(tiếp theo)
Cụ cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu đó, giọng nhỏ dần, nhỏ dần làm tôi lo sợ:
- Thưa cụ, cụ đọc cho cháu ghi bài thơ “Trăng”.
Đôi mắt cụ nhắm lại, không hiểu cụ đã kiệt sức hay không muốn mở ra nữa, chỉ thấy cục yết hầu lên xuống lúc nhanh lúc chậm.
Tôi vẫn lăm lăm trong tay chiếc micrô, cuộn băng vẫn quay đều, lúc này chắc nó chỉ ghi được tiếng thở dốc, dồn dập dường như bao nhiêu hơi còn lại đang vội vã chốn chạy khỏi thân thể cụ.
Bất giác tôi nhìn thấy nơi miệng cụ một nụ cười lạ lùng, nó làm cho gương mặt bỗng trở nên trẻ thơ khiến tôi phân vân phải chăng trước lúc chết, những người già được sống lại giây lát tuổi nhi đồng?
Tuy nhiên, cụ lại mở mắt, vẻ thơ dại biến mất, cụ nhìn chiếc micrô,ấy, tôi nhìn thấy gì đây, tôi thấy một bàn tay xương xẩu của cụ giơ lên gạt nó ra. Không,chắc tôi nhầm,bởi vậy tôi rướn người, gí sát chiếc micrô gần miệng cụ hơn nữa, bàn tay cụ lại gạt nó đi, và lần này tôi thấy trong đôi mắt cụ lóe lên một vẻ như là giận giữ.
Tôi bỗng nức lên khóc, chiếc micrô tuột khỏi tay, rơi cạch xuống sàn gỗ, mái tóc tôi xổ tung, ôm xõa trên ngực cụ, ôi trái tim nhà thơ, vào những giây phút chót nó vẫn tận tình, khỏe khoắn.
Tôi ớn lạnh như đang bị giằng mất một cái gì đó như là ruột thịt, như là quê hương, cảm giác cô đơn đặc sệt như bóng tối lan ra khắp trong tôi, không một nơi ẩn nấp, lẩn tránh được nó, tôi tuyệt vọng và lại rú lên khóc.
Tất cả những gì sau đó tôi chỉ cảm thấy loáng thoáng và lờ mờ. Hình như mọi người tràn kín cả phòng, lô nhô những cái đầu thấp cao và những đôi mắt mở tròn. Người đàn bà lôi tôi khỏi giường và dìu tôi đi giữa hai hàng người dãn ra một lối nhỏ. Tiếng ông Giám đốc quát khe khẽ, tiếng người xôn xao khiến căn phòng trở nên như toa tàu chợ.
- Lui hết ra chứ, cụ vẫn còn khỏe kia mà.
- Vậy sao đã khóc váng lên làm ai cũng tưởng...
- Nước da đồi mồi thế kia thì còn khuya...
- Người nhà đâu , đổ cho cụ chén nước sâm...
Cánh cửa buồng khép lại sau lưng, luồng gió thoảng tới mùi củi mục, tôi tỉnh táo hẳn, bước nhẹ trong hành lang vắng cảm giác như vừa ra khỏi một phòng chiếu phim trong đầu còn đầy những hình ảnh vừa diễn ra trên màn bạc. Tôi ngồi lại trong phòng khách chờ người đàn bà trở lại lấy giúp túi xách và máy ghi âm rồi lẳng lặng dắt xe ra cửa. Ông Trưởng phòng biên tập từ đâu đó chạy tới, mặt đỏ hơi rượu, níu xe tôi lại:
- Sao? Thế nào? Thu băng có tốt không?
Tôi không trả lời, gạt ông ra và lẳng lặng đạp xe đi. Phố phường vẫn giữ nguyên cái vẻ sống động của nó tưởng như trên đời này chỉ có kẻ qua người lại, xe cộ ồn ã và những cửa hàng bày bán đủ thứ. Bây giờ mình đi đâu nhỉ? Tôi thoáng nghĩ tới bát bún trắng muốt và những con ốc vàng ươm. Ôi, đời vui quá, không buồn được...
7.
- Mai anh đi rồi. - Bình tìm tôi ở cơ quan, báo tin với vẻ nửa vui lại nửa buồn.
Ngay cả tôi, tôi cũng không biết mình tiếp nhận tin đó với thái độ ra sao, chỉ gọn lỏn :
- “thế hả?”.
Anh nói anh sẽ đi chừng nửa năm, vào thành phố Hồ Chí Minh nhận làm Chủ nhiệm đồ án thiết kế một cái cầu lớn, mọi thủ tục đã xong và để cho tôi tin, anh chìa cả vé máy bay lẫn giấy đi đường cho tôi xem.
- Sao gấp quá thế? - Tôi càu nhàu.
- Trời đất, anh đã bảo em cả tháng nay còn gì?
Ừ nhỉ, có tới chục lần anh dỗ dành : “Anh sắp đi rồi, chiều anh chút đi”, vậy mà lúc này tôi thấy đột ngột như mới nghe lần đầu. Tôi chạy tìm ông Trưởng phòng xin nghỉ để mua sắm, sửa soạn cho chồng. Hai cái quần đùi, bánh xà phòng tắm, tút thuốc lá Sông Cầu, kim chỉ, vài viên thuốc cảm, lọ dầu cù là... Mới chỉ thoáng nghĩ tôi thấy bao như thứ cần thiết. Ngồi sau xe máy anh chạy qua các phố, thỉnh thoảng nhớ ra một thứ, tôi lại vỗ vai anh tụt xuống chạy vào cửa hàng.
- Thôi em ạ, cứ thế này hết ngày mất thôi. Anh chỉ còn có...
Anh cúi xuống xem giờ và kêu lên thời gian còn lại bên tôi quá ít. Vậy thôi, tôi nói, chiều nay khỏi nấu cơm, mình sẽ đi ăn hiệu một bữa chia tay. Anh hưởng ứng không sốt sắng lắm, nom cái mặt anh tôi biết, anh chỉ thích về phòng ngay, đóng cửa lại, anh còn không đầy 12 tiếng đồng hồ nữa kể cả giấc ngủ. Chúng tôi ghé vào một tiệm vừa túi tiền nhưng đủ món cho một bữa gọi là tiệc chia tay. Tôi ân cần gắp cho anh những miếng ngon nhất rồi chống đũa ngồi nhìn.
- Sao em không ăn đi? - Anh phồng má lên hỏi.
- Từ từ, không lại nghẹn, còn sớm, làm gì cuống lên thế?
Anh buông một tiếng thở dài não nề làm tôi phì cười :
- Vậy thôi, đừng đi nữa
- Lạ thật, anh cứ bồn chồn làm sao ấy, chuyến đi này chắc “lành ít, dữ nhiều”.
Bất giác, tôi đặt một bàn chân tôi lên bàn chân anh dưới gầm bàn. Làn da ấm áp của anh làm tôi nóng bừng. Chắc tôi rất yêu anh mà tôi không biết, tình yêu đó chìm lấp trong cả ngàn thứ vụn vặt hàng ngày, chỉ lúc sắp chia tay, nó mới chòi lên, chọc vào lòng tôi đau nhói. Những ngày tới sẽ không có anh để mà dằn dỗi, hành hạ và bỡn cợt, sẽ không còn phải từ chối, chống trả đòi hỏi quá đáng của anh - tất cả những thứ đó đã hợp thành một thói quen khi sắp mất nó tôi bỗng thấy lo sợ.
- Anh cứ ăn chậm thôi, ăn xong mình sẽ về nhà ngay, tối nay em cho anh tùy thích.
- Thật nhé, em nói thật nhé...
Mắt anh sáng lên. Ấy đấy, tôi chỉ biểu lộ được tình yêu với anh theo cung cách cụ thể như thế thôi.
Tôi lấy làm tiếc dù đã cố moi óc cũng không ra được câu nào thật mùi mẫn để vui lòng anh, ngược lại vẻ suy nghĩ lại làm anh lo sợ :
- Này, đừng có thay đổi ý kiến nữa đấy nhé.
- Giá anh bớt “cái đó” đi thì em sẽ...
Tôi định nói “sẽ yêu anh hơn” nhưng lại thấy có vẻ “cải lương “ quá nên chỉ nhe răng ra cười. Anh gặng:
- Em sẽ sao?
- À, sẽ thích anh hơn.
Anh nhìn tôi chăm chú, giọng buồn buồn :
- Anh đi, em có nhớ anh không?
- Anh đoán thử coi.
Anh có vẻ cụt hứng:
- Em thì biết nhớ nhung là cái quái gì, mai kia lại không ngủ một mạch từ tối đến sáng ấy ư.
- Anh đã biết thế sao còn hỏi?
Tôi thở ra ngao ngán, quả thực tôi chỉ muốn làm anh vui trước lúc đi xa, đành vậy, biết làm sao?
Ở hiệu ăn ra, tôi hào phóng mua cho anh một bao 555 đắt tiền. Phố xá đã lên đèn, một chiếc xe cấp cứu rú còi chạy qua , một tai biến nào đó chắc vừa xảy ra gieo vào tôi ám ảnh về một điềm gở trước khi anh đi.
Ngày trước, trong lần cuối đi chơi với Biên Cương để rồi chia tay , tôi cũng gặp một chiếc xe cấp cứu chạy qua và linh cảm ngày đó đã tỏ ra rất đúng. Thế còn lần này, tôi sợ chính cả tôi, tạo hóa đã ban cho cái linh cảm quái quỷ đó mà chẳng một người đàn ông nào lúc đi cạnh tôi có thể biết được. Đèn đỏ ngã tư bật sáng, Bình hãm xe ngay sát chiếc xe cấp cứu do kẹt một chiếc xe tải phía trước đã không thực hiện được quyền ưu tiên của mình. Tôi liếc nhìn vào trong xe sáng đèn và quay phắt đi. Thân hình đẫm máu của người con gái trên chiếc cáng trắng toát làm tôi bủn rủn. Tuy vậy tôi cũng không ngăn được mình thử tìm cái mùi “tử khí” mà tôi rất tin vào khả năng dự đoán bằng khứu giác của mình . Mừng quá, tôi không tìm thấy nó, vậy chắc cô gái không chết. Đèn xanh. Bình cho xe vượt ngã tư và khi xe cấp cứu chạy qua tôi không thể ngăn được mình nhìn vào trong xe lần nữa. Tôi bỗng trố mắt kinh sợ, trời đất, người con gái xấu số kia sao giống hệt tôi. Không, đúng là tôi chứ còn ai khác, cũng mái tóc ấy, gương mặt ấy, thân hình ấy. Tôi vội đập vào vai Bình, hỏi xem anh có nhìn thấy điều đó không? Bình cười to : điên, em điên rồi, vậy cái cô đang ngồi sau anh có phải là em không? Không phải đâu, tôi cũng cười theo anh, em chết rồi, xác người ta đang chở đi kia. Tôi bỗng buồn hẳn, suốt dọc đường về nhà, tôi không hé răng nói một lời. Bải hoải và mệt rã, tôi gieo người xuống giường, nhìn Bình đi tới với ánh mắt của một con thú bị thương.
- Anh cho em chợp mắt một lát đã...
- Được, được, em cứ ngủ đi.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét