Thời điểm : California năm 1994
Vẫn quanh chuyện Tuyển tập
Văn Chương Hải Ngoại
Nhật Tiến ở Thái Lan 2006
Trong Làng Văn Số 113, xuất bản tháng 1-1994 ở Canada, người chủ trương tạp chí ấy, ông Nguyễn Hữu Nghĩa có viết một đoạn như sau:
”Nhà văn Nhật Tiến, người nhiệt thành tin tưởng vào chính sách cởi mở của nhà nước CSVN đã nhìn rõ sự thật. Con đường “giao lưu văn hóa” chỉ mở ra một chiều: chiều ra. Anh em trong văn giới tại Nam Cali cho biết, ông gom bài vở của một số cây bút ở hải ngoại, kiểm duyệt những đoạn có thể làm mếch lòng nhà nước, rồi quyên góp của các tác giả được 18.OOO Mỹ Kim (mười tám ngàn Mỹ Kim - tòa soạn Hợp Lưu nhấn mạnh), mang về chung đủ cho cán bộ Hoàng Lại Giang của hội Nhà Văn Việt Nam để xin xuất bản. Tiền thì Hội Nhà Văn nhận đủ mà sách in, cán bộ văn hóa cứ khất lần. Đến nay vẫn chưa thấy sách được ra mắt “bảy mươi triệu đồng bào quốc nội!”
***
Từ nhiều năm qua, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã dành khá nhiều bài báo, đoạn báo để xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân tôi, thậm chí ông còn đưa cả vào “tác phẩm” (!) của mình nữa (cuốn Dọn Đường Về Nước!), nhưng không bao giờ những lời lẽ của ông làm tôi bận tâm. Đó là lý do từ mấy năm qua, chưa bao giờ tôi lên tiếng một lần trước những luận điệu xuyên tạc, chụp mũ thường xuyên của ông Nghĩa.
Tuy nhiên có lẽ đây là lần đầu tiên, và cũng là lần sau cùng, tôi phải lên tiếng về bài báo kể trên, bởi nội vụ có liên quan đến danh dự và sự an nguy của một người cầm bút trong nước, một người mà tôi đã từng tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi trong chân tình, và sau những cuộc trò chuyện, trao đổi đó, tôi thực sự thấy nẩy nở một tình cảm quí trọng. Người đó là anh Hoàng Lại Giang, nhân vật được đề cập đến trong bài báo của ông Nghĩa, được hiểu như đã nhận đủ 18.000 Mỹ Kim do tôi trao lại để ấn hành cuốn Tuyển Tập Văn Chương Hải Ngoại do hai nhà xuất bản Tân Thư (ngoài nước) và Văn Học (trong nước) đứng tên chung.
Không có can đảm chịu trách nhiệm về những điều mình đã nêu, nên ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã dùng bình phong “anh em trong văn giới tại Nam Cali” để tung ra nhiều điều xuyên tạc :
1) Số tiền 18.000 Mỹ Kim là do tôi quyên góp của các tác giả có tên trong Tuyển tập.
2/ Tôi đã trao 18.000 Mỹ Kim đó cho anh Hoàng Lại Giang của Hội Nhà văn Việt Nam.
3/ Hội Nhà Văn Việt Nam đã nhận đủ tiền mà chưa thấy sách ra mắt.
4/ Tôi kiểm duyệt tác phẩm của anh em văn nghệ sĩ tham dự Tuyển Tập để bỏ những đoạn có thể làm mếch lòng nhà nước CSVN.
Cả 4 điều nói trên đều là những điều bịa đặt với thâm ý độc ác rõ rệt. Bởi vì :
1/ Người chủ xướng việc xuất bản Tuyển Tập Văn Chương Hải Ngoại dự định phát hành trong nước là họa sĩ Khánh Trường, người điều hành nhà xuất bản Tân Thư. Chính họa sĩ KT đã xúc tiến công việc liên lạc với các văn nghệ sĩ ở hải ngoại (trên 30 người), thu thập bài vở, quyên góp tiền bạc, và trực tiếp giao dịch trên văn thư giấy tờ với nhà xuất bản Văn Học. Tôi chỉ đóng vai trò trung gian, làm cây cầu nối giữa hai nhà xuất bản ấy mà thôi. Điều này các nhà văn, nhà thơ có tên trong Tuyển Tập hẳn biết. Và điều này tôi cũng đã nêu rõ trong tạp chí Đối Thoại số 1.
2/ Số tiền quyên góp được (người 50, kẻ 100 Mỹ Kim, của một số anh chị em thân tình với họa sĩ Khánh Trường, kể cả những người không có mặt trong tuyển tập) tổng cộng được 1.200 Mỹ Kim (một ngàn hai trăm). Nhưng theo kết toán (in ấn, quảng cáo, phát hành...) phải tốn ngót 2.000 Mỹ Kim. Như vậy, nhà Tân Thư đương nhiên chịu trách nhiệm khoản thiếu hụt còn lại. Nói rõ hơn, phí khoản dự chi toàn phần cho Tuyển Tập là 2.000 Mỹ Kim, chứ không phải 18.000 Mỹ Kim. Mười- tám-nghìn-mỹ-kim! Một con số vừa vô lý vừa hàm hồ đến độ quái gở. Một con số nói lên ý đồ độc ác của người viết, nhằm gây hoang mang dư luận trong văn giới hải ngoại và mượn tay nhà nước Việt Nam để triệt hạ nhà văn Hoàng Lại Giang (hiện nay phong trào bài trừ tham ô đang phát động tại nội địa, với số tiền “to” ấy, thì rõ ràng Hoàng Lại Giang đã “ăn hối lộ” , để “cấu kết” với “bọn phản động nước ngoài “hầu tìm cách đưa các sản phẩm “văn hóa đồi truỵ” vào trong nước!” Về mặt chia rẽ, xuyên tạc, vu khống, ông Nguyễn Hữu Nghĩa rất xứng đáng là tay “kiện tướng” tại hải ngoại!
3/ Số tiền 2,000 đô la ấy, tôi giao cho một thân nhân ở trong nước giữ, với lời nhắn “chỉ khi nào sách khởi sự in thì mới chi tiền ra”. Sách chưa in, tiền vẫn còn đó. Nhà văn Hoàng Lại Giang tuyệt nhiên chưa cầm một đồng xu nào trong món kia, và hơn thế, ông chẳng dính dáng một chút nào với Hội Nhà Văn Việt Nam trong vụ này. Bởi vì việc ấn hành Tuyển Tập chỉ liên hệ giữa nhà Tân Thư (của họa sĩ Khánh Trường) và nhà Văn Học (do Hoàng Lại Giang làm đại diện ở phía Nam). Việc lôi Hội Nhà Văn Việt Nam vào nội vụ cũng lại là thủ đoạn xuyên tạc ác độc của ông Nghĩa.
Vào tháng 11 năm 1993, sau khi đánh giá tình hình cho thấy Tuyển Tập có thể bị giới cầm quyền bảo thủ trong nước kìm giữ, làm mất đi ý nghĩa “tiên phong”, dễ bị dư luận trong, ngoài hiểu lầm là những người góp mặt trong Tuyển Tập đang “theo đuôi”, “đón gió”, khi thấy tình hình chính trị giữa Mỹ và Việt Nam sắp có triển vọng bình thường, họa sĩ Khánh Trường đã gởi một văn thư tới nhà xuất bản Văn Học ở trong nước để chính thức yêu cầu hủy bỏ giao kèo xuất bản.
Số tiền 2.000 Mỹ Kim quyên góp từ mấy anh chị em và của nhà xuất bản Tân Thư dùng cho việc in Tuyển Tập cũng được chuyển ra nước ngoài và đã tới tay nhà xuất bản Tân Thư. Họa sĩ KT sau khi nhận tiền, cũng đã hoàn lại đầy đủ cho các cá nhân đóng góp trước đây. Việc làm như vậy kể là hết sức minh bạch và sáng tỏ.
4/ ông Nghĩa viết rằng tôi “gom bài vở của một số cây bút hải ngoại, kiểm duyệt những đoạn có thể làm mếch lòng nhà nước” trước khi cho in. Đây cũng lại là một thủ đoạn ngậm máu phun người. Bởi vì theo sự thỏa thuận giữa tác giả tham gia tuyển tập với nhà xuất bản Tân Thư, qua Khánh Trường, và đồng thời cũng là thỏa thuận giữa Tân Thư với Văn Học, thì tác phẩm của mỗi tác giả khi in ra, không dược sửa đổi một chữ nào. Cá nhân tôi, Nhật Tiến, không hề có một liên hệ nào trong sự lựa chọn các tác phẩm, nên việc “kiểm duyệt, cắt xén để làm vừa lòng nhà nước CSVN” là điều hoàn toàn bịa đặt .
Không biết ông Nghĩa sẽ nại được tên tuổi của ai trong số “anh em trong văn giới tại Cali” để chạy tội của mình (cái tội dùng ngòi bút đánh lừa dư luận độc giả, nhất lại là độc giả của chính tờ báo Làng Văn do ông Nghĩa chủ trương) nhưng về phần tôi, thì những nhà văn, nhà thơ tham dự Tuyển Tập hiện vẫn còn đó (trừ Nguyễn Tất Nhiên, đã mất), bất cứ ai cũng có thể liên lạc với họ để kiểm chứng lại một cách dễ dàng. Danh sách của các vị này trước đây đã được công bố nhiều lần trên tập san Hợp Lưu để quảng cáo cho Tuyển Tập. Nay để tiện việc tham khảo, tôi xin trích lại một lần nữa.
Đó là các vị xếp tên theo mẫu tự sau đây: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Bi, Phạm Việt Cường, Võ Đình, Vũ Quỳnh N.H., Bùi Bích Hà, Phan Tấn Hải, Trần Diệu Hằng, Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Khế Iêm, Đỗ Kh., Cao Đông Khánh, Ngọc Khôi, Trần Thị Kim Lan, Nguyễn Hoàng Nam, Hồ Đình Nghiêm, Định Nguyên (còn có bút hiệu Lưu Đình Vong dưới các bài thơ “chuột’, và là chủ bút một tuần báo... cực cực hữu tại Bolsa), Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn thị Ngọc Nhung, Hoàng Khởi Phong, Chân Phương, Thường Quán, Vũ Huy Quang, Trân Sa, Hoàng Xuân Sơn, Kiệt Tấn, Trịnh Y Thư, Nhật Tiến, Lê Giang Trần, Nguyễn Mạnh Trinh, Khánh Trường, Phan Thị Trọng Tuyến, Trần Vũ, Ngu Yên. Tổng cộng là 35 vị.
Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại một chút về tính cách của các bài viết trong Tuyển Tập, trích từ “Lời Nhà Xuất bản” (ký tên chung: Tân Thư và Văn Học) do cả hai bên soạn thảo, thỏa thuận, về nội dung:
“Tuyển Tập Văn Chương Hải Ngoại” là một nỗ lực tập hợp và giới thiệu một số truyện ngắn và thơ của một số người viết ngoài nước. Những sáng tác được tuyển chọn và góp mặt nơi đây đã có được sự tham dự góp ý và chọn lựa tích cực của chính các tác giả sau một thời gian làm việc với nhóm chủ trương nhà xuất bản Tân Thư.
Những truyện ngắn và thơ tạo nên Tuyển Tập này là một phần rất nhỏ trong những thành tựu đã có của văn học hải ngoại, do đó chưa phản ánh phần nào những tình cảm, nhận thức và kinh nghiệm của người viết, trong một hoàn cảnh sáng tác khác biệt với hoàn cảnh ở quê nhà. Hơn nữa, vì mỗi tác giả chỉ có cơ hội đóng góp một truyện ngắn hoặc ba bài thơ nên chính các tác phẩm đó cũng không thể tiêu biểu trọn vẹn phong cách và khuynh hướng của họ. “
(Trích “Lời Nhà Xuất Bản”, trong Tuyển Tập Văn Chương Hải Ngoại, trang 8. Chưa ấn hành).
Hiển nhiên, vì nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay ở VN không hài lòng với Tuyển Tập nên họ đã tìm cách kéo dài việc cho phép ấn hành. Số phận của nó, sau ba năm vận động tích cực, đã được nhà Tân Thư chủ động hủy bỏ. Đáng lẽ một Tuyển Tập khi chưa được in ra thì chẳng có điều gì đáng phải nói đến. Nhưng trong cương vị của một người trung gian giữa hai nhà xuất bản, tôi có bổn phận phải làm sáng tỏ những điều bịa đặt do ông Nguyễn Hữu Nghĩa nêu ra trong tạp chí Làng Văn liên quan đến cả hai nhà xuất bản cũng như cá nhân nhà văn Hoàng Lại Giang hiện còn ở trong nước. Tôi biết rằng đã làm mất nhiều thì giờ của độc giả bốn phương, nhưng đó là chuyện chẳng đặng đừng. Tôi mong mỏi quí vị độc giả rộng lòng tha thứ.
Sau cùng, tôi muốn nhắc lại câu văn chót của ông Nghĩa, trích ra cũng từ bài báo kể trên. Ông Nghĩa viết:
“Chúng ta có quyền kỳ vọng vào tấm lòng sắt son, trước sau như một của những người cầm bút trong giai đoạn mới, giai đoạn của niềm tin và sự thật”.
Sau khi dùng thủ đọan đê hèn, vô tư cách, tung đủ mọi thứ tin bịa đặt, xuyên tạc độc ác để bôi nhọ, ám hại người khác, ông Nghĩa lại kêu gọi mọi người hãy giữ tấm lòng sắt son với niềm tin và sự thật. Thật là lạ lùng! Nhưng đó cũng là đặc tính của ngòi bút Nguyễn Hữu Nghĩa trên báo Làng Văn trong nhiều năm qua.
Khi dạy dỗ người đọc về niềm tin và sự thật, ông Nghĩa hãy nên ghi nhớ một điều, đó là: “Khi ta cố tình đánh lộn sòng giữa sự thật và sự gian trá, thì không bao giờ có thể tạo được niềm tin nơi ai cả”.
NHẬT TIẾN
California 26-1-1994.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét