Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA ( KỲ 2 ) - nhà văn NHẬT TIẾN



                               CHƯƠNG 1





     Thời điểm Hà Nội 1950 -1954

              NHỮNG NGƯỜI BAO NĂM CŨ




Năm mươi năm trời khi đã trôi qua thì phải kể là những năm cũ, và những con người đã từng sinh hoạt với nhau trong thời điểm ấy phải là những người thuộc bao năm cũ. Tôi muốn nói đến những bạn bè văn nghệ vào thời kỳ họ còn trẻ trung, còn mang những tâm hồn tràn đầy tươi sáng và tấm lòng yêu văn chương nghệ thuật của họ còn đầy sôi nổi, nhiệt thành. Họ chính là những bạn đồng lứa, đồng hành với tôi, hoặc trước tôi chỉ vài ba tuổi và tất cả hầu như chỉ mới vừa mới chính thức bước vào làng văn hay mới chập chững những bước đầu tiên với ước mơ trở thành người cầm bút. Có người hiện còn sống, cũng có nhiều người đã vĩnh viễn ra đi. Tên tuổi của họ cho đến nay, có thể vẫn còn được độc giả nhớ đến nhưng cũng có nhiều bút hiệu hầu như nay đã bị vùi sâu theo dòng đời quên lãng. Đó là những Nguyễn Quốc Trinh, Hoàng Phụng Tỵ, Song Nhất Nữ, Nguyễn Nam Tê, Mọc Đình Nhân, Vũ Mai Anh, Hùng Phong, Kiều Liên Sơn, Huy Sơn, Hiệp Nhân, Lê Ninh, Hồ My, Song Hồ, Tạ Vũ..vân...vân...

Tại Hà Nội, vào thời điểm đầu thập niên 50, bọn trẻ chúng tôi đã bước vào thế giới của văn nghệ một cách vô cùng say mê. Tuy chưa bước qua hay vừa bước qua tuổi mười tám mà nhiều người đã có thơ, có văn, có truyện in trên báo hay thậm chí, in cả thành sách. Hùng Phong, bút hiệu của Nguyễn Đức Cầu, năm ấy mới là cậu học trò lớp đệ lục (năm thứ hai bậc trung học) mà đã được đăng một phóng sự dài nhiều kỳ lấy tên là Con Cò Mày Đi Ăn Đêm (viết về những đường dây buôn lậu từ hậu phương vào thành) trên tờ nhật báo Liên Hiệp của ông Soubrier Văn Tuyên. Rồi Vũ Mai Anh học trò lớp đệ ngũ Chu văn An được nhà xuất bản Chính Ký ở phố Sinh Từ in những tiểu thuyết Duyên Kiếp, Phũ Phàng; Hiệp Nhân lớp đệ tam tự in lấy truyện dài Linh Hồn Ngọc; Lê Ninh ra giai phẩm Lửa Lựu; Nguyễn Nam Tê vừa đạp xích lô, vừa làm thơ để ra tập Tin Về Đất Bắc; Mọc Đình Nhân in Hương Mùa Loạn; Nguyễn Quốc Trinh, Hoàng Phụng Tỵ ra chung tập thơ Ươm Đẹp; Song Hồ, Kiều Liên Sơn, Hồ My, Tạ Vũ v.v… có thơ in trên các báo như Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, Hồ Gươm, Thời Tập, Tia Sáng, Giang Sơn, Liên Hiệp ở Hà Nội hay Thẩm Mỹ, Mùa Lúa Mới, Nhân Loại ở Sài Gòn.

Đất nước vào thời kỳ đó vẫn còn đang chìm đắm trong chiến tranh, nhưng sự tàn phá của nó so ra không bằng một góc của cuộc chiến Quốc Cộng vừa qua. Ở nhiều nơi, nhiều thành phố đời sống dân chúng vẫn mang vẻ thanh bình, và cái đời sống thanh bình của thuở ấy so ra không có những thay đổi khốc liệt hay những tệ nạn kinh hoàng như cuộc sống thanh bình ở quê nhà hiện nay.

Song Hồ Nguyễn Thanh Đạm hồi cư về sinh sống ở Hà Nội vào khoảng 1952. Hình như trước đó, năm 1949, tuy mới 16, 17 chưa tới tuổi thành niên nhưng anh đã là một chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Lăn lộn qua nhiều chiến trường, lòng “anh chiến sĩ” không nguôi nhớ về Hà Nội. Chẳng hiểu chàng nhớ tới ai mà ngay giữa rừng thông Thái Nguyên, vùng núi rừng Việt Bắc, Song Hồ đã viết bài thơ đầu tiên mang tên “Thư Gửi người Em Hà Nội” trong có những câu :



            Anh viết lá thư về Hà Nội

            Giữa lúc bóng chiều

            Ngả mầu sắc tối

            Lòng người chiến sĩ căm căm

            Đã bao tháng năm ?

       Chưa bức thư nào


            Về thăm người em gái nhỏ


            Không biết anh đi từ độ nọ

            Người em còn nhớ tới không?

            Hay ở nơi đây

            Ánh sáng Kinh Thành

            Em cười trên tay kẻ khác

            Nhưng anh vẫn tin

            Tình em còn mộc mạc

            Như tình anh

            Mối tình giữa buổi chiến tranh…..



                                                           Song Hồ (1949)

           

            Sau này, khi trở về Hà Nội, Song Hồ tiếp tục đi học lại (trường Văn Hóa của Giáo sư Nguyễn Khắc Kham) và tiếp tục làm thơ. Thơ của anh khi đó không còn vấn vương tình ái nữa mà mang nặng tính cảm hoài về thời cuộc, thế sự :



            Đây Hà Nội  trời mưa tuôn rả rích

            Bê bết bùn lầy nước đọng nhớp nhơ

            Đèn nê-ông tỏa ánh điện xanh lơ

            Nhạc cuồng loạn, gót giầy lay lắc ván

            Một rồi hai, trăm ngàn rồi đến vạn

       Đèn nhạt đèn xanh đèn tím đèn vàng


           Nhạc điên cuồng vẫn réo rắt reo vang


Mầu biến đổi là lòng người biến đổi

Hiện dần trong bóng tối

Có người  con gái miền quê

Khăn yếm bỏ đi rồi

Làn tóc loăn xoăn

Đỏ mọng đôi môi

Chiều thứ bẩy

Giầy đinh vang hè phố…..

                                         Song Hồ (1953)



Nhắc đến Song Hồ thì sau này bạn bè không thể quên được bài thơ anh đã làm vào năm 1981, tuy ngắn gọn mà đã diễn tả được hoàn cảnh tan hoang, kinh hoàng, khốn khổ mà dân chúng miền Nam đã phải chịu đựng sau khi CS vừa tiến chiếm miền Nam :



HỠI EM NHỎ CÔ ĐƠN




Hỡi em nhỏ cô đơn!

Đang lang thang ngoài phố.

Em ơi đi đâu đó?

Cho ta hỏi đôi lời:

- Cha đâu? - Bị cải tạo !

- Mẹ đâu? - Buôn chợ trời !

- Anh đâu? - Ở Cam Bốt !

- Chị đâu? - V­ượt biên rồi !

- Ông đâu? - Đấu tố chết !

- Bà đâu? - Buồn qua đời !

- Cô đâu? - Kinh tế mới !

- Bác đâu? - Tự tử rồi



Thôi ! thôi ! Không hỏi nữa !

Tim ta quá bồi hồi



Sao em còn nhỏ tuổi

Đã biết nhiều chuyện đời 

Sao mảnh đất nhỏ bé

Xẩy nhiều chuyện rụng rời….

…….

                                   (1981)





Trở lại khuynh hướng sáng tác của những người làm văn nghệ trẻ ở thời kỳ giữa thập niên 50, khoảng từ 1951 đến 1954, ngoài ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước, nội dung sáng tác cũng đã mang nhiều dấu tích xã hội vì họ cũng suy tư về các hoàn cảnh sống lầm than, những cuộc đời bị đối xử bất công, bị chìm đắm trong sự cùng quẫn nghèo khó. Nhẹ nhàng mang tính chất học trò nghèo khó thì có những câu thơ của Tạ Vũ viết năm 1952:

Bạn ơi

Trên trang giấy trắng,

Dòng mực chảy đều

Tai nóng bừng vì bài toán không ra

Có nhớ đến tôi

Bỏ trường - không học phí

Duyên thế hệ thôi từ nay cách biệt !

           

Tạ Vũ mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống nhờ bà dì, có lúc lại vào nằm ở khu nuôi trẻ không nhà trong chùa Tầu gần phố Sinh Từ Hà Nội, chen chúc cùng với đám mồ côi cùng lứa tuổi để viết những dòng thơ như sau :

Ánh đèn không soi mái phố

Linh hồn dắt díu về đây

Chăn đâu cho đầy giấc ngủ !

Nôn nao cơm lưng dạ dầy !



Thao thức nằm nhìn bóng tối

Nghẹn ngào khóc dưới cửa ô

đêm mơ thấy đời đổi mới

Sáng ra buồn hơn bao giờ ....

           

50 năm trời không gặp lại, nhưng tôi được biết, sau này Tạ Vũ vẫn tiếp tục làm thơ, và anh đã có thời nổi tiếng là một thi sĩ của những công nhân trong ngành khuân vác.

Sâu sắc, già giặn hơn Tạ Vũ của năm 1953 thì có Song Nhất Nữ vơi bài Cửa Ô cũng được chúng tôi truyền tụng trong thời kỳ ấy :



Cửa Ô

(Gửi năm Cửa Ô Hà Nội)



Mầu sắc u huyền,

Đất trời nghiêng ngửa,

Đô thành bừng lửa.

Ngoại ô này lành lạnh sống trong đêm...



Ánh đèn le lói

Chìm đắm triền miên

Nơi đây son phấn,

Nơi đây kim tiền,

Nơi đây trụy lạc,

Nơi đây nghèo hèn

Đêm về những giấc mơ điên

Đêm về ngùn ngụt túi phiền lầm than

Đêm về vàng bệch đèn tàn

Đêm về điên loạn cung đàn xót xa

Cửa Ô xa...

Có nhiều bóng ma...

Đi trong bê tha...

Đi trong xênh phách

Đi trong đói rách

Đi trong lệ nhòa

Thất thểu... la cà...

Bóng ma... bóng ma...



Đâu đây vàng ngọc lụa là,

Cửa ô... ngõ hẻm... a ha! Cuộc đời!



                                       SongNhất Nữ

                                       1953   (Nhựa Mới)



Nguyễn Quốc Trinh, tác giả tập thơ Ươm Đẹp ngoài những vần thơ trữ tình:



Hoa bừng dưới gót em qua

Tôi cười dưới gót em xa

Bát ngát Thơ ngân tiếng guốc

Đường hương mở đón chân ngà,



chàng trai ấy  cũng có khuynh hướng xã hội như bài thơ Dễ Hiểu sau đây:



Dễ Hiểu



Vì mải gò lưng kéo

Cày cho kẻ khác no

Chiều về nhai cỏ héo

Chuồng hẹp nằm co ro



Vì sống như trâu bò

Kiếp này sang kiếp khác

Cha già cha phát ho

Mẹ già xương xộc xạc



Vì đời buồn xơ xác

U ám như đêm nghèo

Mồ hôi chua áo rách

Muối mặn quả cà meo



Hoa đẹp nở vườn nào

Thơ bầy trong tủ kính

Con choắt vợ xanh xao

Ngựa xe người đủng đỉnh



Vì tôi muốn anh muốn

Vì chúng ta cùng muốn

Đêm già: xô ngã xiên !

Ngày non:  cười thẳng dướn !



                             NGUYỄN QUỐC TRINH

                                      (Ươm Đẹp-1953)

                       

Một nhà thơ khác cũng rất nổi tiếng trong giới bạn bè non trẻ chúng tôi là Nguyễn Thị Hồ My (sau đổi thành Hồ My). Đó chẳng phải là một nhà thơ nữ mỹ miều nào mà chỉ là bút hiệu của một chàng thư sinh cũng đang mài đũng quần ở bậc trung học. Cái sự tuy là nam nhi mà lại ưa lấy bút hiệu phái nữ hình như là một cái mốt của đám sáng tác trẻ trung ở thời kỳ đó, như Song Nhất Nữ  là bút hiệu của anh Đặng Bá Ngư (nay anh đã không còn nữa) hay Nguyễn Thị Yếm Thắm là bút hiệu của Nguyễn Yên Tri, một anh chàng học trò cùng lớp, cùng trường với tôi từ khi còn ở bậc tiểu học. Xin nhắc lại một bài thơ của Hồ My sáng tác năm 1953:



Đi Đêm

Viết tặng người lầm than



Bên mái hàng hiên

Một bóng người thấp thoáng đi đêm

Gót mòn xiết tiếng rên rên,

Như khóc cuộc đời tăm tối.

Đêm nay dưới ánh đèn le lói

Bóng mẹ già, vợ dại, con thơ,

Đang bơ vơ

Đang thao thức

Đang rạo rực

Đang mong chờ

Nóng lòng mong kẻ bên bờ đường khuya.



Tiếng guốc kéo lê thê

lóc cóc

lách cách

Như nửa tỉnh nửa mê

Đau thương lên bước bên hè

Đêm dài, phố vắng, đường khuya một mình



Bên hiên cố ý hay vô tình

Guốc lê mãi gieo buồn người mất ngủ

Mẹ già, con nhỏ.

Vợ dại ai nuôi!

Lang thang giữa lúc tối trời

Lệ trào mặn chát trên môi!

Vang hè phố vắng

Tiếng bước vọng xa xôi



Chập chờn chiếc bóng chơi vơi

Hỡi ôi! Thương lấy kiếp người đi đêm.



                                                HỒ MY

                                              Ngoại Ô Hà Nội 20-10-53

                                            (Báo Tia Sáng / tháng 10-1953)

****

    Bây giờ là thời điểm tháng 12 năm 2002, kể như là 50 năm tròn đã trôi qua. Ngồi đọc lại những tác phẩm cũ của bạn bè bao năm cũ, tôi như sống lại cái không khí của một thời “Ươm đẹp”, cái thời mà cũng đã từng có nhiều chàng trai vừa lớn, mang những ước mơ dùng văn chương nghệ thuật để làm đẹp cho cuộc đời, mong cuộc đời vơi đi những nhọc nhằn, những bất công, những nghèo hèn, những thiếu thốn.

Nhưng nằm giữa lòng Hà Nội vào một đêm của thời điểm năm 2000, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng rao hàng trong ngõ hẻm của một ngày đông lạnh giá. Tiếng rao sà sã cố ngoi lên từ một làn hơi đã sắp tàn lụi đập vào cái tĩnh lặng của nửa khuya về sáng nghe ai oán  như tiếng vạc kêu  đêm,  nó cũng ám ảnh giấc ngủ của tôi như tiếng guốc kéo lê trên hè phố mà Hồ My đã diễn tả cách đây một nửa thế kỷ. Nghĩa là vẫn còn có những cuộc sống lầm than ngay giữa lòng Hà Nội dù 50 năm trời cách biệt đã trôi qua. Đó là chưa kể tới những cảnh huống đau lòng khác mà xưa nay chưa bao giờ có,  như bán máu trở thành một phương tiệân kiếm sốùng, bán thân xác cho đàn ông Đài Loan, Trung Quốc dưới danh nghĩa đi làm dâu xứ người và trong lòng của những thành phố sa hoa rực rỡ, có những kẻ đốt tiền bằng cả năm lương của người lao động để mua một trận cười. Như thế, những hình ảnh Cửa Ô xa của Song Nhất Nữ: Cửa Ô xa... Có nhiều bóng ma... Đi trong bê tha...Đi trong xênh phách Đi trong đói rách Đi trong lệ nhòa Thất thểu... la cà... Bóng ma... bóng ma... nào có khác gì hình ảnh của những con người thất thểu đi trong bóng đêm của các thành phố bây giờ, ngủ dưới gậm cầu, chen chúc nhau dưới những mái hiên hay lang thang trên những đống rác cao ngút đầu để xăm xoi đào bới.

Hà Nội vào những năm đầu thiên niên kỷ 21 còn nhiều bất công, nhiều chênh lệch, nhiều hoàn cảnh xót xa, não lòng hơn 50 năm trước. Những câu thơ của Nguyễn Quốc Trinh viết từ 50 năm trước bỗng trở thành những lời như vừa được sáng tác gần đây :

                      Vì mải gò lưng kéo

                      Cày cho kẻ khác no

                      Chiều về nhai cỏ héo

                      Chuồng hẹp nằm co ro!

        Tôi không hiểu tuổi trẻ Hà Nội bây giờ có ươm những giấc mơ làm đẹp xã hội như những tuổi trẻ Hà Nội thời 50 năm trước hay không? Họ bị chèn ép để không còn sáng tác được hay lòng họ đã lạnh tanh trước những biến đổi phũ phàng của thời kỳ kinh tế thị trường, hay vì cả hai? Nhưng dù là vì bất cứ lý do nào thì khi mở lại những trang sách cũ, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại những con người của bao năm cũ. Thành phố xưa bây  giờ đã có biết bao nhiêu thay đổi. Hồ Gươm xưa hẳn đã chứng kiến biết bao nhiêu vật đổi sao dời. Tôi mong mỏi thế hệ trẻ bây giờ đừng bao giờ lạnh tanh trước những nỗi bất công của đời sống, trước những hoàn cảnh thống khổ của con người, bởi vì thế hệ chúng tôi, vốn cũng mang nhiều xót xa, buồn bã nhưng bao giờ cũng ngước lên nhìn cuộc đời với ánh mắt tin tưởng, tin ở đất nước, tin ở con người, và dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn  tìm mọi cơ hội để vươn lên.

                                        

                                       (còn tiếp)                                     

                                                       
      

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

HẺM BUÔN CHUYỆN (KỲ 97) : Phải thay…dân thôi !!!




                             

Mới sáng sớm cả quán đã xúm quanh cái túi đi chợ của chị Gái hủ tíu . Chị rút ra ba quả trứng :

“ Đố biết trứng gì đây ?”

Cô Phượng cave láu táu :

“ Mầu vàng vàng vậy trứng gà rồi…”

Thằng Bảy xe ôm cầm quả trưng lên tay lắc đầu :

“ Không phải, trứng gà  sao bự như trứng vịt vậy …”

Chị Gái hủ tíu cười xòa :

“ Khỏi đoán nữa. Trứng gà đó, nhưng mà trứng Trung Quốc , rẻ lắm có ngàn một hột thôi à ?|”

Ông Tư Gà nướng càm ràm :

“Từ cây trái, thịt thà, cá mú tới cả đồ chơi trẻ em, thằng Tàu đưa sang ta toàn độc hại hết . Chớ ham rẻ mà mang bịnh vào người, phải kiên quyết tẩy chay …”

Gã Ky Quèn cười cười :

“ Không dùng hàng Tàu thì dùng hàng gì ?  Ở chợ đầu mối Bình Điền, mỗi đêm  hàng chục xe container chở hàng trăm tấn cà rốt, khoai tây, bông cải, bắp cải, gừng, tỏi, cà chua,  cải thảo... toàn Trung Quốc đưa về , sau đó chuyển đi các chợ lẻ . Chợ ta bây giờ tràn ngập hàng Trung Quốc bán lẫn vào hàng Việt Nam, sao phân biệt được mà tẩy chay ?”

Cô Phượng cave la lối :

“ Quản ly thị trường đâu, thuế vụ đâu ? Sao để thằng Tàu làm loạn vậy ?”

Thằng Bảy xe ôm cười to :

“ Ba cái thằng này trông thấy hàng Tàu đã sợ té đái , ngó lơ coi như không thấy chứ còn biết làm sao ?”

Vừa lúc đó ông đại tá hưu diện quân phục hớn hở bước vào . Cô Phượng cave trầm trồ :

“ Í trời…chú Ba đi họp trung ương sao diện đồ lớn quá ta ?”

Ông đại tá hưu ưỡn ngực hãnh diện :

“ Tao đi dự đoàn đại biểu quốc hội tiếp xúc  cử tri…”

Thằng Bảy xe ôm cười cười :

“ Vậy chú Ba có chất vấn gì không ?”

Ông đại tá hưu trợn mắt :

“ Có phải họp quốc hội đâu mà chất vấn, tiếp xúc cử tri thì mình chỉ đề đạt y kiến thôi. Dùng từ cũng phải chuẩn…”

Cô Phượng cave láu táu :

“ Vậy chú Ba có đề đạt gì không ?”

Ông đại tá hưu cao giọng :

“ Cái đó dành cho quần chúng, mình đảng viên nhường họ phát biểu để phát huy dân chủ. Có anh hỏi về biển Đông, đồng chí Lê Thanh Hải , Bí thư thành ủy trả lời rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta dày dặn kinh nghiệm bảo vệ Tổ quốc, và thực tiễn đã cho thấy trí tuệ, bản lĩnh đó trong việc giữ vững chủ quyền”.

Gã Ky Quèn cười cười :

“ Đảng và Nhà nước giỏi vậy mà dân không chịu tin cứ lăm le đòi xuống đường chống Trung Quốc.”

Ông đại tá hưu đắc y :

“ Đồng chí  Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải còn nhấn mạnh lãnh đạo cần phải lắng nghe dân,  “phải xuất phát từ cái tâm thương dân, tin dân”.

Thằng Bảy xe ôm cười hô hố :

“ Ối má ôi, ông Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải mà thương dân, tin dân ? Vậy sao dân oan nó cứ rùng rùng kiện ổng về tội cướp đất Thủ Thiêm …”

Cô Phượng cave cười ngỏn nghẻn :

“ Vậy mới nói dân ta ngày càng láo, cứ thích  xuống đường, thích kiện cáo …”

Thằng Bảy xe ôm cười khì khì :

“ Đảng thì sáng suốt, tài giỏi, thương dân và tin dân là vậy. Mà dân cứ ngày càng láo, chú Ba kiến nghị quốc hội thay …dân đi…”.

Gã Ky Quèn hưởng ứng :

“ Đúng đúng…Ngày xưa cụ Tản Đà đã phải than :” Dân hai lăm triệu ai người lớn…Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con…”. Thay dân  thôi…”

Thằng Bảy xe ôm cướp lời :

“ Ấy ấy…chỉ thay phó thường dân thôi, còn cán bộ đảng viên giữ nguyên, không thay…”

Cả quán cười ầm. Ông đại tá hưu mặt đỏ tía.



29-6-2013






Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU ( KỲ 69 )


                                         (tiếp theo)


Lão Thuộc bỗng nhận ra chính nhờ  con nhỏ người làm của ông Chủ tịch lão kiếm được khối tiền mà chẳng phải nguy hiểm, ngoài vòng pháp luật, chẳng bù bà vợ , moi được tiền mụ ta đâu dễ, trần thân tróc vẩy, đánh bạc cả mạng sống với pháp luật chứ bỡn ? Nghĩ vậy lão cười vui vẻ : 
“ Yên tâm, yên tâm…con bé Gái cũng như con trong nhà …lo gì không chinh phục được …”
Hôm sau lão Thuộc tức tốc trở lại tỉnh lỵ, về nhà trọ tìm thằng Bành Trọc. Quái lạ, mọi lần ngoài hai bữa nhậu phải ra phố, còn thì nó cứ nằm khàn trong buồng ngáp ngắn ngáp dài. Chẳng hiểu sao lần này , lão Thuộc lại thấy cửa phòng đóng im ỉm và cô tiếp tân nhà trọ báo tin thằng Bành Trọc bỏ đi đâu từ mấy hôm nay. Lão Thuộc mở khoá vào phòng vẫn thấy nguyên đồ đạc  hai người và cũng không thấy nó  nhắn lại đôi dòng cho lão biết hắn biến đâu ?
Thằng Bành Trọc đi đâu vậy cà ?
Thị trấn tỉnh lỵ dọc ngang hơn chục dãy phố, dăm bảy quán cà phê lão Thuộc mất cả buổi  chạy rạc cẳng không thấy bóng dáng thằng Bành Trọc đâu ? Lão  đành ghé trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh tìm gã thư ký hỏi tin. Vừa nhác thấy lão, gã thư ký đang giúp ông Chủ tịch tiếp đoàn cán bộ huyện, vội chạy ra kéo thốc vào phòng ngách.
Trụ sở Uỷ ban tỉnh là chỗ tôn nghiêm, bộ  mặt chính quyền cách mạng , cả một toà dinh thự nguy nga đồ sộ, nằm giữa thị xã trên gò đất cao, tráng lệ không thua trụ sở tỉnh uỷ ngay gần đó. Bên ngoài cổng là chốt gác công an, rồi đến thường trực, qua sân rộng leo chót vót lên bậc tam cấp mới đến phòng đại sảnh tiếp khách, các phòng ban…Phòng Chủ tịch tỉnh sâu mãi trong, ấy vậy mà năm rồi, chẳng hiểu sao, có một con mẻ mãi vùng sâu vùng xa tìm được vào tận cửa phòng rồi cứ thế tụt quần réo tên cúng cơm đồng chí  Chủ tịch tỉnh chửi sa sả. Nào tụi bay hút máu hút mủ dân nghèo…nào là “ngày xưa tao biết tụi bay như vầy thì có rúc vào lai quần tao cũng kéo tụi bay ra cho Mỹ nó giết …”. Hoá ra con mẻ là bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngày xưa che giấu nuôi nấng cán bộ, thời nay bị Chủ tịch xã cậy quyền cướp đất , kiện cáo mãi chẳng được, cả nhà bị đuổi khỏi nơi cư trú phải lên thị trấn đi ăn mày, thế là mẻ tìm bằng được Chủ tịch tỉnh chửi như trát cứt vào mặt. Con mẻ tất nhiên bị bắt nhốt và lấy cớ đưa “bà mẹ anh hùng” đi dưỡng trí viện vì mắc bệnh tâm thần phân liệt nặng , công an đưa bả đi tít mù khơi.
Để tránh cho đồng chí Chủ tịch bị xúc phạm nặng nề, gã thư ký yêu cầu văn phòng uỷ ban bố trí một căn phòng thật kín đáo ngay cạnh phòng Chủ tịch để lỡ có đứa nào nổi cơn điên như con mẻ đó thì kéo thốc vào đó, chốt chặt cửa gọi điện công an bí mật đưa nó đi .
Lâu nay căn phòng ngách sát buồng ông Chủ tịch tỉnh ít được  dùng đến, bởi lẽ gã thư ký lo xa vậy thôi, sau vụ con mẻ tới phá , Ban Bảo vệ nội bộ của tỉnh uỷ đã có cả một kế hoạch không những chỉ ngăn chặn kẻ liều mạng tại văn phòng uỷ ban tỉnh mà ở khắp các trụ sở cơ quan Đảng và chính quyền cả ở dưới cấp huyện bóp ngay từ trong trứng những mưu toan gây rối làm mất uy tín lãnh đạo.
Sáng nay vừa nhác thấy lão Thuộc lò dò tới, gã thư ký giật thót người. Tất nhiên lão Thuộc không phải tới quậy như con mẹ “bà mẹ anh hùng” kia, nhưng cái bản mặt đâm thuê chém mướn của lão chỉ liếc qua cũng biết thuộc loại giang hồ có số, cán bộ Uỷ ban tỉnh quan hệ với xã hội đen  còn ra cái gì, bới vậy gã kéo thốc lão vào buồng ngách, càu nhàu :
“ Ong tới đây làm gì ? Sao không hẹn gặp ngoài quán ?”
Lão Thuộc nổi cáu :
“ Ai chà chà…lên mặt quan cách ghê chưa ? Đã vậy tao về …”
Gã thư ký cuống lên :
“ Thôi thôi ông ơi, ông thông cảm , chỗ này là cơ quan nhà nước bao nhiêu cặp mắt rình mò…”
“  ĐM…Tao tới có phải để xin xỏ , kiện cáo gì đâu mà mày xua như xua tà…”
Gã thư ký nhăn nhó :
“ Tôi đâu dám xua ông, tôi chỉ mời ông vào đây nói chuyện cho kín đáo thôi …”
“ Chứng minh nhân dân với sổ hộ khẩu của tao bà vợ ông Chủ tịch lo đến đâu rồi ? Sao lâu quá vậy ?”
“ Giấy tờ của ông thì dễ rồi, làm lúc nào xong lúc đó, có điều ông có nhà đâu mà nhập hộ khẩu, không lẽ nhập cho ông vào nhà trọ ?”
Ong Thuộc cười khảy :
“ Mày cứ nhập tao vào nhà ông Chủ tịch được không ?”
“ Giỡn hoài, hộ khẩu gia đình ông Chủ tịch do Ban tổ chức tỉnh uỷ quản lý chớ bộ… tốt nhất ông bỏ tiền ra mua một ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành chừng trăm triệu thôi rồi nhập hộ vào đó…”
“ Mày cho tao mượn tiền nha…”
“ Ay chết….chuyện ngược đời…nội tiền “dịch vụ” bà phu nhân trả cũng thừa cho ông mua được nhà, rồi còn tiền bán băng cát xét của con bé Gái nữa…”
Ong Thuộc cười khà khà  :
“ Thôi được, chuyện nhà cửa tính sau, giờ tao hỏi , mày có biết thằng Bành Trọc đi đâu mấy hôm nay không ?”
Gã thư ký trợn mắt :
“ Ua …chuyện lớn vậy mà nó không báo ông biết hả ?”
“ Không …nó đâu có nói gì đâu ? mà chuyện gì lớn vậy mày ?”
“ Thằng Bành Trọc đang đi làm công tác quan trọng lắm …”
Lão Thuộc bật cười :
“ Địt mẹ…thằng giang hồ có cán công tác cái đéo gì  ?”
Gã thư ký làm ra vẻ bí mật :
“ Thằng đó đang ngon lắm đó, ông đừng coi thường nó…”
Lão Thuộc bực mình :
“ Có chuyện gì cứ nói mẹ nó ra, vòng vo hoài…”
Gã thư ký vẫn lắc đầu sau cùng gã ghi cho lão Thuộc cái địa chỉ thằng  Bành Trọc  đang “làm nhiệm vụ” tối quan trọng còn dặn đi dặn lại :
“ Chú nhớ kỹ nhé, chú chỉ được tới đó sau 8 giờ tối thôi nhé, ban ngày là cấm ngặt đó…”
“ Chuyện gì kỳ quặc vậy mày ?”
“ Thì chú phải nghe tôi không lại rách việc …”
“ Được rồi…được rồi…địt mẹ cán bộ…quan hệ với cán bộ lắm chuyện tù mù…”
Ngay tối hôm đó lão Thuộc tìm tới địa chỉ thằng Bành Trọc. Lão  dò dẫm trong một ngõ tối mãi ngoài thị trấn vắng vẻ, bên tai văng vẳng tiếng chó sủa ăng ẳng. Lão bấm chuông ngôi nhà nhỏ, mãi mới có người ra mở cửa . Oi mẹ ôi, tưởng ai hoá ra là thằng  Bành Trọc. Hắn thay đổi đến lão Thuộc phải bò ra cười. Nào quần nào áo pyjama lượt sượt , nào dép lê loẹt xoẹt, người lại còn bốc lên một thứ mùi dầu thơm đàn bà. Hắn đã mất hẳn cái vẻ đầu trộm đuôi cướp, đá cá lăn dưa, giờ lại giống như một thằng cán bộ văn hoá phường mới lạ chớ. Nhìn thấy lão Thuộc, thằng Bành Trọc lúng túng : 
“ Ay chết…em tưởng đại ca mấy ngày nữa mới về…”
“ Mày làm cái trò gì ở đây thế ?”
“ Em…em…không làm gì ?”
“ Không làm gì tới đây làm gì ? Sao thằng thư ký bảo mày đang làm công tác gì quan trọng lắm kia mà…”
Thằng Bành Trọc bật cười :
“ Thì đại ca cứ vào đây khắc biết…”
Hắn đưa lão Thuộc vào một căn buồng y hệt phòng ngủ khách sạn có giường trải nệm trắng, có đèn ngủ mầu hồng, có bàn phấn phụ nữ. Hắn  mở tủ lạnh lấy ra chai rượu tây uống dở,  giơ lên hai cái ly :
“ Nào…uống cái cho sướng đã…”
Rượu tây thứ thiệt, lão Thuộc nốc một hơi , thở ra khoan khoái :
“ Địt mẹ…Mày làm cái gì ở đây mà có rượu ngon lành thế này ?”
“Em…em…không làm gì ?”
Lão Thuộc chợt nhận ra chiếc áo ngủ màu hồng của phụ nữ vắt đầu giường, lão bật cười ha hả :
“ Hiểu rồi…hiểu rồi… mày đang công tác phục vụ cách mạng hả ?”
“ Hí hí…sướng thiệt sướng đó đại ca ơi…cơm no bò cưỡi….toàn rượu tây với tôm hấp, gà nướng thôi đại ca ơi…”
Nói rồi hắn lại lôi trong tủ lạnh ra la liệt nào vịt tiềm, hàu sống chấm mù tạt, thịt xông khói…khiến lão Thuộc tròn xoe mắt :
“ Mày phục vụ quý tiểu thư nào mà sộp thế này ?”
Thằng Bành Trọc ỡm ờ :
“ Bí mật quốc gia…Em đố đại ca biết đó…”
Lão Thuộc bật cười ha hả :
“ Tao biết tỏng ra rồi , tiểu thư Kim Anh con gái quý ông Chủ tịch tỉnh chứ gì…ha ha ha…”
Thằng Bành Trọc ngẩn ra rồi lắc quày quạy :
“ Không phải…con nhãi Kim Anh thiếu gì bạn trai mà phải cần tới tôi…”
Lão Thuộc nhìn chằm chằm vào mặt thằng Bành Trọc, mắt tròn xoe :
“ Vậy ra mày phục vụ bà Phu nhân…ối trời đất ôi…rõ khổ cái thân mày…”                           
Thằng  Bành Trọc gân cổ cãi :
“ Cơm no bò cưỡi…có gì khổ…”
Lão Thuộc lắc đầu :
“ Tao cũng chịu mày, trai tơ ôm gái nạ dòng…”
Thằng Bành Trọc cười hì hì :
“ Tại đại ca chưa biết đó thôi…bả…bả…sành điệu lắm …có khi còn hơn cả gái tân nữa kìa…”
Lão Thuộc nhăn mặt, rụt cổ lại :
“ Nghe mà thấy ớn…có cho tao bạc tỷ tao cũng không ôm con lợn sề đó . Thôi kệ mày…tao có việc cho mày đây…”
Nghe xong dự định đi lừa mụ vợ lão Hai Công, thằng Bành Trọc cười toét :
“ Dễ ợt, em chỉ doạ bả sắp tới nếu hai người vẫn còn là vợ chồng thì cả hai sẽ gặp đại hoạ chết bất đắc kỳ tử nên phải giả vờ ly dị trên giấy là bả ký ngay chớ gì ?”
Lão Thuộc đập  bàn cái chát :
“ Đúng rồi, đúng rồi, phải nhờ vào cái lưỡi rẻo quẹo của mày đó. Vậy mai đi được chưa ?”
“ Í đâu có được , mai em phải theo bà Phu nhân đi Đà Lạt coi đất để mai mốt cất nhà mát cho ông Chủ tịch dưỡng già đó…”
Lão Thuộc ngẩn người. Ghê thật, vợ chồng lão Chủ tịch tỉnh này thật không ngờ lắm tiền vậy, nào hàng trăm hecta cao su đang cạo mủ, nào biệt thự ven sông Sàigòn… giờ lại còn tính tậu đất cất nhà trên Đà Lạt. Địt mẹ các đồng chí, moi tiền của dân không khác gì ngoại bang xâm lược Việt Nam vậy mà mồm vẫn leo lẻo do dân vì dân. Địt mẹ các đồng chí, ăn dầy vậy có ngày bột thực chết vì nổ bao tử. Mà các đồng chí ăn vậy, tội gì bố mày đây không tìm cách moi lại tiền của các đồng chí. Lão hất hàm hỏi :
“ Ê … bà Phu nhân cho mày bao nhiêu tiền ? Mày cứ khai thật đi ”


                                  (còn tiếp )

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

ANH ĐƯỜNG ANH, TÔI ĐƯỜNG TÔI "- nhà văn HOÀNG QUỐC HẢI



Tương quan giữa lịch sử và tiểu thuyết lịch sử
(Tham luận Hội nghị lý luận phê bình Tam Đảo 4- 5 /6-2013

                                                             

   
                                                                                                                                                                  Hoàng Quốc Hải



Đây là hội nghị “Lý luận phê bình văn học”, có nghĩa là nó thiên trọng về lý luận phê bình của giới phê bình văn học.

          Tôi là người sáng tác văn học, đương nhiên có quan hệ với các nhà phê bình. Sự có mặt của tôi trong hội nghị này chủ yếu là để nghe, để học hỏi và hơn hết là cảm thông nhau.

       Sở dĩ tôi nói để cảm thông nhau là bởi từ xa lắc ở xứ ta sáng tác và phê bình đã từng là đôi bạn thiếu tri kỷ, đồng thanh bất tương ứng, đồng khí bất tương cầu.

         

Có một câu chuyện đã trở thành giai thoại tuởng là chuyện vui, lại hóa chuyện buồn. Từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, nghe nói có nhà báo muốn tìm hiểu vào bếp núc của nhà văn. Bữa nọ anh đến thăm nhà văn Nguyễn Công Hoan, hỏi han đủ mọi chuyện, lúc sắp ra về anh nhà báo trẻ đặt một câu hỏi cuối: “Thưa bác, bác thường sáng tác vào lúc nào ạ?”

          Nhà văn Nguyễn Công Hoan mỉm cười đáp: “Đêm! Tôi viết vào ban đêm”.

          “Dạ, chắc là đêm yên tĩnh, bác viết có năng suất phải không ạ” - “Không phải thế đâu anh bạn trẻ. Tôi chọn viết vào ban đêm, bởi vì lúc đó các nhà phê bình họ đã đi ngủ”.

          Bây giờ nếu ai có thì giờ mở xem lại báo và tạp chí từ 1955 đến 1975 sẽ thấy không khí cơm chẳng lành canh chẳng ngọt giữa các nhà văn và các nhà phê bình văn học. Tuy vậy nó vẫn còn tỏ ra có sinh khí.

          Từ bấy tới nay trải hơn nửa thế kỷ, nối tiếp bao thế hệ, họ vẫn chung sống với nhau trong một ngôi nhà, ấy là Hội Nhà văn Việt Nam.

          Và ngày nay tình hình phê bình văn học hầu như đã khác hẳn với nửa cuối thế kỷ 20. Rằng anh đường anh, tôi đường tôi. Sáng tác làm việc của sáng tác, phê bình làm việc của phê bình. Chẳng ai động chạm đến ai. Chúng ta sống chung với nhau trong không khí “ dĩ hòa vi quí”.

          Vì vậy, không khí sinh hoạt văn chương phẳng lặng như mặt nước mùa thu.

         

Tôi xin đi thẳng vào vấn đề ít lâu nay dường như đã có sự quan tâm của xã hội và các cơ quan có trách nhiệm như Bộ giáo dục, Hội Nhà văn, Hội đồng lý luận về văn học nghệ thuật Trung ương… Đó là vấn đề quan hệ giữa lịch sử và văn học viết về đề tài lịch sử. Trong đó Hội đồng lý luận về văn học nghệ thuật đặt ra như quan hệ giữa lịch sử và văn học viết về đề tài lịch sử; quan niệm về giải thiêng. Văn học lấy đề tài từ dã sử khác với văn học lấy đề tài từ chính sử như thế nào. Và nữa tỉ lệ hư cấu trong tác phẩm viết về đề tài lịch sử là bao nhiêu phần trăm cho thỏa đáng.

    Những vấn đề này tôi đã phát biểu khá kỹ trong tham luận trình bày tại Hội thảo ngày 15 tháng 12 năm 2012 do Hội đồng lý luận Trung ương về Văn học nghệ thuật tổ chức.

          Trước hết ta phải khẳng định một vấn đề có tính muôn thuở   là đối tượng của văn học là con người. Vậy thì anh viết theo kiểu gì, bút pháp nghệ thuật theo trường phái nào cũng đều phải lấy con người làm đối tượng. Điều đó có nghĩa là tiểu thuyết đương đại hoặc tiểu thuyết lịch sử cũng không thể đi ra ngoài khuôn thước đó. Nếu rời bỏ con người cũng có nghĩa là văn học đã đến hồi cáo chung.

          Điều thứ hai được nhiều người quan tâm là chính sử có tác dụng chi phối tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử như thế nào.

          Ở đây không đề cập tới vấn đề lý luận mà tôi chỉ nói về thực tiễn bản thân. Đương nhiên kinh nghiệm không phải là qui luật. Song từ các hệ thống kinh nghiệm sẽ cho phép ta rút ra một điều gì đó có thể soi chiếu vào sáng tác.

         

Như mọi người đều biết, đối tượng của văn học là nghiên cứu về con người để từ đó có con người văn học. Vậy đối tượng của sử học là gì ? Đối tượng của sử học là nghiên cứu về hệ thống các sự kiện. Do đó, tư duy của văn học là tư duy hình tượng. Tư duy của sử học là tư duy lô-gích. Rõ ràng đó là hai lĩnh vực chuyên biệt, chẳng bên nào phụ thuộc bên nào.

          Văn học sử dụng các sự kiện lịch sử làm phương tiện sáng tác. Một khi đã sử dụng nó làm phương tiện, tựa như người ta dùng các loại vật liệu kiến trúc để xây dựng một ngôi nhà, do đó ngôi nhà ấy phụ thuộc vào chủ thể xây dựng. Tức là vai trò của kiến trúc sư, ở đây là vai trò của nhà văn.

          Từ đó suy ra nhà văn dùng các sự kiện lịch sử làm phương tiện xây dựng tác phẩm, cho nên họ làm chủ các sự kiện lịch sử đó. Vì vậy các sự kiện lịch sử phải phụ thuộc vào nhà văn, chứ nhà văn không hề phụ thuộc vào sự kiện, dù đó là sự kiện lịch sử.

          Ai đó khi viết tiểu thuyết lịch sử phụ thuộc vào các sự kiện lịch sử tới mức để nó chi phối, cũng có nghĩa là nhà văn đã từ bỏ vai  trò chủ thể để đóng vai trò phụ thuộc, tức là nhà văn phải làm nô lệ cho các sự kiện lịch sử.

          Vậy tôi đã xử lý các sự kiện lịch sử từ trong chính sử như thế nào khi viết tác phẩm.

          Ví dụ Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Trong thành làm chùa Hưng Thiên ngự và lầu Ngũ Phượng tinh, ở ngoài thành làm chùa Thắng Nghiêm ở phía nam… Lại hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại”. Đó là các sự kiện thuộc về năm Canh Tuất (1010).

          Tới năm Kỷ Mùi (1019)Toàn thư lại ghi: “Xuống chiếu cấp độ điệp cho nhân dân trong nước làm tăng”.

          Nhân các sự kiện này, sử gia Lê Văn Hưu có lời bàn như sau: “Lý Thái tổ lên ngôi mới được hai năm, Tôn miếu chưa dựng, Xã Tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại sửa chữa chùa quán ở các lộ và cấp độ điệp cho hơn nghìn người ở kinh sư làm tăng, thế thì tiêu phí của và sức dân về việc thổ mộc biết chừng nào mà kể? Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm hộ, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư! Vét máu mỡ của dân, có thể gọi là làm việc phúc chăng?...”

          Bản thân các sự kiện lịch sử như làm chùa, sửa chùa, cấp độ điệp chưa nói lên điều gì. Nhưng lời bình của sử gia, coi như là định hướng về mặt nhận thức cho hậu thế.

          Các sự kiện trên vào những năm đầu của chính quyền Lý Công Uẩn, sử ghi chép quá sơ sài. Tôi triển khai các sự kiện này trong tiểu thuyết khác hẳn với lời bình có định hướng của sử gia. Trái lại, tôi mô tả các đạo tràng để đào tạo sư tăng như là một hệ thống trường sư phạm. Và việc dựng hàng ngàn các chùa làng tựa như các mô hình trường hương sư. Dựng một ngôi chùa làng bằng tranh tre gỗ lạt ở nông thôn cách đây hơn ngàn năm, là điều quá thuận lợi. Bởi lẽ thời ấy, rừng và đất rừng có thể chiếm tới 90% hoặc hơn thế nữa về diện tích đất đai cả nước. Vậy dựng ngôi chùa đất đâu phải là việc tốn kém quá sức đối với dân làng. Sử còn cho ta biết các vua nhà Lý thường có những cuộc săn voi bên hồ Dâm Đàm (hồ Tây ngày nay). Và cái tên làng Trích Sài còn lại đến bây giờ, chứng minh rằng nơi đó xưa là cửa rừng.

          Tôi nghĩ rằng việc giáo hóa  nhân dân tiến bộ về mặt tâm linh cùng với việc khai trí cho con em nông dân là một bộ phận cấu thành trong tổ chức xã hội thời nhà Lý.

          Tại ngôi chùa làng, nhiệm vụ của vị tu sĩ có ba chức năng. Thứ nhất là hoằng dương chánh pháp, hướng dẫn dân chúng tu tập để tiến hóa về mặt tâm linh, an định tâm  thức. Bởi một xã hội chỉ có thể ổn định được khi cái tâm của dân chúng được ổn định. Chức năng thứ hai của vị tu sĩ là làm nhiệm vụ một ông thầy giáo, dạy chữ để khai trí, khai tâm cho đám trẻ nhỏ con em người nông phu trong làng xã. Chức năng thứ ba của vị tu sĩ trong chùa làng là làm nhiệm vụ của người thầy thuốc. Nhà sư vừa trị bệnh cho dân, vừa hướng dẫn họ biết cách sử dụng các loại cây cỏ để trị bệnh.

          Tất cả các chức năng chuyên môn này của nhà sư đều được dậy dỗ trong ba năm học tại các đạo tràng.

          Dưới triều Lê Long Đĩnh và đầu triều Lý Thái tổ, phần lớn các xã trưởng còn lập sổ đinh, sổ điền bằng những cuộn dây với những hệ thống nút thắt làm chỉ dấu. Thử hỏi, lúc đó Lý Thái tổ cho mở mang hệ thống trường học trong cả nước như các sử gia mang quan điểm nho giáo giáo thuần túy đòi hỏi, thì lấy đâu ra học trò để học, lấy đâu ra thầy giáo để dạy.

          Vị thầy tu chùa làng của nhà Lý thời đó tựa như một cán bộ cơ sở của ta ngày nay. Ta có thể tìm thấy hình mẫu này trong số các quân nhân biên phòng tại các vùng cao như Cao Bằng, Hà Giang. Rất nhiều các đại úy, thiếu tá về xã làm bí thư đảng ủy, chủ tịch xã , giáo viên v.v…

          Nhà Lý lấy Phật giáo làm quốc giáo, và sư tăng gắn bó mật thiết với đời sống mọi mặt của người dân, nên mới có cơ sở để nói “ Từ ngàn năm nay Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc”.

          Chỉ nói riêng việc giáo dục, từ bước vỡ lòng tới khi có một hệ thống trường học, và hoàn thiện đào tạo tài năng đến bậc tiến sĩ, nhà nước phải hoàn tất rất bài bản trong 65 năm (từ 1010 đến 1075 ).

          Bây giờ ta thử khảo sát xem việc Lê Văn Hưu lên án các việc làm của Lý Thái tổ là “vét máu mỡ của dân, có thể gọi là việc làm phúc chăng?”.

          Tôi ngờ rằng đây là lời chỉ trích thái quá mang tính vu cáo lịch sử. Và cái tội của sử gia là đã làm thiên lệch nhận thức của nhân dân trong nhiều trăm năm. Ta thấy dưới thời Lê Long Đĩnh dân bị bóc lột tàn tệ, phải bỏ quê  quán phiêu dạt đi các nơi làm ăn.

          Lý Công Uẩn lên ngôi đã: “Xuống chiếu khiến trong nước những người trốn tránh phải về quê cũ. Đại xá các thuế khóa cho thiên hạ 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế đã lâu, đều tha cho cả” ( ĐVSKTT trang 261, bản in 2004 NXB Văn hóa Thông tin) .

          Trong 18 năm cầm quyền, Lý Công Uẩn đã ba lần tha tô thuế, trong đó hai lần tha 3 năm liền, lần thứ 3 cũng tha 3 năm nhưng chỉ tha một nửa. Thử hỏi trong lịch sử cổ kim có chính quyền nào thân dân, thương dân đến như vậy. Và suốt 4 đời vua từ Lý Thái tổ đến Lý Nhân tông(1010- 1128) trải dài 118 năm, dù Lê Văn Hưu có ghét nhà Lý đến đâu cũng không thấy ghi có nạn bóc lột tàn nhẫn, nạn đói rợn người như mấy năm cầm quyền của Lê Long Đĩnh.

          Vì vậy  cái mà sử gia gọi là “ vét máu mỡ của dân” không thể đánh lừa được người đọc. Càng không lừa nổi người viết tiểu thuyết lịch sử.

         

Trong khi viết hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” và “ Bão táp triều Trần” tôi phải cưỡng lại, nếu không nói là đối lập lại với quan điểm thiên lệch của các sử gia khá nhiều.

          Ta phải tin vào lịch sử thông qua sự ghi chép của các sử gia. Nhưng chớ đặt trọn niềm tin vào đó. Đúng như Mạnh Tử đã nói: “Tín tận thư như vô thư” (Hết lòng tin vào sách thà đừng đọc sách còn hơn). Thử hỏi những vấn đề lịch sử nước ta từ cận đến hiện đại mà ta là chứng nhân, vậy ta có thể tin những gì được ghi chép lại trong hệ thống sách vở mà ta gọi là lịch sử được không?

          Đó là kinh nghiệm tôi rút ra về việc khảo sát lịch sử trong quá trình sáng tác về đề tài lịch sử.

          Cách đây độ một tháng, có một vị Tổng biên tập một Tạp chí khá nổi tiếng có phỏng vấn tôi: “Tư liệu và thông tin lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử có độ tin cậy như thế nào?”.

          Tôi trả lời: “ Những tư liệu lịch sử và thông tin lịch sử khi còn yên nghỉ trong chính sử, nó thuộc loại nguyên liệu thô. Còn các  thông tin lịch sử trong tác phẩm văn học viết về lịch sử có độ tin cậy cao hơn, nếu xét trên bình diện tổng thể về qui mô mà nhà văn giải mã lịch sử, chứ không đóng đinh vào các sự kiện chết”.

          Ta có thể chứng minh điều này qua lời phát biểu của Pautovski sau khi ông đọc tiểu thuyết lịch sử của Alexis Tolstoi viết về Pie Đại đế: “ Xin các nhà sử học đừng giận tôi, nhưng quả tình rằng tiểu thuyết của Alexis Tolstoi đem lại cho tôi nhiều điều bổ ích về thời kỳ Pi-e Đại đế hơn nhiều công trình nghiên cứu lịch sử”.

         

Chúng tôi là những người sáng tác, mong sao giới phê bình chỉ ra cho những điều cần thiết từ trong lý luận cổ kim mà các bạn dầy công nghiên cứu. Tôi từng ao ước có những nhà phê bình có tầm cỡ là người thầy của mình. Tiếc thay đó vẫn chỉ là mơ ước. Tuy nhiên  tôi vẫn chưa nguôi hy vọng, mặc dù chỉ còn 25 năm nữa là tôi tròn trăm tuổi.

         

Thật tình trong những năm gần đây đọc một số bài viết của một số cây bút phê bình khiến tôi băn khoăn, không biết nên đặt niềm tin vào đâu. Quả tình là có người đọc chưa thông văn bản đã đặt bút phán một cách hết sức võ đoán, chứng tỏ một tầm hiểu biết rất ư là nông cạn. Lại có người viết phê bình còn không phân biệt nổi thể loại tác phẩm. Cứ thấy trong truyện tác giả viết về cái xưa cũ, liền cho đó là tiểu thuyết lịch sử.

          Ngoài ra phải nói không ít cây viết phê bình rất thông tuệ, đủ sức khuấy động văn đàn, đủ sức làm bạn, thậm chí làm thầy cho các nhà văn, nhưng họ không còn đủ hào hứng nhập văn đàn nữa.

          Tiếc thay!                   

Láng Thượng 25.5.2013

                      (Tham luận viết cho Hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ III )