CHƯƠNG 8
Thời điểm : California năm 1994
NÓI CHUYỆN VỚI
NHÀ VĂN NHẬT TIẾN
Về Tuyển tập Văn Chương Hải Ngoại
dự trù ấn hành ở trong nước năm 1992
THỤY KHUÊ thực hiện
LTS : Bài phỏng vấn sau đây được thực hiện qua đường điện thoại viễn liên Pháp - Hoa Kỳ do Thụy Khuê thực hiện cho đài RFI (Radio France Intrernational), Paris, phát thanh trực tiếp về Việt Nam ngày 12 tháng 3 năm 1994.
Hợp Lưu
Thụy Khuê: - Anh là mgười tha thiết, muốn thực hiện giao lưu văn hóa bằng thực chất của vấn đề. Nghĩa là muốn các tác phẩm viết ở hải ngoại được in ở trong nước và ngược lại những tác phẩm viết trong nước được in ở hải ngoại. Anh đã làm việc đó với họa sĩ Khánh Trường và một số bạn văn khác. Xin anh kể lại quá trình của công việc ấy.
Nhật Tiến: Gần ba năm trước đây, họa sĩ Khánh Trường đã hoàn tất một công trình rất có ý nghĩa. Đó là mời được sự tham dự của 35 nhà văn, nhà thơ hải ngoại, ở cả Mỹ, Úc, Canada và Âu châu trong một tuyển tãp thơ văn hải ngoại dự định sẽ ấn hành công khai ở trong nước. Vấn đề còn lại là tìm được một nhà xuất bản trong nước đồng ý ấn hành cuốn sách đó. Trong lần về nước lần thứ hai, khoảng cuối năm 1991, tôi đã cùng một số bạn văn ở trong nước vận động thành công để có được sự hợp tác xuất bản tuyển tập nói trên giữa hai nhà xuất bản : nhà xuất bản Văn Học ở trong nước và nhà xuất bản Tân Thư của họa sĩ Khánh trường ở hải ngoại. Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất kể cả bản thảo đã lay-out, mẫu bìa, cùng bài tựa ký tên chung có sự thỏa thuận của cả hai phía…Tôi tưởng rằng cuốn sách có thể ra mắt độc giả vào khoảng giữa năm 1992, nhưng không ngờ nó bị giới bảo thủ trong nước ngăn cản lại và kìm giữ vô thời hạn, đến nỗi họa sĩ Khánh Trường đã phải đơn phương xin hủy hợp đồng xuất bản vào cuối năm 1993 vì không thể chờ đợi lâu hơn nữa.
Tôi nghĩ rằng đó là một trường hợp đáng tiếc, nhưng không thể làm khác hơn được.
Đó là trường hợp những cố gắng giới thiệu một cách công khai một số văn thơ hái ngoại đến với các độc giả trong nước. Còn tác phẩm ở trong nước đem in lại ở nước ngoài thì rất nhiều, đi tới tình trạng cẩu thả. Vì sách trong nước vốn đã in trên giấy xấu, mực lại mờ, nhiều nhà xuất bản ở ngoài này cứ để nguyên tình trạng như thế đem chụp và in lại, cho nên phẩm chất của cuốn sách vốn đã không khá, khi in xong lại càng trở nên nhem nhuốc hơn. Và bừa bãi: vì là sách in không chọn lọc, do đó có nhiều tác phẩm ít giá trị văn chương cũng vẫn được phố biến rộng rãi. Mặt khác, một vài cuốn có giá trị cao thì lại được ba, bốn, có khi năm nhà xuất bản in lại cùng một lúc. Hơn thế nữa, mỗi nhà xuất bản lại tự ý sửa chữa, cắt xén tùy tiện để tránh né áp lực chống đối ở bên ngoài. Chuyện cắt xén này bầy giờ có đỡ hơn , chứ hai ba năm trước đây thì rất đáng phàn nàn. Sau cùng là vấn đề trách nhiệm đối với tác giả có sách được tái bản. Hầu như rất ít nhà văn ở trong nước nhận được tác quyền do những lần tái bản ở ngoài. Điều này thật là bất công đối với những mgười đã bỏ tim óc vào công cuộc sáng tạo tác phẩm. Trong tình trạng ấy, cũng có một vài nhà xuất bản thể hiện đứng đắn cung cách làm ăn của mình. Chẳng hạn nhà xuất bản Tân Thư, nhà xuất bản Trăm Hoa, hay một hai nhà xuất bản hiếm hoi khác. Việc in lại các tác phẩm trong nước, qua những nhà xuất bản này đã được thực hiện trên những tiêu chuẩn:
- Một là chọn lựa những tác phẩm có giá trị.
- Hai là không cắt xén, sửa chữa nguyên bản
- Ba là tìm cách gởi nhuận bút về cho tác giả. Trừ những trường hợp bất khả kháng.
Mặt khác, trong thời gian gần đây, tôi đã thấy có hiện tượng đáng mừng hơn nữa, là ở hải ngoại không chỉ in lại sách trong nước mà còn ấn hành sách mới, từ bản thảo trong nước gởi ra. Thí dụ Trong Cõi của Trần Quốc Vượng, Tuyển Tập Nguyễn Kiến Giang của nhà Trăm Hoa; Tác phẩm Từ Man Nương Đến AK Và Những Tiểu Luận Khác của tạp chí Hợp Lưu, tập truyện Thằng bắt qủy của Cung Tích Biền, Bài thơ của một người yêu nước mình của nhà thơ Trần Vàng Sao của nhà Tần Thư... Tôi nghĩ rằng trong một tương lai rất gần, sẽ còn nhiều tác phẩm loại đó ra đời và chúng tôi hết sức hỗ trợ cho công việc này. Bởi vì, không một tác giả nào lại không mong muốn cho tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi ở cả trong lẫn ngoài nước. Đó là một nguyện vọng hết sức chính đáng, một nhu cầu hết sức khẩn thiết không thể ai nhân danh bất cứ một lý do gì đi ngược lại được, nhất là trong tình hình thế giới đã thay đổi như hiện nay.
Trong nhận thức đó, tôi có thể khẳng định rằng thời kỳ bưng bít ở trong nước như hiện nay rồi sẽ mau chóng bi vượt qua, không có cách gì ngăn cản được.
Thụy Khuê: - Xin anh trình bày rõ ràng hơn về trường hợp của nhà văn Cung Tích Biền và các nhà văn có bản thảo được in lần đầu ở hải ngoại. Việc dó có ảnh hưởng gì đến vấn đề an ninh của họ không?
Nhật Tiến: - Tất nhiên, khi ấn hành một tác phàm ở trong nước, việc trước tiên mà chúng tôi quan tâm đến là vấn đề an toàn của tác giá. Nếu sách đã được in ở trong nước rồi thì việc tái bản ở hải ngoại không gây phiền hà gì cho người viết cả, bởi vì, nhiều khi, chính tác giả cũng không hề hay biết việc tác phẩm của mình đã được hay bị in lại ở hải ngoại . Riêng đối với những cuốn mới chỉ in lần đầu tiên, không do một nhà xuất bản trong nước mà lại từ hải ngoại, thì điều kiện tiên quyết là phải có sự đồng ý của tác giả. Và một khi tác giả sẵn sàng chấp nhận hậu quả xảy ra cho mình, chừng đó, vấn đề trách nhiệm không còn thuộc về nhà xuất bản nữa. Ngoài ra, tôi nhận thấy, có nhiều tài liệu được phổ biến ra nước ngoài, nội dung chỉ trích mạnh mẽ giới lãnh đạo ở trong nước, hoặc ngay cả những bài nghiên cứu chĩa thẳng vào thành trì lý luận của cbủ nghĩa Mác-Lê, vậy mà tác giả của những bài ấy vẫn ngang nhiên để lên thật, có khi ghi cả địa chỉ và số điện thoại của mình nữa. Điều đó đã nói lên một cách cụ thể rằng đã tới lúc giới trí thức ở trong nước bắt đầu nhận thức được một cách sâu xa về vai trò của mình trước những vấn đề sôi bỏng của đất nước và họ đã bắt đầu có thái độ dõng dạc, can đảm trong việc hành xử vai trò cũng như trách nhiệm của mình. Cho nên, tôi vẫn muốn nhắc lại rằng, thời kỳ u tối của những sự bưng bít giả trá rồi ra sẽ phải qua đi, không có cách gì ngăn cản được.
Thụy Khuê: - Công việc các anh làm được dư luận hải ngoại đón tiếp ra sao ?
Nhật Tiến: - Ba năm trước đây, đề xuất ý kiến gọi là giao lưu văn hóa thì kể là qua sớm và mới mẻ. Do đó chúng tôi không thể tránh khỏi nhiều ngộ nhận, và chúng tôi vẫn cho rằng mình bị ngộ nhận nhiều hơn là bị chống đối, mặc dù sự chống đối ồn ào vốn có trên báo chí hải ngoại cũng vẫn còn đang tiếp tục. Đến nay, thời điểm 1994 này, sau vụ bỏ cấm vận và hai nước có triển vọng bang giao, chúng tôi thấy công việc chúng tôi theo đuổi có nhiều thuận lợi hơn trước. Nói một cách cụ thể hơn, trước đây, khi phổ biến một tác phẩm hay một bài viết ở trong nước trong cao trào mà chúng tôi gọi là cao trào văn chương phản kháng, thì chúng tôi đã bị dư luận hải ngoại chổng đối dữ dội. Nhưng bây giờ, nhiều tờ báo trước kia đã từng chống đối , thì nay lại cũng trích đăng những bài viết xuất xứ từ trong nước. Có những ngòi bút trước đây phê phán rất mạnh mẽ nay lại chính những ngòi bút ấy đã viết bài góp ý, phê phán, nhận định một cách xây dựng và nghiêm chỉnh các bài viết gửi ra từ trong nước. Đó là một dấu hiệu tiến bộ rất đáng mừng . Thành ra việc gì cũng đòi hỏi có cái thời gian của nó phải không chị Thụy Khuê?
Thụy Khuê: - Trong các chuyến về nước, sự vận động của anh mang lại kết quả gì ?
Nhật Tiến - Không có gì cụ thể ngoài việc kết hợp hai nhà xuất bản Tân Thư ở nước ngoài và nhà xuất bản Văn Học ở trong nước mà tương lai có thế có nhiều điều hợp tác thực hiện được. Tuy nhiên về mặt cảm thông, chia xẻ ước mơ thì rất nhiều. Tất cả những anh chị em văn nghệ sĩ trong nước mà tôi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện thì ai cũng mong muốn một hoàn cảnh sáng tác và xuất bản thuận lợi hơn, để mọi mgười đều có thể tự do phát biểu ý kiến của mình, mọi tác phẩm văn chương không phân biệt xuất xứ đều có thể lưu hành một cách công khai và rộng rãi ở cả trong lẫn ngoài nước. Về phía chính quyền, tôi nghĩ là có sự dè dặt hơn, chẳng hạn một vài nhân vật có thẩm quyền về văn hóa, văn nghệ thì cho rằng mọi sự đều có thể xẩy ra, nhưng phải từ từ, không thể vội vã ngay được. Tôi cho rằng đó cũng là những dấu hiệu tốt nếu đem so với sự kiện sẵn sàng sổ toẹt một cách thẳng thừng mọi ý kiến khác biệt, như đã từng xảy ra ở những thập niên trước.
Thụy Khuê: - Hiện nay có một vài quyển văn thơ của các tác giả ngoài nước in ở trong nước. Nhưng phải thành thật mà nói sự cắt xén vốn còn. Riêng đối với công việc của anh, đây là một sự thất bại. Chúng ta hiểu như thế nào về cái thật bại này?
Nhật Tiến: - Việc một vài cơ quan chính thức, chẳng bạn như Ban Việt Kiều Trung Ương, cho in lại một số tác phẩm ở hải ngoại có sự cắt xén, tôi cho đó là việc của riêng họ, không liên hệ gì đến thành bại của chúng tôi cả. Khi thời điểm chưa được chín mùi thì sự cắt xén là điều có thể hiểu được, mặc dù không thể chấp nhận được. Và nó đã xảy ra ở cả hai phía. Tôi cũng đã thấy nhiều tác phẩm ở trong nước, khi in lại ở bên này cũng đã bị cắt xén tàn bạo. Tôi cho rằng những người thò tay vào làm việc cắt xén đó là họ đã làm chính trị nhiều hơn là làm văn hóa. Tôi chủ trương những công tác về văn hóa thì phải do chính những người làm vãn hóa thực hiện. Tôi tin rằng điều đó rồi cũng sẽ xẩy tới.
Thụy Khuê: - Trong tương lai, anh còn tiếp tục công việc này nữa không, thư a anh ?
Nhật Tiến: - Làm sao bỏ được. Những công việc vừa qua mới chỉ là những bước nho nhỏ khởi đầu. Và chúng tôi vẫn còn đang tiếp tục đi tới. Tập san Đối Thoại vừa ra mắt đầu tháng 2. l994 là một trong những nỗ lực mới của anh em, bên cạnh tờ Hợp Lưu đã có từ nhiều năm qua. Mặt khác, riêng bản thân tôi, tôi cũng đang nỗ lực thực hiện một công việc mà tôi cho là nhiều ý nghĩa. Đó là việc tôi cùng hợp tác với một nhà văn ở trong nước, chuẩn bị cho ra mắt vào cuối năm nay một tác phẩm đứng tên chung hai mgười. Nếu dự tính của chúng tôi thành hình và không bị nhà nước cản trở, thì tác phẩm này sẽ được in và phát hành công khai đầu tiên ở trong nước. Hãy khoan chưa nói đến giá trị nội dung tác phẩm, chỉ riêng về tính cách, tôi cho rằng tác phàm này chuyên chở được nhiều ý nghĩa, trong đó sâu xa nhất là ý hướng mong đạt tới sự xóa bỏ được lằn ranh trong, ngoài, trong lãnh vực văn học nghệ thuật, để từ đó tiến tới việc xóa luôn những dị biệt, những quá khứ, những quan điểm hay lập trường chính trị. Nói rộng ra, quê hương ta đã đau khố quá nhiều trong quá khứ rồi, đã đến lúc phải biết đoạn tuyệt với quá khứ dù mất mát, thiệt thòi thế nào, để chỉ nhìn về tương lai, và vun trồng cho đất nước ngày một khá hơn lên. Một dân tộc cứ ôm chặt lấy dĩ vãng để nỉ non hay hận thù là một dân tộc, theo tôi, tự đào thải chính mình.
Thụy Khuê: - Anh nghĩ sao về vai trò của các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước ở thời điểm hiện tại?
Nhật Tiến: - Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tình hình đất nước có nhiều biến chuyển thuận lợi để người cầm bút có thể nói lên một cách trung thực những sự suy nghĩ của mình, để góp phần thúc đẩy tiến trình tự do dân chủ ở trong nước sớm được thực hiện. Năm 1987, phải nhờ ông Nguyễn Văn Linh cởi trói thì văn nghệ sĩ ở trong nước mới viết lên được những tác phẩm đi gần với tâm tư và nguyện vọng của quần chúng. Đó là do sức ép của nền chuyên chính vô sản còn quá nặng nề. Năm nay, 1994, cánh cửa của thế giới đã rộng mở để đón chào một thành viên mới là nước Việt Nam. Tôi mong mỏi rằng đây là cơ hội để anh chị em văn nghệ sĩ ở trong nước sẽ khôi phục lại cái đà sung mãn của mình lúc trước mà không cần phải chờ cho ai cởi trói, trừ phi mình tự trói chính mình. Tình hình vãn hóa, vãn nghệ nhờ những nỗ lực mới đó, chắc chắn sẽ thay đổi rất nhiều và góp phần lớn lao vào tiến trình xây dựng tự do dân chủ ở Việt Nam.
Thụy Khuê: - Cảm ơn nhà văn Nhật Tiến.
THỤY KHUÊ thực hiện.
(Hợp Lưu số 17, tháng 6&7 năm 1994)
(còn tiếp)
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét