Cái khó nhất trong kế hoạch của bà Phu nhân là trả phòng khách sạn khi ông thày nhân điện đã ra người thiên cổ. Không lẽ bà xách cái va li to tướng xuống trả phòng thay ông ? Vậy ông đâu ? Lòi đuôi là cái chắc. Rất may , từ khi tới khách sạn ông Ba Tạ cứ nằm lì trong phòng, mọi cái ăn cái uống đều gọi điện cho nhà hàng bưng lên hết, ông khỏi đi đâu; tiếp tân lại có năm bảy kíp, khách ra vào nườm nượp ai nhớ được mặt mũi ông ra sao ?
Bởi thế ngay trong lúc bà đang cưa nhỏ ông chia vào nhiều túi ni lông, gã thư ký đã chạy đi tìm người hao hao giống thay ông tới trả phòng. Vốn quen chạy đủ việc lớn nhỏ hầu Chủ tịch tỉnh, với gã chuyện đó chẳng có gì khó. Trở về khách sạn gã thuê ngay xe máy dạo vòng vòng qua chợ lao động, hay còn gọi chợ “người”, ngắm nghía đám người lam lũ tụ tập dưới gốc cây và hai bên vỉa hè. Lát sau, gã đã nhận ra một người đứng tuổi hao hao ông chú xấu số . Gã chỉ tay :
“ Ông kia …”.
Như có cái remote trỏ vào người, lập tức ông ta nhào tới :
“ Có tôi đây…”
Ông ta trẻ hơn thày nhân điện chừng vài tuổi, mặt cũng xương xẩu, đầu hoa râm, chỉ khác cặp mắt sáng rực. Gã thư ký gật gù :
“ Tên gì ? Bao nhiêu tuổi ?”
“ Tên Thuộc, 55 tuổi. Anh cần thuê gì ? Đào hố, cắt cây, thợ hồ, thợ sắt….Việc gì cũng làm…”
Gã thư ký cười toét miệng :
“ Ăn cướp có đi không ?”
“ Giết người cũng chơi luôn…”
Ái chà, ăn nói bặm trợn kiểu này đúng người đúng việc rồi đây. Gã hất hàm :
“ Lên xe…”
Gã chở người đàn ông chạy thẳng tới Nhà hàng Đại Dương ngoài bãi biển. Ông ta nhảy xuống xe, nhìn vẻ sang trọng bên trong, hỏi thẳng :
“ Thanh toán thằng nào trong đó hả ?”
Gã thư ký hài lòng lắm, thằng cha này còn được việc dài dài . Gã dắt người đàn ông tên Thuộc tới một bàn sang trọng :
“ Nhậu cái đã…”
“ Ừ thì nhậu…”
Ông Thuộc chẳng khách khí tý nào, xắn tay áo lột cua rang muối, bóc vỏ tôm hấp bia ngấu nghiến như đói đã lâu. Khi gần hết chai rượu tây, thức ăn trên bàn tiêu đi một nửa, ông ta nhìn quanh :
“ Anh muốn thanh toán thằng nào ?”
Gã thư ký cười ha hả :
“ Không không, không thanh toán thằng nào, cũng không cướp của giết người, tôi chỉ muốn nhờ ông một việc nho nhỏ. Đây, tạm ứng trước năm triệu…”
Mắt ông Thuộc sáng lên, ông chộp lấy tập tiền nhét luôn vào túi gật lia lịa :
“ Được được, anh chơi thế này thì được, thuê tôi lên rừng bắt voi cũng chơi…”
“ Không không, không phải voi, bắt chuột thôi. Ông theo tôi…”
Gã thư ký chở ông về khách sạn, trổ tài hoá trang giống hệt thày Ba Tạ rồi nói rõ việc phải làm. Ông Thuộc cười xoà :
“ Tưởng gì ? Thế mà tôi cứ tưởng anh thuê tôi đi giết thằng nào mới bày tiệc long trọng …”
Gã thư ký cười bí mật :
“ Thì cứ xong việc này rồi tới việc đó, lo gì…”
Lúc này ở khách sạn Bãi Dâu, bà Phu nhân đã xong xuôi mọi việc. Ông Ba Tạ đã xếp gọn trong chiếc va li. Máu me dính đầy người làm bà phải tắm rửa hết nguyên một chai dầu tắm. Mọi quần áo, tư trang, giày tất…của ông đều tống hết vào túi ni lông. Phòng tắm chùi cọ kỹ càng. Mọi dấu vết xoá sạch, duy có cái mùi gì đó, lạ lắm, cứ quẩn quanh cho dù đã rảy cả lọ nước hoa đắt tiền khắp xó xỉnh trong phòng.
Bà liếc đồng hồ trên tường. Còn sớm quá, phải tối mịt người đóng vai ông Ba Tạ mới tới. Bà với chai rượu uống dở ông thày để lại, dốc ngược vào cổ họng. Ái chà, cháy cả gan cả ruột, rượu nặng thế mà ngày nào ông cũng xơi nguyên chai, đột tử không oan. Khổ nỗi bảo mãi chẳng nghe, ngăn cản quá lại sợ mang tiếng tiếc tiền, cứ kệ ông uống khoái khẩu mới ra nông nỗi thế.
Bà quay sang chỗ ông vẫn nằm. Một sợi tóc bạc còn vương trên gối. Bà cầm lên coi, tóc ông đây chứ tóc ai. Bây giờ mọi việc đã xong xuôi, nhớ lại “cái lúc đó” bà mới thấy rờn rợn. Hoá ra con người ta cũng chẳng khác gì con heo, con gà. Cũng tim gan phèo phổi y vậy.
“Trái tim anh đã giành hết cho em…”, bà nhớ lại lời ông khi cầm quả tim ông trên tay. Rõ đúng là gở miệng, nói sao y vậy. Nghĩ cũng tội nghiệp ông, chết chẳng toàn thây, mồ mả chẳng có, con cháu thắp cho nén nhang cũng không. Thôi tất cả những thiệt thòi đó là ông hy sinh vì bà, mai này bà sẽ lập trang thờ ông. Sợi tóc như một lưỡi cưa cùn cứa vào suy nghĩ làm bà nhức buốt đầu, ngủ thiếp đi. Bà lại thấy ông thày nằm bên cạnh như mọi khi .Bà nắm cánh tay ông kéo vào người, nhưng lạ quá, cánh tay rời ra khỏi ông, còn thân mình ông vẫn nằm ngây đơ mắt nhìn chằm chằm. Bà lại kéo cánh tay bên kia, nó cũng rời ra y vậy. Thế rồi cả hai cánh tay cùng giơ ra trước mặt bà . Bà sợ quá chắp tay lạy rối rít :
” Tôi lạy ông…tôi lạy ông…Tất cả là do thằng thư ký, tôi chỉ làm theo lệnh nó…”
Mặc kệ bà van xin, đôi cánh tay của ông thày Ba Tạ vẫn cứ lừng lững tiến tới giang ra siết chặt lấy cổ bà. Bà kinh hoàng hét lên:” cứu tôi với…cứu tôi với…”.
Thế rồi khi bà tưởng mình chết đến nơi, tiếng chuông cửa chợt réo lên làm bà giật mình tỉnh giấc. Bà mở choàng mắt, hoá ra nằm mơ, rõ thần hồn nát thần tính. Lão ấy đã nằm gọn trong bịch ni lông, sao giết được bà ?
Ngoài cửa có tiếng gọi khẽ :” Tôi là Ba Tạ đây, bà mở cửa cho tôi vào…”. Tiếng gọi cũng khàn khàn như tiếng ông thày nhân điện làm bà sởn gai ốc. Bà liếc sang chiếc va li để góc phòng, ổng vẫn nằm trong đó kia mà. Tiếng gọi lại vang lên hối thúc :” mở cửa đi bà ơi, thằng cháu tôi bảo tôi đến tìm bà mà…”.
Bà phu nhân sực nhớ, thôi đúng ám hiệu thằng thư ký. Vậy nó đã tìm ra người đóng vai ông Ba Tạ trả phòng. Bà mừng rỡ, quên cả khoác áo choàng, cứ váy ngủ mỏng tang ra mở cửa. Ôi chao, cái người thay ông Ba Tạ thật khác xa bà tưởng tượng, tuy cũng khổ người ấy, khuôn mặt ấy nhưng đĩnh đạc, rắn rỏi, lạnh lùng chứ không tận tình, cóm róm như ông thày.
“ Thưa bà đã sẵn sàng chưa ?”
Giọng ông Thuộc bình tĩnh, rành rọt làm bà yên tâm hẳn. Gần tới giờ định trước rồi , chỉ còn chờ gã thư ký điện thoại tới , tuy thế bỗng dưng bà nấn ná chưa muốn rời khỏi phòng :
“ Hãy còn sớm, dưới tiếp tân hãy còn đông lắm, chờ khuya khuya vắng người hẵng xuống…Ông ngồi nghỉ chút đã…”
“ Vậy tuỳ bà…”
Ông Thuộc ngồi xuống ghế châm thuốc hút. Mọi ngày bà Phu nhân cấm tiệt ông thày không được hút, bà rất ghét mùi khói thuốc, nhưng lúc này nó lại làm bà dễ chịu vì át được cái mùi gây gây rất khó chịu chỉ riêng bà cảm thấy. Ông Thuộc bày lên bàn đồ fastfood gã thư ký mua sẵn :
“ Mời bà…”
Lúc này bà phu nhân sực nhớ suốt từ sáng chưa có gì bỏ bụng, giờ mới thấy đói run . Bà nhai ngấu nghiến ba thứ đồ hộp trong lúc ông Thuộc liên tục đốt thuốc lá. Bất chợt ông chun mũi hít hít và hỏi :
“ Hình như có cái mùi gì …”
Bà Phu nhân tái mặt :
“ Mùi gì, ông ngửi thấy mùi gì ?”
“ Mùi lạ lắm…cái mùi này ngày xưa tôi cũng đã từng được ngửi thấy…”
“ Ở đâu ? Ông ngửi thấy ở đâu ?”
Ông Thuộc lặng đi giây lát rồi mới khàn giọng :
“ Ở mặt trận Huế năm Mậu Thân khi tôi đâm lê vào ngực một thằng tình nghi là điệp báo …”
Bà phu nhân lắp bắp :
“ Vậy ông là….là bộ đội giải phóng ?”
“ Hồi đó ở miền Bắc ai mà thoát khỏi đi lính ? “
“ Bây giờ ông làm tới chức gì ?”
“ Chẳng chức gì . Tôi ra quân từ lâu rồi …”
Bà phu nhân chợt thương cảm :
“ Sao thế ? Có chuyện gì thế ?”
“ Tôi phải đi tù…”
Bà phu nhân giật mình :
“ Đi tù ? Đi tù vì tội gì …”
“ Tội- giết - người…”
Giọng ông Thuộc vang lên như phát súng bắn bên tai bà phu nhân. Vừa lúc ấy tiếng chuông điện thoại vang lên giòn giã. Bà phu nhân nhấc máy. Gã thư ký báo ở quầy tiếp tân đã vắng lắm, còn lại có mỗi một cô, bà có thể đưa ông Ba Tạ xuống trả phòng . Ông Thuộc cười nhếch mép :
“ Đi được rồi phải không ?”
Ông ta nhanh nhẹn đi tới góc phòng xách lên chiếc vali, nhấc nhấc như lường trọng lượng của nó :
“ Ái chà chà…cũng phải còn tới 40 kílô, nhưng vẫn còn may…”
Bà phu nhân trố mắt :
“ May cái gì ?”
“ May là không có quả tim, không thì…”
“ Không thì sao ?”
“ Không thì nặng lắm, chẳng ai vác nổi. Tôi còn nhớ một ông nhà văn Liên Xô ngày trước đã viết rằng “trái tim con người nặng cả ngàn kílô…”.
Bà phu nhân không hiểu :
“ Ông nói vậy là sao ?”
“ À…bốc phét một chút cho đỡ căng thẳng thần kinh thôi mà…”
Nói rồi ông xách vali đi trước, bà đeo mấy thứ lỉnh kỉnh lập cập bước sau . Khách sạn không có thang máy nên chiếc vali cho dù đã được ông Thuộc xách lên nhưng vẫn cứ va loẹt quẹt vào các bậc cầu thang. Cái số ông thày nhân điện rõ xui, chết rồi còn bị hành hạ đủ kiểu. Ngẫm lại lời ông lúc mới đặt chân vào nhà ông Chủ tịch tỉnh là “vào nơi hang hùm miệng sói” mới linh nghiệm làm sao. Nếu được nhắn nhủ hậu thế dăm ba câu ắt hẳn ông thày nhân điện sẽ la lên :” tránh thật xa cái đám nhà quan ấy ra . …”.
Chỉ tiếc rút được bài học đường đời, ông đã “cát bụi lại trở về cát bụi”.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét