(tiếp theo)
6.
Bao giờ cũng thế, là người con gái độc nhất phòng, tôi mở đầu ngày làm việc bằng cầm cái chổi đưa chiếu lệ trên sàn gỗ “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy” rồi bưng ấm chén cáu cặn trà xuống bếp lấy tro cọ thật trắng cho các ông biên tập ra sức bôi đen bằng thứ nước trà đặc quánh . Chỉ nguyên hai việc mở đầu một ngày đó cũng đủ làm ông Trưởng phòng hài lòng, bỏ qua cho tôi các tội tày đình khác: nào chậm đọc bản thảo, nào giữa giờ bỏ đi chơi, nào hẹn cộng tác viên tới làm phiếu tạm ứng mà tôi lại mất mặt. Tuy vậy, lần nào cái việc “tối quan trọng” ấy, tôi đều ghi lên bảng để dù mưa bão, ô tô chẹt ngoài đường, tôi cũng cố sống cố chết có mặt ở cơ quan vào đúng giờ hẹn. Sáng nay tôi đã viết xong giấy tạm ứng cho nhà thơ X., nhà thơ lớn cấp quốc gia, tác giả tập tuyển thơ tháng trước ông Giám đốc ra lệnh phải đưa vào cả bài “Thu thuế nông nghiệp” lẫn bài “Cõng con đi kể khổ”.
Tôi thi hành vượt mức cả yêu cầu của ông, bao nhiêu bài lớn, bài nhỏ tôi chọn tất, trừ mỗi loại thơ tặng các cô gái “ái mộ” rải rác trên toàn quốc là chưa sưu tầm được, công việc lớn lao đó đành phải giành cho các thế hệ sau.
Ông giám đốc rất hài lòng, phần thơ sau cách mạng rõ ràng đánh máy dày gấp đôi phần trước cách mạng, điều đó chứng tỏ thực sự cụ X : “đã lột xác tiểu tư sản trí thức để trở thành một người lính tiên phong trên mặt trận văn hóa nghệ thuật phục vụ công nông binh” như cụ đã viết trong bài mở đầu tập tuyển.
Phần biên tập của tôi đã xong, ông giám đốc lại ra lệnh gấp cho bộ phận chạy in. Cụ X năm nay đã ngoài cái tuổi xưa nay hiếm, tuy vậy ở độ tuổi 75, cụ không được khỏe như nhiều cụ khác, phải chống batoong,và cứ mỗi lần tới nhà xuất bản, tôi lại thấy cụ bớt đi nhiều cái sang sảng trong giọng nói lúc nào cũng véo von như ngâm thơ. Lần đầu tiên được tiếp cụ, tôi kính nể lắm, chắp tay lại, lễ phép : “chào cụ ạ...”
Lập tức cụ sầm mặt, ông Trưởng phòng vội ghé tai :
“Gọi bằng chú thôi”.
Từ đó tôi mới hiểu trong ngôn ngữ của ta, đang có chiều hướng loại bỏ chữ “cụ” nhất đối với các nhà thơ, nếu bạn nghi ngờ điều này, xin mời đón đọc tập tuyển thơ cụ X, tập I có in bài tặng em Lan, tập 2 có bài tặng em Cúc, hai bài thơ cách nhau nửa thế kỷ, cụ vẫn cứ xưng “anh anh, em em” ngọt sớt.
Tôi ngước nhìn đồng hồ, nhà thơ đã quá hẹn nửa tiếng, một sự lạ so với mọi lần cụ đến lĩnh tiền. Ong Trưởng phòng và các ông biên tập vẫn quây quần quanh bộ xa lông và đã thay tới ấm trà thứ ba.
Đề tài “bù giá vào lương” đã nhường chỗ cho “chống bao cấp xuất bản” trong câu chuyện liên tục sôi nổi suốt từ đầu giờ, nều như có băng cátxét ghi lại, mấy ông hẳn chết ngất khi nó tới tai cấp trên.
Tôi tiếc cho các nhà phê bình, nếu thuê tôi ngồi ghi chép mọi câu chuyện nghe được ở cái phòng biên tập này, hẳn các ông có nhiều phát hiện độc đáo khó đưa được vào các bài viết vốn dĩ cân nhắc kỹ lưỡng từng dấu phẩy của mấy ông.
- Cô Vân có khách.
Tiếng ai từ dưới cổng vọng lên làm tôi nhẹ cả người. Vậy là tôi đã có cớ để chuồn, cụ X. đã trễ hẹn cả tiếng ông Trưởng phòng chẳng còn trách tôi bỏ hẹn được. Tôi hí hửng khóa ngăn kéo, xách túi xuống cầu thang. Bà con gái nhà thơ chờ tôi ở phòng khách làm tôi châng hẩng, lại phải quay lên rồi.
- Ông cụ tôi bị mệt, tôi tới lĩnh thay.
- Chết, cụ mệt có nặng lắm không cô?
- Hai hôm nay chỉ nằm một chỗ húp nước cháo thôi.
Vậy tôi nguy rồi, ông Trưởng phòng giao tôi việc thu băng tiếng cụ đọc thơ, sau này cụ có nằm xuống, Nhà xuất bản sẽ có tư liệu quý về một nhà thơ nổi tiếng cấp Nhà nước, chắc chắn nhận giải thưởng Hồ Chi Minh. Việc này lẽ ra phải làm lâu rồi, nhưng cứ nấn ná mãi, nếu chẳng may cụ vội đi, tôi chưa kịp thu băng, ông Trưởng phòng chắc kỷ luật tôi. Tôi vội dắt bà con gái nhà thơ xuống tài vụ lĩnh tiền rồi phóng ngay lên gác gặp ông Trưởng phòng :
- Chú ơi, nguy rồi, cụ X. mệt nặng.
- Vậy hả ? Cô xuống báo phòng hành chính chuẩn bị xe và quà chiều nay ta tới thăm.
- Nhân tiện ta thu băng luôn.
Ông Trưởng phòng suýt ngã ngửa vì cái việc quan trọng thế mà tới tận giờ tôi chưa chịu làm. Ông định cằn nhằn, may quá, ông Giám đốc bước vào. Ông Trưởng phòng nguội hẳn khi ông Giám đốc khen tôi đã làm tập tuyển của nhà thơ X. rất đầy đủ.
- “Cụ ấy đang ốm nặng đấy”
Ông Trưởng phòng trịnh trọng báo tin làm tôi ngạc nhiên vì nhà thơ được lên chức “cụ” quá nhanh. Cả ông Giám đốc nữa, ông cũng không gọi nhà thơ bằng “ông” nữa, ông ra lệnh:
- Chiều nay ta sẽ đến thăm cụ ấy. Cô Vân xuống báo hành chính chuẩn bị.
Tôi vội phóng xe về nhà, may quá trưa nay Bình không ở lại cơ quan. Vừa hớt hải lên cầu thang, tôi hỏi ngay :
- Cái radio- cátxet của mình còn thu băng được không ?
- Để lát nữa anh phải thử lại, nhưng có việc gì thế?
- Thu cụ X. ngâm thơ…
- Lại phát trên Đài nhân ngày giải phóng Thủ đô chứ gì ?
- Cụ ấy ốm nặng kề miệng lỗ rồi còn thiết gì. Thu băng làm tư liệu thôi.
Bình vỡ lẽ, gật đầu :
- Giá như có máy quay phim ghi hình thì tốt.
- Thôi ông, bán cả Nhà xuất bản cũng chả sắm nổi .
Bình còn dài dòng về sự tân tiến của các nước phương Tây, triển vọng kết hợp giữa máy tính và máy thu hình làm tôi sốt ruột suýt nổi cáu, anh mới chịu lôi ra cái rađio - cátxét trên hộc tủ.
Hồi mới mua lại của Điền, anh bạn kỹ sư thủy văn, chẳng tối nào là anh không lôi thu hết ca nhạc, tiếng nói chính anh rồi cả chương trình dạy tiếng Anh đài BBC. Được vài tháng, cơn sốt ghi băng qua đi, anh xếp hết vào tủ, chiếc máy chỉ còn dùng thỉnh thoảng nghe tin thời sự và buổi tiếng thơ vào lúc anh leo lên giường. Bây giờ anh lôi hết cả ra, hí hoáy chọn băng cátxét, nói thử vào micrô :
“Một, hai, ba, bốn, năm, sáu... anh nói em nghe rõ không ?”.
Tôi phì cười:
- Anh gào tướng lên thế làm gì máy chẳng thu được. Thử nói thều thào giọng cụ già ốm nặng xem sao?
Nghe lời tôi, anh nói thầm:
- Một, hai, ba...tôi là nhà thơ Kiều Vân đây, tôi là nhà thơ Kiều Vân đây. Một, hai, ba... tôi xin đọc một bài thơ tình.
Anh cất giọng ư ử như người sốt rét. Không biết là do băng cũ hoặc do điện yếu, lúc thử lại, tiếng anh thều thào, khò khè như người hấp hối đang dối dăng :
“Xích lại gần đây thêm chút nữa
Hôn anh đi trời chưa ngã chiều hôm...”
Trời ôi, tôi không thể nào không phá lên cười.
- Ha ha...ha ha...ha ha...
Lợi dụng lúc tôi lăn lộn trên giường, Bình xấn lại làm tôi càng cười to :
- Ha ha...ha ha...ha ha...
Khi áo ngực tôi xổ tung, một người ló vào rồi lại thụt ra làm tôi im bặt, chết chửa, quên không đóng cửa. Tôi đẩy vội Bình ra, sửa lại khuy áo, quát ra ngoài :
- Ai ngoài đó, xin mời vào.
Trời tưởng ai, ông Giám đốc Xí nghiệp may mặc, lão này kỳ quặc, giờ nghỉ trưa của vợ chồng người ta.
- Vợ chồng trẻ vui vẻ quá nhỉ ?
Ông ta nói một câu thật vô duyên rồi cứ đứng đực ra, gãi đầu cười ngớ ngẩn. Tôi đoán chắc ông ta chỉ cần mỗi cái việc nhờ cậy bữa trước, nên nói ngay:
- Tháng trước tôi đã nói với Hồng Loan giúp bác rồi.
- Cảm ơn cô nhiều lắm. Có chút quà... gọi là... gọi là...
Ông rút trong túi ra cục xà bông Camay rụt rè đặt trên bàn. Phải nói thực tôi rất thích loại này, nó thơm mát dịu chứ không gắt quá. Tuy nhiên túi tiền của cả hai vợ chồng không cho phép tôi dùng thường xuyên loại xa xỉ này. Ông Giám đốc may mặc chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà rành tâm lý đến thế?
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét