Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Nhà văn Nhật Tiến : GIẤC NGỦ CHẬP CHỜN ( KỲ 7 )


                               (tiếp theo)


Khi bóng dáng bà cụ khuất sau cánh liếp ở đầu hè, Lầu bỗng buông một tiếng thở dài não nuột. Cử chỉ ấy làm chị Lầu mở to cặp mắt đen láy lên dò hỏi. Lầu vội vàng tìm câu nói lấp liếm:
- Sắp tới mùa mưa rồi hay sao mà nóng dữ vậy cà. Trời đất nầy dễ mệt lạ.
Chị Lầu lo lắng:
- Chết! Có làm sao không?
Lầu cảm động nhìn vợ:
- Ờ! Nói vậy thôi, chớ có làm sao đâu.
Chị Lầu ì ạch đứng đậy, với lấy cái gối bông trên đầu tủ đem ra đặt trên phản gỗ rồi nói:
- Mình nằm xuống đây, có mệt thì cố ngủ một tí, lát nữa có cơm thì em gọi.
Gã đàn ông ngoan ngoãn nằm xuống như một đứa trẻ. Trong khi chị Lầu chăm chỉ với bàn máy may, thì gã nghêu ngao hát. Tiếng hát của gã xen lẫn tiếng máy đạp rào rào nghe vui tai và ấm cúng. Ở những giây phút đó, gã thấy mình như đang được bơi trong thế giới của hạnh phúc. Gã có vợ hiền. Nay mai vợ gã lại cho gã một đứa con. Thật không còn gì sung sướng và đầy đủ cho bằng. Từ những cảm giác sung sướng và đầy đủ ấy, gã bỗng quên đi nhiệm vụ khó khăn mà gã đang phải nhận lãnh. Không gian bốn bề êm ả quá. Đồng quê chìm trong cái vắng lặng của một buổi sáng đầu hạ. Đâu đó trong vườn, chỉ có tiếng chim chiêm chiếp chuyền cành, tiếng lá khô rụng trên bờ cỏ, và tiếng gà xao xác ở đằng xa. Gã cố nằm im, hai mắt nhắm nghiền để tận hưởng những phút giây nhàn tản hiếm có này. Và cứ ở trong trạng thái mơ màng như vậy, gã ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Lúc gã choàng tỉnh dậy thì mâm cơm đã dọn sẵn trên bàn. Chị Lầu cũng đã ngừng may để lúi húi xếp dọn bát đĩa. Thốt nhiên Lầu nhỏm phắt dậy, mình bật lên như chiếc lò xo và mắt gã dáo dác nhìn ra chung quanh. Chị Lầu biết ý chỉ tay lên cái cột gỗ. Khẩu súng Carbine M2 tự động của gã đã được treo ngay ngắn trên một cái đinh sắt từ bao giờ. Gã thở một hơi thật dài nhẹ nhõm, rồi mỉm cười vu vơ. Chị Lầu nói:
- Má treo lên đó đó. Em thì có đưa vàng em cũng chả dám mó vô.
- Có gì đâu mà sợ. Bao giờ anh cũng khóa chốt an toàn rồi.
- Mà điều em ghét súng ống.
Lầu cười hề hề:
- Ờ! Em ghét cũng phải. Chính anh cũng không ưa những thứ giết người này. Có điều thời buổi bây giờ mình chẳng ưa cũng chẳng được. Không bắn tụi nó thì tụi nó cũng bắn mình. Một cách tự vệ đó thôi.

Chị Lầu hỏi:
- Nhưng tại sao hai bên lại cứ bắn nhau chớ?
- Ôi! Vấn đề đó cao xa, nói làm gì.
- Ủa! Làm sao nói cao xa được khi mà bên đây cũng như bên đó giết nhau thiệt tình. Đã giết nhau thì cũng phải có lý do chớ?
- Chẳng có lý do gì hết ráo! Nó Cộng Sản, mình Quốc Gia, hai bên chẳng đội trời chung với nhau thì giết nhau. Giản dị vậy thôi mà.
Chị Lầu chép miệng:
- Nói là Cộng Sản vậy thôi, chớ tụi thằng Há thì biết cái gì. Nó đọc chưa thông mà. Rồi ngay cả bên đây nữa, nói mình là Quốc Gia, chớ thật ra nào có khác gì nhau đâu. Cũng một ngày chạy ăn hai bữa thôi chớ gì.
- Nói chuyện như em thì hết đường rồi.
- Em thì ngu dốt, chẳng biết lý luận cao xa gì. Nhưng nói cho ngay, em thấy thằng Há, thằng Bình, thằng Hoanh hay tất cả mọi người đã từng sinh sống với nhau trên mảnh đất này, chẳng có cái gì là phân biệt với nhau cả. Thằng Há có theo Cộng Sản thì nó vẫn là thằng Há. Thằng Hoanh có theo Quốc Gia thì vẫn là thằng Hoanh. Nào thay đổi cái gì đâu. Chừng đói bụng vẫn chạy về nhà xin cơm thấy bà!
Thấy chồng không đáp chị Lầu ngừng một lát rồi nói tiếp:
- Rồi đó anh coi. Nay mai đất nước thanh bình rồi, ai trở về nhà nấy, mọi người lại sống được với nhau như xưa. Đâu có phải vì là Cộng Sản mà thằng Há không thể nào ở chung với anh nó là thằng Hoanh được đâu. Anh em ruột thịt thì cuối cùng vẫn là anh em ruột thịt mà.
- Hứ! Em đừng có tưởng. Cộng Sản nó khác người ta ở chỗ đó, đó. Chẳng anh em gì hết. Phải phục vụ cho Đảng trước tiên.
- Đảng là ở đâu?
- Là những ông cán bộ ở cấp trên cao tít mù tắp đó.
- Xa như vậy, ai mà thấy. Em còn lạ gì mọi người. Ngơi ra một cái là ai cũng chỉ nghĩ đến mình. Có ai dại gì lại phải chết vì những cái ở đâu đâu xa tít như vậy.
Lầu mỉm cười:
- Ờ! Ý kiến em thì như vậy, nhưng mà đối với tụi nó thì đừng có đùa. Há vẫn là thằng Há thật đó, mà điều mình lơi ra là chúng nó sẽ bắn mình ngay tức thì.
Chị Lầu kêu lên:
- Đó là cái điều mà em vẫn hậm hực. Em vẫn thường tự hỏi làm sao lại thế chớ? Oán ghét không, nợ nần không, thù hận không, vậy mà vẫn có thể cầm súng bắn nhau được. Đó mới là kỳ.
- Chả kỳ gì hết. Thì anh đã bảo nếu mình không bắn nó, nó sẽ bắn mình. Giản dị có như vậy thôi, việc gì mà phải lý luận lôi thôi. Mà tại sao bữa nay em có vẻ thắc mắc những cái kỳ cục vậy?
Chị Lầu tần ngần:
- Tại vì thằng Bình bị bắn chết ở dốc cầu hồi hôm. Tội nghiệp nó, nó có biết Cộng sản, Cộng sung là cái quái gì đâu. Hồi mấy năm trước nó là thằng con nít dễ thương nhất. Anh còn nhớ ông Hội đồng Vũ không? Nếu bình yên thì ổng đã nhận nó làm con nuôi và cho lên tỉnh học rồi. Nó ngoan lắm, nên ai cũng quí. Có điều thiệt lạ, là tại sao nó lại đi về phe của bọn thằng Há chớ? Nó còn con nít quá, xua nó ra trận, thật tội nghiệp.
- Tại hồi đó nó nghe bọn thằng Há xúi dại đi ăn cắp súng của lính gác trong đồn. Về sau sợ bị bắt, nó đi theo thằng Há luôn.
- Vậy là nó theo bất đắc dĩ.
- Có thể lắm.
- Vậy nó không phải là Cộng Sản.
- Ừ.
- Vậy thì tại sao mọi người cứ hăm túm được nó thì nó phải chết. Như vậy có phải là tội nghiệp cho nó hay không?
Lầu chép miệng:
- Thực tình ra, hồi nó mới chớp được khẩu súng chạy ra bưng, tụi này rất là sùng. Chỉ mong chộp được nó để cho nó biết mùi đời. Nhưng sau rồi cũng nguôi đi, ít còn ai nhớ đến nó nữa. Còn đêm hôm qua là tại nó về đánh cầu trước. Giữa mũi tên hòn đạn, số ai thọ thì người ấy còn. Biết thế nào mà nói được.
- Đành rằng thế, nhưng mà em vẫn thương nó ghê đi.
- Nếu nói đến tình thương thì anh cũng còn thương hại nhiều con người, kể cả bên nầy lẫn bên kia, nhất là khi họ hấp hối với thương tích đầy mình. Quả thật khi đó không còn có thể nào phân biệt Quốc Gia với Cộng Sản. Khi đó, ai cũng chỉ là một con người thôi.
Chị Lầu reo lên:
- Phải rồi. Chính như vậy đó.
Lầu vội vàng cãi:
- Nhưng em phải biết rằng, đó là kể những kẻ sắp chết thôi kìa. Nhưng đối với một thằng du kích, lẩn như ma, nhanh như chuột, nguy hiểm còn hơn là rắn độc thì sức mấy mà tha. Lẽ giản dị là có bao giờ chúng nó tha cho mình,
Chi Lầu đổi giọng lo lắng:
- Em cũng ngại ngùng nhất có mỗi một cái điểm đó. Anh đi về phải luôn luôn coi chừng. Anh phải biết rằng, ngoài anh ra, anh còn có em và có con nữa đấy. Ngày xưa chưa lấy nhau, anh có thể bất cần được, chớ bây giờ khác, phải không?
Lầu tiến lại hôn lên trán vợ rồi thở nhè nhẹ:
-Thê tróc tử phọc, các cụ ngày xưa dậy đâu có bao giờ sai.
Cơm nước xong, Lầu ra bể nước mưa dội ùm ùm. Nắng bây giờ chỉ còn thoi thóp trên những tầu lá dừa, in lên một mầu vàng úa. Từng cụm mây óng ánh như những vẩy bạc đứng im sững trên khoảng trời về phía tây. Rặng núi Trường Sơn đằng xa ngả mầu lam sẫm, trùng trùng điệp điệp như kéo dài bất tận ở cuối tầm mắt. Không gian êm ả lạ lùng. Đâu đó trong những đống cỏ khô chỉ có tiếng xao xác của từng chiếc lá úa nứt rạn trong từng cơn gió nhẹ, tiếng chiêm chiếp của những chú gà con tha thẩn kiếm mồi hay tiếng động sột soạt của đôi ba con rắn mối mình bóng nhẫy một mầu xanh biếc đang nghển đầu ra khỏi đám lá khô với cái đuôi nhọn hoắt quẫy uể oải. Qua hàng rào lá duối ở sau bể nước, Lầu bỗng thấy bóng lão Đối thấp thoáng hiện ra với mớ quần áo vừa rút ở sợi dây thép xuống cầm ở trên tay. Gã hỏi vọng sang:
- Thưa bác! Hôm nay bác không ra đồng, a bác?
Lão Đối quay lại, hấp him cặp mắt:
- Lầu đấy hả? Về bao giờ thế?
- Dạ, cháu về từ hồi sáng.
- Bữa nay rảnh lắm sao?
- Dạ! Có khi nào cháu bận gì lắm đâu.
- Mà điều lát nữa cũng vô đồn ngủ chớ?
- Đương nhiên. Nếu không thì đất nước đã thanh bình rồi.
- Ừ! Phải liệu mà về.
- Hồi hôm tụi nó làm dữ quá, a bác.
- Thì cũng như mọi lần vậy. Bọn chúng nó có mười thằng nhoe, ăn nhằm gì.
Lầu vội hỏi:
- Có thằng Há không bác?
Lão Đối chợt im lặng một giây, rồi lão ngập ngừng:
- Chắc là có chớ!
- Ủa! Vậy hồi hôm nó không ghé bác sao?
- Mọi khi thì nó vẫn ghé. Mà hồi hôm thì không.
Hai người đứng yên một lát, rồi Lầu lại cất tiếng:
- Tình hình mỗi ngày một gay đó bác. Tụi nó cấp này chịu đi dữ. Không hôm nào để cho bọn cháu ngủ yên một đêm.
Lão Đối nhắc lại một câu mà mấy năm nay gần như ở cửa miệng:
- Mấy thằng nhoe, ăn nhằm gì.
- Vậy mà chúng nó định phá cầu đó bác.
- Nó phá rồi nó còn ở với ai?
- Tình thế thay đổi rồi. Dạo này bác không thấy các đoàn công-voa ùn ùn kéo qua cầu lên tăng cường cho núi Phú Sơn sao?
- Thấy chớ!
- Sắp đánh lớn rồi đó. Bác cứ tin đi, khu mình rồi ra chẳng êm ả được như trước nữa đâu.
Lão Đối bật lên cười chua chát:
- Còn êm ả cái nỗi gì nữa. Ngã từng ấy đứa chưa đủ sao?
- Từng ấy là bao nhiêu?
- Mười chín đứa!
- Ủa! Bác nhớ tài nhỉ.
Lão Đối chép miệng:
- Gì đâu mà tài. Chúng nó cũng là ruột thịt cả mà. Quốc gia Cộng sản. Ui da. Những gì đâu. Biết con mẹ gì.
Lầu định cãi, nhưng rồi gã lại đứng im. Gã nhớ đến câu chuyện nói với vợ hồi chiều. Đi đâu cũng chỉ gặp một cái luận điệu ấy. Như vậy là thế nào? Gã bỗng cảm thấy nao núng về con đường mà gã đang theo đuổi. Cái lý tưởng mà gã tôn thờ quả mờ nhạt, chỉ đủ cho gã cảm thấy mà không nắm lấy được để gìn giữ, bấu víu như cây gậy thân thiết của một kẻ mù lòa. Theo đầu óc đơn giản của gã, thì những gì trái với Cộng Sản sẽ là Quốc Gia. Nhưng cái gì biểu dương cho Quốc Gia thì gã chưa biết, hay có biết, gã chỉ biết lờ mờ. Đó là thanh bình, đó là độc lập, là tự do, là dân chủ. Nói chung thì toàn là những danh từ đẹp đẽ nói thì xuôi rót nhưng cảm nhận được thì không, như thể thế nào là tự do? thế nào là dân chủ? Ông Trung úy Vĩnh, trưởng đồn Phi Mã có thói quen hay nọc lính ra đánh bằng một cây gậy sắt với những tội chẳng đáng gì (như quên chào kính, như quên ủi đồ cho chính ổng, hay đi chợ không nhớ mua món đồ ổng dặn) thì tự do dân chủ ở cái chỗ nào?


                                    (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét