(tiếp theo)
- Thưa cô, Bộ họp xếp danh sách tham quan CHDC Đức, cô nhắc cô Hồng Loan nói giúp... nói giúp...”
Từ nãy Bình vẫn mặc tôi đối phó, giờ thấy ông Giám đốc ảo não quá, lại sợ tôi đốp chát thì đáng thương, anh vội sốt sắng kéo ghế mời ngồi, ấn vào tay chén nước làm tôi lo rằng ông hiểu lầm vì sự có mặt của cục xà bông Camay trên bàn.
- Bác cần đi Đức lắm à? - Tôi hỏi.
- Thưa cô cần lắm , xí nghiệp tôi phải khẩn trương đổi mới qui trình sản xuất và trang thiết bị kỹ thuật...
Ông nói say sưa và làu làu như đang trình bày “ luận chứng kinh tế kỹ thuật” trước hội đồng xét duyệt cấp quốc gia. Tôi cố nhịn khỏi nổ ra trận cười như lúc nãy bởi vậy tôi đành phải nghĩ tới chuyện gì đó thật nghiêm trang, bi thiết, chẳng hạn như việc sắp ra đi của nhà thơ chiều nay tôi phải tới thăm.
Tôi tưởng tượng ra một người già đang nằm, vây quanh là những đôi mắt cảm thương, lo lắng của vợ con...rất tiếc, khi hình ảnh bi thương đó hiện dần ra trong óc , ông Giám đốc Xí nghiệp may lại xoá nó đi bằng cái giọng mỗi lúc mỗi hùng hồn bảo vệ “luận chứng kinh tế kỹ thuật” của ông. Thế là tôi cứ đứng ngẩn, dằng xé về hai phía của hai cái ngày xưa trong giáo trình mỹ học người ta gọi là cái bi và cái hài. Rất may, Bình đã cứu tôi khỏi tình trạng “phân thân” mỗi lúc một căng thẳng, anh trợn mắt, quát to :
- Tóm lại...
Ông Giám đốc Xí nghiệp ngớ người :
- Tóm lại?
Rồi như sực nhớ tới vấn đề ông đang thuyết trình vừa bị hãm đột ngột, ông chạy tiếp theo đà của nó :
- Dạ vâng, tóm lại chuyến tham quan CHDC Đức sắp tới đóng vai trò quyết định trong đổi mới quy trình kỹ thuật, đổi mới trang thuyết bị...
- Ha ha...ha ha...ha ha
Trời ơi, cái” hài” đã kéo tuột tôi về phía nó để nổ ra một tràng cười làm kinh hoàng ông Giám đốc. Không còn kịp nói với ông câu nào, tôi phóng ngay vào phòng tắm, đóng sập cửa lại và cứ thế sằng sặc cười vào cái lavabo. Lúc hết cơn, tôi ngẩng lên và nhìn trong gương thấy một bộ mặt bơ phờ, đầu tóc rối bù, đôi con mắt đỏ ngầu, nốt ruồi ngày xưa Biên Cương vẫn gọi là “giọt nước mắt giả” không bao giờ rơi, ở trên má.
Tôi đó ư? Không phải, quỷ sứ chui lên từ âm ty địa ngục thì đúng hơn. Tôi, đứa con gái gia đình nề nếp, vợ một kỹ sư Trưởng phòng, tốt nghiệp bằng đỏ Đại học Tổng hợp văn , biên tập viên Nhà xuất bản quốc gia... chẳng lẽ là cái con điên đang nhìn trừng trừng kia ấy ư?
Tôi hoảng lên, vội vội vàng vàng mở chum nước dội ào ào lên người. Bước ra khỏi phòng tắm, việc đầu tiên là vớ lấy túi trang điểm, lôi ra cục son và bút chì tô mắt tô môi, chăm chú tới mức quên cả ông chồng đứng nhìn.
- Em không biết? Ông giám đốc may tưởng em chập thần kinh thật đấy, ông ta cứ băn khoăn hỏi anh hồi nhỏ em có lần nào bị đau màng não không, trái nắng giở trời có bị nhức đầu không, đêm ngủ có nói lảm nhảm không?
- Vậy anh trả lời sao?
- Anh nói em khỏe như vâm, chẳng đau màng não, chẳng nhức đầu và đêm ngủ thì súng bắn bên cạnh cũng chẳng thấy động đậy.
- Rồi ông ấy bảo sao ?
- Ong ấy bảo lạ thật, một người có thần kinh bình thường không thể cười như vậy. Ông ấy khuyên anh nên đưa em đi bệnh viện Bạch Mai.
- Đúng đấy, có khi em phải đi khám thần kinh, không khéo em điên thật đấy.
- Khỏi đi đâu, cứ ở nhà anh khám cho...
Lợi dụng tôi thay áo, anh lại xấn tới sục vào ngực tôi.
- Thôi bố, thần kinh đâu nằm ở đó.
Tôi hất tay anh ra và lẳng lặng bước vào buồng tắm, ngắm mình trong gương. Đó, thấy chưa? Cô gái son phấn, xinh đẹp, đôi mắt lạnh lùng, cặp môi hìmh trái tim tươi ướt kia mới chính là tôi đó, chứ đâu phải cái con “Vân dại” lúc nãy.
Vậy là con người đâu chỉ có lớp vỏ bọc duy nhất là quần áo, không, còn một cái gì đó khó cắt nghĩa lắm khiến cho con quỷ sứ lúc nãy biến thành cô gái xinh đẹp lúc này. Tôi đâm ngờ ngoài quần áo ra, xưa nay tôi vẫn sống trong cái vỏ bọc nào đó mà chính tôi và những người bao quanh tôi không ai biết được. Và như thế, phải chăng mới đúng là con người? Tôi nhoẻn cười trong gương, trừng mắt lên, rồi nhăn mũi lại, đó những thứ đó toàn là đồ phụ tùng cả thôi, nếu quẳng hết đi liệu tôi sẽ thành cái thứ gì?
Tôi bước ra phòng ngoài với cái dáng uyển chuyển tự tạo khiến Bình phải ngây người :
- Sao hôm nay em đẹp thế?
Đó, thấy chưa, nếu tôi không “trình diễn” một chút, đời nào chồng tôi reo một cách thành thực thế. Hóa ra “của giả” có khi là hấp dẫn hơn “ thứ thiệt” đấy.
- Em mặc thế người ta sẽ tưởng em đi dạ hội chứ không phải đi thăm người ốm.
Ừ nhỉ, anh không nhắc, tôi quên biến mất chiều nay phải có mặt ở cơ quan để cùng ông Giám đốc, ông Trưởng phòng đi thăm cụ nhà thơ đang ốm. Nói theo nhà tu từ, trong cái “văn cảnh” ấy, tôi phải chọn một “từ ngữ” khác, khác cái vỏ bọc vui tươi, bóng lộn tôi đang khoác đây.
Bình nhìn tôi chăm chú chợt phá ra cười :
- Em mới mua cái áo này của ai thế ?
Tôi cúi xuống dòng chữ in trên ngực áo, chợt hiểu, khỉ thật, sao lú lẫn ruột gan đến thế, chiếc áo pull này mua lại của bà phòng hành chánh mới thăm con trong Sài Gòn ra, tôi thích cái màu vàng tơ và cái dáng khỏe khoắn của nó, cứ để giành mãi trong tủ, giờ mới hứng lôi ra mặc.
- BON VOYAGE... chúc cụ thượng lộ bình an...ha ha...
Bình reo lên, cười cùng cục như chọc tức làm tôi nóng mắt :
- Có cái gì lạ đâu mà cười ?
Ừ nhỉ, có gì lạ đâu, người ta sinh ra ai chẳng phải chết, chết cũng là một hành trình, một chuyến đi chứ sao,vậy thì chúc tụng trước khi lên đường thì có gì lạ.
Bình cãi :
- Nhưng mà cụ ấy chưa chết.
- Anh thật dở hơi, chưa chết thì mới chúc chứ, chết rồi còn biết gì nữa mà chúc.
Tôi toét miệng ra cười khiến Bình xích lại nhìn chòng chọc vào mắt tôi :
- Em có loạn thần kinh không đấy ?
- Có anh loạn ấy, thôi xê ra cho tôi đi .
Tôi vớ mấy cuộn băng nhét vào túi xách bước ra cửa.
- Vân, quay lại thay áo đã.
Kể ra anh đừng gọi tôi như quát thế, đừng chọc tức tôi bằng hồi cười cùng cục như nước chảy trong ống, đừng cãi lý tay đôi, nhất định tôi sẽ vui vẻ thay áo khác, thậm chí có thể mặc áo sơ mi đen đến thăm người ốm cũng được. Tuy nhiên, mọi việc đã diễn ra không như thế, tự ái của tôi đã nổi đùng đùng, nó đẩy tôi phăng phăng dắt xe khỏi nhà, ở đầu khu tập thể, tôi “vấp” ngay phải ông Giám đốc may nếu tôi không lầm, ông có ý chờ sẵn.
- Chào cô Vân đi làm.
- Chào bác...
Nếu không có việc nhờ cậy kia hẳn ông sẽ nhìn xoáy vào ngực tôi trong cái pull này, ý thức mục tiêu của ông ghê vậy đấy, đè bẹp cả dục vọng bản năng. Bởi vậy, không nhìn vào tôi, mắt ông cụp xuống :
- Cô Vân không kiếm lấy cái Babetta đi cho đỡ vất vả.
- Tôi phải đi xe đạp cho bớt phì bác ạ.
- Ồ, cô nói chơi vậy thôi
Ông bẽn lẽn nhìn xuống cái bụng khổng lồ của mình có thể giấu giếm mọi thứ ở bên trong trừ ra thể tích của chính nó. Cũng may lúc nãy tôi phanh kịp khi ông nhào tới đón đầu xe đạp, nếu không hẳn bụng ông sẽ nổ như quả bom.
- Bác yên tâm, chiều nay tôi sẽ tới Hồng Loan nhắc chuyện đó.
Ông reo lên, lắp bắp cảm ơn, hứa hẹn chuyện gì đó chưa kịp nói hết tôi đã nhảy lên xe đạp đi để mặc ông ta nhìn theo với ánh mắt mà tôi chắc nếu quay phắt lại hẳn nhìn thấy ông ta bối rối.
Bà trưởng phòng hành chánh giơ cả hai tay lên trời khi thấy tôi dắt xe vào cơ quan.
- Ôi giời, sao cô tới muộn thế, các ông ấy chờ cô cả tiếng đồng hồ, thôi, họ đi mất rồi.
- Vậy cháu khỏi đi.
- Không , cô phải đến đó chứ, ông Giám đốc dặn rồi, cô phải đến đó.
Bà hốt hoảng làm như nếu tôi không đi, trách nhiệm sẽ trút hết lên đầu bà. Cô nên đi, nghĩa tử là nghĩa tận, cụ ấy gần đất xa trời lắm rồi. Trưa nay người nhà đến báo lần nữa, mà tôi thấy cụ ấy quí cô lắm đấy, lần nào tới lãnh tiền, cụ ấy cũng hỏi cô trước tiên. À, mà này, cái áo bữa trước nhiều người cứ chê màu dợ quá không dám lấy, thế mà cô mặc lại hợp, gớm, cứ nõn nà như con gái còn tân ấy thôi...
Bà nắm lấy ghi - đông xe tôi, vừa đi vừa nói líu lo liên hồi như thể nếu dừng lại, tôi sẽ đổi ý không đi nữa thì chết bà. Ra tới tận ngoài đường bà mới đẩy tay vào người tôi, thở ra:
- Đạp nhanh lên không mấy ông ấy chờ. À mà đi thăm người ốm sao lại mặc cái áo ấy?
- Vậy để cháu về thay áo khác.
- Thôi thôi, vẽ chuyện, mặc gì chả được, cốt nhất là ở cái tấm lòng.
Bà hốt hoảng đẩy mạnh xe tôi cái nữa và yên chí rằng tôi đã đi, bà xoa tay, thở phào...
(còn nữa)
_______
(*) Bon voyage: chúc lên đường bình yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét