Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (KỲ 23)

                               
                                               (tiếp theo)

                                                 5.     

Sau hôm ở quán cà phê bị hành hạ bởi nỗi đau khổ của Hoàng Minh, tôi bỏ ngay ý định nhờ anh chuyển bức vẽ “chữ ký” thành chân dung cô gái  làm mẫu nhân vật tiểu thuyết. Thôi, đành tự vẽ ra trong tưởng tượng. Một ông nhà văn viết rằng nhân vật của ông thường có cái mắt của người tỉnh A, cái miệng tỉnh B, cái mũi tỉnh C..., trong giáo trình của tôi ngày xưa được gọi là “điển hình hoá”. Vậy trước hết tôi phải tìm cho được đôi mắt thật ưng ý. Khi gặp Hồng Loan, tôi ngắm nghía tới mức nó phì cười : “Khiếp, nhìn kiểu gì cứ như moi mắt người ta ra”. Tôi lặng thinh, trầm ngâm suy nghĩ. Không được, mắt Hồng Loan táo tợn, lại hơi thâm trầm, nhân vật của tôi phải là cô gái hiền dịu, đoan trang, mắt lúc nào cũng phải chớp chớp một vẻ nhẫn chịu kia. Như đạo diễn tìm diễn viên, tôi lôi Hồng Loan thả bộ lang thang khắp phố, ghé mũi tủ kính nhìn cô gái đạp máy may, rẽ vào Bách hóa tổng hợp lần lượt nhìn mặt các cô mậu dịch viên, nhảy tàu điện ra tận chợ Đồng Xuân diễu qua một dãy con “phe” ngồi đầy hai bên hè. Hồng Loan đã mệt đừ, nhưng cũng đã nhận ra trò chơi của tôi:
      - Cô định kiếm vợ cho con trai hay sao mà sục sạo gớm thế? Nhìn vừa thôi không các cô ấy tưởng mình là công an đi bắt thủ phạm.
      - Từ sáng giờ nhìn mặt bao nhiêu cô gái, cậu có nhận xét gì không?
      - Toàn tiên nữ giáng trần.
      Tôi dừng lại, kéo tay Hồng Loan, bấm nó để ý một cô bé ngồi chễm chệ trên chiếc ghế đẩu, tay cầm hộp sữa Con chim và gói đường trắng tinh. Tóc ngắn, cổ trắng ngần, hàng mi dài, đôi lông mày rất đen, miệng cười hé nửa hàm răng đều tăm tắp.
      Hồng Loan gật gù:
      - Đẹp thật, khó có anh đàn ông nào không muốn cắn vào miệng cô ta.
      Tôi kéo tay Hồng Loan, vòng trở lại.
      - Có gì bán không hai chị ơi?
      Cô ta ngước lên một cái nhìn làm nảy ra trong tôi những suy nghĩ suốt từ sáng giờ ám ảnh tôi một cách mù mờ, chưa rõ ra cái gì. Một đôi mắt tối ưu cho các nhà khoa học nghiên cứu để chế tạo ra mắt người máy thuộc thế hệ thứ chín hoặc mười gì đó. Bác Tô Ngọc Vân nếu có sống lại chắc phải phát khóc khi đặt “Cô gái bên hoa huệ” của bác cạnh cô phe xinh đẹp này.
      Hồng Loan lại gật gù:
      - Đôi mắt đẹp nhưng vô hồn, đó chỉ là cơ quan thị giác.
      Tôi không đồng tình với nhận xét dễ dãi thế. Nếu nói theo sách, đôi mắt là cánh cửa, thì căn phòng bên trong bày biện đủ tiện nghi nhưng không có người đến ở. Tôi giật mình, phải chăng mắt tôi cũng vậy, buổi chiều về nhà, chải đầu trước tấm gương gắn cửa tủ. Tôi mở mắt thật hết cỡ, nhìn thật sâu vào trong đó, ngoài tròng đen và tròng trắng ra tôi chẳng nhận thấy yếu tố vi lượng nào làm nên cái gọi là huyền mơ, xao động, thăm thẳm hồ thu như người ta thường mô tả đôi mắt con gái trong các bài thơ tình. Hay tôi không còn là con gái nữa? Không, chồng tôi vẫn khen tôi có đôi mắt đẹp, hơi lạnh và sắc, nhưng vẫn đẹp. Có lần tôi hỏi mẹ:
“Ngày xưa mắt mẹ có giống con bây giờ không?”.
Mẹ chăm chú nhìn tôi, cười héo hắt:
“Giống lắm nhưng mà lại rất khác”.
Tôi xoắn lấy mẹ hỏi khác chỗ nào thì mẹ tôi chịu, không tài nào trả lời được. Có lẽ tại tôi thường tô mắt và kẻ lông mày chăng? Hay tại cách sống của tôi hoàn toàn khác mẹ đã để lại dấu ấn trên đôi mắt ?
 Bình đi về nhìn tôi trố mắt:
      - Bụi bay vào mắt hả?
      - Không phải bay vào mà bay ra.
      - Bay ra cái gì?
      - Những yếu tố vi lượng.
      Chồng tôi bước lại gần, nhìn sát mắt tôi. Cả anh cũng vậy, cũng bay đi hết rồi, còn lại một đôi mắt chỉ dùng để nhìn.
      - Em điên rồi, điên thật rồi, sao đang cười bỗng dưng chảy nước mắt ra thế?
      Tôi vùng ra khỏi đôi tay anh cuốn chặt lấy tôi. Bắt đầu bằng những cái vuốt ve, anh lại sắp sửa kéo tôi lên giường như một thứ tiện nghi như khi anh mở quạt, mở tivi hay  vặn vòi nước.
      - Chiều anh một chút đi, anh sắp sửa đi rồi.
      Vẻ ảo não của anh có một cái gì đó giống như Hoàng Minh buổi trưa hôm ở quán cà phê, chỉ khác anh đòi xin một cái cụ thể hơn, trần tục hơn.
      - Lúc nào anh chả nói thế, lúc nào anh cũng “anh sắp sửa đi”, em bảo thực, em càng chiều anh, anh càng khó dứt đi nổi.
      Tôi đẩy Bình ra, anh tiu nghỉu, nằm dài trên giường hút thuốc không thèm cởi cả giày, vẻ muốn “đình công” như mỗi lần bị tôi từ chối.
      - Dậy xách nước cho em nấu cơm. Máy chẳng có giọt nào.
      - Thuê anh đi, thuê đi anh sẽ xách cho đầy chum.
      Vẻ mặt anh khổ sở như đức chúa bị đóng đinh trên cây thánh giá làm tôi phì cười:
      - Xách nước xong phải lau nhà nữa, chịu không?
      - Được rồi, lau cả bồn bức tường lẫn cả trần nhà nữa cũng được.
      Anh reo lên, ngồi bật dậy và xấn tới. Tôi lại đẩy bật anh ra:
      - Không được, làm xong mọi việc đã.
      - Nhớ nhé, em thề đi.
      Tôi không thề, nhưng anh vẫn hăng hái xắn tay áo lên, huỳnh huỵch lên xuống cầu thang xách nước. Đàn ông thật lạ, dường như bên trong họ luôn tiềm ẩn những năng lượng có khi phải nhờ đến tay đàn bà mới giải phóng ra được. Bây giờ nếu tôi bảo Hoàng Minh vẽ đủ một ngàn bức tranh tôi sẽ yêu anh, chắc là anh sẽ vẽ hùng hục suốt ngày đêm.
Những năng lượng bí ẩn đó, trong tương lai, liệu các nhà phỏng sinh học có tạo được cho  người máy ? Thử tưởng tượng lúc này đang là năm 3000, tôi đặt mua một robot giống hệt Bình, chế tạo bằng công nghệ sinh học. Lúc đó, bằng những dấu hiệu nào tôi sẽ nhận ra chồng tôi và robot? Bằng ký ức, bằng cảm xúc hay bằng cung cách làm tình? Chịu, tôi không tài nào nghĩ được. Tất cả những khả năng đó, với cái đà hiện nay, khoa học kỹ thuật đều chế tạo được hết. Mưa nhân tạo, người đẻ trong ống nghiệm, nhạc máy tính...có lẽ rồi đây chẳng có gì là không đóng dấu “nhân tạo” .
      Đêm hốm đó, thực hiện xong cam kết với chồng, tôi cười, bảo anh:
      - Giá như các nhà sinh học  tạo cho anh một robot giống hệt em thì anh tha hồ, muốn lúc nào cũng được, khỏi nài nỉ.
      - Lúc đó chỉ sợ em lại ghen lồng lên.
      - Điên, ai lại đi ghen với người máy. Anh thích có một robot như vậy không? Có khi anh lại yêu “cô ta” hơn cả em ấy chứ.
     - Robot muôn thuở vẫn chỉ là Robot thôi, sao so được với em là con người.
      - Sao không được, khoa học kỹ thuật rồi sẽ biến Robot trở thành người.
      - Giá thử như vậy, cái cô Vân người máy vẫn kém hơn em ở một điểm.
      - Điểm  gì vậy?
      Bình phì cười :
      - Cái bệnh dở hơi, trái tính trái nết mà sự chính xác, chặt chẽ của máy móc không sao có được.
     - Có chứ, người ta gọi nó là trục trặc kỹ thuật.
     - Cái đó ở máy móc, con người triệt tiêu được, còn tính hàm hồ, bất định ở trong chính con người thì muôn thuở vẫn còn để đảm bảo con người vẫn còn là con người.
     Tôi thưởng cho anh một cái hôn thắm thiết làm anh phải ngẩn ra ngạc nhiên. Ấy đấy, đấy cũng là biểu hiện của tính hàm hồ, một “một biểu hiện trục trặc trong tính cách người” của tôi.
     - Anh yêu em, anh yêu em...
       Anh thì thào bên tai tôi. Tôi đẩy anh ra, việc gì anh phải nói một điều hiển nhiên, tôi đã biết như thế?
       “ Biết rồi, khổ lắm, nói mãi...”
       Tôi cười rũ, kể ra cụ cố Hồng trong Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng cũng có lý - “biết rồi”, “biết rồi” - bây giờ con người có cái gì là chưa biết đâu, đến cả con virút SIDA một căn bệnh tạo hóa mới bổ sung để giữ cho con người trong vòng “sinh lão, bệnh, tử”, con người cũng chụp ảnh được nó rồi.
      - Có một điều em chưa biết.
Anh nói một cách nghiêm trang, đốt một điếu thuốc, thả khối thuốc thật lâu dường như để nung nóng cái nỗi sốt ruột của tôi. Trong lúc đó, tôi nơm nớp chỉ sợ anh đặt điều kiện cho cái điều cho cái điều tôi rất muốn biết ấy. Tôi truồi ra khỏi tay anh, bước về phía tủ lạnh :
     - Anh nói đi, nói xong em sẽ thưởng cho anh chai bia.

                          (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét