Thằng Bình quay lại nhoẻn một nụ cười gượng gạo. Không còn vẻ hồn nhiên nào in trên nét mặt thơ ngây của nó nữa. Hai hàm răng trăng nhởn như quá lộ liễu trên khuôn mặt vêu vao. Cho đến giây phút đó, lão Đối mới thực sự cảm thấy nó xa lạ với mình. Ngần nấy tuổi đầu, sống bám vào mảnh đất quê hương dai như sức sống của những con đỉa đói trong Đầm Tròn, tất cả mọi sự kiện nào xẩy ra ở đây, dù là một thân cây mục ruỗng, một bồn cỏ héo úa, một con gà chết dịch hay một nhân vật trái nắng trở trời, lão đều thông suốt như tất cả mọi phần huyết mạch chạy trong thân thể cằn cỗi của lão. Vậy mà bây giờ nhìn thằng bé, lão thấy như giữa mình với nó có một sự cách biệt sâu xa. Lão tự hỏi cái gì đã làm cho lão cảm thấy điều đó? Phải chăng bây giờ nó không còn chia xẻ với lão nếp sống nhọc nhằn ở đây, bây giờ ý nghĩ của nó không hòa cùng ý nghĩ của lão về một trận banh tròn, một đám tế lễ ồn ào, náo nhiệt hay về thời tiết ảnh hưởng đến đời sống của toàn thể mọi người trong ấp Vĩnh Hựu. Ôi! Cái thuở xa xưa ấy như chìm lỉm trong tiềm thức dai dẳng của lão. Chúng nó có thể không nhớ, nhưng lão thì chẳng thể nào quên được. Đó chính là cái nguyên do mà lão không rời bỏ chốn này, cho dù súng đạn, chết chóc vẫn xảy ra hàng ngày như cơm bữa.
Lúc thằng Bình đi khỏi và tai lão đã lắng nghe thấy tiếng chân của nó tan biến hẳn vào bóng đêm tịch mịch, lão Đối mới bắt đầu cài cửa và lên nằm duỗi dài trên phản gỗ. Giấc ngủ đến với lão chập chờn. Hình ảnh của gia đình lão, gia đình thằng Hoanh, thằng Bình và tất cả mọi người mà lão quen thuộc hình như thấp thoáng ẩn hiện trong ý nghĩ của lão.
Cho đến lúc có từng tràng đạn nổ dài xé rách bầu không khí tĩnh mịch xen với tiếng reo hò từ xa vẳng lại, lão mới giật mình thức giấc. Lão nhỏm phắt người lên và nhẩy bổ lại phía vách nghe ngóng. Tiếng súng vẫn vang lên ở gần đó một lát, trở thành rời rạc lẻ tẻ, rồi im hẳn. Tim lão Đối đập mạnh trong lồng ngực. Mạch máu của lão như đông cứng lại đến tê dại cả tay chân. Lão lẩm bẩm cầu khấn cho thằng Đực không phải là nạn nhân.
Sáng hôm sau lão Đối y hẹn lần mò lên cột cây số từ sáng sớm. Nhưng lão không thấy thằng Bình. Trong bầu không khí ẩm ướt còn vương vất sương mờ buổi sớm, lão chỉ nghe thấy tiếng động thanh thoát của những con “tè hoét” vọng xuống từ những lùm cây cao và tiếng cành khô rơi rụng trong từng đám cỏ xanh mượt lóng lánh những giọt sương mai. Mãi đến khi trời sáng hẳn lão mới thấy Hoanh lững thững xách súng từ đồn về ấp nghỉ ngơi. Lão vội hỏi:
- Đêm qua có chuyện gì thế?
Hoanh đáp:
- Thằng Bình! Trời đất ơi, thằng nhóc mà to gan. Bác có thấy nó về trỏng hôn?
- Bình nào? Có ai ở đâu ra mà thấy.
- Thằng Bình ở kế bên nhà bác đó. Một hồi nó cướp súng rồi trốn ra bưng bác không nhớ sao?
- Ừa! Mà nó làm sao?
- Đêm qua nó lại mò về. Thế mới gớm chớ. Chỉ thiếu có chút xíu nữa là cháu chộp được nó rồi.
Lão Đối mừng rơn trong bụng:
- Thiệt hả?
Hoanh kể:
- Hồi hôm cháu ngồi đi tiêu ở mé xế cây gòn tuốt đầu kia kìa. Trời tối đen như mực, cháu đâu có thấy cái gì. Tới chừng trở về đến chỗ ngoẹo vô con đường ra chẩn y viện đó, thì cháu đụng ngay phải nó. Cháu hết hồn tưởng ai. Cháu mới lên tiếng thì nó ấp úng không trả lời. Tới lúc rọi đèn bin vô ngay mặt thì té ra thằng Bình. Trời ơi! Cái mặt nó ai mà quên. Cháu bèn sấn tới thì nó vùng lên chạy. Uổng quá, nếu không chới với tại cây đèn thì cháu hạ nó cái một rồi.
- Rồi nó đâu?
- Chắc nó lết tuốt vô trong đồng rồi chớ còn đâu?
Tim của lão Đối thót lại:
- Sao lại lết? Bộ nó đau hả?
Hoanh đắc chí mỉm cười:
- Chẳng đau thì cũng thành tật, bác à. Cháu lớ quớ vậy chớ cũng còn đủ thì giờ lia cho nó một băng. Hiềm vì tối quá nên chắc nó chỉ bị thương thôi. Hồi sáng này cháu có trở lại chỗ đó để dò la manh mối thì thấy có nhiều vết máu trên cỏ, chẳng của nó thì ai?
Lão Đối lặng người đi không đáp. Im lặng một lát, lão từ biệt gã đàn ông rồi lững thững trở về. Chưa bao giờ lòng lão thấy bồn chồn và nóng nẩy như thế. Lão hình dung ra hình bóng nhỏ bé của thằng Bình chạy biến vào khoảng tối mù mịt. Theo dấu chân của nó là những giọt máu in trên lối cỏ. Nó bị thương ở đâu? Làm thế nào lão có thể biết được? Lão cầu cho nó có đủ sức trở về được chỗ trú đóng để không phải nằm hấp hối một mình giữa đồng không mông quạnh.
*
* *
Câu chuyện đó rồi bẵng đi, đến gần hai tháng sau lão Đối mới lại được tin của nó. Quả nhiên Bình chưa chết mà chỉ phải nằm điều trị có hai tuần lễ. Nó bị bắn thương tích ở đùi và hai tay của nó vẫn còn cầm súng được nên thằng Há vẫn sử dụng nó theo đúng khả năng.
Ít lâu sau Bình trở về ấp Vĩnh Hựu lần thứ hai. Nhưng lần này nó đi thành toán đông đảo. Mặt trận đã mở màn ở Phú Sơn, khai mạc cho chiến dịch mùa mưa sắp tới. Nhiệm vụ của thằng Há là phải tăng cường phá hoại để khuấy rối hậu phương địch, ngõ hầu yểm trợ cho những toán chủ lực Miền giữ vai trò chủ động chiến trường. Lao đầu vào công tác mới mẻ này, thằng Bình không thọ thêm được vài tuần lễ.
CHƯƠNG 2
Đổi gác xong, điểm tâm qua loa bằng khúc bánh mì, Lầu xách súng từ đồn Phi Mã đi về ấp Vĩnh Hựu. Trời sáng rõ từ lâu. Sương mai đã tan hết trong ánh nắng vàng tươi của một ngày tốt trời. Bầu trời xanh ngắt không gợn một làn mây. Rặng núi đằng xa hiện ra từng giải chập chùng với những khối đá phủ màu rêu xám. Đồng ruộng trước mặt nhấp nhô những gò đất nhỏ có những lùm cây thấp. Một vài chiếc chòi trú mưa của mục đồng hiện ra thấp thoáng trên những thảm mạ xanh rì. Lầu ngửa mặt lên cao hít những hơi thật dài. Không khí trong lành thấm vào tận thớ phổi làm gã thấy nhẹ nhõm. Cơn mệt mỏi kéo dài gần trắng đêm hôm trước dần dần tan biến. Bây giờ trong ý nghĩ của Lầu chỉ còn âm hưởng của tiếng rên la thảm thiết của thằng Huỳnh, một đồng đội, khi nó còn lăn lộn trên vũng máu. Nó lên từng cơn khát nước liên hồi. Trong lúc hôn mê, nó gào nước như những đứa bé con ngày nào gào bên xác mẹ mỗi lần một chuyến xe cán trúng một quả mìn. Lầu rất quen thuộc với súng đạn, chết chóc, nhưng không bao giờ gã có thể làm quen được với những loại âm thanh thảm thiết đó. Thoạt nghe gã còn thấy khó chịu, rồi dần dần gã thấy bủn rủn cả chân tay, trong đầu như có những mũi kim đâm vào buốt tới óc. Gã bỏ đi thật xa cho khuất hẳn tiếng kêu gào. Nhưng rồi những âm thanh ấy vẫn trở thành một ám ảnh không nguôi. Trong giấc ngủ, gã nghe thấy tiếng trẻ thơ gọi mẹ. Trong sự im vắng của tháp canh lúc trời về chiều, gã mơ thấy những bạn đồng đội, đồng hành với gã từ ngày quê hương bắt đầu có tiếng súng và họ đã xa lìa vĩnh viễn cuộc đời lính tráng với ít ra là một phần thân thể bị cưa đi. Đêm hôm qua, thằng Huỳnh là đứa bị nặng nhất. Hồi trước nó vẫn ước ao có một đôi bottes de saut, loại giầy da cao cổ, ngày nghỉ phép có thì giờ dùng si-ra đánh bóng lộn. Cả đồn Phi Mã, ngoài mấy ông sĩ quan không nói làm gì, trong hàng ngũ từ trung sĩ trở xuống, Huỳnh mới chỉ thấy một người có được một đôi. Đó là gã binh nhất Nguyễn văn Cói.
Cói mới được đổi từ vùng I về đồn được hơn sáu tháng. Hôm ra mắt đồn trưởng, “cả người gã trông chỉ được có mỗi đôi giầy”, đó là lời nhận xét của Huỳnh khi thấy gã lễ mễ ôm đồ quân trang, quân dụng đi ngang qua sân sỏi ở cột cờ. Đôi giầy của gã quả thật trông thích mắt. Gã đánh thật kỹ mặt da đen láng đến lên nước bóng như gương soi. Đi đôi giầy vào, thân hình phục phịch của gã như cao thêm, nhanh nhẩu ra và đầy vẻ hùng dũng. Huỳnh ước ao có nó còn hơn là ước ao có cái băng đạn báng cong của loại súng Carbine M2, loại băng đạn có thể nạp được một lúc 30 viên mà lại có thể dùng cho loại súng Carbine M1 của gã. Đã nhiều lần gã mượn Cói đôi giầy để đi thử một vài vòng vào những buổi sáng Chủ Nhật. Gã nện đế giầy cồm cộp xuống mặt đất lổn nhổn đá dăm. Đẹp thì có đẹp nhưng vẫn chỉ là đồ đi mượn. Gã muốn làm chủ hẳn một đôi giầy oai vệ như thế. Gã nhắn nhe ông Chuẩn úy Dũng hồi nào đi phép thường niên về Sài Gòn, “thế nào cũng cố tha về cho em một đôi, mắc bao nhiêu em cũng chịu ”. Tiền thì gã đã sắp sẵn. Chuẩn úy Dũng cũng đã rục rịch nạp đơn xin nghỉ phép. Thế mà cuộc đụng độ hôm trước đã phũ phàng cất đi của nó cái điều kiện thiết yếu nhất dành cho chủ nhân một đôi giầy. Tức là nó phải có đủ cả hai bàn chân! Bây giờ thì Huỳnh chỉ còn có một nửa cái điều kiện ấy mà thôi! Ước mơ của nó thế là đã vĩnh viễn nằm trong tâm tưởng.
Lầu dừng chân ở trên dốc cầu. Vết tích của cuộc đụng độ đêm hôm trước còn để lại là những vỏ đạn đồng sáng loáng nằm rải rác trên mặt đất loang lổ máu. Chiếc lô cốt ở cánh mặt bị sập một khoảng lớn. Lớp rêu phong xám xịt bở toác ra, làm lộ hẳn ra ngoài những lõi gạch đỏ hỏn, trông như những mẩu xương lòi ra ngoài lớp da thịt. Qua khỏi dốc cầu bên này, những vệt máu tím sẫm lại hiện ra, nhưng lần này tạo thành một dây kéo dài từ mặt đường nhựa xuống bụi cỏ và mất hút sau những luống rau xanh bị dẫm nát. Như thế là ngoài cái xác thằng Bình ở bờ mương, chúng nó cũng còn có đứa bị nặng. Chắc chắn là nó không thể đi được một mình và ít ra là phải có hai đứa khiêng đi. Những tên tuổi quen thuộc đi qua ý nghĩ của Lầu. Thằng Há, thằng Đực, thằng Sách hay thằng Du... Bất giác Lầu tự hỏi cho đến bao giờ, cái danh sách gồm toàn những tên tuổi quen thuộc với Lầu từ hồi còn nhỏ đến giờ sẽ bị loại trừ dần dần cho đến hết. Vốn liếng kỷ niệm ấu thơ của Lầu chỉ có ngần ấy. Mà chiến tranh trên đất nước này thì đã kéo dài từ hai mươi năm. Ý nghĩ buồn thảm đó làm Lầu thấy thót ruột lại. Gã chợt nghĩ đến người vợ ở nhà. Với trời đất này, hằng ngày đã xảy ra biết bao nhiêu là biến cố. Gã rùng mình xua đuổi ý nghĩ hãi hùng vừa chợt đến và rảo bước thật nhanh.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét