Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀNỘI (KỲ 28)


                                             

                                         (tiếp theo)
 
                                         7.

      Nhà thơ sống trong ngõ vắng có cái tên cổ lỗ chẳng dính dáng gì tới đời sống hiện tại khiến tôi nảy ra ý nghĩ mai kia nó sẽ đổi thành tên cụ X. Hai tập tuyển thơ, cộng thêm một cái tên ngõ nữa, theo tôi cũng đền bù xứng đáng cho nhà thơ sau hơn nửa thế kỷ cầm bút. Ở địa vị tôi, nếu được một ân thưởng lớn thế, chắc chắn lúc chết, tôi sẽ cười ha hả.
      Ông Trưởng phòng biên tập đón tôi ngay ngoài cửa, cạnh chiếc xe con cơ quan, đóng kín mít, bác lái biến đâu mất. Tôi tưởng ông sẽ gắt toáng, không ngờ ông reo lên hoan hỉ:
     - May quá, cứ lo không có máy ghi âm.
      Tôi thở phào, hóa ra các ông chờ cái máy của tôi chứ không phải tôi đã trở nên quan trọng như tôi tưởng. Tôi tính bịa ra cớ cho tội chậm trễ nhưng ông Trưởng phòng đã ra hiệu cho tôi im lặng, đi theo ông.
Xe đạp, xe máy để gần kín sân gạch tôi đang líu ríu bước qua bỗng làm tôi lo. Quái, sao nhà thơ mới ốm đã lắm người tới thăm thế ? Họ nghĩ gì về tôi trong bộ cánh vốn chỉ dùng đi “pinic” hay đi party, lại còn dòng chữ tai hại trên áo và bộ ngực cứ tớn lên như hai con chim câu vùng vẫy trong lồng chật hẹp mới chết chớ ! Biết thế này tôi nghe Bình thay bộ khác khỏi rắc rối.
      Bà con gái nhà thơ đón tôi ở cửa, nói nhỏ:
     - Cụ mới chỉ cho ông Giám đốc vào , cô ngồi đợi phòng khách, chừng nào vào được tôi sẽ báo.
      Tôi nép đằng sau ông Trưởng phòng bước vào, rúm cả người lại trước cái nhìn của mấy ông ngồi sẵn xalông đồng loạt hướng cả về tôi như hoa hướng dương hướng về mặt trời. Mắt ông nào cũng cháy rực chắc không phải lửa của thơ. Không khí trang nghiêm và im lặng tới mức nghe thấy cả tiếng bút BIC rơi trên mặt sàn gỗ. Rút cuộc tôi cũng ngồi xuống cái ghế một ông mang từ góc phòng tới và đặt vào vị trí ai cũng có thể thấy được.
 Ông Trưởng phòng biên tập ghé tai tôi thì thào  giới thiệu những người đang chờ. Một ông Hội nhà văn, một ông phát thanh, một ông truyền hình, một ông tuyên giáo…. Tóm lại, toàn những ông sẽ phải bận rộn bởi cái chết sắp tới của cụ X. Cáo phó, thân thế, sự nghiệp, hồi tưởng... Rồi đây ông cụ X. vốn sống lặng lẽ trong ngõ nhỏ, sẽ được ồn ào nhắc tới trên báo chí, phát thanh, tất cả đều do mấy ông đây thực hiện.
Tôi không quen ông nào nhưng  bằng vào câu chuyện rì rầm tôi hiểu họ đều là những cây bút xông xáo làng báo. Họ đang nhắc tới ông nhà văn Y, nghe nói đang nằm bệnh viện Thống nhất thành phố Hồ Chí Minh, tuổi còn cao hơn cả nhà thơ X. và chắc kỳ này cũng ra đi cùng lượt.
- Đáng lo thật đấy, một ông thở dài, chồi non chưa mọc nhiều, vườn văn học của ta đã đi vào mùa lá rụng, rồi các ông xem, sang thập kỷ 90 tôi sợ rằng không khéo “cáo phó” cả loạt.
-  Thôi tôi xin các ông, chuyện đó để giành ra quán bia, tôi e rằng không khéo các ông lại đi trước cả các cụ kia ấy chớ.
- Đúng, đúng, cứ cái đà đi moi mãi các vụ tiêu cực có ngày bị bắn rụng...
Tôi co người trên ghế, thầm mong các vị cứ mải chuyện, đừng chú ý tới dòng chữ tôi đang cố tình ôm cái túi trước ngực cũng không che được hết. Tôi chợt nhận ra có một ông từ nãy cứ ngồi im và chắc vì câu chuyện rôm rả kia không hấp dẫn nên ông đành phải nhìn tôi chằm chằm. Tôi đoán  ông đang cố đọc dòng chữ trên ngực tôi mà tính tò mò của nhà báo nhất định sẽ thúc đẩy ông đọc bằng được. Biết thế tôi mặc cái áo có dòng chữ “Don’t look at here, please” – “xin đừng dòm vào đây” có hơn không ? Tôi  đành phải bỏ cái túi xuống, hy vọng đọc xong, ông sẽ quay sang góp chuyện với mấy ông kia. Hỡi ơi, tôi đã lầm, hóa ra không phải dòng chữ mà cái ở bên dưới nó đang bị chiếc áo pull làm cong tớn lên làm ông chẳng còn hồn vía đâu bắt chuyện với đồng nghiệp . Giữa lúc tôi đang nhớn nhác tìm chỗ khuất  tránh cái nhìn đầy “hưởng thụ”, may thay, bà con gái nhà thơ bước ra, ghé  tai tôi báo tin cụ cho phép tôi vào ghi âm. Tôi mừng rỡ đứng dậy, bước thật mau khỏi phòng khách, theo chân nguời đàn bà dọc theo hành lang tối thoang thoảng mùi củi mục.
      Lách người qua cánh cửa hé ra lại khép vào ngay trước mắt tôi là một căn buồng hẹp, mờ mờ ánh sáng hắt xuống từ ô kính gắn trên trần. Một cái sập kê sát góc trên đó một cụ già đang nằm, hai tay chắp lên bụng, đôi chân ruỗi dài kê lên cái gối bông, không, cái xác chết chưa chôn đó không phải nhà thơ, tôi hoảng sợ quay đi và để tự trấn an, tôi nhìn chằm chằm cuốn sổ để trên bàn, cạnh đó, ông Giám đốc  đang ngồi với vẻ quan  trọng.
      - Máy ghi âm tốt chứ?
      - Dạ tốt.
      - Cô chuẩn bị đi, lúc nào cụ tỉnh mình sẽ ghi.
      Tôi lúng túng lôi máy trong túi xách ra, tìm mãi mới thấy ổ điện, may quá nó ở cách xa giường, nếu không tôi phải quẩn quanh bên cái hình người khô đét không thể chấp nhận được đó lại là nhà thơ. Lúc này trong phòng chỉ còn lại có ba người, im lặng tới mức tôi không còn dám cả thở. Ánh sáng lạnh từ ô kính trên trần bỗng dưng làm tôi cảm giác như đang trong khoang kín con tàu vũ trụ đã rời quá xa trái đất và đang đi vào thế giới vĩnh hằng.
Tôi cử động lui tới nhẹ bỗng trong một môi trường phi trọng lượng, toàn bộ thao tác không còn do ý thức điều khiển nữa, nó hoạt động theo một chương trình định sẵn và tôi chỉ còn ấn công tắc xuống một cách máy móc.
      “Xích lại gần đây thêm chút nữa...
      Hôn anh đi trời chưa ngã chiều hôm...
      Ha ha...ha ha...ha ha...
      Trời ơi, tiếng chồng tôi thử máy, tôi lạnh toát người, nếu tay tôi không nhanh rút phích cắm khỏi ổ điện, hẳn là tay còn lại quật nát chiếc máy ghi âm xuống mặt sàn.
      - Gì thế ? Cái gì thế ?
      Ông Giám đốc trừng mắt giận dữ. Tôi không thể nói được khi từ trên giường bỗng dội lên tiếng thở khè khè, tiếng ho và tiếng nói đứt quãng mà tôi không hiểu gì,chỉ thấy ông Giám đốc đứng dậy, lặng lẽ bước lại giường và cúi xuống.
Tôi phải làm một cái gì chứ, tôi chịu, không biết phải làm gì trong trường hợp thế này, đầu óc tôi có lẽ đã đông cứng, nó không cho tôi câu trả lời nào, đành đứng đực ra, ngước nhìn bầu trời qua ô kính đã trở nên xa lạ không còn giống như mọi lần từ ban công nhà tôi nhìn lên nữa.
 Ông Giám đốc đã trở lại bàn vẫy tôi lại gần. Ông cầm cuốn sổ trao vào tay tôi và khi tôi mở ra chợt thoảng lên một mùi giống như cái mùi đôi lần tôi ngửi thấy khi đi sát  qua một đám tang. Tôi cố nghĩ xem tên của nó là cái gì ?
      - Tôi đã bàn với cụ rồi. Mình sẽ ghi ba bài tiêu biểu cho ba giai đoạn : trước cách mạng, chống Pháp và xây dưng chủ nghĩa xã hội.
      - Vâng.
      - Những bài sẽ ghi đã được đánh dấu trong cuốn sổ này rồi.
      - Vâng.
      Tôi máy móc trả lời trong khi óc tôi vẫn căng ra nghĩ  xem cái mùi vừa thoảng lên trong các trang sổ ghi có  tên là gì ?
      - Lúc cụ đọc, cô phải theo dõi xem có sót chữ nào, hoặc cụ có quên thì nhắc.
      - Vâng.
      - Băng tốt chứ.
      - Dạ tốt.
      Trên giường lại có tiếng nói đứt quãng. Trong lúc ông Giám đốc tiến lại để cúi xuống như ban nãy, tôi vẫn căng óc ra tìm. A, tôi thấy nó rồi, cái đó người ta thường gọi là mùi “tử khí”. Tuy nhiên cái mùi đó chỉ thoảng lên có một lần, nó biến mất khi tôi cố tình tìm lại trong cuốn sổ, trong không khí, trong làn gió nhẹ không biết thoảng tới từ đâu khiến tôi phải nghi ngờ khứu giác của mình, phải chăng tôi đã thấy nó trong tưởng tượng ?
      Ông giám đốc đã nói chuyện xong với người nằm trên giường. Giọng đầy mệt mỏi, ông thì thầm vào tai tôi:
      - Cụ muốn sửa một chữ trong bài “Trăng”, hóa ra từ nãy cụ vẫn thức để tìm chữ.
      Bất giác tôi nhìn lên giường, thật không thể ngờ được cái đầu đã khô tóp lại thế vẫn còn làm được cái công việc nhọc nhằn cụ đã kéo dài hơn nửa thế kỷ ấy. Ông giám đốc lật cuốn sổ, reo lên khe khẽ:
      - Đây rồi, trong câu “Trên hồ, một mảnh vàng ánh sắc”, cụ muốn dùng chữ “mảy”thay chữ  “mảnh”. Cô lấy bút sửa lại đi.
      Tôi làm theo lời ông Giám đốc và đọc lại ông nghe:
      - Trên hồ, một mảy vàng ánh sắc.
      - Được rồi, bây giờ cô bắt đầu thu đi, cụ vẫn đợi đấy. Thu bài “Trăng” trước.
      Tôi bước khẽ lại gần giường, tay xách máy, tay cầm sẵn micrô và cuốn sổ, cái mùi ấy, cái mùi từ nãy tôi tìm mãi không thấy, giờ bất chợt lại thoảng lên làm tôi ớn lạnh. Lúc này tôi đã thấy rõ toàn bộ gương mặt mà từ nãy, tôi không dám nhìn. Đôi hốc mắt hõm sâu xuống tạo thành hai vùng tối nằm phía trên đôi xương gò má nhô cao, nhân trung đã lệch hẳn đổ xuống cái miệng đang há ra thở gấp.
      Tôi run bắn, ngồi bên mép giường, cúi xuống, lắp bắp:
      - Thưa cụ, thưa cụ...
      Đôi mi mắt đang nhắm nghiền bỗng động đậy và mở ra một đôi tròng đục mờ. Tôi nhoài người, giơ lên chiếc micrô:
      - Cụ đọc cho cháu bài “Trăng” để thu băng.
      Tôi thấy đôi mắt của cụ hơi đảo xuống, không nhìn vào micrô, cũng không nhìn vào mặt tôi, một ý nghĩ làm tôi chợt bủn rủn cả người. Cụ đang nhìn dòng chữ trên ngực tôi. Trời ơi, sao tôi ác thế, đùa cợt cả đến cái chết của một nhà thơ tận tụy. Tôi nghẹn ngào, cố giữ khỏi bật khóc:
      - Thưa cụ, cụ tha lỗi cho cháu...
      Một cử động cố gắng như là cái lắc đầu, tôi cảm nhận rõ ràng mắt cụ rạng lên kỳ lạ, miệng nhếch lên như là sự chuyển động cơ giới của các thớ thịt từ đó thoát ra tiếng âm u như vẳng tới từ nơi nào rất xa:
      - BON VOYAGE …BON VOYAGE…BON VOYAGE...(*)
     
                                          (còn tiếp)
(*)Thương lộ bình an

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét