Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 30)



                                  (còn tiếp)

Trong đám tay chân đắc lực của các cha phải kể đến cô Lý, đẹp  nhất nhì trong làng, nhưng lại “ làm ruộng không biết, đi buôn không vốn, hoạt động đoàn thể cũng không nốt, nào ai biết cô ả làm gì, chỉ thấy đi suốt ngày đi cả đêm. Thời  tạm chiếm Lý là tay đưa tin đắc lực của đại đội cha Báu, từ ngày cha Vinh về thì lại là tay chân thân cận của ông Vinh…đặc biết có cảm tình với tu sĩ Thịnh…”.
Tay chân đắc lực cho các cha còn có anh Quảng, con trai phó trương xứ “mười bảy tuổi đã sung vào đội quân của cha Báu, mười tám tuổi chuyển qua đội quân com-măng-đô, ít lâu sau được  cử làm người hộ thân cho viên quan năm chỉ huy quân sự miền hạ Nghĩa Hưng…”Khi bàn đến việc đánh cán bộ, Quảng hăng hái :
” Nó có dao sắc mình cũng có dùi bén. Một trăm người không đánh nổi vài đứa à ? Có cần tử vì đạo tôi cũng xin dâng mình…”.
Tóm lại, phe “phản cách mạng” nhân danh Chúa đều gồm những con người ghê gớm, dạn dầy kinh nghiệm chống nhà nước cộng sản.
Bên phía cách mạng có Thuỵ là đội trưởng du kích, mặc dù bị truy ép tàn khốc trong cải cách ruộng đất vẫn khăng khăng :
Làm việc vì Đảng, đừng làm cho người ta khen. Những kẻ có ác ý không biết nhưng Đảng tối cao, thiêng liêng sẽ biết , sẽ dành phần thưởng sau này…”.
Có Môn, xã đội phó, là một trong bốn  người bị giáo Thịnh bố trí “kích” lên thành đầu sỏ Quốc dân đảng ở xã. Sau khi hai trong bốn người đó, một bị xử bắn, một tự tử, Thuỵ và Môn mới được tha bổng và phục chức cũ. Chính quyền xã lúc này đang “non yếu”, dân quân du kích phần lớn là giáo dân tin theo nhà thờ, xã đội trưởng thì mải đi buôn, Chủ tịch xã là chị Nhàn thì lại hay bận đi…họp huyện. Thế là sau vài ngày họp trù bị, bầu không khí thù ghét cải cách ruộng đất, thù ghét Đảng và Nhà nước trong đại hội công giáo đã dâng tới mức các giáo dân hô khẩu hiệu  chống cộng :
“ Đả đảo đội cải cách ruộng đất “
“ Đả đảo”
“ Đả đảo chính sách của Đảng Lao Động…”
“ Đả đảo”…
Tới lúc đó cha Thuyết mới chính thức ra mặt chủ trì “đại hội công giáo toàn miền” đòi lôi cổ những người đã tố cha Vinh ra đại hội để hỏi tội. Nực cười thay, đứng giữa đại hội, anh nông dân tên Hạ đã không thanh minh cho cha Vinh thì chớ , ngược lại còn tố cáo cha :
ngưỡng cửa buồng cha lẽ ra phải rất trong sạch , đàn bà bước qua phải thay ngay ngưỡng cửa ấy, tại sao có người ngày nào cũng bước qua mà ông Vinh vẫn không thay…tại sao ông Vinh lại đeo lon quan ba dẫn quân bốt Thạch đi càn quét…”
Người thứ hai được bố trí lên “minh oan” cho cha Vinh cũng “phản cung” như Hạ, thế là “màn kịch” của “phe nhà thờ” dầy công dựng lên bị đổ bể ngay từ đầu.
Người ta phải đặt câu hỏi với  nhà văn Nguyễn Khải tại sao “nhà thờ” vốn được  ông mô tả vô cùng gian ngoan, xảo quyệt, mưu sâu, đòn độc vậy sao lại dựng lên một màn kịch vụng về vậy ? Phải chăng họ ngờ nghệch đến thế ? Chắc vì nhà văn đã nhiễm sâu trong máu nguyên tắc “ta là thiện, là tốt đẹp, giỏi giang” – “địch là ác, là xấu xa, ngu dốt” nên mấy ông cha cố mới bị bôi bác ngờ nghệch đến thế.
Sau thất bại “minh oan “ cho cha Vinh , đại hội cử ngay ra một đoàn đi bắt “hai con quỷ dữ” là Môn và Thuỵ – cốt cán của cách mạng- tới đại hội để giáo dân hỏi tội. Hai ông này thân cô thế cô nên đành phải mài sắc hai con dao chờ sẵn ở nhà. Mặc dầu nhà Thuỵ có một tiểu đội bộ đội đóng quân nhưng không dám can thiệp cứ đứng nhìn “người của đại hội” tới bắt Thuỵ và Môn. Đến khi Lý và Quảng hai người tích cực nhất xông vào đánh Thuỵ, tiểu đội trưởng bộ đội mới xông vào can ngăn. Chỉ chờ có thế, Quảng va chạm vào người anh bộ đội rồi  tự thọc ngón tay cào rách màng  lỗ mũi,máu rỉ ra một dòng nhỏ , hai tay hắn đưa lên quẹt khắp mặt , mặt lem nhem máu  rồi lăn ra giả vờ chết. Thế là “tin dữ” bộ đội giết dân loang ra khắp làng khắp xóm :
Chuông bắt đầu đánh chính thức loan báo “tin nổi dậy” cho toàn xứ, cho các xứ khác. Trống thôi thúc từng nhịp.Người từ các dong xóm vì tò mò lặng lẽ kéo đến mỗi lúc mỗi đông…”
Anh bộ đội tên Nẫm bị giáo dân lôi ra đánh đập, hành hạ với những lời chửi bới :” thằng bộ đội khốn nạn đánh cả dân , ai đóng thuế nông nghiệp nuôi cho nó ăn béo, ai dệt vải cho nó mặc để nó vô ơn bạc nghĩa đi bênh mấy thằng quỷ ở xứ này. Có người đòi phải lấy đanh đóng vào tay chân nó phơi mưa…”
Cha xứ bấy lâu nay vẫn dấu mặt đến lúc này thấy cần phải chường ra để  “chăn dắt con chiên”, bởi vậy cha Thuyết thân chinh đi tới chỗ quàn “cái xác” Quảng  lật chiếu nhìn mặt Quảng. Ôi có lẽ nó đã qua đời rồi, nó không còn thở nữa. Cha mở hộp dầu thơm nức dúng tay  làm dấu vào trán Quảng , vào hai lòng bàn tay, hai gan bàn chân , vừa nguyện bằng tiếng la tinh. Tiếng đọc kinh nổi lên rền rĩ :
“ Lạy Chúa Ki-ri-xi-tô thương xót chúng tôi, xin Chúa thương xót chúng tôi…”
Tiếng chuông đánh nhịp hai tiếng một điểm hồi dài, báo tin một linh hồn kẻ lành được lên nước thiên đàng hưởng phúc thanh nhàn đời đời. Xác Quảng được liệm bằng chăn khiêng vào trong nhà để chính gian giữa…”
Vậy là nhà thờ đã tạo ra cái cớ “bộ đội giết dân” để kêu gọi giáo dân toàn miền vùng dậy lật đổ nhà cầm quyền  cộng sản. Tiếc thay, cái quả bom nổ chậm ấy, cái căn nguyên để khởi nghịch đó lại vỏn vẹn chỉ là cái chết giả vờ của một anh chàng ngờ nghệch chỉ có mỗi cái máu “chống cộng” hăng tiết vịt  . Liệu các cha  Thiên chúa giáo của cả một  giáo xứ có ngây thơ , ngớ ngẩn như vậy chăng, hay nhà văn Nguyễn Khải vẽ vời vậy ?                                                                           

Quả nhiên cái vụ Quảng giả chết để vu vạ cho bộ đội lập tức bị lật tẩy một cách dễ dàng khi chị Nhàn – Phó Chủ tịch xã đi họp huyện về yêu cầu “ phải khám nghiệm tử thi làm biên bản rồi cho chôn luôn”. Vợ “người chết” sợ quá ôm chặt lấy ‘xác chồng” không cho động tới và ngay tối  đó  hai mẹ con Quảng đem võng đến cáng hắn về. Khiêng qua cầu sang xóm bên kia, đường vắng lặng, Quảng thò cổ ra nhìn quanh không có ai, y nhỏm dậy nhảy ngay xuống đất rồi chạy vụt vào một cái ngõ sâu thẳm…”.
Vậy là “âm mưu” của nhà thờ vu cáo bộ đội giết dân để làm ngòi nổ cho cả phong trào “giáo dân nổi dậy” chống chính quyền bị phá vỡ một  cách quá dễ dàng và…lãng xẹt. Cuộc XUNG ĐỘT giữa nhà thờ và chính quyền cộng sản tưởng là ghê gớm lắm, rút cuộc chỉ một chị Phó Chủ tịch xã ra một cái lệnh là “âm mưu của  nhà thờ” bị tiêu tan.
Tất nhiên vụ “Đại hội giáo dân” kích động dân làm loạn tuy có qua đi nhưng xung đột  giữa “nhà thờ” và “cách mạng” vẫn còn đó. Nó len lỏi vào các gia đình gây nên những ‘bi kịch” mà gia đình anh bộ đội Tường là một thí dụ tiêu biểu. Sau mấy năm xa nhà, nhân dịp tết  được  nghỉ phép, Tường tưởng sẽ được hưởng không khí gia đình đầm ấm sau những năm tháng xa nhà, ngờ đâu vừa đặt chân về nhà anh đã va ngay phải cuộc xung đột giữa “nhà thờ” và “cách mạng”.
Trước hết  là cái Khoai, đứa con gái của Tường “ nó không vồ vập, không cười, đứng né sang một bên cho bố nó dắt xe đạp  vào, mắt ngước lên lấm lét như nhìn người lạ luồn ngay ra đằng sau lủi chạy mất”..
Con đã xa cách thế, đến bố cũng vậy  :
Bố thấy con trai lần  đầu về ăn tết với gia đình từ ngày đi bộ đội cũng không vui, cũng có vẻ hậm hực …”.
Tại sao vậy nhỉ ? Hoá ra vẫn là “xung đột” giữa “nhà thờ” và “cách mạng”. Bố anh trách :
Dạo đầu năm vợ mày lên thăm, mày định giật ảnh tượng của vợ mày, bảo những cái ấy là vô tích sự phải không ?...Dù mày có là bộ đội nhưng trước hết vẫn là bầy tôi của Chúa, vẫn là con tao. Mày không được ăn nói bậy, nghe không ?”
Rồi mặc cho anh con trai thanh minh,ông vẫn kể tội :
Hôm ấy vợ mày nói với mày xin đánh tượng vàng đeo , mày bảo :” Chẳng đạo gì bằng đạo ăn, để tiền mà đong thóc với lại “ có người lạc hậu mới tin đạo..Tao nghe chuyện ấy đã định viết thư lên bảo thẳng với các cấp chỉ huy của mày là không biết dậy con tao để con tao thành kẻ vô loài, rồi tao sẽ từ mày, hiểu chưa ?”.
Cứ như  thế những ngày Tường về phép ở nhà là những ngày “chiến tranh ý thức hệ” – tình cảm thiên nhiên của vợ chồng, của cha con dường như đã bị vót nhọn  trơ lại có mỗi “xung đột” giữa “chúa và bộ đội”. Ngày Tết họ hàng tới thăm nhau , trò chuyện cũng toàn mùi “chính trị”.
Quảng , cháu của Tường vừa gặp lại chú đã lên giọng khiêu kích :
Độ này chú tiến bộ làm đến cấp gì rồi ? Gớm , các ông bộ đội chính trị bỏ mẹ…À…à…bốn túi đây mà , đại đội hay tiểu đoàn ? Áo vải chắc là đại đội …chú đi bộ đội lâu thế vẫn là đại đội thôi à ?”
Rồi Quảng xoay sang chuyện chính trị thật :
Chú đi xa không rõ. Ở nhà vừa rắc rối lắm. Bộ đội đánh dân nhưng uỷ ban lật lọng thế nào lại hoá ra nhân dân đánh bộ đội…Mấy thằng phản  Chúa hại dân lại ra làm việc rồi. …Chú xem , chúng nó ra nhận việc hôm trước hôm sau hạ lệnh bắt người ngay, không hiểu đem đi buộc đá bỏ biển hay tù đày mãi đâu chẳng thấy tin về. Cứ như tình hình này có lẽ chính phủ muốn tiêu diệt công giáo chắc…”
Thế rồi khi hết phép, vào lúc chia tay, Tường thưa chuyện cùng bố mẹ lại cũng là chuyện…chính trị :
Cách mạng nổi lên hai anh em con mới ra khỏi nhà mụ Bao, từ bấy đến nay con ăn cơm bộ đội, mặc áo bộ đội, được bộ đội dậy dỗ thì sống chết với bộ đội. Còn bố mẹ sợ luỵ vì con , không muốn nhận con nữa thì cứ việc làm giấy lên uỷ ban mà từ. Con xin chịu…”
Cứ như vậy, ông con trai bộ đội về phép chẳng bàn bạc gì được chuyện làm ăn kinh tế sao cho bố mẹ, vợ con  ăn sung mặc sướng lại sa đà vào toàn chuyện “chúa” với “cách mạng”. Sự thực quan hệ gia đình, họ hàng khi đứa con phương xa trở về trong những ngày tết thiêng liêng có đến nỗi rặt một mầu chính trị như thế không. Hay là từ cái tựa “xung đột”  của tiểu thuyết và bài học nằm lòng của chủ nghĩa Mác đã ăn sâu vào tác giả :” tiến hoá là sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập” khiến ông nhà văn nhìn vào đâu chỉ cũng chỉ thấy có xung đột chính trị.

                      (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét