ Hội tụ là C, tiêu cự là f thì ta có C bằng 1 trên f ...
Vừa lúc đó thì một cô giáo trong Tổ Vật Lý của tôi xuất hiện ở ngay cửa lớp. Những con mắt của đám học trò đang nhìn hình vẽ trên bảng đen bỗng dồn hết cả ra phía ngoài. Tôi cũng quay ra nhìn. Hẳn ai cũng trông thấy trên tay cô cầm một xâu cá vì cô vừa cầm vừa giơ cao nó lên. Tôi không nhận ra được đó là thử cá gì, nhưng vẻ mặt hí hởn của cô thì tôi thấy rõ. Cô làm cứ như mình vừa trải qua một cuộc đấu tranh mà phần thắng đã về mình. Bây giờ thì cô vừa giơ xâu cá lên cao rồi lại làm một cử chỉ nhử nhử như hàm ý để cho tôi biết rằng " Phần cá của thầy đây ! Ngon nhất đấy nhá !".
Nhã ý của cô không khiến cho tôi vui vẻ được chút nào Lòng tôi lại bỗng còn nhen nhúm một sự bực bội nữa ấy chứ. Tôi có nhờ vả gì cô đâu mà sao cô tự ý sốt sắng đến vậy. Đã thế, cô còn du tôi vào một tình trạng khó xử. Tôi đang giảng bài. Lóp học của tôi đang thơm tho mùi phấn trắng. Tôi sẽ phải làm gì với xâu cá tanh tưởi mà cô đã sốt sắng mang tới, lại bầy ngay ra trước cả trăm con mắt học trò đang hau háu nhìn ra.
Cái đồ nhanh nhảu đoảng ? Tôi hậm hực thoáng nghĩ về cô như thế. Nhưng tôi không thể giận cô. Rõ ràng cô là một người tốt bụng. Cô đã vì tôi mà mua thêm việc chứ có đòi chia chác phần cá này bao giờ đâu. Hẳn cô giờ trước đây, trong khi chia cá cho mọi người, cô đã thay tôi lãnh phần, mà chắc chắn không phải là thứ cá dư thừa dồn lại cho những kẻ hẩm hiu vắng mặt. Đã thế cô lại còn sốt sắng mang tới tận lớp cho tôi để tên tôi khỏi bị tiếp tục réo gọi trên loa. Thế thì rõ ra mình là đồ vô ơn nên mới chê trách cô như vậy !
Loay hoay với những ý nghĩ đó trong đầu, rồi cuối cùng tôi cũng đành phải bước ra nhận xâu cá và cất lên một lời cám ơn cô, nghe rất nhạt nhẽo. Chắc cô cũng đã thấy vê mặt khó đăm đăm của tôi lúc đó, nên thẩy xâu cá vào lòng bàn tay của tôi xong là cô quay ngoắt đi thẳng, không bình luận thêm một lời về công khó của mình nữa.
Khi cô giáo đã đi khỏi rồi, tôi mệt mỏi tay cầm xâu cá chân bước lên bục giảng. Đột nhiên cả lũ học trò cùng ùa lên cười, xen vào đó, tôi còn nghe thấy cả những tiếng vỗ tay. Tôi đột nhiên biến thành một thứ diễn viên hề đang ra mắt khán giả trên sân khấu. Vào cái giây phút này, bài giảng Quang Học về Thấu Kỉnh chẳng có liên hệ gì tới xâu cá tôi cầm trên tay. Tôi có cảm giác như mình vừa bị đẩy tuột từ vai trò của một thầy giáo nghiêm chỉnh xuống vai trò của anh đứng bán xâu cá ngay ở giữa chợ trời ? Còn bọn học trò thì chắc chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa hay dè bỉu gì về cái chuyện ấy đâu. Chắc chúng nó chỉ thấy vui. vui khi thấy ông Thầy đang đứng trên bục mà tay lại cầm xâu cá, một hình ảnh trái khoáy so với dáng vẻ nghiêm chinh của thầy mọi ngày. Có lẽ trong cả cuộc đời lấm lem cùng bụi phấn, cả Thầy lẫn Trò chúng tôi chưa bao giờ lại bị nhập vai trong một pha như thế này, trên bục giảng và trong lớp học.
Thế rồi "Niềm vui" của lũ học trò bỗng đem lại cho tôi một ỷ nghĩ bất cần. Tôi chẳng còn ngần ngại hay giữ gìn ý tứ gì nữa. Cầm xâu cá trên tay, tôi cũng giơ lên cao cho cả lớp nhìn thấy. Bây giờ thì tôi nhận ra đó là một xâu độ 4, 5 con cá bạc má có vẻ còn tươi vì máu cá còn dính đỏ trên sợi lạt buộc. Qua sợi lạt buộc, tôi cũng thấy cả gần trăm con mắt của lũ học trò đang đổ dồn vào xâu cá Một đứa lên tiếng:
- Cá còn tươi đó thầy !
Một đứa khác ngồi ở cái bàn gần xế chỗ tôi đứng cũng lên tiếng:
- Xâu này đem chiên giòn với mỡ thì phải biết ! Hết cỡ !
Tôi bỗng liếc mắt về phía nó. Nó là một đứa học trò trước đây cũng thuộc loại hiền lành, ít nói rất chăm chỉ học hành. Tuy nhiên dần dà tôi nhận biết được sự đổi thay trên nét mặt của nó. Xanh xao hơn. Vêu vào đi. Cặp mắt đôi lúc thấy thất thần. Đó là dấu hiệu của những cơn đói Không chỉ một đôi lần mà hẳn phải là triền miên. Cho nên điều ước ao mà nó vừa nói ra, không phải chỉ là một câu nói vui đùa. Trong đầu nó hẳn đã nổi lên những cảm giác thèm thuồng khi nghĩ tới những con cá chiên mỡ cháy xèo xèo trong một cái chảo gang để trên lò lửa đỏ. Khuôn mặt của tôi bất chợt cũng thấy nóng lên. Tôi vụt hít một hơi thật dài để dằn một cơn giận dữ bỗng dưng nổ bùng lên trong đầu óc của tôi. Cái xã hội này, cái ngôi trường này từ ngày đổi thay sao đầy vô cảm đối với mọi thứ bất toàn đang hiện lên đầy dẫy ở chung quanh. Rồi cải số phận trớ trêu nào đã bắt tôi phải trực diện với một hoàn cảnh trái khoáy, tay cầm phấn, tay cầm xâu cá ở ngay trên bục giảng vốn là chỗ đứng quen thuộc của tôi từ bao nhiêu năm nay. Qua sợi dây lạt buộc, tôi nhìn lên bảng thấy cái hình vẽ ký hiệu Thấu kính Hội tụ với nhĩmg tia sáng chạy song song với trục chính, sao trông nó cũng giống như hình thù của mấy con cá này.
Cuối cùng tôi cũng đành phải buông xuôi. Thôi thì dù Cá hay Thẩu Kính vào lúc này cũng đều như bị cào bằng, cũng giống như ngoài xã hội mọi thứ cũng đều đang được cào bằng như nhau. Thế là tôi thản nhiên treo xâu cá vào một cái móc ở ngay dưới tẩm bảng đen, cái chỗ mà lớp vẫn dùng để treo giẻ lau bảng. Tôi nghe thấy đám học trò lại đang rúc rích cười. Nhưng tôi vẫn cầm cục phấn và cất to giọng :
- Các trò lấy giấy bút ra làm bài tập. “Cho một thấu kính có tiêu cự là 25 centimét... . Vẽ đường đi của một chùm tia sáng song song với trục chinh. Tìm độ Hội tụ…”
Và vừa ngay lúc đó, tiếng kẻng chợt vang lên. Báo hiệu đã hết giờ học.
3
HỌC SINH CÁ BIỆT
Học sinh cả biệt là loại học sinh vừa kém, vừa lười , nhiều đứa lại bướng bỉnh, khó dạy. Thế cho nên nhà trường mời nẩy ra nhu cầu "phụ đạo", tức là phải dạy thêm giờ cho các học sinh yếu kém này.
Tôi và hai giáo viên thuộc bộ môn khác được giao phó phụ đạo một lớp gồm hơn mười đứa. Đây là đám học sinh được gom lại từ nhiều lớp học khác nhau, nhưng chúng ở cùng một trình độ, tức là có chung một cấp lớp. Một cô giáo ghé vào tai tôi nói nhỏ :
- Cái đám quỷ sứ này toàn là những thứ đội sổ ở nhiều lớp được gom lại đây. Thầy coi chừng bị chúng nó ăn thịt?
Tôi mỉm cười :
- Cô hãy lo phần cô trước. Bề gì thì chúng nó cũng là học trò cả mà.
Cô ta bĩu môi quay đi, nhưng tôi cũng kịp nhìn thấy vẻ mặt lạnh tanh của cô. Hồi trước, khi ngôi trường này chưa bị tiếp thu, cô vốn là người khó tính và rất nghiêm khắc với học trò. Nhưng bây giờ tôi tự hỏi cái tính chất ấy của cô có còn tồn tại được ở ngôi trường mới mẻ này không. Niên học vùa rồi, vào dịp cuối năm, tôi đã thấy lũ học trò cho điểm các giáo viên và nạp cho Bí thư Chi đoàn để tuân theo lệnh không bằng văn bản mà chỉ bằng sự rỉ tai. Ngoài phiếu điểm ẩy ra, có thể còn vài ba đứa khác âm thầm theo dõi thầy , cô để báo cáo ngầm với Ban Giám Hiệu nữa. Tôi thầm mong cái lũ chỉ điểm này sẽ chỉ toàn là những con em cán bộ chứ không phải là những đứa học trò đã từng theo học ở đây từ nhiều năm về trước Học sinh miền Nam không có thói quen rình mò thầy cô như một thứ chỉ điểm, nhưng rồi trong hoàn cảnh này không biết chúng còn giữ được những phẩm chất đó trong bao lâu nữa.
Lớp cá biệt của tôi tuy có hơn mười trò, nhưng tôi lại chỉ đặc biệt chú trọng đến có hai đứa..Một thằng trạc mười lăm, mười sáu, nước da đen đủi, đầu tóc bờm sờm và quần áo đã rách rưới lại còn hôi hám đến kinh người. Nó tên là Sơn, theo giấy tờ xin học thì thấy ghi nơi sinh là Đà Nẵng, bố chết, mẹ làm nghề bốc vác ngoài chợ, không có anh em chị em nào khác. Ngồi bên cạnh nó là thằng Tửu, ít tuổi hơn nó, quần áo tề chỉnh hơn, nhưng tính tình cũng rất bậm trợn, nom nó rõ ra là con của một cán bộ ở ngoài Bắc được gửi vào.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét