Một bài thơ hay. Mang âm hưởng Đỗ Phủ nhưng lại lãng tử, ngang tàng khí phách và chua chát đời lính, xuất bản ở Sài Gòn khoảng 1970, trên tuần báo Khởi Hành gây xôn xao dư luận . Độc giả , nhất là thanh niên vô cùng thích thú những lời thơ ngang tàng, bi tráng, ý thơ u uất, kiêu bạc, bất cần đời. Có thể nói Nguyễn Bắc Sơn làm thơ về chiến tranh gây ân tượng dữ dội bậc nhất. Các “thi sĩ chinh chiến “ bên phía cách mạng, chưa thấy ai làm được bài nào ngang tàng, hào sảng như bài này :
Mật khu Lê Hồng Phong
tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
còn ngại hành quân động Thái An
cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
mùa khô thiếu nước lính hoang mang
đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
nghe súng rừng xa nổ cắc cù
chợt thấy trong lòng mình bát ngát
nỗi buồn sương khói của mùa thu
mai ta đụng trận, may còn sống
về ghé Sông Mao phá phách chơi
chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
đốt tiền mua vội một ngày vui
ngày vui đời lính vô cùng ngắn
mặt trời thoắt đã ở phương tây
nếu ta lỡ chết vì say rượu
linh hồn ta chắc thành mây bay
linh hồn ta sẽ thành đom đóm
vơ vẩn trong rừng động Thái An
miền bắc sương mù giăng bốn quận
che mưa dùm những nắm xương tàn
cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
mùa khô thiếu nước lính hoang mang
đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
nghe súng rừng xa nổ cắc cù
chợt thấy trong lòng mình bát ngát
nỗi buồn sương khói của mùa thu
mai ta đụng trận, may còn sống
về ghé Sông Mao phá phách chơi
chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
đốt tiền mua vội một ngày vui
ngày vui đời lính vô cùng ngắn
mặt trời thoắt đã ở phương tây
nếu ta lỡ chết vì say rượu
linh hồn ta chắc thành mây bay
linh hồn ta sẽ thành đom đóm
vơ vẩn trong rừng động Thái An
miền bắc sương mù giăng bốn quận
che mưa dùm những nắm xương tàn
VÀI NHẬN XÉT
(trích)
…Bên kia là: “những đứa điên say”; bên này là “ta” coi đánh giặc như trò chơi. Hoàn cảnh phải chăng đã xui có cái bất cần này để quân bình lại cái quá đáng kia. Oc hài hước bên này để hiểu chính óc mộng tưởng bên kia?] … Thái độ một quân nhân thời chiến như ông, nó khác thường không những vào thời điểm cuối 60 đầu 70, mà vào bất cứ thời nào. Có thể bảo chiến tranh là cái cũ rích, đã có tự ngàn xưa; chán ghét chiến tranh là thái độ cũng cũ cũng xưa không kém. Ở Nguyễn Bắc Sơn chỉ có cái ngông nghênh ngang tàng là mới. – Một chút ngang tàng thôi cũng có sức thu hút người đời dữ vậy sao? Nhưng… Không phải chỉ ngông nga ngông nghênh chật đường mà đủ làm thiên hạ mê say. Trong cái nghênh ngang phải có gì đẹp đẽ, sau vẻ nghênh ngang phải thấp thoáng một tâm hồn phong phú, những xúc cảm tinh tế, chân thành, những lời lẽ đầy duyên dáng v.v. Có thế may ra mới…
ĐẶNG TIẾN :
… Nhiều người nhớ đoạn thơ nói trên vì tâm tư một thời đại, nhưng nó tồn tại lâu dài trong tâm thức người đọc là nhờ giá trị nghệ thuật — bên cạnh giá trị lịch sử mà không ai chối cãi. Điển hình cho thi pháp Nguyễn Bắc Sơn là từ vựng: câu đầu trên 7 chữ, đã có 5 từ diễn tả niềm hoang mang trước cuộc sống mỏng manh, bao quanh một chủ từ «ta» phù du hiu hắt ; «mai» là cuộc sống đếm từng ngày ; động từ «đụng» vừa chủ động: có đi mới đụng, vừa thụ động vì có tính cách tình cờ, tai hại ngoài ý muốn: «anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay». Người lính đụng trận như người thường đụng xe, đụng mưa; bình thường, chính xác hơn, người khác sẽ nói: đụng giặc, đụng địch. Nhưng trong thơ Nguyễn Bắc Sơn không thấy có đối phương. Trong câu sau Sông Mao là một thị trấn nổi danh vì chiến tranh: từ 1955 Sư Đoàn 5, người Nùng đóng ở đó, với khu gia binh di cư vào, và đời sống mang sắc thái riêng, về sau là các căn cứ quân sự Hoa Kỳ. Do đó địa danh Sông Mao, tự nó đã có âm hưởng chiến tranh, và quả thật nơi đấy «có nhiều nhà điếm và nhiều trại lính» (tr. 11) như lời thơ Nguyễn Bắc Sơn.
…Thơ chinh chiến của cổ nhân là thơ quan quyền; ra quân phải có nhạc tỳ bà trên lưng ngựa; rượu thì phải Bồ Đào. Thơ Nguyễn Bắc Sơn là thơ lính, ra quân không đua đòi Mỹ Tửu nhưng phải có “đế Nùng” đặc sản do người Nùng địa phương Sông Mao sản xuất từ các trại gia binh.
…Trong trường phái khí phách giang hồ này Thâm Tâm có bài Tống Biệt Hành nhiều người biết, ông còn những bài Tráng Ca, Vọng Nhân Hành, và nhất là Can Trường Hành, báo hiệu Nguyễn Bắc Sơn
….Vào khoảng 1970, khi thơ Nguyễn Bắc Sơn xuất hiện và gây ngạc nhiên, nhiều người cho rằng có hơi hướm thơ Quang Dũng, có lẽ vì đề tài chiến tranh và lời thơ bi tráng. Nhưng xét kỹ thì không đúng: thơ Quang Dũng lãng mạn và lý tưởng, thơ Nguyễn Bắc Sơn ngược lại, phi lãng mạn và phi lý tưởng. So với các nhà thơ khác, mà chúng tôi vừa trích dẫn, thơ Nguyễn Bắc Sơn cũng có nét khu biệt, là chất bụi đời, mà nhà thơ tự cho là “du đãng”. Tống Biệt Hành là thơ để đời ; Nguyễn Bắc Sơn là thơ bụi đời. Độc Hành Ca là loại thơ “miếu đền”, Nguyễn Bắc Sơn là thơ lề đường, quán sá. Xã hội, hoàn cảnh Miền Nam thời đó đã tạo một nguồn cảm hứng như thế và chỗ đứng cho một thể loại bất cần đời như thế. Và dư luận thời đó, của những nhà văn tên tuổi có thế lực văn học, lập trường chính trị vững vàng, như Võ Phiến trên Bách Khoa, Chu Tử trên báo Sống, Doãn Quốc Sĩ trên báo Văn, đã đồng loạt hoanh nghênh.
ĐỖ QUANG VINH :
…Nguyễn Bắc Sơn là con người đa tài: rất giỏi tiếng Anh, nghiên cứu sâu triết học Đông – Tây, đặc biệt là Kinh dịch và triết học Phật giáo; lại có bàn tay châm cứu tuyệt vời cộng với tấm lòng nhân ái của một lương y thực thụ. Đó là thời điểm cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn – anh đã từng tham gia chẩn trị và hướng dẫn châm cứu cho lớp đàn em ở các cơ sở Đông y Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc … Nhưng Nguyễn Bắc Sơn sau trước vẫn là thi nhân – một thi nhân luôn lãng đãng, phiêu bồng trong cõi nhân sinh bởi vì anh đã ký thác đời mình từ “sinh cung của bà mẹ mênh mông”. Thơ anh mang khẩu khí tài hoa, phóng túng; phảng phất một chút hơi hướng của phong trào “thơ mới”, “thơ tiền chiến” và xa hơn là phong vị hàm súc của Đường thi – đó là cảm nhận chung của đồng nghiệp và đông đảo độc giả trước đây.
(Nguyễn Bắc Sơn còn nhiều bài hay. Hy vọng sẽ có dịp trở lại…)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét