Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

BÁC BA PHI ĐI THĂM MỸ ( KỲ 66 )



                                    (tiếp theo)



Ông hoạ sĩ Tụng bật cười :

“ Ông này lại ăn quả lừa nữa rồi. Khối ông về Việt Nam bỏ vợ , rước bồ  nhí sang đây , ở được vài năm  nó kiếm được anh trẻ hơn, giàu hơn thế là nó đá cái rụp. Anh chồng tỉnh ra thì đã mất vợ, mất cả nhà.Hoá ra chẳng phải mấy bác H.O phản đối chuyện về Việt Nam mà chính mấy cô sợ chồng về rồi mất chồng luôn...”

Bác Ba Phi gật gật :

“ Hèn chi tôi ghé chỗ đại lý vé mày bay, các cô nhìn tôi đi có một mình, cô nào mặt cũng như cái tủ lạnh...”

Ông hoạ sĩ Tụng chăm chú nhìn bác Ba Phi rồi vui vẻ :

“ Bác chịu khó ngồi tôi vẽ bức chân dung nhé !”

Bác Ba Phi kinh ngạc :

“ Vẽ tôi...tôi có đẹp gì đâu mà vẽ ?”

Ông hoạ sĩ Tụng giải thích :

“ Không cứ gì phải vẽ người đẹp. Từ lâu tôi định vẽ chân dung “ông già Nam bộ” mà tìm chưa ra ...”

Bác Ba Phi kêu lên :

“ Vẽ ông già Nam Bộ thiếu gì ?”

Ông hoạ sĩ Tụng lắc đầu :

“ Không ...ông già thì không thiếu ...nhưng ông già còn giữ được  chất Nam bộ mới  thật hiếm ...”

“ Chất Nam Bộ là chất gì ?’

Ông hoạ sĩ Tụng than  vãn :

“ Khó nói lắm..giống như ông già trong vở cải lương “Dạ cổ hoài lang” hoặc như ông già Văn Thiên Tường đó...”

Bác Ba Phi chối đây đẩy :

“ Cái đó tôi không dám đâu...cái đó chỉ người  xưa mới có thôi...”

Ông bác sĩ Tụng gật đầu :

“ Bác nói đúng , ông già Nam Bộ thời xưa ai cũng “trọng nghiã khinh tài”, tính cách ngang tàng chứ chả như bây giờ suốt ngày say xỉn, nói năng như thằng sảng. Chán lắm...”

Bác Ba Phi thắc mắc :

“ Tôi cũng vậy có thua gì đâu ?”

“ Không không, có thể bác vẫn nhậu nhẹt nhưng bác khác họ...khác thế nào thì tôi chịu, tôi chỉ cảm thấy nó để mà..vẽ thôi...”

Bác Ba Phi  hy vọng nhờ ông hoạ sĩ này bán được bức tranh bác vẽ nguệch ngoạc mà giá những 3000 đôla nên vui vẻ nhận lời :

“ Vậy tôi có  phải thay đồ không ? Ông vẽ tôi ngồi hay đứng ?”

Ông hoạ sĩ nghĩ một hồi mới trả lời :

“ Hôm nay bác về nghỉ rồi báo cô Út biết tôi giữ bác mấy hôm ở bên này. Sáng mai tôi tới đón bác sang đây bắt đầu vẽ...”

Tối hôm đó bác Ba Phi hí hửng khoe  cô Út :

“ Hôm nay tía chỉ ngoáy ngoáy cái tay là có ngay 3000 đôla ...”

Cô Út ngạc nhiên trợn tròn cả mắt :

“ Oh My God...tía làm gì mà ngoáy tay có tiền...tất nhiên là không móc túi thiên hạ chứ ?”

Bác ba Phi nổi giận :

“ Chị nghĩ tía chị thế nào mà phải đi móc túi ?”

Cô Út vội vàng dàn hoà :

“ Không không là con nói ví dụ thôi. Chứ tía sao mà đi móc túi ai ?”

Bác Ba Phi hãnh diện :

“ Đúng rồi...tía mày “trọng nghĩa khinh tài” , có cho thiên hạ thì có chớ không bao giờ lấy của ai  đồng xu cắc bạc nào hết...”

Cô Út gật đầu :

“ Chuyện đó con tin tía rồi nhưng con hỏi tía làm gì mà chỉ ngoắc tay  đã có những 3000 đôla ...”

Bác Ba Phi vênh mặt :

“ Tao vẽ chứ còn làm gì ?”

Cô Út muốn nhảy lên vì kinh ngạc :

“ Tía vẽ ? Tía vẽ được 3000 USD. Tía có mơ ngủ không đấy ?”

“ Con nhỏ này kỳ nhỉ ? Bộ không tin vào khả năng tía sao ?”

Cô Út bật cười :

“ Giá tía cấy lúa một vụ thu hoạch được  3000 đô la con còn nghe được , chứ  tía cầm cọ vẽ nghe đã khó tin rồi, lại vẽ được bức tranh bán được những 3000 đô la thì thật ngang chuyện ông Hai Lúa ở quê mình tậu máy bay ...”

“ Ấy thế mà Hai Lúa không những tậu máy bay mà còn chế tạo được cả máy bay trực thăng nữa kìa ...”

“ Chuyện viễn tưởng hả tía ?”

Bác Ba Phi trợn mắt :

“ Chuyện thiệt đó chớ ? Cha này ở Tây Ninh chế tạo được máy bay lên thẳng bay được mấy trăm mét lận ...”

Cô Út cười ngặt nghẽo :

Oh My God...chế tạo máy bay mà chỉ bay được có mấy trăm mét thì chế tạo làm gì ?”

“ Thì chế tạo để lấy ...tinh thần, chứng tỏ người Việt đằng mình cũng thông minh sáng tạo lắm chớ bộ ?”

“ Tía ơi ...thế giới ngày nay người ta chỉ cần hàng hoá, sản phẩm thật tốt, giá thật hạ thôi , cần gì “chứng tỏ” với “tinh thần”...”

Bác Ba Phi đã có kinh nghiệm chớ tranh luận với đàn bà cho dù con gái mình, nên nói ngay sang chuyện khác :

“ Ông hoạ sĩ Tụng muốn vẽ chân dung tía nên từ sáng mai tía sang ở bên đó vài ngày...”

Cô Út chợt nhớ ra, bật cười :

“ Thế còn bức tranh tía mới vẽ trị giá những 3000 đô la đâu rồi  ?”

“ Sắp triển lãm rồi...khi nào triển lãm tía bảo ông hoạ sĩ gửi giấy mời con tới coi...”

Cô Út tròn mắt :

“ Lại cả triển lãm nữa kia à ? Nhưng có một bức sao mà triển lãm ?”

Bác Ba Phi ngẩn người :

“ ừa há..có mỗi một bức sao triển lãm được há...để mai tía hỏi lại ông hoạ sĩ Tùng...”

Cô Út cố nhịn cười để khỏi làm bác Ba Phi mất vui.

Sáng hôm sau, cô Út dậy sớm trang điểm cho bác Ba Phi làm “người mẫu vẽ” cho ông hoạ sĩ. Cô lấy keo xịt tóc trải đầu , lại kiếm cái cravate đẹp nhất của anh chồng Mỹ thắt cho bác rồi khoác lên bô comlê loại đắt tiền khiến nom bác như một business man chẳng có tí gì là nông dân Nam bộ. Cô Út khoái chí quá cười  rinh rich :

“ Oh My God … nom tiá “bô “ trai quá...cứ gọi là trẻ ra 20 tuổi...còn khối cô mê...”

Bác Ba Phi  phì cười :

“ Con nhỏ này trớt quớt...tía sắp thò cả hai chân vào mồ rồi còn bồ bịch gì ?”

Vừa lúc đó có tiếng xe hơi ông hoạ sĩ Tụng tới. Cô Út chưa kịp ra đón ông đã xăm xăm vào phòng. Vừa nhìn thấy bác Ba Phi ông đã la lối :

“ Oh My God...sao lại đóng bộ vậy ?”

Cô Út nhanh nhẩu :

“ Ấy ấy...trang điểm để hôm nay hoạ sĩ vẽ chân dung tía em mà ...”

Ộng hoạ sĩ cười ngất :

“ Oh My God..tôi vẽ là vẽ bác Ba Phi vẽ ông già Nam bộ chứ đâu phải vẽ ông thương gia  thế này. Thôi được rồi, cứ tới nhà tôi rồi ta sửa soạn lại...”

Cô Út giơ tay ngăn :

“ Khoan đã...không mấy khi nom tía bảnh vậy...để con chụp cho tía pô hình làm kỷ niệm chuyên đi Mỹ , gửi về cho vợ chồng thằng Đậu nó coi cho nó nhảy cà tưng lên ...”

Nói rồi cô Út chay vào phòng lấy ra cái máy hình chụp nhoay nhoáy. Cô bắt bác Ba Phi đứng ngồi đủ tư thế khiến ông hoạ sĩ Tụng cười  bò :

“ Thế này thì bác Ba Phi thành diễn viên cải lương của đoàn Minh Tơ chứ đâu còn ông già Nam bộ “dạ cổ hoài lang” nữa...”

Cô Út chụp xong lại mở máy cho bác Ba Phi  coi thử :

“ Tiá coi nè...”bô” trai chưa ? Về Việt Nam còn khối cô theo...”

Bác Ba Phi nhìn thấy mình trong hình hoàn toàn khác, nom trẻ ra  như thanh niên, tóc tém trải ốp hết bù xù, ngăn nắp chứ chẳng rối bù sợi nọ sọ sợi kia, nên khoái chí lắm, bác đòi cô Út in ra mấy tấm để bác gửi  về cho vợ chồng thằng Đậu mang đi khoe lối xóm. Bác nói :

“ Chuyện tía đi Mỹ đã đồn ầm cả lối xóm vậy mà khối đứa không tin, có đứa đã tới tận nhà nói thẳng với vợ chồng thằng Đậu :

“ Đi Mỹ gì lâu dữ vậy ? Bộ ở lại luôn hả ? Hay là đi...Mỹ Tho dưới miệt Cà Mâu ?”

Vợ chồng thàng Đậu tức ói máu không biết nói sao ? Nay có hình chụp thắt cavát mặc còmlê đứng trong nhà cô Út vậy thì đúng là đi Mỹ thiệt rồi...”

Bác Ba Phi nói rồi cười ha hả làm ông hoạ sĩ và cả cô Út ngạc nhiên, nhấm nháy nhau coi như  mới phát hiện ở bác một nét gì đặc sắc lắm. Cô Út thấy bố khoái chí với bộ đồ lớn nên vui vẻ đề nghị :

“ Hay tía cứ mặc luôn bộ đồ này đi, cả cravate lẫn giày nữa, coi như anh Tommy tặng tía làm quà kỷ niệm chuyến tía đi Mỹ...”

Ông hoạ sĩ Tụng vội vàng :

“ Ấy ấy...chuyện  đó để sau, sáng nay bác cứ ăn mặc như mọi khi để tôi vẽ chân dung cái đã....”

Nói xong ông hoạ sĩ kéo thốc ngay bác Ba Phi lên xe, phóng vội về nhà ông. Trong lúc ông hoạ sĩ cất xe, bác Ba Phi để ý tìm bức tranh bác vẽ dự kiến bán được những 3000 đôla chẳng hiểu ông hoạ sĩ cất đâu . Bác lục tung cả đống tranh ông hoạ sĩ xếp trong góc phòng, lại mở cả chiéc rương lớn trong đó xếp toàn tranh là tranh mà cũng chẳng thấy bức đó đâu. Quái, hôm qua rõ ràng bác còn nhìn thấy ông hoạ sĩ dựng nó ở góc tường , không lẽ mang nó đi triển lãm rồi.

Ông hoạ sĩ cất xe vào gara, quay vào phòng hoảng hồn thấy bác Ba Phi đang lục tung đám tranh vốn sắp xếp rất ngăn nắp, phân loại theo thể loại  và đề tài . Lúc này tất cả bị đảo lộn, rối tinh xoè, mỗi bức mỗi nơi chẳng theo trật tự nào. Ông hoạ sĩ kinh hoàng, kêu lên :

 “ Chết tôi rồi...mất bao nhiêu công mới sắp xếp phân loại được, sao bác lục tung hết tranh của tôi vậy ?”

Bác Ba Phi trả lời tỉnh queo :

“ Tôi tìm bức tranh của tôi mà...”

Ông hoạ sĩ Tụng ngớ người :

“ Tranh của bác ? Tranh nào của bác ?”

Bác Ba Phi kêu to :

“ Tranh tôi...vẽ chứ còn tranh nào ? Tranh anh nói là sẽ bán được  3000 đô lađó...”

Ông hoạ sĩ gật thót người. Thôi bỏ mẹ, vạ miệng rồi, ông tính nói chơi , chọc quê bác Ba Phi cho vui, ngờ đâu bác lại tin thật mới chết cha. Bác Ba Phi nóng ruột hỏi dồn :

“ Sao ? Tranh của tôi anh xếp nó vào đâu rồi ?”

Ông hoạ sĩ cuống lên :

“ Tôi..tôi gửi nó đi gallery  rồi ?”

“ Ga-lơ-ri là ở đâu  ? Phải nhà triển lãm không ?”

Ông hoạ sĩ vội vàng :

“ Đúng đúng...nhà triển làm...nhà triển lãm...phải bày ở đó người ta mới tới ngắm nghía mà mua chớ ?”

Bác Ba Phi hể hả :

“ Vậy hôm nào anh chở tôi đến chỗ ga-lơ-ry đó coi tranh của tôi nha. Rồi mình còn so sánh nó với những bức khác nữa chớ. Phải rồi, phải so sánh với những bức tranh khác mới thấy hết giá trị của nó chớ...”

Ông hoạ sĩ Tụng thở hắt ra :

“ Đúng đúng...bác nói rất đúng, phải đặt nó so sánh với các bức tranh khác mới biết nó đẹp chừng nào...”



                                   (còn tiếp)














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét