Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU .(KỲ 88)


                                    (tiếp theo)


Mới nuôi được gần hai năm con Akita – tên con chó, đã lớn phổng gấp hai ba lần chó ta. Hàng ngày gã vẫn chơi với nó, dậy nó vồ mồi, nhảy cao, đi bằng hai chân…Gã với con chó thân thiết nhau chẳng kém gì bạn bè. Mà còn hơn cả bạn bè ở chỗ cái máu trung thành tuyệt đối với chủ ăn sâu trong nó chắc chắn chẳng bạn bè nào có được. Bạn bè ngày nay hễ cứ có ăn có chơi là xúm lại như kiến ngửi thấy mật. Đến khi gã hết tiền, tụi nó biến sạch , thằng cáo ốm, thằng cáo bận chưa kể có đứa còn phản thùng mách bố gã về những trò quậy phá của gã. Phản bạn như vậy chẳng đáng  liếm gót cho con chó Nhật trung thành. 
Ay thế mà kỳ lạ chưa, cứ như là trời đất loạn âm loạn dương sao đó, con Akita bỗng dưng đổi hẳn bản tính, đổi hẳn thái độ, đột ngột trở nên hung dữ lao tới gã như chó ngao vồ mồi vậy . Cứ theo mẹ gã kể lại hôm đó may có tên cận vệ chạy tới cứu kịp thời không con chó cắn nát cổ gã rồi.
Tên khỉ đột nhìn thấy con Akita tấn công lúc gã đã ngất xỉu vội xông vào cứu nguy. Lạ thay quát tháo, doạ nạt thế nào con chó cứ như nổi điên dứt khoát ngoạm lấy ngực áo gã không nhả ra. Sau cùng tên khỉ đột đành phải rút súng đòm vào người con chó một phát mới lôi được gã ra khỏi hàm răng nhọn hoắt của nó.
Tại sao con chó Nhật nổi tiếng trung thành tuyệt đối bỗng dưng cứ như phát rồ nhằm gã tấn công vậy ? Sau này gã sợ sệt tâm sự với tên cận vệ, người đã cứu gã :
“ Chắc tại linh hồn con bé đó nhập vào con Akita, chứ chó Nhật trung thành bậc nhất trong các giống chó kìa…”
Tên hộ vệ an ủi gã :
“ Không có oan hồn nào đâu. Tại người cậu toàn mùi máu cô gái nên con Akiata  tưởng cậu là…kẻ trộm…”.
Gã nổi cáu :
“ Tưởng sao được, ngày nào tôi chẳng cho nó ăn, đùa với nó, có khi còn tắm cho nó nữa. Vậy mà lúc đó sao nó cứ nhè tôi cắn mới lạ. Mẹ kiếp, hoá ra xưa nay toàn đồn bậy. Lại còn dựng cả tượng nữa chớ . Giống chó này có trung thành…chó đâu ? Phản chủ như chơi…’’
Tên cận vệ cười nhăn nhở :
“ Hôm đó tôi không nhanh tay bắn chết thì nó cắn đứt cổ cậu rồi.
Gã nhói tim, rùng mình, ối mẹ ôi, phải chết trong hàm răng chó thì khủng khiếp . Mẹ kiếp, đến con chó Nhật nổi tiếng trung thành cũng phản gã thì đời này còn biết tin ai ? Sau những giây phút kinh hoàng đó, gã tỉnh dậy và thấy mình đang nằm trong một căn phòng rất lạ. Mình đang ở đâu đây nhỉ ? Gã nhớ ra được mọi chuyện : cái chết của cô gái, chiếc xe máy mini màu cánh cam, con chó Nhật đột nhiên hung dữ…gã chỉ kịp nhận ra hàm răng nhọn hắt của con chó rồi trời đất tối sầm không hay biết gì nữa. Gã cứ nằm thế như người chết rồi phó mặc bao nhiêu rắc rối, phiền tạp, nguy hiểm gã đã gây ra cho bố mẹ gã giải quyết.
Nhận được điện thoại khẩn cấp của tên cận vệ, ông Sáu Thượng lập tức quay về nhà. Bác sĩ gia đình đang sơ cứu cho thằng con cằm bạnh . Gã vẫn chưa hồi tỉnh nhưng theo bác sĩ không có gì đáng lo ngại, gã chỉ bị choáng và cứ để gã ngủ một giấc dài rồi sẽ tỉnh lại. Vào những lúc nguy biến  thế này mới thấy bản lĩnh ông Sáu Thượng được trui rèn sau bao năm đấu tranh cách mạng.
Ong bình tĩnh , bỏ mặc bà vợ ngồi khóc lóc bên cạnh giường cậu quí tử vừa gây chuyện tày đình. May gã bất tỉnh không thế nào ông bố cũng cho lính đánh đòn gã một trận nhớ đời. Ong cho gọi tên cận vệ vào phòng riêng nghe hắn báo cáo chi tiết mọi chuyện . Nghe xong ông cau mày :
“ Mày có biết con bé làm nghề gì ? Con cái nhà ai không ?”
Gã cận vệ gãi tai :
“ Con nghe cậu ấy khoe con nhỏ này cùng cơ quan, làm nghề hướng dẫn du lịch con cái ông gì cũng to lắm…”
Ong Sáu Thượng trợn mắt :
“ Con ông to ? Ong nào thế ?”
“ Con không biết chỉ nghe cậu ấy nói ông này đang dính vụ gì  nặng lắm với vũ trường Hằng Nga gì đó nên cô con gái đến đây xin xỏ nhà ta đấy ạ ?”
Ong Sáu Thượng đập bàn :
“ Chết cha rồi, lại thằng ôn dịch nghe lỏm chuyện rồi bày trò cho con nhỏ ấy vào bẫy . Bố nó cũng trong thường vụ phụ trách tuyên huấn chứ ít đâu. Giờ giải quyết ra sao ? Xác con bé đâu ?”
Gã cận vệ lắp bắp :
“ Dạ vẫn trong phòng xép sau nhà ấy ạ…”
“ Mày đưa tao tới…”
Gã hầu cận lật chăn trùm mặt cô gái. Ong Sáu Thượng lại gần cúi xuống nhìn mặt cô. Dòng máu ứa ra từ bên mép cô đã khô hẳn. Những sợi tóc cong queo xoà xuống gương mặt nhăn nhúm , hằn những dấu vết hoảng loạn.
Ong Sáu Thượng như bị sức hút nào đó cứ ghé sát mãi xuống mặt cô gái rồi bỗng dưng ông tái mặt  :
“Con bé này...có thực nó chết rồi không ?”
Tên cận vệ quả quyết :
“ Nó chết chắc rồi, nó tắt thở từ đêm hôm qua rồi. Chính con bắt mạch cho nó mà...”
Ong cao cấp lắp bắp :
“ Vậy sao tao vừa thấy nó chớp mắt ?”
“ Không có đâu, mắt nó trợn ngược lên thế kia sao chớp được ?”
Mặt ông Sáu Thượng chuyển sang vàng khè, chợt ông kêu lên kinh hoàng :
“ Kìa kìa...mắt nó lại chớp chớp nữa kìa...”
“ Chớp đâu mà chớp …”
Gã cận vệ chưa dứt lời, ông Sáu Thượng đã lảo đảo, ngã khuỵu xuống như trúng gió. Oi trời đất ôi, có khi oan hồn cô gái vật chết ông Thượng rồi. Gã vốn là người dân tộc sống trên núi cao được  ông Sáu Thượng tuyển mộ  về làm tay chân thân thiết. Gã còn nhớ hồi nhỏ trong nhà gã khi ông nội chết người ta chưa chôn ngay mà dựng ở góc nhà, dưới chân có một cái giỏ đựng cơm nếp nương. Khách tới viếng ai cũng phải vê một hòn xôi và đi tới nhét vào miệng người chết rồi lăn ra gào khóc :” Nó chê cơm tao cho nó rồi. Nó chết thật rồi…”. Lúc đó cả nhà sẽ khóc theo. Bởi vậy từ bé, gã đã tin chắc khi con người ta chết đi, chỉ phần xác là bị chôn xuống đất còn cái phần hồn vẫn còn lảng vảng đâu đó. Chính oan hồn cô gái đã quật ngã ông Sáu Thượng chứ chẳng phải gió máy gì hết.  Gã vội vàng cõng ông lên buồng cho bà vợ cuống quít gọi bác sĩ riêng tới cấp cứu. Trong lúc ông ta tiêm cho chồng, bà phu nhân gọi tên hầu cận ra góc hỏi nhỏ :
“ Có chuyện gì mà ông Thượng ngất xỉu vậy ?”
Nghe tên hầu cận kể lại, bà không tin, lắc đầu :
“ Làm gì có chuyện người chết sống lại. Chắc ông mày nhìn nhầm đó.  “
“ Ong bảo ông nhìn thấy mắt con bé chớp chớp mới lạ...”
Bà Phu nhân nổi máu tò mò :
“ Hay mày đưa tao xuống coi sao ?”
Tên cận vệ giãy nảy :
“ Thôi thôi...bà xuống đó lại ngất xỉu như ông thì chết. Oan hồn cô gái vẫn còn lảng vảng trong buồng đấý…”
“ Láo toét…chết là hết chuyện, hồn với vía  đâu ra…”
Bà Phu nhân ngày xưa vốn là du kích đã từng thọc dao vào cổ tên sĩ quan Pháp theo cái kiểu như người ta chọc tiết lợn nên bà chẳng ngán gì xác chết, cứ khăng khăng đòi xuống coi bằng được. Gã cận vệ đành phải chiều  đưa bà đi và khi mở chăn che mặt cô gái thì chính gã la hoảng :
“ Oi chao ôi, sao lại thế này ?”
Bà Phu nhân nhòm vào bộ mặt như nặn bằng sáp của cô gái, lắc đầu :
“ Mắt nó nhắm chặt thế kia lấy đâu ra mà chớp chớp ...Ông mày trông gà hoá cuốc rồi sợ quá ngất xỉu chứ gì ? Đàn ông mà nhát…”
Gã cận vệ lắp bắp  :
“ Lạ...lạ quá bà ạ...ngay  con cũng không còn tin vào mắt mình nữa...Mà không khéo lúc nãy ông Thượng nhìn thấy mắt cô ta chớp chớp thật...”
Bà Phu nhân bực mình :
“ Mắt nhắm tịt thế kia lấy đâu ra chớp chớp. Mà mày nhìn thấy cái gì   cứ la hoảng lên thế ?”
Tên cận vệ lo sợ :
“ Lúc nãy ông xuống đây mắt cô ta còn trợn ngược lên kìa. Không hiểu đã có ai vào đây vuốt mắt cho cô ?”
Bà Phu nhân nổi cáu :
“ Ong đã ra lệnh niêm phong phòng này, ngoài mày ra còn ai bén mảng tới đây mà vuốt được mắt cho nó …”
Tên cận vệ tái mặt :
“ Vậy sao mắt cô ấy nhắm lại thế kia. Kỳ lạ thật, con nhớ chắc chắn mắt cô  vẫn mở trừng trừng mà...Có khi vong hồn cô ấy hiện về ...” 
“ Vong hồn với linh hồn ? Làm gì ra ba cái thứ đó ? Chớ có mê tín dị đoan tin bậy tin bạ...”
Hai người đắp lại mặt cho cô gái, khoá kín cửa buồng rồi trở lại bên giường ông cán bộ nằm. Bác sĩ đã tiêm thuốc xong và ông đã tỉnh lại. Bà bước lại đặt tay lên trán chồng  :
“ Ông khoẻ chưa ?”
Ông Sáu Thượng không nói gì chỉ gật gật. Chờ cho ông bác sĩ xách túi ra khỏi phòng bà mới ghé tai chồng hỏi khẽ :
“ Có thật ông nhìn thấy mắt con bé chớp chớp không ?”
Câu hỏi bất ngờ làm ông sợ rúm người . Ong choàng cái chăn trùm kín mặt, run lẩy bẩy rồi lảm nhảm như nói với ai đó :
“ Kìa kìa...sao không nằm dưới đó lên đây làm gì ? Cô lo cho bố cô hả ? Yên trí...yên trí đi...nể mặt cô, ta sẽ tha luôn bố cô không truy cứu trách nhiệm hình sự. Đúng là bố cô nhận tiền “bảo kê” của tụi vũ trường. Nhưng đó chỉ là chuyện vặt , thời nay cán bộ các ngành các cấp, thằng lớn thằng bé thằng nào mà không ăn ? Không ăn thì lấy đâu trả nợ tiền vay chạy chức ? Mà không ăn cũng không được, tụi nó hạ bệ ngay tức khắc để bộ máy rút tiền chạy đều. Nhà nước ta bây giờ nó thế mà.  Chuyện của bố cô chẳng là cái đinh gì hết. Tụi nó còn bán chức tước, bán cả tới cỡ uỷ viên trung ương Đảng, bí thư tỉnh uỷ nữa kìa. Nhất trong dịp  đại hội Đảng  các cấp, kẻ mua người bán tấp nập sôi nổi chẳng khác gì ngoài chợ . Nhưng nhiệm kỳ này bố cô khỏi lo. Tôi sẽ xếp hồ sơ của ông lại và đưa ông vào danh sách dự kiến bầu thành uỷ như khoá trước...”

                                       (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét