Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀNỘI ( KỲ 30)


                        
                                        (tiếp theo)

      Bình quay người với vẻ chịu đựng làm tôi thương nhói . Tuy nhiên tôi không còn đủ sức chống nổi đôi mi mắt kéo rũ xuống. Tôi lờ mờ thấy anh đi lại, dọn dẹp, gói ghém đồ dùng, rồi thiếp đi. Tôi nằm mơ thấy chính tôi đang nằm trong chiếc xe cấp cứu rú còi, chạy quanh thành phố. Xe cứ chạy mãi, chạy mãi chẳng đỗ đâu cả mà tôi thì dường như đang hấp hối sau một tai nạn máu cứ chảy mãi, chảy mãi, toàn thân lạnh toát, cứng đờ, không còn điều khiển được ngoài cái đầu động đậy đôi chút.
Trong ánh sáng lờ mờ ngọn đèn treo trên đầu, tôi thấy Bình, và lạ chưa, anh mặc chiếc áo pull có in hàng chữ của tôi. Tôi cứ đăm đăm nhìn anh đi tới ngồi bên cạnh và tôi mỉm cười : “Bon voyage, bon voyage, bon voyage...”. Tôi cứ lảm nhảm như thế cho đến khi có ai đó đập lia lịa vào người .
      - Dậy đi cô, gớm, mới chập tối đã ngủ lăn quay.
      Tôi mở mắt, Hồng Loan đang đứng bên giường lôi bật tôi dậy. Từ hôm đến nhà nó nhắc việc ông Giám đốc may mặc, dễ hơn tuần nay tôi mới gặp lại.
      - Dậy thu xếp cho chồng đi chớ. Sáng mai mới ra sân bay bây giờ đã chúc “bon voyage” ?
      Tôi kéo Hồng Loan ra ban công để Bình gói đồ đạc. Con bé thật kỳ, bao tối rảnh rỗi mong đến chẳng đến, giờ bận bịu với chồng lại dẫn xác tới. Tuy vậy tôi tỉnh cả người nghe nó ríu rít kể lể đủ thứ chuyện . Ông bô bà bô đã về,nó đã giúp ông Giám đốc may mặc, nó mới đi thăm trại bò chỉ cách Hà Nội vài chục ki-lô-mét vậy mà sữa sản xuất ra chẳng biết dùng vào việc gì, nhất định nó phải viết phóng sự kêu cứu cho  sữa bò. Nó nhìn trộm vào trong phòng rồi ghé tai tôi nói thầm:
      - Hoàng Minh đi rồi.
     - Đi đâu?
    - Lên Đại Nải dự sáng tác tranh. Thất tình trốn Hà Nội đấy.
    Tôi nhớ những hình tròn, hình ống trong “tiêu bản những vi khuẩn” của Hoàng Minh, phân vân không hiểu anh ta vẽ gì nữa? Từ sau buổi trưa tôi bỏ đi ở quán cà phê, tôi không gặp lại Hoàng Minh, và sau cái lần động rồ đòi gọi điện thoại cho anh ta tới, tôi quên bẵng ngay khiến cho Hồng Loan phải kêu lên tôi là đứa vô tâm, lạnh lẽo. Mặc kệ nó muốn nói gì thì nói, tôi không thể làm cái gì tôi không thích.
    - Cũng may đấy, - Hồng Loan chép miệng - cậu mon men tới cái nhà ấy bà già nuốt sống.
    Tôi chợt nhớ bà già khô quắt có đôi mắt lạnh như hai đồng tiền với những con chó phốc nhỏ thó của bà. Tôi trừng mắt :
   - May cho bà già, tớ mà thích thì chấp mười bà cũng không nhai nổi tớ.
   - Thôi đừng khoác, đến ông Giám đốc nhà cậu, khi cần, bà ta chỉ thổi một cái là bay mất ghế.
  - May quá tớ lại không có ghế.
 - Nhưng cậu có nhan sắc, cả một đội quân đâm thuê chém mướn sẵn sàng tạt axít, cầm dao rạch mặt khi bà ta ra lệnh.
   Tôi rùng mình nhớ tới cô gái nằm trong chiếc xe cấp cứu rú còi chập tối. Không lẽ con người độc ác đến thế kia ư ? Cái bạo lực đã lan tràn, vượt qua khỏi cả giới lưu manh, đầu đường xó chợ vào tới giới thượng lưu quan lại rồi sao ?
   - Như tớ đây chẳng hạn, Hồng Loan nói tiếp, một anh chàng nào có vợ rồi, cả gan xé rào quyến rũ , lập tức chỉ tháng sau xách ba lô đi “tăng cường biên giới”.
     - Vậy còn sức mạnh trái tim?
     Hồng Loan bật cười, cái cười sắc lạnh làm tôi thấy ghét, dẫu sao nó cũng thuộc tầng lớp hàng ngày thiên hạ chỉ  cơm rau muống, lạc rang mặn thì trong tủ lạnh nhà nó chẳng thiếu gì cao lương mỹ vị.
    - Cậu có lăn lộn viết báo như tớ mới hiểu cuộc đời chó đẻ bây giờ. Chiến thắng của lương tâm con người chỉ còn trong tiểu thuyết cậu vẫn biên tập.
      Tôi chán không còn muốn tranh cãi, thông thường trong những trường hợp thế này, người nào cũng muốn lôi về mình cái chân lý vốn có rất nhiều “chân”.
      - Sắp tới chỗ cậu có ra cuốn nào khá không?
      Hồng Loan kiếm cớ chuyển đề tài cho đỡ căng thẳng chứ thực ra nó còn lạ gì kế hoạch Nhà xuất bản tôi, cuốn nào hay, nó đọc ngay từ bản thảo. Tuy nhiên tôi vẫn nói tập tuyển thơ cụ X, đang in gấp nhân việc cụ sắp sửa “chuyển sang từ trần”. Gia đình đang đổ sâm cố giữ cụ tới sinh nhật thượng thọ 80 tới tuy cụ đã gần như mất tri giác. Hóa ra ranh giới cái sống và cái chết ngày nay cũng khó phân định. Riêng tôi, tôi cho rằng cụ đã chết rồi, chết từ sau lúc cụ nói cảm ơn tôi và “bon voyage, bon voyage...”
Ông Giám đốc xuất bản tận mắt chứng kiến giây phút đó nên không trách tôi không thu băng được tiếng nói cụ, ông chỉ nhắc lập danh sách các cụ nhà văn nhà thơ cao tuổi để có kế hoạch ghi âm và chụp ảnh khỏi quá muộn như trường hợp cụ X.
Tuy vậy công việc không dễ dàng như tôi tưởng, thu băng phát trên đài thì được, chớ lại do các cụ sắp chết mà ghi âm thì ít ai muốn. Một nhà thơ cao tuổi nọ suýt nữa thì nổi giận, hóa ra ám ảnh về cái chết đè nặng khiến cụ cấm không được nhắc tới nó. Tôi kể Hồng Loan nghe và tắc lưỡi:
      - Các cụ không chịu đọc thơ thì thôi, lúc nào rảnh cậu đọc tớ ghi băng vậy.
      - Ủa, vậy là tớ sắp chết ?
     - Chưa, nhưng trước sau gì cũng chết, cứ đọc trước  thì hơn.
    - Ghê quá nhỉ, ra cậu xếp tớ ngang với các nhà thơ lớn đấy.
    Tôi bảo nó lớn bé có kể gì, cứ thơ hay thì ghi băng, thỉnh thoảng chán ca nhạc đổi món nghe thơ. Thế là nó hào hứng giảng giải cho tôi hiểu  thơ “ đọc” dễ đánh lừa người ta bằng biểu diễn, nhiều bài khi nghe đọc rất hay, nhưng xem trên giấy lại thường. 
Tôi liếc vào trong xem giờ, tội nghiệp chồng tôi, anh đã gói ghém xong xuôi mọi thứ, chắc anh đang sốt ruột sốt gan, nguyền rủa mọi thứ thơ trên đời này sao không chết hết cả đi. Áng chừng Hồng Loan nói còn dài, lại có nguy cơ bốc hứng lên, nó dám đọc thơ lắm, tôi đành phải giả vờ hốt hoảng :
     - Thôi chết, tớ phải đi nấu cho ông ấy nồi cơm nếp.
     - Ừ nhỉ, tớ quên béng mất mai ông Bình đi sớm.
     Chồng tôi tươi mặt khi Hồng Loan chúc lên đường may mắn và xin phép ra về. Hỡi ôi, nó chưa ra khỏi phòng thì đã có tiếng ông Giám đốc may mặc oang oang ngoài cửa. Ông nhất định kéo Hồng Loan ở lại, mở ra gói mứt sen, đòi pha trà mời cả nhà và trịnh trọng báo tin sắp đi tham quan CHDC Đức.
Sau cảm ơn dài dòng, ông ca ngợi bố Hồng Loan, một người lãnh đạo nhìn xa trông rộng, chí công vô tư, tiếp đó ông khen những bài báo Hồng Loan viết rất sắc bén và mới mẻ, chống tiêu cực với tinh thần dũng cảm.
Tôi ngồi chết lặng , vái trời ông ta đừng biết sáng mai chồng tôi đi công tác không ông lại chuyển sang đề tài thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thì đến nửa đêm mới hết chuyện.
Lúc thế này tôi mới phục Bình điềm tĩnh nhẫn nại, cứ lẳng lặng rót nước mời khách, lắng nghe với vẻ mặt tươi rói mặc dầu chắc bụng anh đang tức sôi sùng sục. Rút cuộc khi khách khứa về hết, cả hai chúng tôi mệt lả, đồng hồ treo tường đã chỉ 11 giờ khuya.
      -Anh chuẩn bị xong hết rồi, em khỏi làm gì nữa.
      Tôi cảm thấy có lỗi với anh, bởi vậy tôi thay đồ rất nhanh và đêm hôm đó anh phải kêu lên kinh ngạc. Quả thực, tôi không miễn cưỡng như mọi lần, ngược lại, tôi chủ động yêu anh cho tới khi anh rơi vào giấc ngủ. Kéo chiếc chăn mỏng đắp lại cho anh, tôi trở dậy mặc quần áo sau khi đã xoay trở đủ kiểu nằm, đôi mắt vẫn trong veo, chẳng chịu chợp đi cho.
Tôi pha cà phê, đốt điếu thuốc lá ngoại của chồng, ngồi nhấm nháp một mình trong đêm vắng. Tôi không có ý định viết tiếp cuốn truyện, tuy rằng ngoài dòng mở đầu, tôi chưa viết thêm chữ nào, hãy giành việc đó sau khi chồng đi. Tôi cũng chẳng tưởng tượng ra cô gái sẽ làm mẫu cho nhân vật, về đêm, đầu óc tôi giống như phố xá, mọi ý nghĩ đều biến mất như xe cộ vậy. Như thế thực lý tưởng cho cả năm giác quan tiếp nhận mọi tinh túy của thuốc lá thơm và cà phê hảo hạng , rồi cả đến thiên nhiên dường như cũng muốn ban thêm cho tôi bằng luồng gió lành lạnh, ánh trăng thu muộn hắt một khoảng vàng mờ qua cửa sổ.
Ôi, đời thật đáng sống nếu như phía trước còn hứa hẹn những đêm thanh khiết như đêm nay, chẳng lo toan nghĩ ngợi gì, chẳng đè nặng một ám ảnh nào, ta cứ ngồi thế này và ngồi thế này.

                         (còn tiếp)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét