Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA ( KỲ 5) - nhà văn NHẬT TIẾN


   
CHƯƠNG 3                  

                       Thời điểm Sài Gòn Tết Mậu Thân - 1968

Báo Bách Khoa, số 267, Tân Niên 1968, số đặc biệt về biến cố Mậu Thân)
NHỮNG MÓN NỢ TINH THẦN

                                                   NHẬT TIẾN
Trong những ngày Sài Gòn chìm trong khói lửa, quê hương ngụp lội trong thảm khốc điêu tàn, ngòi bút của tôi đã trở thành vô dụng. Tôi không sáng tác được gì, tập bản thảo truyện dài còn đang viết dở bỗng trở nên trơ trẽn, vô duyên lạ lùng. Còn sáng tác gì nữa khi mà biết bao nhiêu sự thật linh động cảm xúc gấp ngàn lần thế giới của tiểu thuyết đang xẩy ra đầy rẫy ở chung quanh mình. Chỉ cần chứng kiến, chụp bắt và viết lại một cách thành thực là có đầy đủ một tác phẩm có giá trị sâu xa về tất cả những khía cạnh tình cảm của con người : tình thương yêu, lòng hận thù, sự sợ hãi, đức tính kiên nhẫn, can đảm và mức chịu đựng đến không ai có thể ngờ nổi. Chính vì thế mà từ vị trí của một người viết, tôi trở thành một độc giả say mê của những cây bút phóng sự đăng đầy rẫy trên mặt báo trong suốt thời gian vừa qua. Họ đã lăn lưng vào nguy hiềm để hoàn tất những dòng chữ nóng hổi, chứa chan tình nước, tình người cho người đọc. ớ những giai đoạn biến chuyển đột ngột của đất nước, hiển nhiên các cây bút phóng sự đã đóng góp một phần không nhỏ vào guồng máy sinh hoạt của quốc gia. Ở vị trí của người đọc, tôi xin nhận ở các vị đó một món nợ tinh thần.
Trong một thiên phóng  sự viết ở vùng ven đô, một tác giả kể chuyện một đơn vị VC được lệnh phân tán mỏng vào nhà các dân chúng để kiếm đồ lương thực. Có ba anh cán binh vô nhà một đồng bào. Sau khi bị xách nhiễu để phải cho họ ăn uống no nê, chủ nhà vặn Ti-vi để theo dõi tình hình. Các chú VC bỏ cả súng một nơi để ngồi chồm hổm thưởng thức một trò giải trí tân kỳ mà từ thuở bé đến giờ chưa bao giờ được nhìn thấy. Hôm đó chương trình của đài lại có mục cải lương. Tên tuổi của đoàn Thanh Minh Thanh Nga vang dội ra tới tận mật khu mà lầân này các chú mới được chứng kiến. Thành ra người bàn tán om xòm, hoan hỉ cười nói ngả nghiêng nhiều nhất lại là các chú Việt Cộng. Bầu không khí nặng nề chết chóc bỗng trở thành bầu không khí ấm cúng của những gia đình miền Nam Tự Do. Thế rồi bên ngoài súng nổ, các đơn vị của cả hai bên lại lăn xả vào cuộc chiến để dành nhau từng tấc đất, từng mái nhà, từng khu phố. Nhung ít nhất là đã có ba kẻ dửng dưng đứng bên ngoài lề . Cải lương đã hấp dẫn hơn là chiến đấu trong một hàng ngũ phi chính nghĩa, phi nhân đạo. Và họ đã hồn nhiên rời bỏ cái hàng ngũ ấy như tâm hồn giản dị và hồn nhiên của họ. Mà không phải chỉ có ba người. Tôi tin là con số sẽ thật đông thật nhiều, nếu ai ai cũng có hoàn cảnh để được đánh thức khỏi giấc mơ hãi hùng mà từ bao lâu họ bị bịp bợm. Đối với người cầm bút ở xứ sở tự do thân yêu này, bổn phận của tất cả là phải giúp họ tỉnh dậy trong giấc mơ triền miên đó. Bằng những hình ảnh thật “người” như tác giả phóng sự ở trên đã làm. Bởi vì, đối.với những con người 1 bị mê hoặc ở bên kia hàng ngũ, chúng ta cũng đã mắc một món nợ tinh thần khi nhận lãnh sứ mạng của người cầm bút.
Một nhật báo đã diễn tả cái chết của Trung tá Thiết giáp như một vị anh hùng của dân tộc, hào sảng hùng tráng và bi thương hơn cái chết của Trần Bình Trọng. Điều đó không ngoa chút nào, và ngôn ngữ của chúng ta còn thiếu sót để diễn tả lại những mối cảm xúc sâu xa của mọi người khi được nghe kể lại trường hợp cái chết cửa toàn gia đình người quá cố.
Trong những ngày biến cố lớn lao của dân tộc, còn biết bao nhiêu cái chết hùng tráng, và thảm thương tương tự. Những anh chiến sĩ, những người cán bộ, những tu sĩ hiền lành, những ký giả, phóng viên, những bà mẹ, bà chị, người cha, người chồng... biết bao nhiêu kẻ đã ngã xuống, trong biển lửa ngùn ngụt bốc lên mù mịt quê huơng khốn khổ để bảo vệ xóm làng cứu giúp những người thân yêu, gìn giữ cho non sông này, cho đất nước này một đời sống đáng sống một lý tưởng tự do đáng tôn thờ. Còn những tâm hồn cao cả đó, còn những lòng hy sinh vô bờ, vô cùng vô tận đó, thì chúng ta còn, con cháu chúng ta còn nhìn thấy ánh sáng của một ngày mai tươi đẹp. Bởi vậy, đối với người cầm bút, bồn phận là phải đội lên những tấm gương chói lòa đề tất cả toàn dân chiêm ngưỡng, thắp sáng lên những ngọn đuốc của các anh lính, hào kiệt để mọi người cùng soi đường và hãy gìn giữ những tinh thần bất khuất ấy từ thế hệ này qua thế hệ khác để nuôi dỡng sức mạnh của dân tộc. Đó là một món nợ tinh thần mà người cầm bút phải trả cho quê hương xứ sở.
                                          **
Em ơi, không ở địa vị của em, làm sao tôi biết được em đau đớn ở những chỗ nào. Nhưng nhìn khuôn mặt thơ ngây vô tội của em, rúm ró lại vì chịu đựng, tôi thông cảm được nỗi đau đớn đang hành hạ trên thân thể của em. Dưới lần bông băng trắng toát là thịt vụn, là xương vỡ, là máu rỉ, là làn da yếu ớt run rẩy, quằn quại, tôi biết, tôi thấy  và lòng tôi quằn quại. Thưa mẹ, thưa chị, xin ngừng giọt lệ xót xa, tủi nhục. Nhà cửa mẹ tan nát làm sao, con cái chị chết đớn đau thế nào, tất cả mọi người, tất cả nhân dân thế giới đều đã chứng kiến và đã thổn thức chịu tang với mẹ, với chị ở trong. Và quanh đây, trên giải đất tan nát này, ở các trường học, các bãi đất trống, các nhà thờ, chùa chiền, hay lều tạm trú, còn biết bao trẻ thơ khác, các bà mẹ bà chị, những bô lão già nua khác cùng mang chung một thảm họa: đớn đau về tinh thần, thiếu thốn về thể xác. Ôi ! Kể làm sao cho xiết được sự tan nát, thê thảm, xót xa cùng cực mà dân tộc ta, đồng bào ta phải chịu đựng sau cơn khói lửa thảm khốc, điêu tàn.
Phải vẽ lại tất cả những hình ảnh ấy bằng tim óc và bằng nước mất. Để làm hành trang quí báu cho tất cả những ai muốn tìm đến ánh sáng của Tự Do. Để bồi dưỡng cho nửa phần đất bên này thêm phần tin tưởng ở chính nghĩa mà tất cả chúng ta đang cố gắng gìn giữ. Không làm được công việc đó, người cầm bút còn mắc một món nợ tinh thần, sau biến cố thê thảm vừa qua.
Thôi xin hãy làm và ngừng kể lể. Bởi vì tới giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng này, không ai là không mắc nợ quê hương. Cầu xin cho tất cả đều sáng suốt, tất cả cùng một lòng để hàn gắn những đổ vỡ, xoa dịu những đau thương và xua tan đi bóng tối triền miên đang ngự trị trên xứ sở.
                                                                       Nhật Tiến
                                                  ( Báo Bách Khoa, số 267, Tân Niên 1968)

Quê Hương Tôi,  Đồng Bào Tôi
    
                                   ĐỖ PHƯƠNG KHANH

Tôi vẫn thích xem những phim chiến tranh để mà sợ chiến tranh hơn, thích đọc thơ phản chiến để mà mơ ước ngày quê hương im tiếng súng, thích nghe nhạc T.C.S. để mà thấy thêm yêu chuộng hòa bình.
Nhưng thật ra là dân đô thị tôi cũng chưa được thấu rõ chiến tranh. Đó đây trong trí nhớ cửa tôi chỉ thoảng qua một vài hình ảnh: Một người đàn bà đi buôn hàng chuyến dọc đường bị mìn. Cả khuôn mặt nát bấy còn lại vài cái hốc hay những mảng thịt bầy nhầy di động cố thì thào - Con tôi, các con ơi...
Hoặc bà mẹ trẻ bế con mới sinh chạy hớt hải, tới khi nhìn xuống tay thì chỉ còn lại mớ tã lót bọc trong cái chăn, con đã lọt đi từ lúc nào, bà ta chạy nguợc lại thì ra dòng người chen chúc xô đẩy đã vô tình dẫm nát đứa nhỏ. Chỉ vài ba hình ảnh vụn vặt với cái tầm kiến thức về hiểm họa chiến tranh rất nghèo nàn của tôi như thế cũng đã đủ làm tôi rùng mình ghê sợ không muốn nhớ tới nữa . Và, như những người thích thanh bần, tôi cũng không muốn dồi dào hiểu biết về mặt này. Nhưng với chiến tranh, tôi không còn có quyền muốn hay không. Nó tàn nhẫn dạy dỗ, nhồi nhét cho tôi được hiều biết. Tôi đã biết. Và tất cả dân đô thị đều đã biết, biết rõ ràng những đau đớn, thống khổ, tang tóc do chiến tranh gây ra. Bìết vào đúng lúc lòng đang phơi phới mừng xuân mới, biết vào lúc đang tung tăng trên đường đến chùa, đến nhà thờ, lúc đang điềm trang, đang nhận tìên lì xì và các cô cậu bé biết cả vào lúc đang nhí nhảnh trước gương làm điệu hiệp sĩ. Đổí lấy sự hiểu biết này bằng nhà tan cửa nát, bằng sinh mạng,bằng cánh tay, bằng cẳng chân, bằng máu, bằng bơ vơ xó chợ đầu đường ngay giữa ngày xuân.
Đây chiếc xe lam chở người đàn bà và đàn trẻ mặt mũi nhọ nhem, trong đó có một đứa mặt xanh ngắt, máu đỏ thẫm đã ngả đen bê bết trên chiếc áo sơ mi mới tinh. Một cánh tay còn nát bấy lèo nhèo thịt lẫn với vải rách. Bà mẹ mặt mày ngơ ngác kinh hoàng nhìn tai nạn chụp vào đứa con yêu quí, chỉ còn biết giữ chặt lấy cánh tay chết của con như ước mong có phép mầu gắn lại. Kia, một ông mặc complet vừa chạy vừa đẩy chiếc xe Scooter mồm la hét inh ỏi. ông ta quá sợ không giám dừng lại để đạp cho nổ máy.
Tất cả đều kinh hoảng tột độ. Họ chết, bị thương vào những giây phút bất ngờ nhất. Họ đã được yên tâm, được ru ngủ bằng lời hứa hẹn hưu chiến đầu năm. Họ đã được mời dự một bữa tiệc thịnh soạn, thiệp mời in long trọng trên giấy kim nhũ, yêu cầu thực khách mặc lễ phục, để được thết bằng một bữa tiệc có thuốc độc.
Suốt những ngày khói lửa, tôi vô dụng đối với đồng bào. Tôi không giúp được gì khi được tin chồng chị bạn tôi chết giữa ngày mồng hai Tết, sau khi từ biệt chì để vào trại chiến đấu cùng đồng đội. Chị mếu máo:
- Hôm qua tựi em hẹn nhau tối nay đến mừng tuổi anh chị. Thế mà anh ấy bỏ em rồi. Anh ấy mới còn ngáp đây mà đã chết rồi.
Tôi không làm được gì cho chị giúp việc cũ của tôi. Nhà chị cháy, chị cuống cuồng cắp hai đứa con ba và hai tuổi ra đường, chạy được vào để bế nốt con bé ba tháng thì mái nhà sập xuống. Chị tức tưởi:
- Cháu còn thấy nó dẫy trên võng. Tại đạn bắn rát quá nên mãi lúc cháy to cháu mới liều chạy ra. Cô ơi! Tội nghiệp nó quá, người nó teo lại bằng con gà quay mà bụng còn nguyên máu đỏ.
Tôi không thể làm vơi nỗi đau khổ của họ. Những lời an ủi đều vô nghĩa. Một mớ quần áo cũ, chút tiền cứu trợ có nghĩa gì với nỗi đau đớn tột cùng kia. Tất cả chỉ để cho họ được an tâm phần nào trong khi sự đau khổ đang gặm nhấm lòng họ. Nhưng cũng có những hành động đẹp như bát nước mưa mát rợi tới vào cõi lòng héo hắt của họ. Đó là những cụ già tóc bạc còn lặn lội đi hiến máu, những giọt máu của người già thật quí đối với họ, nó giữ gìn chút hơi tàn cuối đời mà cũng cố san sẻ để giúp nhân loại. Những cô cậu học sinh mò mẫm đi các trung tâm cứu trợ để giúp đỡ cho đồng bào tị nạn, các anh lái xe taxi, xe lam, xe honda, gắn máy ngược xuôi đi chở giúp những người bị nạn chạy xa chốn bom đạn và những anh lính chiến, len lỏi mò mẫm tìm đủ mọi cách tới được đơn vị, để chống giữ và đẩy lui những tang tóc đau thương đang tràn vào để chụp thêm lên đầu dân chúng.  Trong những ngày dài dặc lo âu và xúc động tôi thường nhìn những đứa nhỏ, trong trại tị nạn mà đã mất cả cha mẹ một sớm một chìêu - những đứa trẻ chẳng hiểu tang tóc đã đến, còn nhe răng cười khi thấy thằng bạn trợt chân - nhìn bà mẹ mất con mà phải dẹp đau đớn trong lòng, chen lấn để dành cho những đứa còn lại một chỗ nằm kín gió, nhìn ông già ngồi cạnh miệng cống đăm chiêu quấn điếu thuốc sâu kèn, để mà tự hỏi:
 “Liệu tôi có nghĩ đúng khi cho là chỉ cần buông súng xuống là có hòa bình hay không ? Và còn có đời sống tự do hay không? Hay sẽ là những cuộc thanh trừng tàn sát đẫm máu hơn nữa”. Tôi nghĩ..., tôi nghĩ...
                                                *
Tôi không còn muốn nghĩ gì nữa. Từ thuở bé, tôi được một ân huệ trời dành một nguồn hạnh phúc vô tận, là hằng đêm thường mơ thấy những giấc mộng đẹp. Tối lại tôi đi ngủ với hy vọng gặp mộng đẹp. Tuy nhiên, đôi khi tôi gặp ác mộng. Đại khái là một bà già hình dung cổ quái nhe răng nhìn tôi, rồi cánh tay bà vơn ra muốn chụp lấy tôi. Tôi cố chạy mà không thể được. Những cơn ác mộng của tôi thường được kết liễu bằng sự cố chạy mà không được, tôi sẽ tỉnh bằng tiếng la của chính tôi.
Cơn ác mộng đã đến với tất cả đô thị. Đến trong mùa xuân trong tiếng pháo nổ tưng bừng. Không ai có thể la để mong tỉnh lại. Chỉ còn ao ước ác mộng chóng qua gà những ngày thanh bình êm đềm cũ lại về.
Bây giờ, tôi thấu hiểu, sự an vui là của trời cho. Nhưng phải tranh đấu để giữ lấy quyền tự do thụ hưởng sau khi tang tóc đau thương chụp xuống đầu chúng ta rồi, tôi chỉ còn bìết tha thiết ước ao tất cả chúng ta, những người hiếu hòa, làm được chút gì để mà an ủi cho bao người bỏ mình vì nền tự do, bao người tàn tật, bao vợ góa con côi còn lại trên đời.
                                                                ĐỖ PHƯƠNG KHANH
                                                  ( Báo Bách Khoa, số 267, Tân Niên 1968)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét