Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

BÁC BAPHI ĐI THĂM MỸ ( 52 )


                                   (tiếp theo)


Câu chuyện của “lão già” làm bát phở trở nên đắng ngắt , bác Ba Phi buông đũa xuống kêu lên :
“ Chèn đéc ôi...thiệt vậy sao ? Làm gì có chuyện đó ?”
“ Lão già” trợn mắt :
“ Sao không có ? Chuyện đó bố ai dám bịa ...có điều chuyện chẳng ra làm sao nên gia đình đó giấu kín không cho ai biết...”
Chị Kelly Thi chép miệng :
“ Cũng tại ông già đó câu nệ, chấp nhặt quá, biết con cháu đang ăn uống vui vẻ thì tự ra mà ăn việc gì phải đợi mời mới ra ...”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Khổ nỗi người Việt mình vẫn cứ coi trọng “lời chào cao hơn mâm cỗ “ mới chết chớ ? Ngay cả con cháu trong nhà cũng vậy thôi, nếu không mời thì bố mẹ nào dám tự ngồi vào mâm ?”
Chị Kelly Thi kêu lên :
“ Lạc hậu ... sao người Việt mình đến giờ vẫn còn lạc hậu đến thế ?”
“Lão già” chen ngang :
“ Không phải lạc hậu mà đầy mặc cảm .... bản thân chẳng có mẹ gì mà lúc nào cũng sợ mất “uy tín”. Như ong già này chẳng hạn , nếu như người ta cứ hồn nhiên ra ăn uống vui vẻ với con cái thì đâu có chuyện gì, nhưng bố lại sợ “mất uy tín”, mang tiếng  tham ăn khát uống nên phải đợi mời mới chịu ra ăn ...”
Bác Ba Phi thở di :
“ Thì con cái cũng nên mời bố mẹ một câu có mất mát gì đâu ...”
Mâu thuẫn trong câu chuyện giữa ba người làm bữa ăn mất vui. Chị Kelly Thi ra quâỳ trả tiền, “lão già” để lại trên mặt bàn vài tờ đô lẻ rồi cả ba kéo nhau ra xe.
Xe chạy qua khu thương xá, bác Ba Phi chợt nảy ra ý muốn gọi điện về nhà cho vợ chồng thằng Đậu. Chẳng hiểu sao bác lại bức xúc đột xuất đến vậy ? Bỗng dưng bác thèm được nghe cái giọng éo éo đầy tính cách miệt vườn của tụi nó. Nói chuyện về nhà có thể vui buồn, có thể nổi giận đùng đùng , có thể cười ha hả hoặc la hét, chửi bới nhưng bao giờ cũng thoải mái, dễ chịu, bao giờ cũng có thể nói huỵch toẹt ra đủ thứ chuyện trong đầu mà chẳng phải uốn lưỡi, tìm câu tìm chữ. 
“ Chị cho tôi ghé bưu điện gọi về Việt Nam cho tụi nó “ – bác Ba Phi kéo tay chị Keely Thi.
“ Bác chịu khó chờ về nhà gọi điện thoại bàn được không ?” – Chị đáp.
Bác Ba Phi lắc quày quạy :
“ Không được, không được, tôi có việc cần, chị cho tôi nói ngay...”
“ Lão già “ lên tiếng :
“ Chị ghé tiệm gửi tiền cho bác ấy mua thẻ gọi về Việt Nam...”.
Chị Kelly Thi đành nghe lời ghé xe vào tiệm bán thẻ gọi điện. Nhìn vẻ mặt bần thần của bác, chị  biết ngay bác chưa biết sử dụng. Chị vội cào số, nhập vào cell phone cho bác và bấm số gọi về Việt Nam. Bác Ba Phi đưa máy lên tai, nghe ù ù, lạo xạo rồi như từ phía bên kia thế giới bác nghe thấy tiếng con gái léo nhéo :
“ Ai đó...ai đó....hỏi ai ?”
Í mèn ôi..đúng tiếng vợ thằng Đậu rồi...tiếng nó chua loen loét , nói năng trống không , lắm lúc chỏng lỏn nhưng sao lúc này bác Ba Phi thấy gần gũi và thân thiết quá. Cứ như không phải bác đang ở cách nửa vòng trái đất trên nước Mỹ xa xôi mà ở ngay cái xóm quê trên đất Tây Ninh của bác. Thế rồi bác Ba Phi mới mở miệng “ con Hai đó hả”, bác đã nghe giọng nó tru tréo :
“ Nội đó phải không ? Chèn déc ôi sao nội đi lâu dữ vậy ? Nội về...”
Tiếng nói con vợ thằng Đậu bị cắt ngang, thay vào đó là tiếng thằng Đậu, hẳn thằng này đã giật lấy máy, nói liến thoắng :
“ Nội ơi, nội có khoẻ không ? Nội có vui không ? Sao nội ở bển lâu quá vậy ?”
Rồi nó hỏi tới tấp khiến bác Ba Phi cứ ngẩn ra mà nghe chẳng hiểu nó nói cái chuyện gì. Sau cùng bác quát :
“ Mày nói gì tao đâu có nghe thấy. Mày đưa máy cho con vợ mày nói đi may ra nội nghe được ...”
Quả nhiên con vợ thằøng Đậu nói xoe xoé :
“ Nội ơi...sổ đỏ nội cất chỗ nào ?”
Bác Ba Phi ngớ ra :
“ Sổ đỏ ? Mày hỏi sổ đỏ làm gì ?”
Con vợ thằng Đậu liến láu :
“ Ảnh cần sổ đỏ để vay tiền ngân hàng nội ơi...Vay cả sáu chục triệu lận...”
Bác Ba Phi tá hoả :
“ Chèn déc ôi...bộ tụi bay mới thua bạc sao mà vay dữ vậy ?”
“ Hổng phải thua bạc. Ảnh vay để mua thức ăn cho cá đó nội...”
Hoá ra cá nuôi trong hầm  nhà bác Ba Phi  đã quá lứa mà vẫn chưa bán được  vì   các xí nghiệp chế biến bị cúp điện nên không mua. Cá hạ giá thê thảm mà cũng không bán được . Giữ lại thì hàng ngày phải chi cả mấy trăm ngàn tiền thức ăn cho cá. Thằng Đậu đã vay mượn tứ tung cả nửa tháng nay, giờ nó phải tính đến chuyện thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng. Nghĩ tới chuyện vay ngân hàng bác Ba Phi sợ toát mồ hôi. Lần trước cách nay vài năm bác cũng thế chấp vay ngân hàng ngót trăm triệu để trồng giống mới . Đất đai trồng tiêu với điều mãi giá cả cứ lên xuống liên tục lúc chưa thu hoạch thì giá lên đùng đùng, thu hoạch về nhà thì giá lại rớt thê thảm. Lúc đó mấy thằng cha phòng nông nghiệp huyện dỗ ngon dỗ ngọt bác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói nôm na ra là chặt tiêu với điều đi để trồng... nhãn. Trồng nhãn mau ăn trái, vốn đầu tư lại thấp, chỉ cần làm cỏ, đào hố đổ phân, trồng cây giống rồi cứ thế chờ thu hoạch mỗi ký nhãn sơ sơ cũng phải bán được 20 ngàn. Trừ chi phí mỗi mẫu nhãn cũng lãi vài trăm triệu. Thế là chẳng riêng gì bác Ba Phi, cả xóm bùi tai chặt hết cả tiêu với điều đi đua nhau trồng nhãn.
Sau mấy năm làm cỏ, tưới bón nhãn ra quả mùa đầu, cả xóm phấp phỏng chờ ngày thu hoạch. Ai cũng hy vọng kỳ này chắc thắng to, chẳng cần tới 20 ngàn một ký cứ 16 ngàn cũng lãi chán rồi. Ngờ đâu càng gần tới mua thu hoạch giá nhãn càng rớt thê thảm...15 ngàn...12 ngàn...8 ngàn...Rồi đến ngày chín rộ lái vào mua tận trong vườn trả giá có...2 ngàn một ký. Bác Ba Phi và bà con trong xóm uất muốn chết. Thôi thì đành nhắm mắt bán tống bán tháo để trả nợ ngân hàng không cứ để lãi mẹ đẻ lãi con thì mất vườn mất nhà như chơi. Đã một lần suýt kéo nhau đi ăn xin vì trả nợ ngân hàng, bác Ba Phi như con chim bị tên sợ cành cây cong, giờ nghe vợ chồng thằng Đậu lại mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng nữa, bác chối đây đẩy :
“ Hổng được...hổng được...mang sổ đỏ thế chấp vay tiền rồi mai mốt nội trở về ở vào đâu ?”
Con vợ thằng Đậu léo nhéo :
“ Không vay được tiền mua thức ăn cho cá thì mất sạch cả hầm cá nội ơi...”
Bác Ba Phi ngập ngừng :
“ Mất cá còn hơn mất nhà...để nội tính lại coi...”
Thằng Đậu giằng lại máy từ con vợ nói oang oang :
“ Tính gì tính nội phải lẹ lẹ lên không cá đói đó nội...”
Bác Ba Phi gật lia lịa :
“ Được rồi...được rồi...để nội nói cô Út giật tạm vài ngàn đô gởi về cho bọn bay...”
Thằng Đậu cười  hề hề :
“ Vậy nội nói lẹ đi...cá nó đói nó đang chờ nội đó...”
Bác Ba Phi cúp máy. Chị Kelly Thi kiểm tra lại kêu trời :
“ Oh My God...bác nói một cú điện thoại hết gần 10 đô la rồi. Còn có vài phút thôi nè...”.
Bác ba Phi trố mắt :
“ Í trời ơi...nói có nhiêu đó mà đã hết cả 10 đô hai trăm ngàn rồi kia à ? Mẹ nó ... cắt cổ người ta ...”
Chị Kelly Thi cười lớn :
“ Gía bác nghe tôi về nhà gọi điện bác đỡ tốn tiền...”
Bác Ba Phi không trả lời . Bác đang mải nghĩ chuyện vay tiền cô Út  gửi  về vợ chồng thằng Đậu mua thức ăn cho cá. Năm nào cũng vậy cứ tới mùa khô, cạn nước mấy hồ thuỷ điện là y như rằng điện bị cúp. Ở nông thôn cúp điện sinh hoạt chẳng ăn nhằm gì , ban ngày gió mát khỏi xài quạt, ban đêm thắp đèn cày đâu có sao , nhưng nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu bị cúp điện là y như rằng chậm trễ việc thu mua cá của bà con. Cá nuôi đã đến cữ phải bán để thu hồi vốn nhưng bộ phận thu mua của nhà máy cứ tảng lờ. Để chậm một ngày là tốn thêm một ngày tiền thức ăn cho cá, đó là chưa kể cá nuôi quá lứa sống tập trung dài ngày rất dễ bị dịch bệnh, chết hàng loạt làm người nuôi mất sạch vốn, trắng tay vỡ nợ. Nếu không vay được tiền cô Út chắc chắn bác phải để vợ chồng thằng Đậu cầm sổ đi thế chấp vay tiền ngân hàng. Mà có ít đâu... những 60 triệu tương đương 3000 đôla lận. Bác nghe nói ở bên Mỹ người ta ít giữ tiền mặt , toàn  gửi nhà băng, không hiểu cô Út có rút được tiền ra cho bác vay không ?
Cả “lão già” lẫn chị Kelly Thi đều không hiểu được tâm trạng bác, hai người cứ cười nói thản nhiên ghé xe vào một tiệm bán băng đĩa. “ Lão già” chỉ tay vào tờ quảng cáo ca nhạc :
“ Tối nay mình đi coi đi...Tôi lấy 3 vé mời cả hai người cùng đi coi nha ?”
Bác Ba Phi giãy nảy :
“ í trời ơi ....vé mắc vậy ....60...80...100 đô lận...coi làm gì phí tiền...”
Chị Kelly Thi cười cười :
“ Lão già này bỏ tiền ra mời, tội gì không đi...chương trình tối nay hay lắm đó...có cả ca sĩ Sàigòn sang biểu diễn lận ...”
Bùác Ba  Phi há miệng :
“ Ca sĩ Sàigòn sang đây ? Không sợ người bên này biểu tình sao ?”
Chị Kelly Thi lắc đầu :
“ Không không...ngày trước kìa...ngày trước bà con biểu tình chống phá dữ lắm. Mấy cô ca sĩ Sàigòn sợ xanh lè mặt trốn mất tiêu. Giờ khác lắm rồi...tiền cát xê của mấy cô có người còn cao hơn cả ca sĩ hải ngoại lận. Bởi vậy các cô mới lũ lượt kéo sang đây kiếm đô la. So với biểu diễn trong nước thì tiền catxê bên này gấp cả chục lần lận. Vậy mấy cô mới ham...”

                     (còn tiếp)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét