Sinh hoạt văn hóa của NHẤT LINH
Giai đoạn cuối đời với
Hội BÚT VIỆT
và Giai phẩm VĂN HÓA NGÀY NAY
NHẬT TIẾN
Lời người viết : Bài viết này được soạn thảo trong dịp nhà văn Phạm Phú Minh và bằng hữu chuẩn bị tổ chức 2 ngày “Triển lãm và Hội Thảo về hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay” ở Nam Cali vào đầu tháng 7-2013. Những tưởng buổi Hội thảo chỉ có quy mô hẹp, không rầm rộ như sau này mọi người đã thấy, nên tôi đã đáp ứng ngay lời mời đóng góp một bài trong cuộc Hội Thảo do nhà văn Phạm Phú Minh nhân danh Ban Tổ Chức chuyển đạt, và tôi đã hoàn tất bài viết này ngay từ cuối tháng 5-2013.
Qua đầu tháng 6, nhà văn Phạm Phú Minh công bố trong vòng nội bộ toàn bộ chi tiết của hai ngày Hội thảo và cho tới lúc này tôi mới thấy sự nhận lời mời tham dự của tôi là một điều không mấy thích hợp đối với mục tiêu của Ban Tổ Chức.
Lý do : Các diễn giả trong suốt 2 ngày tổ chức đều tập trung vào chủ đề "Tự Lực Văn Đoàn" với những công trình tốt đẹp mà Nhất Linh cùng các văn hữu của ông đã thực hiện được. Đây là một nỗ lực hết sức công phu của Ban Tổ Chức và nội dung các bài phát biểu đã nêu ra được một bức tranh toàn cảnh rất đẹp đẽ về Văn Đoàn này. Như thế, bài nói của tôi về các sinh hoạt văn hóa của nhà văn Nhất Linh lúc cuối đời (buồn nhiều hơn vui, có những sự thực về tờ Văn Hóa Ngày Nay không thể không nói ra), có thể sẽ làm mờ nhạt hào quang của người đứng đầu Tự Lực Văn Đoàn mà Ban Tổ Chức muốn phô bầy.
Qua đầu tháng 6-2013, tôi đã gửi Email tới nhà văn Phạm Phú Minh nêu rõ ý nghĩ của mình và xin ban Tổ Chức cho tôi được rút tên ra khỏi cuộc Hội thảo. Nhà văn Phạm Phú Minh đã rất thông cảm với sự quan ngại này của tôi nên đã đồng ý hoàn toàn và hẹn sẽ mời tôi hợp tác trong một dịp khác.
Nay cuộc Triển Lãm và Hội Thảo về 2 tờ báo Phong Hóa-Ngày Nay cùng Tự Lực Văn Đoàn đã hoàn tất, mà theo báo chí tường thuật thì rất là quy mô và mỹ mãn. Như vậy, tôi nhận thấy cũng đã tới thời điểm thích hợp để tôi cho đăng tải bài viết của mình, sau khi bổ sung thêm vài chi tiết mà trước đây vì phải gò bó trong khuôn khổ một bài nói chuyện, tôi không thể nêu ra được hết.
Xin gọi là một chút đóng góp nhỏ nhoi về một cái nhìn riêng tư của tôi đối với những sinh họat văn hóa của nhà văn Nhất Linh khi Ông ở vào giai đoạn cuối đời. Nếu bài viết có điều chi sai lầm hay thiếu sót, tôi xin sẵn sàng ghi nhận những lời chỉ giáo của bạn đọc.
Nhật Tiến
Trong mấy năm vừa qua, người quan tâm đến công cuộc bảo tồn văn hóa bỗng rất ngạc nhiên và vui mừng khi được biết đã có nhiều nhóm thiện chí ở nhiều nơi khác nhau đang nỗ lực phục hồi những công trình ấn loát đồ sộ và giá trị của thế kỷ trước bằng cách “số hóa” những bộ báo giá trị như Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị, Phong Hóa, Ngày Nay, Tập San Sử Địa, và ngay cả bộ Văn Hóa Ngày Nay thời hậu chiến.
Thế rồi, những nỗ lực ấy, dù xuất xứ từ bất cứ nhóm nào, tất cả cũng đều được hoàn tất. Các bộ báo kể trên vốn chỉ nằm trong thư viện hay trong các bộ sưu tập cá nhân với những trang giấy nhiều khi đã ố mầu thời gian thì nay được chuyển thành từng trang báo đọc được rất rõ ràng, và ai ngồi ở nhà cũng có thể vào Internet coi được qua dạng thức mà vi tính gọi là PDF tức tên gọi tắt của Portable Document Format ( Định dạng Tài liệu Di động)
Riêng công việc số hóa toàn bộ 2 tờ Phong Hóa - Ngày Nay, vì có tài liệu trên Internet nên người đọc mới có thể biết được nhóm thực hiện, trước hết là bà Phạm Thảo Nguyên (nhũ danh Phạm Thị Thảo), con dâu của nhà thơ Thế Lữ - một trong những thành viên chủ chốt của Tự Lực Văn Đoàn. Kế đó là ông Nguyễn Trọng Hiền, quý nam của họa sĩ Cát Tường (1912-1946). Họa sĩ Cát Tường trên tờ Ngày Nay còn lấy biệt danh là Lơ-muya (theo tiếng Pháp thì Le mûr là bức tường), khi đó đã tham gia việc trình bầy và minh họa cho 2 tờ báo cùng các họa sĩ khác như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, và cả Nhất Linh ký bút hiệu Đông Sơn
Vốn là một nhà nhiếp ảnh nghệ thuật, Ông Nguyễn Trọng Hiền đã bỏ nhiều công trình cho việc ứng dụng kỹ thuật nhiếp ảnh cho toàn bộ bản số hóa này với sự góp sức về kỹ thuật của các vị như Lê Thành Tôn, Đỗ Thị Kim Dung, Lê HuyềnThanh.
Ngoài ra, trong công trình sưu tập còn có thể kể các vị khác như Martina Nguyễn Thục Nhi, Đỗ Tuấn Khanh, nhà văn Vu Gia (trong nước) và đặc biệt, có ông Nguyễn Tường Thiết, quý nam nhà văn Nhất Linh, người đã chia sẻ một tư liệu vô cùng quý giá. Đó là Di cảo viết tay “Đời làm báo” của Nhất Linh.
Khi Bộ báo đã được số hóa, coi như tài liệu đã sẵn sàng rồi, thì việc nghiên cứu nội dung của nó trên bình diện chính trị, văn hóa, xã hội cùng vai trò của nó trong thời kỳ ấy là một việc rất nên làm nếu không muốn nói là rất cần thiết.
Nhà văn Phạm Xuân Đài cùng nhóm thân hữu của ông đứng ra tổ chức một tuần lễ triển lãm Phong Hóa Ngày Nay cùng một số bài tham luận đọc trong dịp này đã là một công trình khởi đầu cho công cuộc nghiên cứu lâu dài kể trên.
Do nhã ý của ban Tổ chức, tôi được mời tham dự một bài phát biểu về Bộ báo Phong Hóa-Ngày Nay này. Tuy nhiên, vì chỉ chuyên việc sáng tác và không có sở trường trong vấn đề nghiên cứu những công trình văn hóa nên tôi chỉ xin được đóng góp phần nhỏ bé của mình dưới một đề tài khác, tuy không đi hẳn vào chủ đề chính nhưng cũng liên quan ít nhiều đến người chủ chốt của hai tạp chí Phong Hóa và Ngày Nay. Đó là nhà văn Nhất Linh khi ông ở vào giai đoạn sau Phong Hóa Ngày Nay, tức những sinh hoạt văn học nghệ thuật thời kỳ cuối đời của ông, qua hai hoạt động văn hóa: Hội Bút Việt và Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay.
Hội Bút Việt
Theo nhà biên khảo Đoàn Thêm (1915-2005), tác giả bộ sách Hai Mươi Năm Qua (1945-1964), việc từng ngày thì Hội Văn Bút Việt Nam được chính thức thành lập ở Sài Gòn vào ngày 21-10-1957.
Và đáng ngạc nhiên thay, cũng theo tác giả Đoàn Thêm thì Hội Văn Bút Việt Nam đã xin gia nhập và được Hội Văn Bút Quốc Tế chấp nhận trong Đại hội Văn Bút QuốcTế lần thứ 29 tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 2-9-1957, tức là trước ngày chính thức thành lập ở VN tới gần 2 tháng !
Ta có thể lý giải sự kiện tréo cẳng ngỗng này như sau : “ Một nhóm nhà văn, nhà báo vào thời kỳ đó đã tự động ngồi lại với nhau, lập thành một nhóm cầm bút để xin gia nhập Tổ chức Văn Bút Quốc Tế (tên gọi chính thức hồi đó là PEN Club International, với ý nghĩa PEN là cây bút, mà cũng là chữ mang 3 mẫu tự đầu liên quan đến giới cầm bút, như P = Poetes, Playwrights, E= Essayists, Editors, N=Novelists).
Hẳn cũng vì muốn dịch chữ PEN trong tên gọi mà Nhóm lấy tên là Hội Bút Việt.
Rồi sau khi được sự chấp thuận của Văn Bút Quốc Tế, Hội Bút Việt mới xin giấy phép hoạt động ở trong nước và do đó mới có ngày chính thức thành lập trễ gần 2 tháng như tác giả Đoàn Thêm đã ghi lại.
Văn nghệ sĩ thành lập Nhóm Bút Việt bao gồm nhiều cây bút lão thành. Có thể kể : Nhất Linh, Đỗ Đức Thu, Vũ Hoàng Chương, Vi Huyền Đắc, Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Hoạt, Mặc Thu, Nguyễn Thiệu Lâu, Bùi Xuân Uyên, Lê văn Siêu, Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, Phạm Việt Tuyền, Nghiêm Xuân Việt, Lê văn Hoàn…v..v…
Nhóm tự nhận mình là “Một cây cầu vòng nối hai chân trời”, đó là chân trời văn hóa dân tộc với chân trời thế giới. Trong bài nhận định đăng trên Kỷ Yếu Bút Việt (mà Văn Hóa Ngày Nay in lại), trong có đoạn nói:
“ Chiến tranh thứ hai chấm dứt. Những chân trời mới đã mở rộng ra cho những con người văn hóa chúng ta. Thế giới tự do đã dần dần tiến tới cuộc sinh hoạt cộng đồng về mọi mặt, vậy không có lý gì chúng ta chỉ thiên trọng phần tìm hiểu mà sao lãng phần tự giới thiệu. Chính vì mục đích đó mà Trung Tâm Bút Việt của tổ chức Văn Bút Quốc Tế được thành lập”.
Khi thành lập, Nhóm Bút Việt tuyên bố :
“ Nhóm không phải là một tổ chức có hệ thống chặt chẽ, có chủ trương cương lĩnh hoặc đường lối nhất định nào hết. Nó không phải là một văn đoàn, văn phái. Cũng không phải là một hội ái hữu. Bút Việt chỉ là một câu lạc bộ của các nhà cầm bút muốn gặp nhau để trao đổi ý kiến về sáng tác, về công phu tìm hiểu cũng như công phu giới thiệu”.
Như vậy trong buổi khởi đầu, Nhóm Bút Việt đã hình thành trong một ý niệm hết sức rộng rãi và tự do. Các thành viên của Bút Việt sinh hoạt như một Câu lạc bộ và không có sự bầu bán nào. Mọi chức vụ điều hành hầu như chỉ theo cung cách phân công. Theo nhà báo Hiếu Chân Nguyễn Hoạt thì nhà văn Nhất Linh nhận chức vụ Cố vấn theo lời thỉnh cầu của nhiều người và chức vụ Chủ Tịch đầu tiên của Bút Việt là nhà văn Đỗ Đức Thu. Qua năm 1959, Bút Việt đã tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần thứ 30, họp tại Francfurt (Tây Đức). Phái đoàn Việt Nam gồm có Chủ tịch Đỗ Đức Thu và một hội viên là nhà biên khảo Lê văn Siêu.
Nhân nói đến nhà văn Đỗ Đức Thu, Chủ tịch đầu tiên của Văn Bút, tôi muốn nêu lại sự kiện rằng đã có một thời, văn giới đặt nghi vấn ông có phải là một thành viên của Tự Lực văn Đoàn hay không ?
Nhà văn quá cố Đặng Trần Huân (1929-2003) trong tác phẩm “Những Người Thích Dấu Huyền” do nhà xuất bản Văn Mới in năm 1988, đã khẳng định : “Đỗ Đức Thu không phải thành viên của Tự Lực Văn Đoàn”.
Ông nêu lý do :
1) Theo nhà văn Nguyễn Thạch Kiên viết trong cuốn “Về Những Kỷ Niệm Quê Hương” do Phượng Hoàng ấn hành năm 1996, thì Tự Lực Văn Đoàn có mời Đỗ Đức Thu gia nhập nhưng thời gian đó ông không ở Hà Nội mà đang làm cho Sở Khí Tượng ở Quảng Châu, Trung quốc, kể như việc gia nhập không thành.
2) Ông Đặng Trần Huân cũng cho biết ông chưa hề thấy tác phẩm nào của Đỗ Đức Thu có in dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn” dưới tên tác giả, cho dù nhà văn Duy Lam lại nói chính ông đã thấy tác phẩm Đứa Con của Đỗ Đức Thu có in mấy dòng chữ này ở ngoài bìa. Nhưng vì Duy Lam không có cuốn sách trong tay để làm bằng chứng nên cũng kể như Đỗ Đức Thu chưa có chân trong TLVĐ.
Vào thời gian nẩy sinh ra những nghi vấn đó (1988), sự phát triển của ngành tin học chưa được bao nhiêu. Việc truy cập tài liệu trên Internet còn rất phôi thai và chậm chạp. Nhưng ở thời điểm này (2013), việc truy tầm tài liệu để tìm giải đáp cho một nghi vấn thì không mấy khó khăn gì. Riêng trong vụ này, tôi đã có 2 bằng chứng để có lời giải đáp:
1) Trong Văn Hóa Ngày Nay số ra mắt, Nhất Linh đã chọn in một truyện ngắn của Đỗ Đức Thu, tựa đề là “Cúng Cơm” và ghi dưới tên tác giả dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn”.
2) Tôi lại cũng đã tìm thấy phóng ảnh tấm bìa tác phẩm Đứa Con của Đỗ Đức Thu, dưới tên tác giả cũng ghi rõ “trong Tự Lực Văn Đoàn” đúng như nhà văn Duy Lam đã nói. Tác phẩm này do nhà Phượng Giang ấn hành năm 1953. (nguồn: sachxua.net)
Như vậy, đích thực “Nhà văn Đỗ Đức Thu, Chủ tịch đầu tiên của Văn Bút Việt Nam từ năm 1957, cũng đã là một thành viên của Tự Lực Văn Đoàn”.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét