Thời điểm : California năm 1994
Nói chuyện với nhà văn Nhật Tiến
Sau chuyến ông về thăm đất nước vừa qua
Nhà văn Nhật Tiến, ngoài địa vị trên văn đàn, còn có một chỗ đứng khác trong lòng những người thiết tha với quê hương dân tộc.
Trong hai mươi năm văn học miền Nam, Nhật Tiến không ngừng nghiêng mình xuống những thân phận lạc loài, những tầng lớp thanh thiếu niên kém may mắn.
Trong mười ba năm ở hải ngoại, ông đã chắn mũi chịu sào, mở luồng cho tư tưởng xoá bỏ hận thù, để mọi người – bên này cũng như bên kia – xích lại gần nhau. Và ở thời điểm này – mười bảy năm sau ngày thống nhất đất nước – việc đối thoại giữa người Việt với người Việt vẫn chưa phải là chuyện hiển nhiên – mà còn phải qua nhiều khó khăn, thử thách...
Sau chuyến về thăm đất nước vừa qua – chuyến thứ nhì – nhà văn Nhật Tiến đã có nhã ý dành cho Thuỵ Khuê và báo Diễn Đàn một buổi nói chuyện về chủ đích chuyến đi của ông và những sinh hoạt của giới cầm bút trong nước mà ông đã có dịp tiếp xúc.
Hỏi : Mỗi năm anh về Việt Nam một lần, năm nay anh thấy không khí khác năm ngoái như thế nào?
Đáp: Về cá nhân thì tôi thấy có phần thoải mái hơn ở chỗ tôi không còn cảm thấy bị theo dõi như lần trước, mặc dù lần này tôi di chuyển được nhiều nơi hơn. Nhưng về mặt xã hội, tôi không thấy thay đổi bao nhiêu, nếu không muốn nói là đời sống dân chúng khó khăn hơn, mệt mỏi hơn. Điều này cũng dễ hiểu, vì các công nhân, viên chức, cán bộ đa số sống bằng đồng lương cố định. Họ ngày càng vất vả trước sự leo thang của vật giá.
Hỏi : Anh vừa nói đã di chuyển được nhiều nơi hơn lần trước, vậy ngoài Sài Gòn anh còn đi những đâu, cảm tưởng của anh ra sao?
Đáp: Lần này tôi có dịp đi xuống các tỉnh phía Nam như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên. Trong một số thời gian hạn hẹp, tôi chỉ có thể nhìn thấy một cách tổng quát rằng đời sống của đồng bào ở các tỉnh mà tôi đã đi qua có vẻ bình dị hơn, ít hối hả, xô bồ, dữ dội như ở Sài Gòn. Tôi nhìn thấy một không khí thái bình mà ở đó mọi người đều cần cù, nhẫn nại lo xây dựng đời sống của mình.
Hỏi : Anh về dĩ nhiên để thăm gia đình, ngoài ra anh còn mục đích gì khác nữa?
Đáp: Về thăm gia đình, không nhất thiết phải về thường xuyên hàng năm. Thật ra chủ đích chuyến về lần này của tôi là thay mặt một số anh chị em cầm bút có lòng ở ngoài nước tìm cách góp phần vào công cuộc khai thông một sự trao đổi văn hoá hai chiều giữa trong nước và ngoài nước, ít ra là trên một số lãnh vực nào đó. Tất nhiên chuyện gì cũng cần phải có yếu tố thời gian, vì khoảng cách giữa hai nơi còn có nhiều dị biệt. Kết quả cụ thể đầu tiên hy vọng đạt được là một tuyển tập văn chương của hơn 30 nhà văn, nhà thơ hải ngoại do anh Khánh Trường đề xướng và thực hiện có thể sẽ được chính thức xuất bản ở trong nước vào khoảng giữa năm nay. Đây là một sự hợp tác xuất bản giữa Nhà xuất bản Văn Học ở trong nước và Nhà xuất bản Tân Thư của anh Khánh Trường ở ngoài nước.
Hỏi : Anh có thể cho biết rõ hơn về cuốn tuyển tập này, về nội dung, về cung cách tuyển lựa bài vở, về vấn đề kiểm duyệt...?
Đáp: Theo chỗ tôi được biết, các nhà văn nhà thơ ở hải ngoại nếu đồng ý tham gia tuyển tập sẽ tự lựa chọn lấy tác phẩm của chính mình, và với điều kiện khi in ra sẽ không được sửa đổi, dù một chữ. Tuy nhiên, vì là bước đầu trong hoàn cảnh còn nhiều vấn đề phức tạp như hiện nay, nội dung các tác phẩm sẽ chỉ nhắm vào các đề tài như dân tộc, quê hương, tình yêu và đời sống hội nhập. Theo tôi nghĩ, trong hoàn cảnh hiện nay, thực hiện được như thế cũng đã là một điều đáng kể, không nên trông đợi nhiều hơn, bởi việc gì cũng cần phải có yếu tố thời gian và tiến hành từng bước một.
Hỏi : Anh có dịp gặp các văn nghệ sĩ không? Từ đó, qua những cuộc gặp gỡ đó, anh ghi nhận được những gì?
Đáp: Số văn nghệ sĩ ở trong nước mà tôi được gặp gỡ nhiều hơn so với lần trước, đặc biệt là những cây bút mới, trong đó nhiều người chưa có tác phẩm in thành sách nhưng đã có những truyện xuất sắc in trên báo. Tôi có một cảm giác hết sức lạc quan về một thế hệ cầm bút mới đang hình thành để thay thế các thế hệ đàn anh. Họ giầu kinh nghiệm sống, tha thiết với văn chương và hầu hết, suy nghĩ rất sâu sắc, cũng như chan hoà tình người. Họ rất xứng đáng được sự hỗ trợ và cần được sự hỗ trợ của cả trong nước lẫn ngoài nước. Tương lai văn chương Việt Nam là ở trong tay họ chứ không phải trong tay giới trẻ ở hải ngoại.
Hỏi : Về mặt thông tin, đồng bào trong nước có những nguồn nào? Các phương tiện truyền thông từ nước ngoài như BBC, VOA, RFI phổ biến ra sao? Nếu thiếu thông tin thì vì sao mà thiếu: vì họ không nghe đài quốc tế, hay thông tin của chính những đài này thiếu sót?
Đáp: Về mặt tin tức thế giới, tuy lượng thông tin chưa dồi dào phong phú như ở nước ngoài, nhưng có thể nói là không thiếu thốn đến mức trầm trọng. Những biến cố xảy ra ở các nước Đông Âu, sự tan rã ở Liên bang Xô Viết, cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh... đều được loan tin kịp thời trên các báo và đài truyền hình ở Việt Nam (với một kỹ thuật hướng dẫn ở mức độ vừa phải). Tuy nhiên, về mặt sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại thì quần chúng chỉ có thể tìm được ở các nguồn truyền thông như BBC, VOA, RFI hay một số rất ít báo chí Việt Nam ở hải ngoại lọt về qua ngả du lịch. Mặc dầu vậy, sự hiểu biết về sinh hoạt của người Việt ở nước ngoài đều còn rất hạn hẹp, nhiều khi còn cả sự sai lầm, ngộ nhận nữa. Tôi nghĩ, nếu thực tế có xảy ra như vậy thì cũng là một phần trách nhiệm của những người thực hiện các chương trình của những đài kể trên. Hình như quí vị ấy chỉ chú ý đến những sinh hoạt về mặt nổi hơn là đi sâu vào thực chất đời sống của người Việt nước ngoài. Có lẽ cần phải có một tinh thần mạnh dạn hơn, và sự quan tâm hơn đến sự suy nghĩ, và đời sống của đa số thầm lặng, vì đó mới chính là bộ mặt đích thực của người Việt ở nước ngoài.
Hỏi : Giới trí thức và giới bình dân trong nước đọc các sách gì?
Đáp: Đối với giới trí thức, ngoại trừ những sách báo in trong nước, họ không có nhiều sách báo bên ngoài để đọc. Đó là một sự hết sức đáng buồn. Còn độc giả bình dân thì khác, họ đang trực diện với một tình trạng sách báo xô bồ, hỗn tạp chẳng khác gì tình trạng đã xảy ra ở miền Nam trước năm 1975. Đến nỗi tờ Văn học và Dư luận, xuất bản ở Sài Gòn vào tháng 4-1992, đã có bài viết phải kêu lên “Loạn sách trên thị trường”. Bài báo có đoạn viết: “ Một số người lo âu cho sự xuống cấp của thị hiếu công chúng cũng lên tiếng về việc thị trường tràn ngập những sách hạ cấp, sách nhảm, và sách dỏm”. Hay là: “ Sách bán xon như rau muống chợ chiều tất phải đẻ ra hàng loạt những lái buôn các cỡ, đầu nậu lớn, đầu nậu nhỏ, bồi bút đâm thuê chém mướn, các kiểu quảng cáo bạt mạng, vô lương tâm, miễn sao có lời!” .
Hỏi : Về độc giả thì như vậy, còn về phần những tác giả thì sao? Họ có những khó khăn gì về mặt sáng tác xuất bản?
Đáp: Cũng nằm trong tình trạng đó, giới sáng tác đã phải kêu lên: “SOS văn chương thứ thiệt đang mất mùa”. Lời nhận xét này cũng được đưa ra trên tờ Văn học và Dư luận, nhưng bài viết lại xuất phát từ một cuộc gặp gỡ một số văn nghệ sĩ tại toà soạn một báo văn nghệ ở Hà Nội. Bài viết có đoạn: “ Chưa bao giờ lao động của những nhà văn tâm huyết với nghề văn lại bị trả với giá rẻ mạt như bây giờ. Chưa bao giờ thứ văn chương đích thực phải đi chào mời để chịu đựng những cái lắc đầu, phẩy tay nhục nhã như bây giờ. Chính vì thế mà chả cứ Hà Nội, mà ngay ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Đà Nẵng, ở Huế, ở Hải Phòng, rất nhiều nhà văn đang sung sức, đang tích cực góp được cả một kho kinh nghiệm sáng tạo, đang náo nức muốn viết như muốn giãi bày, bộc bạch, bỗng tự nhiên cảm thấy mất hết hào hứng, nghị lực làm việc và... ngừng viết, chí ít là ba năm trước mắt. Xin hãy phát đi tín hiệu SOS vì sự mất mùa đã hiển hiện của dòng văn chương đích thực”.
Hỏi : Các tác phẩm ở trong nước thì như thế, còn tác phẩm ở ngoài nước? Anh có nghĩ rằng các nhà xuất bản và các báo trong nước sẵn sàng in ấn các tác phẩm viết từ ngoài nước không? Nếu có sự ngần ngại thì sao? Tại vì e ngại phản ứng của chính quyền hay vì e ngại lập trường của các nhà văn hải ngoại?
Đáp: Có lẽ cả hai. Trong tình trạng hiện thời tôi không thấy khả năng các báo trong nước có thể ấn hành các tác phẩm được viết ở hải ngoại, mặc dầu công việc này là một mong ước, một nguyện vọng chẳng những của độc giả mà còn của cả những người làm báo, làm xuất bản nữa. Theo tôi nghĩ, sẽ còn phải cần nhiều thời gian để tiến tới điều đó.
Hỏi : Anh có tin vào sụ giao lưu văn hoá thực sự giữa trong và ngoài nước hay không?
Đáp: Tôi vẫn tin tưởng tuyệt đối vào chuyện đó vì đó là một mảng quan trọng trong toàn bộ vấn đề hoà hợp, hoà giải dân tộc (một từ ngữ khác là đồng thuận dân tộc), một nhu cầu bức thiết của cả dân tộc, một sinh lộ duy nhất để nước ta thoát được cảnh khốn cùng và đi tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Hỏi : Hợp Lưu là tờ tạp chí sẵn sàng in các bản thảo văn học ở trong nước gửi ra. Theo anh, tại sao Hợp Lưu chưa nhận được các bài viết trong nước? Vẫn vì thiếu thông tin hay vì những điểm gì khác?
Đáp: Sau 4 số đã ra mắt, Hợp Lưu vẫn có những trang in lại những sáng tác thơ, văn của các tác giả trong nước, như một nỗ lực phát đi những tín hiệu hoà hợp mở đầu. Nhưng vì tờ Hợp Lưu còn quá mới mẻ, số báo về được trong nước còn rất hạn hẹp, nên sự dè dặt nếu có đối với các tác giả trong nước là chuyện phải có. Tuy nhiên, theo chỗ tôi được biết, thì toà soạn Hợp Lưu cũng đã bắt đầu khởi sự nhận được thư từ hoặc bản thảo từ trong nước gửi ra. Việc sử dụng những thư từ, bản thảo này cũng đòi hỏi một sự thận trọng vì lý do an ninh của người viết. Đây là tình trạng của buổi giao thời. Tôi hy vọng, rồi đây, Hợp Lưu sẽ đóng trọn được vai trò của nó, tức là tờ báo đầu tiên đóng góp được vào công cuộc giao lưu văn hoá giữa trong và ngoài nước.
Hỏi : Trước khi chấm dứt cuộc nói chuyện, xin anh một lời kết.
Đáp: Sau chuyến về lần này, tôi cảm thấy gắn bó hơn, cảm thông hơn, với những hoàn cảnh, những tâm tư, những nguyện vọng của đa số đồng bào còn ở lại quê nhà. Tôi rất muốn chia sẻ với mọi người ở hải ngoại về những tâm tình đó. Nhưng đây không phải là vấn đề thuyết phục lý luận hay tranh cãi về lập trường yêu nước mà là vấn đề nhận thức kinh qua kinh nghiệm thực tế của mỗi người. Muốn hiểu được thực trạng quê hương, muốn cảm thông được với tình cảm tâm tư của những người ở lại tốt hơn là ta hãy trở về trực diện với quê hương để nghe, để nhìn, để trao đổi với những người dân bình thường bằng chính tấm lòng yêu thương rộng mở của mình. Tôi cho rằng đó là một cung cách hay nhất để ta có dịp nhìn lại chính mình, duyệt lại những nhận thức của mình trước khi tiếp tục muốn làm được điều gì thực sự tốt đẹp cho quê hương.
(còn nữa)
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét