Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

nhà văn NHẬT TIẾN : HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA (KỲ 6)



                                                              (tiếp theo)



                                CHƯƠNG 4

             



Thời điểm Sài Gòn - Sau 30-4-1975 



THÁNG TƯ NHÌN LẠI:

Văn nghệ sĩ miền Nam

trong những ngày đầu của chế độ mới:


(Văn Nghệ Sĩ Miền Nam Trong Những Ngày Đầu Của Chế Độ Mới, Việt Tide Phỏng Vấn Nhà Văn Nhật Tiến, Việt Tide số 146, tuần lễ 30 tháng 4 đến 6 tháng 5, 2004)

                                               

            Việt Tide: Sau khi quân đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn, chính quyền cộng sản đã bắt đầu ngay nỗ lực tập trung kiểm soát văn nghệ sĩ, xin anh cho biết về giai đoạn này?


            Nhật Tiến: Thực sự là họ nắm rất vững sự sinh hoạt sáng tác của hầu hết các văn nghệ sĩ miền Nam do báo cáo từ những văn nghệ sĩ nằm vùng khi trước. Thí dụ như ở báo Bách Khoa thì có Hai Khuynh, Vũ Hạnh...chẳng hạn. Thành ra với tài liệu có sẵn, khi vào  tiếp thu Sài Gòn, họ đã có danh sách phân loại văn nghệ sĩ rồi. Người nào bị đánh giá là có liên hệ mật thiết với Mỹ hay chính quyền cũ thì đã bị lùng bắt ngay trong đợt đầu (nhà văn Mai Thảo trốn thoát trong đợt lùng bắt này). Tuy nhiên, một số đông đảo khác thì sau này chỉ có giấy gửi đến tận nhà từng người gọi đi  tham dự một khóa học tập gọi là “khóa bồi dưỡng chính trị dành cho văn nghệ sĩ”. Địa điểm ghi danh, trình diện là trụ sở của tòa đại sứ Đại Hàn khi trước.


            Việt Tide: Thế có đông người đến ghi danh không thưa anh?


            Nhật Tiến: Có thể nói là rất đông, vì khi nói đến văn nghệ sĩ thì không chỉ riêng có giới cầm bút mà bao gồm cả các ngành khác như  nhạc, kịch, sân khấu, điện ảnh. Cho nên quang cảnh ghi danh  trình diện rất đông đảo, tấp nập, sau này tôi được biết số người tham dự thuộc đủ mọi ngành đã lên tới trên 400 người.


            Việt Tide: Ngày đầu tiên của khóa học đó như thế nào?


            Nhật Tiến: Tất cả được tập trung tại một biệt thự lớn ở góc đường Hiền Vương và Trương Minh Giảng, hình như là căn nhà  của ông Nguyễn văn Kiểu, thân phụ ông Nguyễn văn Thiệu. Sau đó mọi người được phân chia theo từng nhóm Bộ môn như  sân khấu, điện ảnh, ca nhạc, riêng bộ môn Văn và Thơ thì gộp chung thành một nhóm. Theo tôi nghĩ  thì đáng lẽ khóa học  phải được khai mạc ngay từ ngày đầu, nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy suốt trong ba ngày ròng rã, mọi người sau khi được phát cho  một  xấp tài liệu quay ronéo, lại chỉ ngồi đọc, và dò lỗi in ấn hay đánh máy sai. Sau này, tôi nhận ra rằng hình như khóa học đã nhận đượïc chỉ thị từ Hà Nội bắt đình hoãn tạm thời để ban tổ chức điều chỉnh lại cơ cấu nhân sự điều hành khóa học. Lý do : Hà Nội không ngờ  số lượng văn nghệ sĩ  tham dự  khóa học lại đông đảo như vậy và điều này, có thể khiến họ nhìn ra tầm mức quan trọng của khóa học, nên thay vì giao cho Thành Uỷ và đám văn nghệ sĩ nằm vùng ở Sài Gòn đảm trách, họ đã cấp tốc chuẩn bị đưa từ Hà Nội vào những nhân sự có vai vế hơn trong giới văn học của miền Bắc như Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Bảo Định Giang...v..v...


            Việt Tide : Nay thì anh có còn nhớ những ai đã đến tham dự khóa học đó không?


            Nhật Tiến: Đông lắm, nhớ không hết, nhưng có thể kể: Nguyễn Thị Vinh, Đỗ Phương Khanh, Phạm Thiên Thư,  Hồ Trường An, Tuấn Huy, Sơn Nam, Thế Nguyên, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thụy Long, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Tường Linh, Lê Thanh Thái, Minh Quân, Hoàng Hương Trang .... Nói chung là tổ Văn, Thơ cũng phải trên dưới 40 người. Còn bên bộ môn Nhạc, tôi thấy có cả Ban Thăng Long như nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức ca sĩ Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Thanh.


            Việt Tide: Tâm trạng của những người đến địa điểm tập trung đó theo anh thì như thế nào?


            Nhật Tiến: Thật sự thì chúng tôi chẳng kỳ vọng học tập cái gì hết, nhưng khi đã chứng kiến một số đông bạn bè đã bị bắt giữ trước đó thì mình cũng phải tới tham dự thôi. Và cũng có thể nói, thời gian tham dự khóa học cũng là cơ hội cho chúng tôi có dịp gặp gỡ nhau để bàn tán, chia xẻ những tin tức và những băn khoăn  lo lắng về tương lai.


            Việt Tide:  Thưa anh, khóa học diễn tiến như thế nào?


            Nhật Tiến: Lễ khai mạc khóa học được tổ chức tại hội trường của Bộ Thông Tin cũ, nằm trên đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn. Sau đó là các Tổ bộ môn sinh hoạt riêng. Ở bộ môn Thơ-Văn, chúng tôi được nghe trình bầy những đề tài nói về Duy vật biện chứng, Duy vật sử quan, chủ nghĩa khoa học Xã Hội, đặc biệt là những vấn đề lập trường cách mạng, về đấu tranh giai cấp, về quan điểm mỹ học và nhiệm vụ của văn nghệ sĩ trong lãnh vực sáng tác. Bên cạnh những bài học có tính cách sách vở là những buổi thuyết trình của một vài cây bút gạo cội ở miền Bắc mà nội dung phô bầy những kinh nghiệm dấn thân của diễn giả trên con đường phục vụ xã hội Xã-hội-Chủ-Nghĩa. Chẳng hạn như nhà thơ Lưu Trọng Lư  đã kể lại con đường phục vụ "cách mạng" của mình và kêu gọi văn nghệ sĩ  miền Nam hãy mạnh dạn đi theo con đường mà ông đã trải qua. Khoá học cứ thế kéo dài một tháng ròng rã và chấm dứt bằng một màn gọi là "ra điển hình". Nói rõ hơn là Ban tổ chức khoá học đã chỉ định  một số văn nghệ sĩ phải đứng ra "bộc bạch” về cá nhân sáng tác của mình. Mỗi người được chỉ định như  thế phải lựa chọn 2 trong số tác phẩm đã in để trình bầy trước khóa học và phải trả lời những câu hỏi đại để như : bối cảnh nào, động cơ nào, ý đồ nào đã sáng tác nên tác phẩm đó. Tôi là một trong những ngườøi bị chỉ định ra điển hình. Ngoài tôi ra còn có nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhà thơ Tường Linh, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhà văn  Lệ Hằng...


            Việt Tide: Anh đã chuẩn bị gì cho sự xuất hiện trước khoá học ?


            Nhật Tiến:  Trưóc khi ra "điển hình" chừng một tuần lễ thì Vũ Hạnh là người đã  thông báo cho tôi biết về chuyện tôi đã bị chỉ định này. Anh ấy còn cho biết, trong số 2 tác phẩm "tự ý" chọn lựa, bắt buộc phải có cuốn Giấc Ngủ Chập Chờn. Theo một số bà con, hay bạn bè cũ từ ngoài Bắc vào cho biết thì cuốn này đã bị đánh giá ù là "cực kỳ phản động".


            Việt Tide: Anh vừa mới nhắc đến cuốn "Giấc Ngủ Chập Chờn", xin anh nói sơ qua về cuốn truyện đó như thế nào?


            Nhật Tiến: Giấc Ngủ Chập Chờn do tôi sáng tác và ấn hành vào khoảng năm 1969, nội dung viết về  một vùng xôi đậu ở miền Trung ( hiểu như  một vùng nằm giữa lằn ranh Quốc Gia và Cộng Sản, ban ngày thì do bên Quốc Gia kiểm soát, ban đêm thì du kích mò về làm chủ). Ở vùng đất đó, có những gia đình, anh thì đi lính quốc gia bên này, em thì theo đi du kích bên kia, dĩ nhiên là không tránh khỏi cảnh cốt nhục tương tàn. Trong thân phận của những ngườøi già cả của vùng đất đó, họ không hề quan tâm hay không hề biết gì đến vấn đề chính trị, và uớc vọng của họ chỉ đơn giản là muốn có một đời sống bình an, ấm no hàng ngày. Một cụ già, nhân vật trong cuốn đó, đã nói với đứa con trai đi theo du kích một câu như sau : " Mầy theo ai mặc cha mầy ! Mà điều đi với bên đây thì còn có đôi giầy, cái áo mà bận. Chớ qua bên đó chết trần chết truồng, ai thương !". Đấy, tâm tình người dân quê chỉ đơn giản có thế, nhưng chỉ như thế thôi cũng đủ bị lên án là bôi nhọ "chính nghĩa" của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.


            Việt TideThế thì ngày anh phải ra "điển hình" đó ra sao?


            Nhật Tiến: Tôi chọn hai cuốn: cuốn thứ nhất là "Giấc Ngủ Chập Chờn" theo Vũ Hạnh gợi ý và cuốn thứ hai là "Thềm Hoang". Và tôi cũng chuẩn bị rất kỹ phần phát biểu của mình, bởi vì theo tôi, đây là một cuộc trực diện công khai giữa một bên là những trí thức thượng thặng của miền Bắc và một bên là chính tôi (do bị chỉ định), coi như một trong những người đại diện cho giới cầm bút miền Nam.


            Việt Tide:  Và họ đã hỏi anh những câu hỏi như thế nào?


            Nhật Tiến: Trước hết họ hỏi về động cơ, hoàn cảnh viết cuốn sách đó. Tôi đã trả lời đại ý : Tôi di cư vào Nam năm 18 tuổi. Khi đó tôi chưa có ý thức chính trị gì nhiều, nhưng trước mắt tôi là cả triệu người di cư từ miền Bắc vào Nam. Điều này cho thấy chủ nghĩa cộng sản đã phải có vấn đề. Tuy nhiên, ý định vào Nam của tôi chỉ thực sự bắt nguồn từ cái tính thích phiêu lưu của tuổi trẻ. Vả lại sau hai năm, sẽ có tổng tuyển cử và tôi sẽ có thể trở về quê quán của mình. Sau đó thì chuyện tổng tuyển cử không được thực hiện và tôi nhận ra rằng miền Nam dần dà hình thành một quốc gia được rất nhiều nuớc trên thế giới công nhận. Cho nên tôi đã phục vụ quốc gia này trong tư cách một công dân, và trong tư cách công dân, tôi đã viết tác phẩm đó cũng như nhiều cuốn khác. Một câu hỏi khác mà tôi còn ghi nhớ được là của ký giả Thái Bạch, thuộc hàng ngũ những người viết miền Nam. Anh này đứng dậy gằn giọng hỏi tôi: "Anh cho tôi biết, anh có liên hệ gì với tên phản động Nhất Linh?" Tôi chưa kịp trả lời thì chị Nguyễn Thị Vinh đã đứng dậy, chỉ mặt Thái Bạch và nói ngay "Anh muốn biết về Nhất Linh thì hãy  hỏi tôi, vì tôi mới là người có nhiều liên hệ với nhà văn Nhất Linh, cả về mặt văn chuơng lẫn đời sống chính trị". Nói chung đa số anh chị em văn nghệ sĩ tham dự khóa vẫn còn giữ được tư cách của người cầm bút. Riêng tôi thì cho rằng cùng lắm thì số phận của mình cũng giống như những anh em đã bị bắt đợt trước thôi. Bản thân tôi và nhà tôi là Đỗ Phương Khanh, trước khi tham dự khóa học cũng đã chuẩn bị sẵn một cái túi xách tay, trong có bàn chải đánh răng, cục xà bông để sẵn sàng đi tù như mọi người khác.


            Việt Tide: Có một cuộc đấu khẩu rất sôi động trong khóa học về tương lai của nhà văn miền Nam. Anh có thể kể lại vụ này không?


            Nhật Tiến: Một nhà văn nữ miền Nam trong khoá học đã phát biểu tự nhận mình chỉ là đứa trẻ sơ sinh so với những nhà văn miền Bắc đã tham gia "cách mạng" trước đó  hàng mấy chục năm, vậy thì cần phải có thời gian học tập để sau này sẽ  được cầm bút trở lại. Ngay lập tức, Mai Quốc Liên một cây bút đến từ miền Bắc đã đứng dậy nói ngay " Khóa học này mở ra để các anh các chị hiểu biết về xã hội mới thôi chứ đừng trông mong vào việc cầm bút trở lại. Bởi vì miền Nam các anh các chị làm gì có văn hóa!"


            Việt TidePhản ứng của anh chị em văn nghệ lúc đó ra sao?


            Nhật Tiến: Phải nói là sôi sục. Trước tiên, Đỗ Phương Khanh đứng lên chỉ mặt Mai Quốc Liên và hỏi ngay "Anh vào trong Nam được bao lâu rồi, và anh đã đọc được bao nhiêu tác phẩm của miền Nam rồi mà anh dám nói miền Nam không có văn hóa?" Rồi nhiều người khác cũng nhao lên, cả tôi lẫn nhà văn  Nguyễn Thụy Long đều đứng dậy. Không khí lúc đó rất sôi động. Những người điều khiển khóa học vội vã tuyên bố nghỉ giải lao. Khi ra ngoài sân thì Nguyễn Thụy Long có một người đi kè. Vũ Hạnh cũng kè tôi ra một góc sân và bảo :"Anh đừng có nóng. Anh phản ứng như thế người ta sẽ cho là anh phá hoại khóa học". Đến khi tái nhóm thì chúng tôi không thấy mặt Mai Quốc Liên nữa. Qua buổi chiều, Ban tổ chức cho biết Mai Quốc Liên chỉ là thành phần dự thính, không được quyền phát biểu. Vấn đề do đó cũng được bỏ qua đi. Chuyện này, nhà văn Tuấn Huy hiện ở Orange County cũng đã chứng kiến và anh cũng đã viết lại trong một hồi ký đăng trước đây trên nhiều  báo  ở hải ngoại.

                                           (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét