Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN ? (KỲ 27)


                                       (tiếp theo)
 
Theo quy trình “phóng tay phát động quần chúng”, khi cán bộ đội về làng bước đầu tiên thăm nghèo, hỏi khổ, tìm cho ra người nghèo khổ nhất  làng  để bắt “rễ” tức là vác ba lô tới “ba cùng”, ôn nghèo , nhớ khổ từ đó tìm ra người nghèo khác  gọi là “chuỗi” hợp thành đám cốt cán của đội, sau này sẽ chia nhau nắm giữ các chức vụ quan trọng ở trong làng.
 Lý thuyết vậy, nhưng ông Đội phó Bối xuống xóm lại chọn ngay nhà lão Diệc cắm chốt vì lão có đứa con gái hơ hớ. Đã chót bóp vú con gái người ta rồi ông Đội phó đành chọn bố cô gái, tức lão Diệc làm “rễ”. Trớ trêu, lão Diệc lại có bố vợ là Phó Thìn vốn có ngót mẫu ruộng, có bát ăn bát để , có nguy cơ bị kích lên thành địa chủ.
Lão Diệc mồ côi từ nhỏ, lớn lên làm công cho nhà  lão Thìn, lão này có đứa con gái Ut bị “xi cà que” tên là Khoèo, chẳng gả được cho ai, tốt nhất là gán cho thằng Diệc. Thế là được bố vợ cho một dẻo đất làm nhà, thằng Diệc cõng cô Khoèo về chung sống đẻ ra cô Thơm. Ong Đội phó Bối bắt rễ vào lão Diệc, lại cả ngày cứ cặp  kè với cô con gái nên mãi vẫn chưa tìm ra ai là địa chủ khiến tên Đội trường Cự phải mắng :. 
“Đồng chí đã biết “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, tố khổ cả tháng mà không tìm ra địa chủ, cái thằng rễ không mở mồm vạch thằng bố vợ gian ác một câu thì còn ai dám nói. Thằng Diệc được bồi dưỡng thế nào mà vẫn là cái đụn rạ, họp thôn không ấp úng nói đủ được câu “thưa toàn thể đồng bào”, người ta xỏ lá phản ánh lên là cốt cán ăn nói khinh nông dân. Tôi biết hết, chẳng cần báo cáo của đồng chí đâu. Việc xóm nào không qua được mắt này. “
Thế là lấy cớ tăng cường cho Đội phó, gã Đội trưởng Cự dọn ngay về nhà lão Diệc và ‘chớp” ngay cô Thơm, nẫng tay trên của ông Đội phó. Do lão Đội trưởng Cự làm mạnh tay, cụ Phó Thìn “một lão già tám mươi tuổi heo hắt như cái dây khoai, mắt thong manh mù dở, khoèo chân không duỗi ra được” bị quy thành địa chủ, bị bắt giam và bị đưa ra pháp trường đấu tố :
“Sớm hôm sau, bốn người đeo súng trường vào chỗ giam địa chủ Thìn. Người nào cũng hăng hái, sững sờ khác thường như vừa có chén rượu. Tôi đứng giữa nhà, nhìn bao quát. Hai người mở chốt cũi. Đũng quần lão già đầy kẹp cứt, cả gian âm u ẩm ướt thối không chịu được. Mấy người nhà xúm lại khóc rưng rức, đỡ lão Thìn.
Tôi hét:
- Cút ra đằng kia!
Một dân quân vào bếp lấy ra cái đòn ống. Trưởng thôn Cối ở đâu xồng xộc chạy vào, cúi xuống, lột cái áo vét đã đen địa chủ Thìn đương mặc, ngẩng lên cười hê hê: “Để cho mày khỏi vướng …” Rồi  xỏ tay vào mặc áo luôn…”
Cảnh đấu tố sau đây là tiêu biểu và phổ biến tại khắp làng thôn miền Bắc vào thời kỳ đen tối của lịch sử đó :
“Bãi mít tinh đông nghịt người. Giữa đám, những tàu dừa kết thành hàng rào xanh trang trí sau bàn toà án.Cuộc đấu  nổ liên tiếp, khi địa chủ Thìn vừa được đặt xuống ngồi tựa vào cái cọc. Người chạy lên chạy xuống, tới tấp.
- Mày có biết tao là ai không?
Thế nào mà tiếng lão già sắp chết này vẫn nói sang sảng:
- Thưa bà nông dân… tôi không biết…
- Tao đi ở cho cháu mày.
- Thế thì tôi không biết thật ạ.
- Mày lấy roi cặc bò đánh tao. Đả đảo địa chủ!
Rồi hớt hải chạy xuống giữa tiếng đả đảo cuồn cuộn trong đám người…Lão Thìn lả người, lăn quay ra giữa bãi đống văn tự, giấy tờ, sổ sách chữ Tây chữ ta trong nhà lão khuân ra đốt, khói urn lên, tàn than lả tả bay như đàn bướm đen. Những tiếng quát rộ  lên: Không cho nó nằm! Nó nằm sập gụ cả đời rồi! Bắt nó đứng! Bắt nó… Địa chủ Thìn bị xốc lên, trói hẳn vào cái cọc đã chôn sẵn. Đầu lão ngật đi. Chốc chốc lại ỉa tháo ra cái quần đã tụt võng hẳn xuống hai đốt chân bằng cái ống nứa…”
Nhưng kinh khủng nhất là cảnh con rể lên tố khổ bố vợ, cháu gái  vác súng chuẩn bị bắn ông ngoại :
“…Giữa những tiếng láo nháo hô đả đảo, bác Diệc run run bước lên. Mặt tái ngoét như con gà cắt tiết. Tổ dân quân mấy xóm dàn hàng ngang. Đơm khoác súng đứng hàng đầu…Bác Diệc chỉ tay vào địa chủ Thìn:
- Tao thù mày ! Tao thù…
Rồi khóc rống lên, chạy xuống. Đội trưởng Cự  xô ngay ra trước loa, quát to:
Hôm nay là ngày thắng lợi của giai cấp nông dân chúng ta, cấm không ai được khóc.”
Cái ngày “đại thắng của nông dân” đó cũng là ngày không biết bao nhiêu người đã ngã xuống chết tức tưởi, chết trong la hét, chửi rủa của đám đông bị kích động một cách mù quáng :
“Cả nghìn con người lại im như tờ. Khi một loạt tiếng súng toả khói xanh um lên, đám đông ở dưới đẩy nhau chạy. Ai cũng khiếp tiếng nổ. Người hãi máu, bịt mắt lại. Người nhốn nháo ra các ngả. Tiếng trống cà rùng của đội thiếu nhi nổi lên khua rầm rầm, vang vang. Thế là địa chủ Thìn chết...”
Cụ Thìn chết oan uổng , chết nhục nhã khi cả con rể, cả cháu ngoại đều đứng trong hàng ngũ những kẻ hành hạ cụ. Duy nhất chỉ có cô con gái – bà Khoèo, vợ thằng “rễ” Diệc và mẹ cô “chuỗi” Thơm vì quá thương xót bố và căm thù bọn tội phạm đã lao đầu vào cối đá tự tử.
  “Người thứ ba” – hay “cán bộ đội “ thứ ba tên Đình, lại cũng chẳng tử tế gì. Theo đánh giá của chính Đội phó cải cách :
“ Mà cái thằng Đình cũng ác ôn ra trò, phét lác một tấc đến trời, lại tỏ vẻ lý sự, đạo đức, phải phết nó một đòn bịt mồm.”
Cũng giống như ông Đội phó, cán bộ Đình vừa xuống xóm đã gạ ngay được cô cốt cán tên Duyên để rồi cô này sang tay Đội phó và sau cùng cả cô Thơm lẫn cô Duyên đều lọt vào tay Đội trưởng cải cách.
“ Ba người khác” của Tô Hoài đưa ra một bức tranh khá toàn cảnh công cuộc cải cách ruộng đất, đặc biệt đi sâu khắc  hoạ chân dung những cán bộ Đảng  thực thi cuộc “cách mạng ruộng đất” ấy . Do cách lựa chọn trung thành với Đảng, đứng vững trên lập trường Mác Lênin nên những kẻ được chọn đều là bọn lưu manh, trộm cướp , thất học. Đó là tình trạng phổ biến được nhà văn Tô Hoài khắc hoạ một cách chân thực và sinh động. Và đó cũng là đóng góp lớn nhất của tiểu thuyết “ Ba người khác” cho đề tài cải cách ruộng đất – đề tài mà văn học và nghệ thuật chắc chắn còn đề cập tới trong những tác phẩm ngày càng sâu sắc hơn, dũng cảm hơn, phơi bày toàn bộ thực chất cuộc vận động “người cày có ruộng”, minh oan cho hàng trăm ngàn oan hồn hiện vẫn còn vất vưởng, chưa được siêu thoát vì những tên tội đồ vẫn chưa bị trừng phạt.
Mặc dầu bấm bụng cho phép xuất bản cuốn “ Ba người khác” của Tô Hoài, nhưng “trên” vẫn chỉ đạo ngầm báo chí , nhất là báo Đảng không được tuyên truyền rùm beng, tốt nhất là tảng lờ, báo nào viết bài về cuốn sách này thì nhất thiết phải…chê.    
Nghiêm chỉnh vâng theo chỉ thị đó, báo Sàigòn giải phóng số ra ngày số ra ngày 28-1-2007 đăng bài “Đọc tác phẩm “Ba người khác” của nhà văn lão thành Tô Hoài “ của Trúc Anh  chê bai kịch liệt với ý là nhà văn Tô Hoài chơi trò ‘chạy tội”  khi chính ông đã từng là Chánh án Toà án nhân dân, là Đội phó Đội cải cách vậy mà bây giờ chưa có lời sám hối nào với nạn nhân trong cải cách ruộng đất, mà còn đổ hết tội cho anh Đội trưởng, còn mình chỉ là anh Đội phó hám gái, chỉ thừa hành lệnh cấp trên.


                 (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét