Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 29)


  NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢI



Tôi có cơ may gặp nhà văn Nguyễn Khải từ thời lý tưởng cộng sản còn mê hoặc lòng người đến mức tôi đang là học sinh tốt nghiệp lớp 10 , học sinh cá biệt, hạnh kiểm 3 vì nói năng nhăng nhít, cấm cửa đại học phải lên rừng núi Tây Bắc lao động dài hạn, ấy vậy mà chỉ hai năm sau, tôi đã trở thành “chiến sĩ thi đua toàn quốc”, được bác Hồ tặng bằng khen, được cử đi dự Đại hội lên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 3 ở Hànội, và ở đây tôi vinh dự được gặp nhà văn Nguyễn Khải.
Hồi đó tôi ngồi hàng ghế gần  Chủ tịch đoàn, ngồi hàng ghế sát tôi là hai ông trạc 30, trắng trẻo, đẹp trai, đang ghé tai nhau thì thào chuyện gì đó. Sau mới biết đó là nhà thơ Việt Phương, thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang nhờ nhà văn Nguyễn Khải góp ý bản nháp “Thư gửi đồng bào miền Nam” của đại hội.
Họp xong, tôi lại lên Tây Bắc làm thằng thợ rừng còn Nguyễn Khải vẫn  ở Hànội trong hào quang nhà văn quân đội danh nổi như cồn.
Trong đoàn “lực sĩ” chạy marathon trên “đường cách mệnh” nhằm tới   cái đích xa vời là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa : Vũ Tú Nam, Hồ Phương, Nguyễn văn Bổng,  Nguyễn Trọng Oánh, Nguyên Ngọc, Nguyễn  Minh Châu, Anh Đức …có một  “đại kiện tướng” vừa bền bỉ không mệt mỏi vừa khôn ngoan  luồn lách qua mọi chướng ngại vật, vừa “nhát sợ” phòng thân để về đích lĩnh ân sủng của Đảng :  Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật – đó là nhà văn Nguyễn Khải .
Ong sinh năm1930, ở Hà Nội , cha là tri huyện, mẹ là vợ bé, thủa nhỏ sống nhiều với mẹ ở quê ngoại Hưng Yên . 17 tuổi làm y tá cho một đơn vị bộ đội địa phương. 19 tuổi làm phóng viên báo tỉnh Hưng Yên. 21 tuổi làm báo “chiến sĩ” Quân khu 3. Sau hoà bình, 26 tuổi về công tác ở tạp chí Văn Nghệ Quân đội.Nhiều năm là Uỷ viên chấp hành Hội nhà văn.
Cứ xem quá trình ‘công tác” đủ thấy suốt đời ông là một thư lại, lính văn phòng, đeo chữ thọ sau lưng , chưa một ngày đặt chân vào chiến trường khiến ông trở nên nổi tiếng trong hai câu thơ dân gian khi ông viết “Bút ký Hoà Vanglấy tài liệu từ các bản thành tích thi đua từ trong Nam gửi ra  :
“ Hoà Vang nào ở đâu xa
Hoà Vang là ở ngay nhà đó em..”
Truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Khải là “ Ra ngoài”, “Xây dựng” chẳng có giá trị gì. Năm 1956 viết tiểu thuyết “ Người con gái quang vinh”  nữ anh hùng Mạc thị Bưởi  chìm nghỉm ngay khi mới xuất bản. Chỉ đến tiểu thuyết “Xung đột “ – phần 1 năm 1956 và phần 2 năm 1960, danh tiếng Nguyễn Khải  mới nổi lên rầm rĩ  trên bầu trời văn học cách mạng vốn còn rất thưa thớt sao.
Sau “Xung đột” , Nguyễn Khải  viết chừng hơn 20 đầu sách  khác nữa, nhưng nhắc tới ông người ta vẫn chỉ nhắc tới “Xung đột” như là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp được nhà phê bình  chính thống “gạo cội”, Giáo sư Phan Cự Đệ tâng bốc :
Từ nhiều năm nay , với tư cách là một nhà văn quân đội, Nguyễn Khải luôn luôn có mặt ở những vị trí hàng đầu của cuộc sống. Tác phẩm của anh phản ánh những mảng hiện thực mang tính thời sự nóng bỏng, đồng thời vẫn nêu lên được những vấn đề triết học, đạo đức có tầm khái quát cao. Tài năng và phong  cách Nguyễn Khải bắt đầu hình thành và khẳng định từ khi Xung đột – tập I được giới thiệu lần đầu tiên trên tạp chí Văn Nghệ Quân đội năm 1957…”
“ Xung đột” – tập 1 viết về cải cách ruộng đất và sửa sai  tại một làng công giáo toàn tòng – thôn Hỗ thuộc Giáo  phận Bùi Chu. Xưa nay viết về đề tài cải cách ruộng đất, thông thường các nhà văn miền Bắc có hai chọn lựa :
- Hoặc diễn tả nó như là cuộc đấu tranh giai cấp với mâu thuẫn đối kháng, địch ta : một bên là nông dân, một bên là địa chủ, cường hào đại gian đại ác. Cuộc đấu tranh này là “một mất một còn” , ranh giới địch – ta rõ ràng và tuyệt đối. Viết theo lối này các nhà văn được đeo chữ thọ sau lưng, rất an toàn và được “bảo hiểm” bởi lẽ họ thả sức bôi xấu phe địch – tức địa chủ và thoải mái ca ngợi phe ta – tức nông dân được Đảng phóng tay phát động. Tuyệt đại đa số các nhà văn cây đa cây đề đều theo lối viết này : “ Nông dân với địa chủ” của Nguyễn Công Hoan, “Con trâu” của Nguyễn Văn Bổng, “ Mẹ con đồng chí Chanh” của Nguyễn Đình Thi. Mặc dù được báo chí của Đảng khen “kịp thời, kịp thời” nhưng tất cả đều đi vào bến lú sông quên  chỉ vài tháng sau khi xuất bản.
- Hoặc diễn tả nó như là một cuộc đấu tranh “nội bộ nhân dân” – tức đi sâu vào chuyện “nhất đội nhì trời”, chuyện “con tố cha, vợ tố chồng”, chuyện “án oan biết oán ai” ….Viết theo lối này nhất định dễ “ăn đòn” bởi tội  “nói xấu cách mạng”, chê Đảng lúc nào cũng tự nhận sáng suốt mà sai be sai bét.. Đi theo con đường dễ vỡ nồi cơm này có rất ít người và thường là “thân tàn ma dại” như Vũ Bão với “Sắp cưới” ,Hoàng Tích Linh với “Cơm mới”, Nguyễn Khắc Dực với “Chuyến tàu xuôi”. Gần đây có cởi mở hơn, viết về cải cách ruộng đất theo kiểu “mâu thuẫn nội bộ” như “ Dòng sông mía” của Đào Thắng còn được tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2005.
Tất nhiên khôn lõi đời như Nguyễn Khải chẳng dại gì chọn kiểu viết thứ hai – tức diễn tả  cải cách ruộng đất  như là cuộc đấu tranh “nội bộ” nhân dân – tức mâu thuẫn để đi tới  thống nhất – dễ bị quy chụp, dễ bị ăn đòn là  thứ Nguyễn Khải tránh cho thật xa.
Vậy thì tốt nhất chọn lối viết thứ nhất tức diễn tả mâu thuẫn đối kháng, có tao không có mày, ta nhất định thắng, địch nhất định thua, và để an toàn hơn thế nữa, Nguyễn Khải không chọn chiến tuyến đối lập địa chủ với nông dân như các nhà văn cây đa cây đề mà chọn  tuyến đối lập có tính đối kháng : một bên là bọn phản động đội lốt tôn giáo với bên kia là những nông dân nòng cốt cách mạng, trung kiên, một lòng theo Đảng.
 Bởi thế tiểu thuyết Xung đột – Tập 1 của Nguyễn Khải thực ra là chuyện đấu tranh “địch ta” kiểu “câu chuyện cảnh giác “được vẽ vời công phu bằng văn chương câu khách.
Xung đột – Tập I xảy ra vào năm 1956, cuộc cải cách ruộng đất vừa hoàn thành với bao sai lầm và làng thôn bắt đầu sửa sai theo hướng dẫn của cấp trên. Tuy nhiên cái sai lầm cải cách ruộng đất ở đây không phải do Đảng nhắm mắt học theo kinh nghiệm Trung Quốc, quy định tỷ lệ địa chủ để cố ép tìm ra cho đủ số – viết như vậy dễ “vỡ nồi cơm”, Nguyễn Khải lái thủ phạm gây nên bao sai lầm trong cải cách  sang các …cha cố.
Ông lu loa rằng khi Đội cải cách về làng , cha xứ đã ngầm gài người  cho đội “bắt rễ” và trở thành chỗ dựa cho Đội, từ đó tố oan cho những cán bộ cốt cán của Đảng để đến nỗi họ bị xử trí như Môn, xã đội trưởng, Thuỵ, cán bộ xã…có người còn bị xử tử như Rỹ , Bí thư Chi bộ…Bao nhiêu tội lỗi đều do…nhà thờ gây ra cả, cách mạng chỉ có…mất cảnh giác chút thôi.
Thực chất trong Xung đột – tập I Nguyễn Khải đã bẻ queo sự thực lịch sử, chạy tội  cho Đảng trong việc bắn giết cả những đồng chí của mình, trút tội giết người đó sang… âm mưu thâm độc của Nhà thờ chứ không phải do sự ngu dốt sai lầm trong đường lối cải cách ruộng đất . 
Trên cái “bệ đỡ an toàn” đó, Nguyễn Khải tha hồ phóng bút trách gì nhà phê bình Phan Cự Đệ chẳng tấm tắc khen :
Người đọc như bị hút vào những sự kiện nóng bỏng trong những năm khôi phục và cải tạo kinh tế : cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh trong nội bộ nhân dân diễn ra căng thẳng , ác liệt và vô cùng phức tạp vào khoảng cuối năm 1956 ở một số vùng đạo gốc tỉnh Nam Định, khi Đảng ta tiến hành sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất và bắt đầu cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp”.
Chơi trò lập lờ đánh lận con đen, xuý xoá sai lầm của Đảng trong cải cách ruộng đất, trách gì Xung đột – tập I chẳng được cả một hệ thống tuyên truyền của Đảng kéo lên mây xanh ngay trong thời gian  Đảng đàn áp văn nghệ sĩ, khét lẹt nhất qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Trong khi những tác phẩm  phản ánh được  chút ít hiện thực khách quan như  những truyện ngắn và thơ trong nhóm Nhân văn Giai phẩm , tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân, “ Phá Vây” của Phù Thăng, kịch của Hoàng Tích Linh, Nguyễn Khắc Dực… bị đòn vọt thì hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Khải cứ nối đuôi nhau ra đời trong sự reo mừng, tâng bốc của cả một bộ máy các nhà phê bình văn học của Đảng.
Mở đầu “Xung đột” – Tập 1, Nguyễn Khải chơi trò “giật gân” miêu tả một “sự kiện động trời” ngay khi làng xã mới bước vào đợt “sửa sai” sau cải cách ruộng đất. Đó là “ Đại hội công giáo tám xứ toàn miền” với đủ các gương mặt của “phe đối nghịch” tức toàn bộ các gương mặt “phản động” của nhà thờ cũng các con chiên bị dụ dỗ và mê hoặc họp thành một mặt trận, một chiến tuyến chống lại chính quyền cách mạng. Đánh vào trí tò mò của độc giả vậy, trách gì cuốn sách không hấp dẫn ?
Bộ chỉ huy của lực lượng chống đối này gồm toàn những người khoác áo choàng thâm. Trước hết là tu sĩ Thịnh , “hoạt động phần đời nhiều hơn là phần đạo…Thầy không phải là người tu tầm thường mà là một người hoạt động chính trị xuất sắc. Năm nay thầy mới hai mươi tám mà năm hai mươi bốn đã làm tới trưởng khu Cao Mại, một tay xây dựng hai mươi bảy  ban xã uỷ, lãnh tụ liên tôn diệt cộng toàn khu…”.
Rồi đến cha Vinh là người đã “mang quân từ Phát Diệm về đốt trụi xóm, lấy thóc của nhà xứ, thóc của dân đổ đầy hàng trăm chiếc thuyền đậu kín như lá tre ở cống Cả, đã quay điện con ông Thiềm bây giờ nửa sống nửa chế,đã ngủ với cô Mến có thai ba tháng, thuốc độc chết ông trùm Thuý…Rồi thì cha Thịnh dẫu được “ đi Hà Nội họp, ăn một ngày bảy tám cân *, được  gặp cả Hồ Chủ tịch”  ấy vậy mà khi trở về giáo xứ lại dấu mặt tổ chức đại hội công giáo, xui con chiên :
Bây giờ các nơi công giáo đều nổi dậy cả rồi, chúng ta phải đòi công giáo tự trị…chiến tranh tàn khốc, chế độ đổi thay , chỉ có đạo Chúa là không gì diệt nổi…”.
Tóm lại các tu sĩ đều là loại núp áo choàng thâm làm việc xấu xa, bỉ ổi, gây hoạ cho dân cả. Chẳng hiểu khi bôi bác nhà thờ như vậy, Nguyễn Khải có khi nào nghĩ một thời mình cũng từ đó mà ra ?

                              (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét