Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

BÁC BA PHI ĐI THĂM MỸ (KỲ 50 )





                                     (tiếp theo )



 “Lão già” gật đầu :

“ Đúng đó, những món “đặc sản “ đó Việt Nam chắc không thể có được  chừng nào còn “ Đảng ta”.  Mai mốt về nước bác có dám nói chuyện đó cho bà con biết không ?”

Bác Ba Phi im lặng không trả lời. Quả thực cả “lão già” và chị Kelly Thi đều động tới những chuyện “nhạy cảm” thuộc về bản chất xã hội mà ở Việt Nam ai cũng biết cả nhưng mấy ai dám nói. Ngay cả người kể chuyện dân gian như bác Ba Phi cũng không dám kể những câu chuyện loại đó. Công an “hỏi thăm” liền. Bất giác bác thở dài, thốt lên :

“ Thì ...cái nước mình nó vậy ...”

Chị Kelly Thi :

“ Vậy mãi sao được ? Rồi cũng phải thay đổi đi chớ ?’

Bác Ba Phi lắc đầu :

“ Không thay đổi được  đâu. Mấy ông cán bộ Đảng và Nhà nước vẫn nói  đó là con đường bác Hồ đã chọn cho dân ta. ?”

“ Lão già” trừng mắt :

“ Bác Hồ chọn nhưng dân ta có chấp nhận không chớ ?”

Bác ba Phi trợn mắt :

“ Chấp nhận chớ sao không ? “

“Lão già” thở dài :

“ Bác Ba Phi là dân gian, từ dân gian mà ra mà còn nói vậy thì chết rồi...”

Bác Ba Phi  thật thà :

“ Phải nói vậy chứ biết làm sao ? Xưa nay có anh nào dám nói là không chấp nhận con đường Bác đã chọn cho dân tộc không ? Không dám đâu. Nói chết liền...”

Chị Kelly Thi thở dài :

“ Bởi vậy cái nước mình mới thê thảm vậy...tham nhũng, dối trá triền miên...”

“ Lão già” bỗng bật cười ha hả :

“ Stop..stop ...no speak politic...nói chuyện chính trị làm ăn mất cả ngon . Nào thôi...dzô...dzô...”

Cả ba người cụng ly cái cốp. Bác Ba Phi dốc ngược ly rượu vào miệng mà thấy đắng ngắt. Bác chợt thấy hối khi “tranh luận chính trị “ với hai người này. Hoá ra chẳng phải như cha ông ta nhận xét “ Quảng Nam hay cãi” mà bất cứ một người Việt Nam nào cũng thích ...cãi, cũng muốn vơ phần thắng về mình. Thực ra xưa nay bác không quen tranh luận những “chuyện chính trị”. Bác vẫn quen với nếp nghĩ “ gái goá lo chi chuyện trào đình”, những chuyện “nhạy cảm “ quốc kế dân sinh thôi cứ để mấy ông cán bộ tỉnh, cán bộ trung ương người ta lo. Mình là “phận dân đen” biết gì mà “xía dzô”. Tuy nhiên từ ngày sang Mỹ trò chuyện với người này người kia bác thấy các chuyện “trào đình” chẳng phải là thứ chỉ dành cho cán bộ Đảng và Nhà nước. Mấy ông già diện H.O đã đành, đám sinh viên toàn con gái con trai mới lớn cũng  tranh luận rất hăng vấn đề nên bầu ai trong chiến dịch tranh cử Tổng Thống đang diễn ra trên toàn nước Mỹ. Hoá ra muốn trúng cử làm anh nguyên thủ nước Mỹ phải có tài thực sự để  lên tivi tranh luận, bày tỏ, đối đáp được với cử tri. Chứ như ở nước ta, ông nào được  Đảng cử làm Chủ tịch nước là mấy ông nghị gật trong quốc hội răm rắp bầu theo, ông Chủ tịch nước trúng cử cái rẹt, có phải lên ti vi trình bày, tranh luận, đối đáp với ai đâu. Hoá ra làm lãnh đạo  ở nước mình sướng vậy. Chẳng phải  vất vả vận động tranh cử , trả lời chất vấn, thanh minh thanh nga con mẹ gì, cứ được Đảng chọn là chễm chệ leo lên ghế ngồi chẳng cần biết thằng dân nó có ưng mình không ?

Ba người vừa ăn uống vừa nói chuyện rào rào, chẳng mấy chốc chai rượu đã cạn nhẵn. “Lão già” búng tanh tách vào cái vỏ chai , ra hiệu cho chị Kelly Thi. Chị trợn mắt :

“ Một chai đủ rồi. Uống nữa có mà bò lê ra đất…”

Nói vậy chị cũng bước vào nhà trong lấy rượu. “Lão già” nhìn theo cười hềnh hệch , gỉ tai bác Ba Phi :

“ Người phụ nữ giỏi giang chiều khách như chiều chồng vậy mà vẫn phòng không lạnh ngắt …đáng tiếc thật…”

Bác Ba Phi thắc mắc :

“ Nghe nói vì tránh nguy cơ mất nha, anh chồng cũ phải tự nguyện hy sinh ly hôn cho chị Kelly Thi lấy ông Mỹ già làm cứu tinh. Nhưng bây giờ khó khăn đã qua rồi, anh chồng cũ sao không quay về đoàn tụ ?”

“ Lão già” cười cười :

“ Vậy mới rắc rối …Khó khăn kinh tế qua  rồi, tưởng anh chồng cũ tái hồi Kim Trọng, nào ngờ chàng lại có vợ mới mới chết chớ ? Ông tơ khéo đa đoan là vậy đó !”

Bác Ba Phi mỉm cười  :

“ Vậy sao bác không ra tay tế độ tặng nàng một chỗ dựa vững chắc mà bác thì cũng có mái ấm gia đình ?”

“ Lão già” cười cùng cục :

“ Tôi đã một lần rút ra rồi dại gì tôi lại chui vào ? Mà tôi nói thật , cứ là bạn bè  lại  chơi với nhau còn được lâu, dính vào cái món yêu đương, vợ chồng vào là rắc rối lắm,,,?

Bác Ba Phi lắc đầu :

“ Biết đâu khi thành vợ thành chồng rồi hai người sẽ hạnh phúc gấp nhiều lần bây giờ thì sao ?”

“ Lão già” nhăn mặt:

“ Không ai đoán trước được đâu. Đàn bà khi còn là bạn bè, bồ bịch thì dễ thương lắm, một khi đã cưới về nhà rồi thì trăm cô như một, cứ  muốn tuyệt đối sở hữu thằøng đàn ông, Lúc đó mình biến thành vật “sở hữu” của nó, nó kiểm tra, kiểm soát mình tuyệt đối để không có chuyện sơ xẩy , bồ bịch chớp nhoáng đâu ạ…”

Bác Ba Phi :

“ Thì hẳn là sau khi cưới nhau rồi người ta cũng phải vào khuôn vào phép chớ , đâu còn nhậu nhẹt, đi sớm về khuya như thời còn thanh niên độc thân nữa...”

“ Lão già” lắc quày quạy :

“ Không không ..thà chết còn hơn…”

Chị Kelly Thi quay lại cầm chai rượu trong :

“ Hai bác già nói xấu gì tôi phải không ?”

Bác Ba Phi vội vã :

“ Không không….chuyện vui thôi…có nói xấu gì đâu ?”

Chị Kelly Thi cười cười  :

“ Thế nào hai bác chẳng bảo quái cái con mẹ goá này, có nhậu nhẹt gì đâu mà lắm rượu vậy ? Chắc thường đãi đàn ông hẳn ?”

“Lão già” lên tiếng :

“ Đúng vậy đó….nhà có ai uống rượu đâu sao trữ lắm vậy ?”

Chị Kelly Thi chợt dằn giọng :

“ Còn cả mấy két trong kho kìa . Biết của ai không ? Của ông chồng Mỹ ngày trước đó. Chẳng mua cho vợ được cái gì chỉ nhăm nhăm khuân rượu về thôi…”

Bác Ba Phi kinh ngạc :

“ Người Mỹ mà cũng “bợm nhậu kia à ? Cứ tưởng ở các nước lạc hậu như Việt Nam mới sinh tật rượu chè tràn lan thôi chớ ?”

Chị Kelly Thi :

“ Mỹ Mẽo gì thì cũng là người trần tục như dân da vàng mũi tẹt ta cả thôi. Cha đã ngoại lục tuần , người nhão hết cả ra rồi, vậy mà ngày nào cũng nốc rượu vào thì thử hỏi còn chút đàn ông nào nữa . Bởi vậy cứ chập tối nhậu xong là cha lăn quay ra kéo bễ một mạch cho đến sáng…”

“Lão già” cười hô hố :

“ Thảo nào “chia tay tình buồn” là đúng rồi. Cứ tưởng có nguyên nhân nào cao xa lắm, hoá ra tình hữu nghị Việt –Mỹ tan vỡ là tại mấy chai rượu này thôi. “

Chai rượu được khui ra nhưng chỉ có “lão già” và bác Ba Phi uống tiếp. Mặt trăng lúc này đã xế ngang ngọn cây táo góc vườn. Bác Ba Phi cạn luôn một ly, trầm trồ :

“ Trăng ở Mỹ cũng đẹp ..lạ thật…”

“ Lão già” bật cười :

“ Vậy mà thời xưa có ông nhà thơ Việt Nam nịnh khéo rằng “trăng Liên xô tròn hơn trăng nước Mỹ. Vệâ tinh Liên xô tuy nhỏ hơn vệ tinh Mỹ nhưng lại…tinh vi hơn, kiểu như đồng hồ Thuỵ Sĩ, càng nhỏ càng giá trị…”

Bác Ba Phi lắc đầu :

“ Tôi khen thực lòng chứ tôi chẳng việc gì phải nịnh. Chắc ở đây bầu không khí không bị ô nhiễm như ở Sàigòn nên nhìn trăng thấy sáng và đẹp hơn chăng ?”

“Lão già” cười cười :

“ Có thể trăng ở Mỹ đẹp thật nhưng người ngắm trăng thì lại ít….”

“ Sao lạ vậy ?”

“ Thì suốt ngày họ sống trong nhà mùa hè thì máy lạnh, mùa đông thì máy sưởi. Có mấy khi nhàn nhã mà đi ra ngoài trời  ngồi ngắm trăng ? Coi tivi  LCD khổ rộng với đủ các thứ phim ảnh, ca nhạc vẫn khoái hơn là ngắm trăng chứ. Nói thế nào thì nói, ngắm trăng vẫn thấy đơn điệu  bỏ mẹ, quay đi quay lại có mỗi một  cái vòng tròn sáng , có gì lạ , có gì hấp dẫn đâu mà ngắm ?”

Bác Ba Phi tròn mắt :

“ Chị Hằng bao đời nay là cảm hứng cho biết bao văn thi sĩ, là vẻ đẹp cho bao con người có máu mộng mơ ... sao lại bảo là quay đi quay lại có mỗi cái vòng tròn sáng là sao ?”

“ Lão già “ chỉ tay lên vầng trăng cười hơ hớ :

“ Thì ông cứ nhìn coi kìa...ngoài cái vòng sáng kia thì có còn gì nữa đâu. Mọi thứ chẳng qua là do người ta tưởng tượng ra cả...”

Bác Ba Phi lắc đầu :

“ Con người hơn con thú là ở chỗ đó ... con thú nhìn trăng thì đúng là chỉ thấy  có cái vòng tròn sáng sáng, còn con người thì thấy nào chị Hằng, nào chú Cuội, nào gốc cây đa...nhiều thứ lắm...”

“ Lão già”  gật đầu :

“ Bác nói không sai. Chắc do người Mỹ đã phóng được người lên mặt trăng và chỉ thấy có mỗi cát với đá nên họ khó mà tưởng tượng ra cái gì khác hai thứ đó...”

Lúc này chị Kelly Thi mới lên tiếng :

“ Đó là mấy cha khoa học gia thì mới nhìn mặt trăng thô thiển vậy. Còn đã là người thì muôn đời vẫn còn mơ mộng, còn tưởng tượng chứ ? Chỉ có điều nếp sống công nghiệp ở bên này quá gấp gáp làm con người  ta không rảnh rang để mà ngắm trăng ngắm sao như ở Việt Nam. Bác sang đây có thấy người Mỹ nào làm việc mà lại nghỉ trưa không ? Đó...họ tranh thủ thời gian vậy làm gì rảnh rang mà pha ấm trà ngồi nhấm nháp rồi nhìn lên trời thưởng nguyệt như các cụ ta ở Việt Nam...”

Bác Ba Phi thốt lên :

“ Vậy thì họ thiệt thòi quá...”

“Lão già” cười  lớn :

“ Bù lại họ được hưởng thụ những cái sung sướng hơn thú ngắm trăng nhiều. Chẳng hạn trượt tuyết, lập kỷ lục chinh phục núi cao, week end ở các khu resort, rồi thì ca nhạc kịch ở những sân khấu khổng lồ...các cụ ta ở Việt Nam sao cóđược , bởi vậy mới phải rủ nhau ngồi ngắm trăng suông vậy thôi...”

Bác Ba Phi gật đầu :

“ Đúng là cái chuyện trăng sao này ở bên Mỹ với ở trong nước khác nhau quá xa thật....”

Chị Kelly Thi phản đối :

“ Không đúng đâu. Tôi cho rằng các đại gia trọc phú ở Hà Nội và Sàigòn sống giữa tiện nghi đắt tiền và hiện đại cũng chẳng còn cái thú ngắm trăng chứ chẳng riêng gì người Mỹ. Đúng không ?”

“ Lão già” đồng tình :

“ Đúng vậy đó, cái thời “sáng trăng sáng cả vườn chè” đã qua mất rồi, bây giờ người ta chủ yếu sống trong các cao ốc chọc trời, những ngôi nhà bít bùng trong tiện nghi làm sao mà có điều kiện ngồi ngắm hoa thưởng nguyệt ? Thời đó đã qua mất rồi...”

 Bác Ba Phi lắc đầu :

“ Không hẳn vậy đâu...uống rượu ngắm trăng vẫn còn là cái thú của nhiều cụ già nơi miệt vườn...”

Chị Kelly Thi cười cười :

“ Các cụ nhà quê ngắm trăng thì đúng rồi chứ cứ như tôi có hoạ điên mà ra vườn ngồi ngắm nghía ?”

“ Lão già” ngậm ngùi :

“ Hoá ra con người ngày nay càng bớt đi sự lãng mạn.”

Chị Kelly Thi cãi :

“Ai nói vậy ? Người ta chỉ bớt lãng mạn kiểu ngắm trăng, ngắm lá rụng rồi thở dài thườn thượt khi mùa đông tới thôi...ngày nay người ta lãng mạn theo kiểu  khác mạnh gấp mấy lần những giọt mưa thu với cả đêm đông ấy chớ ?”

Bác Ba Phi tròn mắt :

“Lãng mạn kiểu gì mà ghê gớm vậy ?”

Chị Kelly Thi nghĩ một chút rồi như chợt nhớ ra, reo lên :

“ Thôi được..sáng mai tôi đưa hai ông đi coi một nơi cực kỳ lãng mạn, xưa nay chưa từng thấy ở Việt Nam...”

Bác Ba Phi kêu lớn :

“ Lãng mạn chưa từng thấy ở Việt Nam ? Cái gì mà ghê gớm vậy ?”

Chị Kelly Thi giọng bí mật :

“ Sáng mai tôi đưa hai ông đi coi khắc biết..”

“Lão già” đoán :

“ Biết rồi...tượng cô gái chết trên biển xác trôi vào bờ ở trong vườn nhà ông đại tá Trung chớ gì ?”

Chị Kelly Thi lắc đầu :

“ Chưa ...chưa ăn thua gì...mặc dầu ông đại tá này chiều nào cũng ra ngồi ngoài vườn rất lâu ngắm tượng tưởng nhớ người vợ đã chết...”

Bác Ba Phi tò mò :

“ Chắc lại chuyện vượt biên phải không ?”

Chị Kelly Thi gật đầu :

“ Cũng là chuyện đó nhưng ly kỳ lãng mạn hơn nhiều. Nguyên ông đại tá bị cộng sản cầm tù mãi trên rừng. Cô vợ ở ngoài nhất quyết không đi vượt biên cùng gia đình mà nghiền ngẫm kế hoạch giải cứu chồng. Sau hơn ba năm ngấm ngầm chuẩn bị bằng số tiền vàng chôn giấu được, cô đã mua được một số linh canh và trong một đêm mưa cô đã đưa được chồng đào thoát khỏi trại giam. Tiếc thay khi tàu vượt biên vào gần được tới đảo Biđông Mã Lai thì bị vỡ. Hai vợ chồng thất lạc nhau. Sau cùng chồng sống sót còn vợ chết đuối dạt vào  bờ. Ông chồng ôm xác vợ như điên như dại. Sang tới Mỹ ông cho tạc tượng xác vợ nằm bên bãi biển và ngày ngày đèn nhang, cúng kiếng , tưởng nhớ và đóng chặt cửa không gặp gỡ quan hệ với bất cứ  phụ nữ nào...”

Bác Ba Phi gật đầu :

“ Thương nhớ và chung thuỷ với vợ kiểu đó thì lãng mạn thiệt...”

Chị Kelly Thi cười cười :

“ Chưa ...chưa nhằm nhò gì ...mai tôi đưa hai bác đi coi chuyện này còn lãng mạn hơn nữa kìa...”

“Lão già” ngờ vực :

“ Thôi đi bà...xứ Mỹ này nổi tiéng thực dụng lấy đâu ra chuyện lãng mạn ? À thôi phải rồi chắc bà lại đưa đến coi tượng “mùa xuân vĩnh viễn” của Rodin ở khuôn viên biệt thự Hoa Hồng ngoài bãi biển chứ gì ?”

Bác Ba Phi thắc mắc :

“ Tượng “mùa xuân vĩnh viễn “là tượng thế nào ?”

Chị Kelly Thi giảng giải :

“ Đó là tượng đàn ông đàn bà khoả thân ngồi ôm hôn nhau , lãng mạn hết chỗ nói...”

Bác Ba Phi nhớ ngay tới bức tượng trong nhà cô Út , giãy nảy :

“ Í thôi thôi...tượng đó trong vườn con gái tôi cũng có, việc gì tôi phải đi đâu coi. Mà tượng đó trần truồng nom ghê thấy mẹ, làm gì có chút lãng mạn nào...”

Chị Kelley Thi gật đầu :

“ Thôi được rồi...sáng mai tôi sẽ đưa hai bác đi thăm “thung lũng tình yêu” có chứng tích của một biểu hiện lãng mạn mà ngay ở Việt Nam cũng chưa hề có...”

Bác Ba Phi :

“ Thung lũng tình yêu ? Tôi tưởng ở Đà Lạt chớ. Còn nhớ cái năm vợ chồng thằng Đậu nhà tôi đi Đà Lạt về kể chuyện thung lũng tình yêu nghe tức cười lắm...”

Chị Kelly Thi tò mò :

“ Tức cười sao ?”

Bác Ba Phi kể lể :
“ Hai đứa đi về kể rằng nghe nói ở “thung lũng tình yêu” có nhiều đôi trai gái tìm tới để thủ thỉ tâm sự lắm, ngờ đâu khi đến tận nơi thì chẳng có ma nào “tình tự” mà chỉ có mỗi hai con ngựa cái...”

                        (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét