Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Nhà văn Nhật Tiến : GIẤC NGỦ CHẬP CHỜN ( KỲ 3 )





                                            (tiếp theo)

             



Bình năm nay mười tám tuổi. Hồi đi theo bọn thằng Há, nó mới mười lăm. Mười lăm tuổi mà trông thằng Bình chỉ bé như đứa trẻ mười ba, thân hình nó loắt choắt, ống tay ống chân khẳng khiu như ống sậy. Cái trán thấp và hẹp, đôi mắt ngờ nghệch, miệng nó ít khi nở được một nụ cười tươi tắn. Mọi người thường bảo nó gượng gạo, ngu đần, số vất vả. Hồi thôn ấp còn bình yên, trong đám trẻ cùng lứa tuổi như Bình, nó được coi là thằng khờ nhất. Nó không biết trèo cây, không biết bơi lội, không thích đá banh, không thích tham dự bất cứ trò chơi nào của lũ trẻ. Nó nhát, điều đó cũng dễ hiểu vì trò chơi nào cũng đòi hỏi phải có sức khỏe, mà thằng Bình thì ốm yếu, èo uột. Cứ nhìn vào những hàng gân xanh nổi rõ trên hai cẳng chân của nó thì đủ thấy. Thứ nữa là ba nó rất dữ đòn. Ông ta dậy dỗ con cái không phải vì mong cho nó được tốt đẹp mà chính là chỉ để giải tỏa những cơn tức giận của mình. Hai vợ chồng ông sống không mấy hòa thuận. Chuyện cãi cọ xẩy ra như cơm bữa. Hễ mỗi lần cơn tức nổi lên là ông ta phá phách, đập bàn, đập ghế, đập nồi niêu bát đĩa, đập luôn cả thằng Bình khi đó cứ đứng giương cặp mặt ngu đần lên nhìn bố làm ông tưởng nó muốn trêu tức ông thêm. Thật ra, những lúc đó nó chỉ nghĩ đến mâm cơm đã được bầy ra với tất cả những đồ ăn nghi ngút khói và cầu mong tất cả sẽ không bị đổ bể. Nhưng chỉ một cái đá giận dữ của cha nó là bát đĩa vỡ loảng xoảng, rau muống úp chụp vào tương chao, tô canh chan nước lên tô cơm vừa mới sới. Nghĩa là dù đói meo ruột chắc chắn phải đến chiều may ra Bình mới được no bụng.
Lớn lên, thằng Bình càng trở nên ngơ ngác và ít nói. Nó chỉ có mỗi một sở thích là được sờ mó, ngắm nghía vào cây súng của mấy anh dân vệ xã. Nhìn bóng dáng của họ, đầu đội mũ lưỡi trai, bụng nịt băng đạn, hai ống quần buộc túm với hai bàn chân xỏ vào đôi giầy vải đi rừng, lưng đeo khẩu súng đen sì có báng gỗ bóng loáng, thằng Bình coi đó là một con người lý tưởng. Khẩu súng đối với nó là một dụng cụ có thể giải quyết được tất cả mọi chuyện, nhất là với những kẻ yếu đuối như nó. Cứ đặt súng lên vai, kéo cái cần lên đạn rồi bóp cò. Đâu có khó khăn gì! Nó chưa được bắn thử bao giờ, nhưng quan sát những hành động đó thì thật là kỹ càng. Buổi chiều nào nó cũng lảng vảng ở sân cỏ để xem người ta tập bắn. Bắn giả vờ thôi, vì đạn dược ở đây quý giá hơn tiền bạc. Nó học lỏm được đủ mọi thế: bắn đứng, bằn quì, bắn ngồi, cả bắn nằm nữa. Và mỗi khi một anh dân vệ vừa bóp cò, miệng vừa kêu “Pàm” một phát thì ở bờ cỏ đằng này thằng Bình lại toét miệng ra cười một cách khoái chí. Nó tưởng tượng trong đầu là nó cũng đang làm y hệt như thế. Nhưng là nó đang bắn bằng đạn thật kìa. Tiếng súng sẽ nổ giòn, âm thanh sẽ rung chuyển cả một vùng im vắng và viên đạn nhất định phải ghim trúng hồng tâm của bất kỳ cái đích nào mà nó muốn nhắm tới. Đối với nó, chẳng có gì là khó cả. Hồng tâm ở đó, đầu ruồi ở đó, lỗ nhắm ở đó, cứ kẻ cho thẳng, nhắm cho chắc rồi bóp cò cho ngon, thế là địch quân ngã rồi. Nó sung sướng như thể chính nó đã gây ra được những chiến công mà anh dân vệ nào cũng mơ ước. Chẳng hạn như giật giải khôi nguyên trong một cuộc thi bắn, đâu có khó gì.
Dần dà rồi thằng Bình làm quen được với một gã dân vệ xã. Nó cung cấp cho gã đủ mọi thứ tiện nghi mà nó lấy được ở nhà: nước tương, chanh, ớt, trái cây, hột vịt, măng tre và gỗ, nứa. Ngược lại, mỗi lần tới phiên gác của gã, Bình lỏn tới mân mê cây súng bằng một cử chỉ hết sức nâng niu và kính trọng. Trước, nó còn sờ mó, vuốt ve, sau nó cầm lên ngắm nghía và vác lên vai đi đi lại lại. Gã dân vệ nhìn nó mỉm cười:

- Đừng có ham. Mầy chỉ ôm nó chừng mười lăm phút là nó nặng như cái cối đá đeo.

Bình vênh mặt lên hãnh diện:

- Tui giữ được. Giữ hoài. Có nặng gì đâu!

- Ờ! Có nặng gì đâu. Tao thách mầy vác nổi mười lăm phút đó. Vác được tao đãi một chai la de.

- Thiệt hôn?

- Ai thèm nói dối con nít. Nè! Bây giờ sáu giờ năm nè! Tới sáu giờ hai mươi mà mầy không rời cây súng khỏi vai, tao chạy qua bà Tư mang la de về đây cho mầy uống ngay.

- Dễ ợt mà!

- Mà điều phải vác cho ngay, đứng cho thẳng. Mầy mà nhút nhít cây súng là thua đó đa! Ứ! Mà mầy thua thì phải mất gì cho tao chớ?

- Mất chi?

- Hột gà hột vịt gì cũng được. Thôi chục hột gà đi.

- Hổng biết nhà còn tới số đó hông. Bữa nay má tui mới mang lên chợ một rổ bự rồi đó.

- Hổng còn thì tao chờ. Gà đẻ hoài mà, đâu có hết.

- Được rồi. Tui đứng nè!

- Ừ, mầy đứng đi. Đứng theo thế nhà binh đó. Cái chân phải vầy, cái tay phải vầy. Nhút nhít là hư ạ!

Vừa nói, gã đàn ông vừa làm điệu bộ nghiêm chỉnh như trong đời binh nghiệp của gã chưa bao giờ gã nghiêm chỉnh đến như thế. Thằng Bình cứ trông gã mà răm rắp làm theo. Khẩu garant nằm chình ình trên bả vai xương xẩu và còm cõi của nó. Hai cẳng chân khẳng khiu ép sát vào nhau, những mạch máu xanh rờn nổi lên ngoằn ngoèo như lốt chân của loài rắn. Đứng nghiêm chỉnh xong, Bình hỏi:
- Đúng chưa?
Gã dân vệ bẻ hành bẻ tỏi, sửa nắn một lần nữa rồi nói:
- Rồi đó! Cứ đứng yên như vậy nghe em. Mầy lắc một cái là mầy mất chục hột gà đó nghe.
Bình khẽ mỉm cười. Khẩu súng có nặng gì đâu. Bất quá chịu đựng mười lăm phút cho gã đàn ông phục tài. Mười ngón chân của nó bấu xuống đất. Bàn tay giữ chặt lấy báng gỗ. Cổ nó ngay đơ. Hai mắt nhìn thẳng. Nó cố gắng thở thật nhẹ để khỏi nhúc nhích hai chân. Trong lúc đó, gã đàn ông tháo cái đồng hồ trên tay ra, lắc lắc, nghe nghe, chứng tỏ đồng hồ của gã còn chạy tốt, rồi trịnh trọng đặt lên bàn.
Thời gian nặng nề trôi qua. Năm phút, rồi mười phút. Gã bắt đầu e ngại vẻ mặt lầm lì của thằng oắt con. Nó không có vẻ gì là sắp sửa sụm xuống cả. Cẳng chân nó vẫn thẳng tắp. Hai gót chân dính cứng vào nhau. Mười ngón chân mỗi lúc một bậm chặt xuống nền đất. Chỉ có hai vai của nó thì trông thật tội nghiệp. Một bên bị đè trĩu hẳn xuống dưới sức nặng của khẩu súng. Còn bên kia nhô hẳn lên. Nhưng nó lì. Thật là lì. Nó tranh đấu bền bỉ với sự mệt nhọc và khó chịu. Điều đó khiến nỗi e ngại của gã dân vệ mỗi lúc một tăng dần. Gã cầu cứu đến cả mấy con ruồi quái ác cứ bò lởn vởn trên hai đùi của thằng bé. Gã tự nhủ chỉ cần vài con thôi, vài con hoành hành như chúng đã hoành hành trong giấc ngủ của gã là đủ để cho nó hết cái vẻ đứng chôn chân như trời trồng một cách đáng ghét kia. Nhưng lũ ruồi không lay chuyển được nó. Mười hai phút qua rồi. Vẻ mặt của thằng Bình chỉ hơi đổi khác một chút. Hai tai nó đỏ lên. Cái cằm bạnh ra. Hơi thở của nó bắt đầu dồn dập. Có thể nó sắp thua đấy. Nhưng ba phút còn lại ít ỏi quá. Gã dân vệ không tiếc chai la ve nhưng gã tiếc chục trứng gà. Gác buổi tối mà làm một xoong cháo đập trứng gà vô thì chẳng còn lúc nào sáng suốt cho bằng. Gã phải tranh thủ thời gian để khỏi hụt bữa cháo thơm lừng đó. Điều nầy thì dễ. Gã làm bộ đi lại trước mặt thằng Bình để kiểm soát rồi gã nói:

- Giỏi thiệt đó đa! Không khéo tao mất la de với mày, Bình ạ. Để tao coi mấy giờ rồi.

Vừa nói, gã vừa chạy lại phía bàn cầm chiếc đồng hồ lên, tay gã vặn ngoéo cây kim dài cho chậm lại năm phút. Miệng gã la lên:

- Chà! Hết mười phút rồi. Mầy ráng lên. Năm phút nữa có la de nhậu là cái chắc.

Đoạn gã dí chiếc đồng hồ vô mặt thằng Bình. Gã nghe thấy hơi thở của nó dồn dập ở mũi. Hai cẳng chân của nó mỗi lúc một run hơn. Cánh tay khẳng khiu của nó nhấp nhổm muốn ngả cây súng xuống đất. Gã mỉm cười một cách đắc thắng và nói thêm:

- Cấm cụt kịt đó nghe em! Thế đứng nhà binh mà. Đâu phải chuyện giỡn!

Nhưng thằng Bình không cố được nữa rồi. Lưng nó còng lại. Bàn chân cố bấm xuống mặt đất mà như muốn rời ra, hất cái đầu của nó chúi xuống. Rồi trong một cử chỉ mất thăng băng, nó làm khẩu súng chao hẳn đi, thiếu một chút xíu nữa là nó ngã va đầu vào vách gỗ. Mặt gã đàn ông sáng rỡ hẳn lên. Gã la to:

- Rồi! Rồi! Thua rồi nghe! Rõ ràng nghe! Thiếu điều mày chọc mũi súng làm thủng vách con nhà người ta.

Mặt thằng Bình đỏ lên. Nó buông khẩu súng xuống đất và dậm chân tức tối. Gã dân vệ hí hửng nhặt cây súng để lên bàn rồi rót cho nó một ly nước mưa. Gã nói:

- Thôi, chả có la de thì tao xin cung hiến mầy ly nước mưa nầy. Giải an ủi mà. Kể ra thì mầy cũng chì lắm đó chớ!
Thằng Bình không nhận ly nước mà vùng lên chạy. Gã đàn ông hấp tấp chạy theo. Gã nom thấy nó vừa mất hút sau bụi duối ở đầu lối rẽ. Gã la lớn:

- Mầy chơi bửa, ông cắt cu! Đ.M, mơi nhớ đem hột gà lại cho tao nghe, mầy!

Hôm sau thằng Bình không lại. Mãi ba bốn ngày sau nó mới lò dò tới. Nó mang đủ số trứng thua cuộc. Gã dân vệ xuýt xoa khen nó là người có “lương tâm”. Đêm hôm đó mấy người thay nhau trông nồi cháo. Ăn cháo đã đời rồi, gã dân vệ quay ra ngủ. Gã trao cho thằng Bình nhiệm vụ coi chừng súng của gã. Còn thằng Bình thì khoái chí tử đi rồi. Nó vác cây súng ra ụ đất ngồi y như một chiến sĩ thực thụ. Nó sung sướng với cảm giác thấy mình làm người lớn. Mà thứ người lớn quan trọng, bạn bầu với súng, với đạn, với sự nguy hiểm chết chóc và đêm tối mịt mùng chứ không phả thứ người lớn chỉ biết đòi hỏi, đánh chửi vợ con như tía của nó.

Ít lâu sau, tình hình biến chuyển hơn. Lác đác đã thấy du kích xã lởn vởn xuất hiện quanh vùng. Thằng Bình bị thằng Há móc nối, gây cho nó những tư tưởng thù hận gia đình, thù hận mọi người. Há xui thằng Bình ăn cắp khẩu súng của dân vệ xã để ra khu lập công. Nó cho thằng Bình coi những kỷ vật của nó hồi ở trong khu. Đặc biệt nhất là tập an-bum, khi kéo ra thì là một dẫy ảnh dài dán trên một băng giấy gió, lúc gấp lại trông xinh xắn như một quyển sổ tay.Tập ảnh nầy thằng Há được tặng thưởng trong một kỳ thi đua học tập và nỗ lực phục vụ công tác sản xuất. Nội dung của những bức ảnh, đối với thằng Bình có rất nhiều vẻ hấp dẫn. Ngoài mấy bức ảnh của các lãnh tụ ra, còn có những bức chụp cảnh bộ đội kéo pháo qua đèo, cảnh chuyển quân băng rừng rậm, cảnh sinh hoạt tập thể bên ánh lửa bập bùng trong hang đá. Thằng Há nói:

- Mầy theo tao đi. Ra đó ngày nào cũng vui như tết. Mọi người, ai ai cũng coi mày như ruột thịt. Cộng sảng mà, chớ đâu có bê bối như tụi trong đây. Rồi mày chớp được súng thì súng là của mày. Còn được ăn thêm cái giải thưởng lập công nữa là khác. Mày có nhớ thằng Thu hôn? Chèn ơi! Thằng đó nít hơn mày, cù lần hơn mày, thế mà bây giờ được làm anh hùng chiến dịch đó. Mày đâu có thua gì nó, phải hôn?

                                          (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét