( tiếp theo)
Ngay cả trong gia đình Nhàn, Phó Chủ tịch xã, chỉ có hai mẹ con mà xem ra trò chuyện hàng ngày giống như “hai phe” đối lập nhau. Hồi cải cách, cha Vinh bị mang ra đấu. Bà mẹ bênh cha :
“ Đấu cha là đấu Chúa đấy…Mày phải biết đỗ được đến chức cụ là trải qua trăm nghìn khó khăn thử thách đấy . Nếu người không có nhân đức thì ngay khi chịu phép cắt tóc không hộc máu cũng phát ung nhọt , bệnh tật rồi..”
Cô con gái cãi lại :
“ Mẹ còn nhớ nhân dân bên Thạch Bi xứ cũ của ông ấy, cơm nắm cơm gói đến chầu chực ở đây hàng tuần chỉ xin được lột da ông ấy căng mặt trống không ? Chính phủ không xử bắn là may chứ còn tiếng tốt gì ?”
Bà mẹ lại kể lể :
“ Nếu mày không nghe lời tao, tao không dậy được mày thì cả nhà này sẽ mắc vạ tuyệt thông , bị khai trừ ra khỏi hội thánh . Nếu thế thì mẹ chết mất…Con ơi, mẹ run sợ lắm. Mẹ già rồi, ngày linh hồn lìa khỏi phần xác cũng chẳng bao xa…lúc đó hai con khiêng được mẹ ra đồng hay sao, hay là buộc rợ vào chân mẹ cho trâu kéo hở con…con nghĩ lại cho mẹ nhờ …”
Ngày này qua ngày khác, bất kể ngày hay đêm, cứ hai mẹ con ngồi với nhau là y như rằng nổ ra “xung đột” như thế. Ông nhà văn liệu có nói quá đi không ?
Trong gia đình, họ hàng nhà Thuỵ – đội trưởng du kích, “xung đột” và chia thành hai phe ‘cách mạng” và “phản cách mạng” còn dữ dội hơn. Chú ruột của Thuỵ là cha Thuyết, bố đẻ của Thuỵ là ông trùm Nhạc. Ngày nọ cha cho gọi các cháu trong nhà gồm có Thuỵ, Toán và Quyên tới để cha cho tiền làm nhà. Trước khi đưa tiền, cha lại nói chuyện “chính trị” :
“Nói đến cải cách tao lại nhớ hồi ấy du kích chúng nó làm bùi nhùi cụ Ngô rồi đâm chém hò hét. Thật trò hề. Cụ Ngô là người rất sùng đạo. Cụ là em đức Cha Ngô Đình Thuc đấy. Nghe nói sáng nào cụ cũng đánh ô tô đến nhà thờ xem lễ rồi mới về làm việc. Trong Nam người ta yêu quý cụ lắm…”
Nghe ông chú tuyên truyền “phản động”, dẫu ông là cha đạo đi chăng nữa, Thuỵ cũng chặn họng ngay :
“ Thưa cha…cha cho gọi chúng con lên để nói chuyện trong nhà hay chuyện chính trị ?”
Cứ như thế, chú cháu bốp chát nhau, sau cùng cha Thuyết chỉ cho tiền Toán và Quyên , còn Thuỵ nhất định không nhận. Bởi thế ông Nhạc, bố của Thuỵ chì chiết con :
“ Khí khái rởm. Tiền đưa tận tay mà không thèm cầm. Bốn năm chục vạn chứ có ít đâu, mày thử xem đến bao giờ mới dành dụm được chục vạn mà dựng nhà ? Mày cứ bảo cha không tốt, không tốt thì cũng là cha linh hồn, cũng là em tao, chú mày. Mày đừng đâm bị thóc chọc bị gạo để anh em tao lủng củng với nhau. Không tin người ruột thịt thì tin ai ? Mày không thèm lấy tiền của cha thì tao sẽ xin cha, ăn mày cha chẳng ai cười …”
Thế là quan hệ cha con của Thuỵ – đội trưởng du kích cũng căng thẳng chẳng thua gì quan hệ mẹ con của cô Nhàn – Phó Chủ tịch xã.
Liệu trong những người ruột thịt với nhau chỉ toàn là “xung đột” chính trị không ?
Trong một số không nhiều các nhà văn miền Bắc viết về Thiên Chúa giáo như Nguyễn Thế Phương với tiểu thuyết Nắng , Chu Văn với tiểu thuyết Bão biển…có thể nói Nguyễn Khải là nhà văn bám sát nhất quan điểm Mác Lênin “tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng”. Chẳng hiểu ông có xác tín điều đó không hay chỉ vờ làm vui lòng đồng chí Tố Hữu ; song trên các trang viết của ông nhan nhản những tình tiết, những nhân vật được ông mô tả chỉ nhằm bỡn cợt Chúa.
Đám rước kiệu “tượng Đức Giê-su vác câu rút“ trong ngày lễ Phục sinh được mô tả với giọng dè bỉu :
” Thỉnh thoảng xé lên lanh lảnh một vài tiếng kèn đồng te té te té…chói tai , lạc lõng, chìm nghỉm ngay trong cái hỗn độn của tiếng trống, tiếng trắc gỗ , tiếng đọc kinh ngắm đàng thánh giá , tiếng gọi nhau í ơi…”.
Đám người tổ chức rước toàn là quân phản động. Đánh nhịp cho đội trống là Quảng và Liêu. Quảng là “ con trai phó trương xứ , mười bảy tuổi đã sung vào đội quân của cha Báu, mười tám tuổi chuyển qua đội quân com-măng-đô, ít lâu sau được cử làm người hộ thân cho viên quan năm chỉ huy quân sự miền hạ Nghĩa Hưng ”, mới đây lại gỉa chết để vu vạ cho bộ đội giết dân. Còn Liêu bị “tình nghi ở trong đảng phái phản động, truy bức vợ chồng hắn về võ khí trong nhà xứ. Từ ngày ấy hắn quan niệm về phần đời , phần đạo hoàn toàn khác. Thày Thịnh mời hắn ra đứng trong ban thành lập hội trống nhà xứ”. Khi hội trống đã được thành lập với ba mươi cái trống và bốn mươi bạn hữu, Liêu lộ mặt phản động “Lý tưởng của người ta không phải là xã hội chủ nghĩa mà chính là hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng…: “.
Sau đội trống thì đến nghĩa binh nam và nữ. Nhà văn mượn một con bé con để diễn tả sự thờ ở của con chiên với “nỗi đau của Chúa”.
Nó “còn bé lắm chừng như mới chịu lễ lần đầu , hai đầu mào trắng chấm xuống gần khoeo chân…”. Nó mếu máo đọc kinh :” Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc…bà có phúc lạ hơn người nữ…và Giê-su con bà…”, nhưng mắt nó lại nhìn “một con chuồn chuồn mình đỏ đậu rún rẩy trên bụi rơi gai ở vệ sông. Ôi con chuồn chuồn đẹp quá, đậu ngờ nghệch quá…”.
Trong khi đầu óc con bé chẳng nghĩ gì tới Chúa thì ngay bà quản giáo trong đám rước cũng vậy . “bà không đọc kinh, bà còn mải trông hơn sáu mươi em nữ nghĩa binh, học trò của bà, nếu rời mắt là chúng nó lại xô đẩy nhau, cấu véo nhau…” và bà quản giáo được mô tả đầy ác cảm “trên khuôn mặt bà không có lấy một nét nào hiền dịu, tha thứ, cởi mở của người mẹ; nó ảm đạm như người có nỗi buồn sâu kín; nó khắc khổ vì bà là người tu hành ; khi bà đánh trẻ con thì rõ là người khó tính khắc nghiệt …”
Sau đó các con chiên lần lượt vào nhà thờ nghe đọc đoạn đóng đanh tưởng nhớ đến những sự thương khó Chúa Guê-su đã chịu trên cây thánh giá. Chẳng hiểu sao cha xứ lại …khó kiếm ra được một người đọc đoạn kinh đó.
“” Ông Đông phó trương xứ chữ quốc ngữ không biết, chữ nho cũng không nốt nên sự hiểu biết đạo lý kinh sách chẳng hơn gì người bổn đạo. Còn ông trùm Hoà , trùm đạo thôn Hỗ lại càng…dốt hơn.” .
Có thực trong các ông trùm đạo nhiều người mù chữ đến như thế chăng ?
Và nỗi đau của một bà già thương xót chúa Giê-su được mô tả “hài hước”:
“ Bà Nhàn ngồi vào một góc, cái mào đen rủ xuống hai bên má che gần hết khuôn mặt ảm đạm của bà. Bà cố bày ra trong trí khôn như xem thấy chúa Giê-su bị quân dữ đóng đanh trên cây thánh giá thật. Những cái đanh sắt mà đóng xiên qua bàn tay Chúa mình như thế thì đau đớn biết chừng nào, chỉ vì tội mình và tội tổ tông truyền. Ôi, cái mạo gai, có những bảy mươi hai cái gai lọt vào óc Chúa tôi, buốt nhức biết bao nhiêu , máu chảy đầy mặt ròng ròng. Bà cứ tự vật vã với mình , trách móc mình sao đã vội vã quên đi sự thương khó mà Chúa đã phải chịu…”
Thật đúng “tôn giáo là thuốc phiện “ . Nó làm một bà già trở thành mê mụ, mù quáng đến dở hơi :
“ Chúa lấy hai cây gỗ cứng thay giường nằm, lấy mạo gai nhọn thay gối còn bà thì giường cao, chiếu sạch, chăn đắp , màn che , bà còn phàn nàn gì nữa, kêu xin gì nữa. Bà không bao giờ ao ước được sướng hơn mà chỉ muốn mình sẽ khổ đi, chịu đựng thêm vì con đường lên thiên đàng là con đường hẹp…”
Lực lượng “nhà thờ” đông đảo vậy nhưng chẳng là gì với chính quyền cách mạng tiêu biểu nhất là Môn – Chủ tịch xã.
” Một trong những địch thủ nguy hiểm nhất của nhà xứ là Môn, xã đội trưởng ngày trước và nay là chủ tịch xã …”
Trong cải cách, do “âm mưu của nhà thờ” , Môn đang là xã đội trưởng bị kích lên “thành phần phản động” suýt nữa bị bắn như Rỹ. Lúc sửa sai, Môn được phục chức và trở thành một đảng viên trung kiên , lập trường còn vững hơn cả cấp trên. Môn thường xuyên theo dõi các hoạt động trong nhà thơ và bắt ne bắt nẹt .
“ Một hôm trên toà giảng, cha Vinh cao hứng nên có giảng chệch ra ngoài kinh sách E-van đôi chút :” Vinh đây dẫu đầu rơi máu chảy cũng không chịu lui đâu. Nó có vả ta má bên hữu ta còn giơ má bên tả cho nó vả nữa kia. Ai chịu bắt bớ vì sự công chính thì có phúc thật vì nước trên lời là của kẻ ấy…”
Lập tức có kẻ mật báo, ngay sau buổi giảng, “Môn nhân danh chính quyền mời cha Vinh đến trụ sở nói chuyện”. Khi cha tới, “cha đưa tay ra nhưng không ai bắt nên lại rụt tay về”, Môn trấn áp ngay :
“ Linh mục làm phản động , chính phủ bắt giữ để tự hối cải lại còn nói không lùi bước. Ý chừng linh mục muốn chống đối với chúng tôi mãi chăng ? Muốn làm phản động lần nữa hay sao ? Nếu vậy chúng tôi sẽ có cách…”
Tất nhiên cha sợ vãi mồ hôi, lần sau cạch đến già có giảng kinh thì cũng phải “uốn lưỡi bảy lần “ . Khi “duyệt” cho nhà xứ thành lập đội kèn, ông Chủ tịch Môn còn đặt điều kiện :
“ Người trong hội kèn chỉ biết có thổi kèn thôi, ngoài ra không được làm những việc gì khác, nói rõ ra là không được làm chính trị. Nếu có thế nào thì ban chánh trương phải chịu trách nhiệm. Còn nếu bằng lòng đặt dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban thì cụ thể phải nằm trong khối văn xã…”
Ban chánh trương cùng các trùm họ mở tiệc mổ trâu để bầu Quý là địa chủ vào Ban chánh trương xứ. Tất nhiên Môn được mật báo và tuy không được mời cũng lừng lững đi vào bữa tiệc như chỗ không người rồi lên giọng chủ tịch xã :
” Muốn đạo gì thì đạo , đã là công dân thì phải theo đúng pháp luật của Nhà nước . Nếu ai làm trái thì dù bố mẹ đẻ ra cũng không bênh được …”
Rồi ông Chủ tịch xã can thiệp vào việc bầu bán của nhà thờ :
” Tôi lấy một ví dụ : đã là địa chủ thì nhất thiết phải tước hết quyền công dân, không được tham gia bất cứ một tổ chức nào cả.Thấy ban chánh trương cũ bất lực cần bầu lại thì cứ bầu, giáo dân chúng tôi hoan nghênh mà uỷ ban cũng hoan nghênh, nhưng bầu địa chủ là sai, địa chủ lãnh đạo nông dân là chuyện ngược đời, là trái chính sách , trái cả lẽ đạo…”
Và chỉ vài ngày sau khi chánh trương xứ Quý đi Hà Nội về, “ Môn cho hai du kích đến áp giải Quý lại trụ sở bắt ngồi xuống đất . Môn hỏi :
“ Quý ! Mày hãy nhắc lại tám điều quy định cho địa chủ sau cải cách ruộng đất để uỷ ban nghe !”
Lâu lắm ông chánh trương xứ mới lại bị nghe một người khác nói đến tên mình một cách láo xược vậy. Nhưng người đó lại là …đại diện chính quyền . Bởi vậy “Môn bảo sao hắn cũng vâng dạ ngoan ngoãn lắm như người bị mê muội từ lâu nay mới có dịp thức tỉnh. Môn kết luận :
“ Mày đi Hà Nội không xin phép ai , đáng lý phải trị thẳng tay làm gương cho đứa khác nhưng Uỷ ban tha thứ lần đầu. Còn mày làm những gì thì trong này đã có hồ sơ cả . Đời mày do mày định đoạt lấy. Muốn ăn cơm nóng , ở nhà với mẹ với vợ cũng được mà muốn ăn cơm mắm, ngồi xà lim cũng được …”
Ngày nay đọc lại đoạn văn này vẫn thấy “sởn gai ốc” .
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét