Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

VỀ MỘT THỜI ...HÀNỘI (KỲ 31)


    
                                           
                         (tiếp theo)

 Giữa lúc tôi hào hứng đến độ muốn bay ra ngoài cửa sổ, bàn tay nặng chịch của Bình bất ngờ đặt lên vai, giữ tôi lại nơi trần thế . Lập tức tôi cảm thấy ngay áp lực quen thuộc của trăm thứ hàng ngày mà những giây phút vừa nãy tôi đã thoát được . Một phích nước sôi cho chồng pha trà sáng sớm, nồi cơm nếp, xoong thịt kho...còn gói hạt tiêu không hiểu chiều qua lẫn đâu trong cả chục thứ bà giằn trong  túi đi chợ chật cứng ?
      - Sao em không ngủ ?
      Anh hỏi và chẳng đợi tôi trả lời, anh kéo tôi vào lòng. Không như mọi khi, tôi không hề phản kháng , ngược lại còn nở một  nụ cười khuyến khích khiến anh trầm trồ :
      - Lạ thực, em lạ thực, mãi đến bây giờ anh mới khám phá ra .
      Tôi châm cho anh điếu thuốc, gắn vào miệng anh và cứ kệ anh huyên thuyên :
      - Hóa ra em chẳng “lạnh” tý nào, núi lửa thì đúng hơn. Nếu vậy anh đi làm quái gì ?
      - Giờ em mới biết anh đi chỉ tại chuyện đó ?
      Anh cười sằng sặc làm tôi ngờ rằng đúng thế cũng nên. Nếu vậy, cuộc đời rõ giản dị, lỗi tại ta cứ làm rối tung lên bằng những nguyên cớ không có thực.
      - Anh nói thật đi, tại sao anh phải đi? Cơ  quan phân công hả?
      - Không, anh nói rồi,tự nguyện đấy .
      - Vậy anh muốn có tiền?
      - Không, mình có túng thiếu lắm đâu?
      - Vậy đúng anh đi vì em lạnh làm anh chán.
      - Không hẳn thế , cái chính ... anh muốn làm việc.
      Tôi bật cười:
      - Anh chán thiết kế “cầu giấy” rồi hả?
      Vẻ mặt Bình sầm hẳn xuống làm tôi không muốn đùa nữa. Nhưng tôi cũng không giấu nổi nụ cười khi nghĩ tới câu Kiều: “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”làm anh tưởng tôi đang riễu anh.
      - Em cười gì?
     - Không cười gì cả, giời ...
      Tôi vít đầu anh xuống, ban cho “đấng trượng phu” một cái hôn. Anh không sung sướng như tôi tưởng, ngược lại,  có vẻ buồn:
      - Em không dặn dò anh điều gì sao?
Tôi nhớ tới câu của thằng Tú:
      - Mỗi người hãy chịu trách nhiệm lấy chính mình .
      - Vậy được, vào Sài Gòn anh sẽ cặp bồ với cô khác.
      Tôi nói điều đó với tôi chẳng quan trọng, nếu thích anh cứ làm, có điều nên kín đáo, đừng om sòm không lợi cho việc thiết kế những chiếc cầu thực . Vẻ thành thực trong câu trả lời lại làm anh buồn hơn. Khỉ thật, tôi đã tự nhủ phải làm sao trước khi đi anh thật vui, “yên tâm vững bước mà đi”, ai ngờ lại thành khó chịu, nặng nề thế này. Tôi sai lầm ở đâu , không lẽ làm vui lòng đức lang quân lại khó đến thế ?
      - Anh cứ muốn bổ đôi đầu em ra xem em đang nghĩ gì?
       - Em tưởng anh đọc được ý nghĩ của em đấy chứ?
     - May quá, anh đánh mất khả năng đó từ lâu, không thì anh bóp chết em cả ba lần rồi.
      - Về tội gì?
      - Ừ nhỉ, suy cho cùng, em có tội quái gì ?
      - Có chứ em có một tội rất to?
      Mắt anh thoáng qua một vẻ lo sợ :
      - Tội gì?
      - Tội-thôi-không-làm-một-người-đàn-bà.
       Chuông đồng hồ báo thức vang lên giòn giã khiến tôi liên tưởng tới chuông báo hiệu một phiên tòa “tiếp tục làm việc”  sau 15 phút tạm nghỉ. Đúng đấy, tôi cũng đáng ra tòa lắm và lúc đó tôi sẽ cúi mặt xuống, lẩy một câu Kiều trước mặt các ngài ủy viên công tố : “rằng tôi chán phận đàn bà...”
     - Em lạ thật, vừa cười sằng sặc bỗng chốc lại rơi nước mắt ra rồi.
      - Em sợ xa anh.
       Tôi biết mình nói dối, nhưng nếu điều đó làm  anh vui được thì cũng được chứ sao ?
      Tuy nhiên nỗi xấu hổ cũng đẩy tôi xa khỏi anh đúng vào lúc anh hào hứng ôm lấy tôi vuốt ve, an ủi. Tôi kiếm cớ :
      - Sắp sáng rồi đấy, em phải nấu nướng không muộn.     
       Bình theo chân tôi vào bếp, còn vài giờ nữa, chắc anh không muốn rời tôi nửa bước. Bỗng dưng chúng tôi trở nên quấn quýt như cặp tình nhân sắp xa nhau. Anh dặn dò tôi đủ thứ, từ cái công tơ điện, thùng xăng trong bếp tới sổ gạo, sổ dầu, sổ hộ khẩu trong góc tủ.
       - Anh mua sẵn cho em cả tem, phong bì, giấy pơluya, nhớ mỗi tuần viết cho anh một lá thư.
       Tôi suýt kêu lên, việc đó ngoài khả năng tôi, nhưng sợ anh buồn, tôi chỉ mỉm cười. Quả thực, suốt từ bé, tôi chưa hề thư từ cho ai .Hồi bố tôi còn sống, tôi cũng chỉ ké vào thư mẹ vài dòng thăm hỏi sức khỏe. Hình như cái việc tâm tình bằng chữ nghĩa tôi đã giành hết cho nhật ký đến mức chẳng còn gì san sẻ cho người khác.
      - Vào tới nơi anh sẽ điện ngay địa chỉ .
     - Vâng.
    - Nếu thuận tiện, anh sẽ gọi điện thoại.
    Vậy thì gay, tôi nghĩ bụng, vậy thì từ nay tôi phải ngồi suốt 8 giờ tại nhà xuất bản chẳng còn lẻn đi đâu được nữa. Chao ôi, bắt cóc bỏ đĩa còn khó hơn bắt tôi ngồi bàn làm việc. Sợ anh buồn, tôi đành phải cản anh chớ nên gọi điện sợ... tốn tiền. Còn một điều gì nữa anh muốn dặn dò mà cứ ngập ngừng , tôi đã xong hết mọi thứ, đã đến giờ xe tới đón, tôi cố nghĩ anh định nói gì? Bình thơ thẩn quanh phòng, chắc anh chia tay  đồ đạc trong nhà, sau cùng đến lượt tôi :
      - Nhớ giữ sức khỏe, nếu có tin mừng, điện ngay cho anh. Anh linh cảm sau đêm qua, mình sẽ... có con.
       Tôi nóng bừng cả người, tệ quá, cái điều anh nói thật bất ngờ, sao tôi không mảy may nghĩ tới? Tôi có còn là đàn bà nữa không?
     Có tiếng còi ôtô dưới nhà. Tôi cuống quýt, tôi phải nói gì với anh về chuyện đó chứ? Nói thế nào bây giờ nhỉ, chao ôi, suy nghĩ của tôi sao chậm chạp , để lấp chỗ trống, tôi vội vàng :
      - Anh nhớ gói thịt trong làn, cơm nếp túi xách tay.
      Anh thở dài, ôm tôi vào lòng, hôn tôi thắm thiết làm tôi không nói gì đuợc nữa, và quả thực, tôi vẫn đang nghĩ xem mình nên nói gì? Chiếc ô tô sơn trắng đã chờ dưới cửa. Tôi lỉnh kỉnh xách túi theo anh lập cập xuống thang gác. Cho tới khi anh ngồi lên xe, cửa đóng sầm , tiếng máy rồ lên, tôi mới lắp bắp :
      - Bon voyage... bon voyage...
      Xe chạy vút đi, tôi chỉ còn thấy gương mặt anh sau cửa kính, bàn tay giơ lên chào, sau đó là một làn khói mờ. Tôi đứng chết sững bên hè phố, tôi đã nói gì nhỉ? Bon voyage, bon voyage, đó là câu chúc người sắp chết như cụ X... tại sao tôi lại nói? Tôi muốn xóa câu đó đi, tôi muốn máy bay trục trặc, thời tiết không thuận tiện hoặc bất kỳ chuyện gì để anh quay lại cho tôi nói một câu khác. Tôi sẽ nói, chẳng hạn, “ chúc anh may mắn” hoặc “ tới nơi điện ngay cho em” hoặc... câu gì cũng được, nhưng không phải câu đó. Tôi quay vào, bước từng bậc cầu thang, muộn rồi, tôi không thể nói câu khác, một việc đã hoàn tất, một kết cục không thể làm lại.
Căn phòng lạnh hẳn khi tôi bước vào. Chiếc bàn ăn chỏng chơ mâm bát, chiếc tivi câm lặng, màn buông rũ trên chiếc giường ngổn ngang chăn gối. “Anh ấy đã đi rồi, anh ấy đã đi rồi...” ý nghĩ mới mẻ nện trong đầu tôi đau nhói. Tôi nằm vật trên đệm mềm phủ vải trắng khóc nức nở. Gương  mặt anh và bàn tay sau cửa kính ô tô lại vẫy vẫy . “Bon voyage, bon voyage...” Không hiểu sao gở miệng thế? Và không hiểu  sao nỗi ân hận cứ bám riết ? Phải “sang trang” thôi, tôi chợt nhớ thơ Hồng Loan:
          “Anh đi xa là anh đi xa...
          Chuyện bây giờ đâu phải chuyện hôm qua
          Anh đi xa là anh đi xa...”*
      Đúng mọi chuyện đã “hôm qua” cả rồi, tôi ghé mắt ngồi nhỏm dậy. Và rồi trong ánh nắng xuyên cửa sổ, tôi nhìn thấy một vệt bẩn tròn trên nền đệm trắng. Linh cảm nảy ra như tia chớp làm tôi chợt co chân lại. Một thoáng rợn nào đó như một nỗi xao xuyến làm tôi rùng mình. Có lẽ anh nói đúng, sau đêm qua, rất có thể một hạt sống đã nảy mầm trong tôi? Phải chăng nỗi thấp thỏm mơ hồ đó đã làm tôi nức nở khóc chứ không phải một linh cảm về một nỗi chết sau câu nói gở miệng ? Chịu, không thể nào biết được, và biết để làm gì? “Mật ngữ lớn nhất ở người đàn bà là sự hoài thai...”, Zarathustra đã nói như thế...(*)


* Thơ Trí Dũng
** Tác phẩm của Nietzsche, triết gia Đức

                                (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét