Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (KỲ 25)


                                    
                                            (tiếp theo)

“Đi đâu bây giờ ?”, Hồng Loan hỏi tôi, tôi hỏi lại Hồng Loan, nghĩ mãi chẳng biết đi đâu. “Mua ngô rang về buồng tớ, nằm ăn với nhau”, ừ nhỉ, trời đông lạnh giá thế này, chui vào chăn bông tán gẫu thì tuyệt, chỉ ngại nhất đàn chó ngao nhà Hồng Loan, tôi ngây mặt nghĩ mãi chẳng ra cái trò nào hay hơn, đành nghe lời nó rủ rê.
Thế là suốt chiều, hai đứa nằm đắp chăn, ở giữa để mẹt ngô rang giòn, thỉnh thoảng lại cười rú: “tay ải tay ai”, “tay ảnh tay anh”...khiến bà già nó phải đẩy cửa ngó đầu vào xem hai đứa có lên cơn thần kinh không ? Ôi, cái tuổi đi học, nếu ai không một lần cúp cua, không một lần trật khỏi đường rầy “con ngoan, trò giỏi” thì mai sau khi đã thành “cán bộ nhà nước” rồi, lấy đâu ra kỷ niệm mà bồi hồi tưởng nhớ như tôi lúc này ?
      Thế mà đã cuối thu rồi đấy, đạp xe ra phố lác đác đã thấy vài ba màu áo len mỏng các cô gái diện sớm đủ tạo cho tôi bồi hồi cảm giác sang mùa. Tôi bỏ ngay ý định đến cơ quan vào một buổi sáng dễ lay động lòng người  thế này. Tôi ghé quán chè chén vắng dưới gốc cây bàng góc phố, bà già thắt khăn mỏ quạ co ro trong áo mền bông, ngồi lim dim bên bàn gỗ chỏng chơ vài ba lọ kẹo.
Hai bàn tay ôm chén trà bốc khói, tôi ngồi nhìn sự tàn phá âm ỉ của thời gian in rõ trên những nếp nhăn gương mặt bà già, trên những vết nứt nẻ của đôi tay khô héo.
Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ như bà.

“Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent ; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais ; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues..”(*)
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng…” (**)

Tôi lắc đầu cho giọt nước mắt rơi trong chén trà sóng sánh, không, không bao giờ tôi còn quay trở lại buổi “tựu trường” xưa kia nữa, cũng như bà già đây chẳng còn được đạp xe lang thang phố như tôi.
Chồi lá xanh nào rồi cũng hóa vàng để rồi rơi trên mặt phố cho chiếc chổi tre vun đống lại đủ đun nóng một ấm nước của bà già đang lúi húi thổi bếp kia.
Tôi phải làm một cái gì đó chứ ? Ít ra mai sau cũng là một chiếc lá vàng khô hóa thân thành chút nhiệt năng cho đời.
      - Cô xơi kẹo lạc đi, giòn lắm, đường trắng Cuba kia đấy.
Bà già chắc sốt ruột vì sự im lặng nặng nề của tôi cuối cùng cũng đã lôi được tôi vào câu chuyện về năm nay rét sớm, các chú phòng thuế không cho bán rượu nên hàng họ ế ẩm, bao thuốc lá Sông Cầu vừa lấy chiều qua đã mốc...
Tôi nổi máu tò mò, hỏi han gia cảnh cụ theo kiểu các ông nhà văn đi thực tế. Làm công việc viết lách ấy khổ vậy, canh cánh điều mình định viết, mắt lúc nào cũng giương lên quan sát cuộc đời, tay lăm lăm cuốn sổ ghi chép giống như ông Trưởng phòng đi thực tế nông thôn hỏi giá tiền từng cân phân lợn, cân thịt hơi và cân móc hàm...
Vậy thì tôi cũng phải chú ý lắng nghe bà già này chứ. Tuy vậy phải thú thực câu chuyện dài dòng về ông chồng chết vì đau dạ dày, cậu con trai lấy vợ mãi trong Sài Gòn, cô con gái là bác sĩ trong bệnh viện Bạch Mai cũng yên bề gia thất vân vân và vân vân... cũng chẳng lấy gì làm hấp dẫn khiến tôi phải xem đồng hồ vờ kêu lên đã quá giờ hẹn khám răng, giục bà già tính tiền đi cho kịp.
Thế rồi khi sắp đứng dậy, qua vai bà già, tôi chợt nhìn thấy một người đàn ông ngồi bên trong liếp cửa nhà lá lụp sụp. Trong ánh sáng lờ mờ lọt xuống từ những khe hở mái tranh, ông ta ngồi chìm đắm vào chính ông, đôi mắt vẫn mở nhưng dường như đã thôi không còn muốn tiếp nhận hình ảnh xung quanh nữa.
Tôi bỗng rợn người khi nảy ra ý so sánh ông với một xác chết biết ngồi. Không, đúng là như thế, ông không còn mảy may vận động cái đầu bù xù, gương mặt gầy rộc, cho tới cả hàng mi của cặp mắt vô hồn cũng cứng ngắc. Không phải tò mò để viết văn mà chính là hình ảnh bất an nào đó đã giữ tôi ngồi lại dịu dàng nhìn ông với mối cảm thông không sao cắt nghĩa được.
Bà già đã làm xong mọi việc vặt, trở lại ngồi như tư thế ban đầu khi tôi mới tới. Bà rót cho tôi chén nước nữa và nhận ra tôi đang chú ý tới cái gì. Không đợi tôi gợi chuyện, bà chép miệng :
- Thằng cả nhà tôi đó, ngoi ngóp, ngụp lặn gần hết đời rồi lại trở về sống bên mẹ.
Thật không thể tin được cái hình người ngồi kia đã có một thời làm kỹ sư, làm bộ đội xông pha chiến trường, làm Giám đốc một nhà máy lớn, làm chồng một người đàn bà có học và làm cha của hai đứa con kháu khỉnh.
- Mất hết rồi cô ạ, gia sản người ta tịch biên, chức vụ người ta cách tuột, vợ đem con đi lấy chồng khác, chỉ còn mỗi cái thân xác may mà không phải tù.
- Bác ấy can tội tham ô hả cụ ?
- Nào tôi có biết đầu đuôi ra sao ? Nghe tòa xử vậy tôi cũng biết vậy. Tôi là mẹ đẻ ra nó, tôi chỉ biết nuôi nó lớn khôn, phú quý vinh hoa thì nó hưởng, thân tàn ma dại trở về thì mẹ lại thân cò nuôi con.
Tôi cố đứng người dậy, ấn vào tay bà già cả tờ bạc lớn, lắp bắp vài lời an ủi, ngước nhìn lần nữa  hình người bất động rồi hấp tấp dắt xe xuống mặt phố.
Chao ôi “cây đa, quán nước” bây giờ, chẳng còn mang nỗi buồn hoài vọng “con đò năm xưa” nữa, nó đã là nơi trú ngụ của cả một đời mẹ già, là nơi trú ẩn cuối cùng của đứa con tay trắng trở về. Tôi đã sống thờ ơ quá chăng bên lề cuộc sống đang chất chứa bao nỗi niềm phức tạp đòi hỏi con người đương thời như tôi dấn thân vào gỡ rối. Vậy mà than ôi, tôi chỉ là một con bướm nhởn nhơ rập rờn đôi cánh, quẩn quanh bụi cỏ, chẳng mang lại cho ai tới một giọt mật. Lại chiếc xe đạp mini, lại những hàng cây bên phố, lại những con người tất bật, tôi còn biết làm gì hơn là hòa vào dòng chảy đó cho nó cuốn đi như mọi người, như mọi ngày...

                       (còn tiếp)

* Trích Anatole France trong “ Le livre de mon ami
“Tôi sắp nói với bạn những gì gợi tôi nhớ lại, hàng năm, trời thu xao động, những bữa ăn chiều đầu tiên dưới ánh đèn,và những chiếc lá vàng đi trong những hàng cây run rẩy ; tôi sắp nói với bạn những gì tôi trông thấy khi đi qua vườn hoa Luxembourg vào những ngày đầu tháng Mười, hơi buồn một chút nhưng đẹp hơn bao giờ hết vì đó là thời gian từng chiếc lá  rơi trên vai trắng của những pho tượng…”.
** Trích Thanh Tịnh trong “Tôi đi học”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét