(tiếp theo)
Cái gì đã xô đẩy thân phận của tất cả đám thanh niên có chung một dĩ vãng êm đềm ấy trở nên thù nghịch? Cái gì đã xô đẩy hai anh em ruột đến độ hăm dọa sẽ thanh toán nhau ngay trên mảnh đất của tổ tiên còn để lại này. Thằng Há, dù thế nào thì cũng vẫn là đứa em đã chia xẻ với Hoanh đầy dẫy những kỷ niệm. Hoanh nhớ ngày xưa, mẹ gã vẫn nói:
- Mày có thương tao thì mày phải thương em. Nó còm cõi, tội nghiệp lắm .
Có bận thằng Há ốm, Hoanh đã ngồi bên cạnh giường nó suốt hai ba ngày liền để có dịp ngắm kỹ cái đầu trọc nhẵn, khuôn mặt choắt cheo, hai mắt lờ đờ, sâu trũng như hai lỗ đáo của nó. Khi đó, thằng Há là tất cả. Hoanh nhường nhịn đủ mọi thứ và chỉ mong mỏi một điều độc nhất là nó khỏi bệnh. Bây giờ kỷ niệm như bị cắt thành mảnh nhỏ, rã rời, đớn đau, chua xót. Hoanh bỗng cảm thấy mình quá mệt mỏi khi phải đối phó với câu chuyện đang xảy ra, trước khuôn mặt xanh nhợt của thằng Sách và vẻ hung hăng, giận dữ của các bạn đồng đội.
May sao vừa lúc đó thì có một tiếng nổ phát ra ở phòng đọc sách. Có lẽ là tiếng lựu đạn. Cũng có thể là một quả mìn. Mọi người nháo lên, xô nhau chạy tán loạn. Bọn đồng đội của Hoanh nhanh như những con sóc, xách súng phóng lại như bay. Thừa cơ hội lộn xộn, thằng Sách vùng lên chạy.
Hoanh rối rắm nhìn về phía có tiếng nổ, rồi lại quay về hướng thằng Sách đang chạy. Những giọt máu tím sẫm thi nhau rớt xuống lớp bụi chói chang in thành một chuỗi đốm đỏ vòng vèo theo cẳng chân khập khiễng của nó. Như một cái máy, Hoanh hướng mũi súng lên và mở chốt an toàn. Thằng Sách như một miếng mồi ngon trước mắt. Nhưng óc Hoanh lại quay cuồng vì những hình ảnh đối nghịch. Khuôn mặt đẫm nước mắt với nước da xanh xao của Sách vừa rồi nhòe lên cái hình ảnh ngày xưa nó khóc lóc van xin thầy giáo buông tha hình phạt bằng những roi mây khủng khiếp. Trong những tích tắc bối rối như vậy, Hoanh không xác định rõ rệt được vị trí của gã thiếu niên trước mặt. Nó là bạn. Nó là thù. Nó là đồng bào, cùng quê hương, cùng dĩ vãng, cùng kỷ niệm hay nó là hung thần gieo rắc tàn phá xóm làng. Bắn nó? Tha nó?
Nhưng bây giờ thì trễ rồi. Hình dáng tập tễnh của nó bị che lấp bởi một lớp người gồng gánh nhốn nháo chạy qua. Hoanh lao mình về phía trước. Sách lại hiện ra trước tầm súng. Hoanh nâng khẩu súng lên ngang mày. Một người nữa vụt qua làm Hoanh lại phải sấn lên chút nữa. Lần nầy thì hắn quạt thẳng một băng đạn giòn giã. Hắn cảm thấy gân tay của hắn bị chùng lại và những viên đạn chếch quá lên cao lọt thỏm vào khoảng trời xanh thăm thẳm trên cao. Thằng Sách vẫn cắm cúi chạy. Bây giờ thì nó đã vượt qua một cái hàng rào thấp, rồi lách băng qua những thân cây gòn xanh mướt để cuối cùng biến mất sau những túp nhà lụp sụp. Hoanh định chồm lên theo sát, nhưng tự nhiên chân nó hầu như chùn lại. Lia xong tràng đạn, hắn không còn cái hứng thú săn đuổi con mồi. Bởi vì bây giờ trước mặt hắn lại không còn là một thằng du kích đang chạy mà chỉ là thằng Sách của những ngày dĩ vãng xa xưa.
CHƯƠNG 4
Tiếng nổ vừa rồi phát ra ở gần phòng thông tin. Đó là tiếng nổ của một quả lựu đạn nội hóa do thằng nhãi cháu cụ Năm Điếc tung ra. Cụ Năm Điếc ngày xưa là một nhân vật giầu có nhất vùng. Ruộng của cụ cả trăm mẫu. Còn vườn tược thì mênh mông, bát ngát. Cụ chỉ có mỗi một con trai, anh này lấy vợ đẻ được một mụn con, tức là thằng Dụng bây giờ. Sau đó thì anh bị bệnh chết. Con dâu của cụ ở vậy được vài năm thì bỏ đi lấy chồng. Thằng Dụng ở với ông bà nội từ đó. Năm lên tám thì bà nội thằng Dụng mất. Cả nhà trơ trọi chỉ còn đúng hai ông cháu, một già lẩm cẩm, nghễnh ngãng, một trẻ tính đến bây giờ đã được đúng mười hai tuổi, cái tuổi mà thằng Đực cho rằng vô đoàn Thiếu Nhi Giải Phóng là rất hợp. Và Đực đã hoàn tất công cuộc móc nối ấy mặc dù ông của nó nhất mực không chịu.
Ông Năm Điếc có tật nghễnh ngãng từ hồi còn kháng chiến chống Pháp. Ông giàu có, điều này ai cũng biết. Nhưng vào thời buổi loạn lạc, giầu có lại là một cái vạ lớn lao. Bè lũ cường hào hồi đó cấu kết với Pháp thực dân đổ diệt cho ông cái tội tiếp tế cho Kháng Chiến. Chúng nó tra khảo bắt ông nhận tội ròng rã nửa tháng trời để moi hết của chìm, của nổi mà ông dành dụm được. Đến lúc được thả về ông bị thối mất hai bên tai đến trở thành điếc và tâm thần hóa ra lẩn thẩn. Trí nhớ của ông cũng không còn minh mẫn như hồi xưa. Những kỷ niệm xa, gần lẫn lộn trong đầu óc mù mịt của ông. Duy chỉ còn độc nhất một điều mà ông vẫn thường bám riết lấy như một định kiến ăn sâu bén rễ vào tâm hồn, đó là lòng thù ghét cường quyền và Pháp thực dân.
Hồi bắt đầu thi hành công tác móc nối, thằng Đực đã nói với ông:
- Ông còn căm thù thằng Pháp thực dân không?
Ông la lên:
- Tao sống để bụng, chết mang đi.
- Bây giờ tình thế biến đổi rồi. Thằng Pháp ác một, thằng Mỹ còn ác mười. Ông biết chớ?
- Thằng Mỹ là thằng nào?
- Giặc Mỹ đó!
- Nó ở đâu, làm sao, tao đâu có biết!
- Tại không ra ngoài ông không hay, chớ giặc Pháp đi rồi, giặc Mỹ lại đến.
- Nó đến bao giờ, tao đâu có thấy.
- Trời ơi! Đã bảo ông không ra ngoài thì làm sao ông thấy được. Giặc Mỹ cũng mũi lõ, mắt xanh, cũng đốt nhà cướp của, giết đàn bà con nít. Ui, còn bằng mười thằng Pháp thực dân nữa.
- Vậy há.
Chờ không thấy ông phát biểu tiếp, thằng Đực hỏi lại:
- Chỉ “há” không thôi sao? Ông cũng phải làm cái gì giúp toàn dân chống Mỹ cứu nước chớ. Ở ngoài khu người ta đang nô nức theo cách mạng rần rần đó.
- Vậy há.
- Người có tiền ủng hộ tiền, người có sức ủng hộ sức, người có con ủng hộ con, cho xung vô lực lượng cách mạng nữa.
- Vậy há.
- Rồi ... rồi còn ông, ông tính sao?
- Tính cái gì kia?
- Thì ông có vô cách mạng không?
- Tao có biết cách mạng, cách mung là cái gì đâu!
- Hổng biết, vô rồi sẽ biết.
- Thôi! Nhà tao, tao ở, mắc mớ gì tao phải đi đâu.
- Ông không biết gì hết ráo. Làm cách mạng thì ở đâu cũng làm được. Ai bắt mình phải đi mà ông sợ đi.
- Mà điều vô thì tao làm cái gì?
- Chả phải làm cái gì hết ráo, chỉ cần ông ủng hộ tinh thần thôi.
- Tao nào có tinh thần tinh thung gì đâu mà ủng hộ.
- Thì ông cứ hoan hô cách mạng, đề cao cách mạng, kẻ nào giác ngộ cách mạng thì ông khen, kẻ nào chống đối cách mạng thì ông chê, thế là ông ủng hộ tinh thần rồi chớ gì.
- Nào tao có biết ai với ai đâu mà khen với chê.
- Sao lại không. Quanh đây thiếu gì người. Thằng Dụng đó. Nó giác ngộ cách mạng rồi, ông khen nó một câu, rồi khuyến khích nó cho nó lên tinh thần.
Lão Năm Điếc la lên:
- Ý trời đất ơi! Thằng Dụng thì biết cái gì. Thôi, mầy tha cho nó, nó mới nứt mắt đây mà.
- Ông đừng nói vậy bà con nghe thấy người ta cười cho. Càng bé bao nhiêu biết giác ngộ cách mạng càng quí bấy nhiêu chớ.
- Thôi.. thôi.. với ai kia chớ, với thằng Dụng thì tao biết nó hỉ mũi còn chưa sạch mà.
- Vậy mà nó ủng bộ cánh mạng hết mình đó ông ơi. Thế mới là hay chớ.
- Nó biết cái gì đâu mà đòi ủng hộ?
- Trời ơi! Ông chẳng quan tâm gì đến công việc của nó hết. Nó là thành phần thiếu nhi đầu tiên ở đây tham gia cách mạng. Nay mai nó còn được cử vô trỏng học tập chính trị thêm nữa đó.
Ông Năm Điếc đứng phắt ngay dậy, tóc râu ông dựng ngược, mắt ông trợn tròn, ông chửi ngay khi thấy nguồn hạnh phúc cuối cùng của đời ông bị xâm phạm:
- Tổ cha nhà chúng bay. Chúng bay làm gì thì chúng bay làm, mà điều dụ dỗ cháu ông thì ông giết. Nó còn măng sữa, biết cái gì mà học đòi.
Thằng Đực hết kiên nhẫn, không chịu nổi nữa cũng nổi sùng lên hét vào tai ông:
- Ông già chót đời rồi mà không hết hèn. Chỉ những đồ hèn mới làm mất nước.
Ông Năm Điếc đáp lại nó bằng một cái cán chổi đập hụt qua đầu. Vừa đập ông vừa la, giọng ông run lên:
- Tao làm sao thì thây cha tao. Mà điều mầy còn rủ rê cháu tao tầm bậy tầm bạ thì tao giết.
Câu chuyện đó xẩy ra cách đây cũng đã gần hai năm, hồi mà “ánh sáng cách mạng” chưa lan rộng đi được bao xa và cũng chưa đủ sức mạnh để cưỡng ép người ta đi theo. Rồi đến khi tiếng súng đầu tiên ở Tây Ninh bùng nổ, lò thuốc súng lan rộng, những vũ khí chôn giấu được đào lên, những vụ ám sát khủng bố bắt đầu xuất hiện thì chẳng cứ một mình ông Năm Điếc phải khuất phục mà trong bóng tối âm thầm của đồng quê êm ả, còn biết bao nhiêu trường hợp phải khuất phục như vậy nữa.
Ước muốn nhỏ nhoi của mọi người là được sống yên ổn với con trâu, với luống cầy không còn là ước muốn tầm thường và dễ thực hiện. Trong vòng kiềm tỏa của chiến tranh, không còn kẻ nào có thể lừng khừng đứng ở giữa, mà bắt buộc phải chọn lựa. Hoặc bên này hoặc bên kia, mà theo bên nào thì cuộc sống của người dân hiền lành chất phác cũng đương nhiên bị xáo trộn. Như khu vườn rộng của ông Năm Điếc bây giờ đã trở thành trạm giao liên và hầm trú ẩn. Căn hầm đào sâu từ dưới gốc sung ngoài bờ mương, xuyên qua sân đất ăn thông vào tận đáy chuồng heo. Dần dà những vụ giật mìn trên quốc lộ, những vụ phục kích hay bắn sẻ lẻ loi, những đêm đánh phá cầu... đều xuất phát từ chỗ trú ẩn đặc biệt kín đáo đó. Ông Năm Điếc giả bộ điếc luôn. Ông không nhìn, không nghe, không nói thêm điều gì nữa hết. Nhất là từ hôm thằng cháu thân yêu của ông đích thân xách mã tấu về nhà dọa ăn thua đủ với ông nếu ông còn có tinh thần phản cách mạng, ngáng lối cản đường cái khí thế của nhân dân đang vùng dậy.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét