Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 32)




                                
                                       (tiếp theo)

Chủ tịch xã Môn là người “đạo gốc”, một “con chiên” của Chúa, nhưng nay đã trở thành “ con sói ” giữa bày cừu , “ một trong những địch thủ nguy hiểm nhất của nhà  xứ “, “không thích làm những việc vụn vặt , tầm thường , bao giờ cũng đảm đương những nhiệm vụ khó nhất, phức tạp nhất người khác không làm nổi “, là một người “ốm cũng không dám nằm thật, bị cảm đã mấy hôm vẫn ra trụ sở , hay “ngồi nhà nhưng vẫn giải quyết công việc …vui lòng hy sinh đời mình cho công tác” .
Người  thay mặt chính quyền “ mácxít hơn cả những người cộng sản”  vậy tất nhiên cán cân phải lệch về phía cách mạng trong cuộc đấu tranh “quyết liệt” “ai thắng ai” .
Thực ra “ai thắng” quá rõ rồi, và đó không phải ”đấu tranh một mất một còn” giữa hai bên, mà chính là cuộc trấn áp tất cả những gì gây nguy hại tới quyền lực của Đảng. Bởi thế người ta thấy mối quan tâm của ông Chủ tịch xã Môn chẳng nhằm phát triển sản xuất nâng cao mức  sống cho dân mà chỉ nhăm nhăm để ý coi nhà thờ có biểu hiện gì xâm phạm tới “đường lối của Đảng và Chính phủ”.
Từ việc nhỏ như  xứ đạo mổ trâu ăn mừng Ban chánh trương mới ra mắt phải xin phép tới thành lập hội kèn phục vụ lễ rước cũng thành chuyện “trong đại” phải xem xét bên trong có âm mưu chống phá gì không ? Khi “duyệt” cho nhà xứ thành lập đội kèn, ông Chủ tịch Môn còn đặt điều kiện :
“ Người trong hội kèn chỉ biết có thổi kèn thôi, ngoài ra không được  làm những việc gì khác, nói rõ ra là không được làm chính trị. Nếu có thế nào thì ban chánh trương phải chịu trách nhiệm. Còn nếu bằng lòng đặt dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban thì cụ thể phải nằm trong khối văn xã…”
Ôi thôi, thế thì Đảng cho người thay cha “quản lý” việc đạo cho rồi.
Cán bộ Đảng được Nguyễn Khải ca ngợi một tấc lên trời, ngược lại,   các cha đạo không “hám gái”  cũng “hám tiền”.
Ở xứ đạo có một bà goá mới ngoài 40, “nhưng còn tươi tắn khoẻ mạnh lắm, khi ông bõ ở nhà xứ chết thì ban chánh trương cắt cử bà vào thay.”
  Bà goá này “ngày hai bữa cơm dâng cha và các chú ăn, giặt giũ quần áo , chăn lợn, làm vườn , dần dần cai quản cả thóc lúa và việc chi tiêu trong nhà xứ. Đêm bà cũng không về nhà cứ ngủ trong cái buồng kho.”
Có người đàn bà phây phây bên cạnh, làm sao cha không động lòng trần tục. “Khi thì bà lên buồng cha Vinh bưng cơm rót nước, khi cha Vinh xuống buồng bà hỏi han công việc. Có một buổi trưa cha đang ngủ bà sai cháu lên buồng cha gọi :” Cha ơi cha, bà con bảo cha cởi áo cho bà con vá…”
Ngoài chuyện “gái gủng” ra, các cha còn tìm mọi cách moi tiền của giáo dân .. Ông Bính, một con chiên ngoan  đạo nhận xét :
“ Các cha xứ từ trước đã ăn mười phần thì nay nên thương con chiên mà ăn năm thôi. Các cha tải của về quê có nhiều chứ ăn là mấy . Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng, các cha không có vợ thì cho bố mẹ, anh em, bà con…”
Còn cha Thuyết thì thu tiền của giáo dân theo giá “cắt” cổ :
Ông kể lại một hôm ngồi hầu cơm cha Thuyết, được nửa bữa có người đến hỏi :
“Lễ sáng nay làm cho linh hồn vừa mới qua đời hết bao nhiêu ?”
Cha vừa ăn vừa trả lời :
“ Hai vạn”
Người kia móc tiền để vào đĩa, bốn tờ giấy năm nghìn còn mới . Bữa cơm chưa xong đã có tốp đến mười bà dòng vào cũng để tiền vào đĩa dâng lên. Cha ngưng đũa hỏi :
“ Tiền gì?”
“ Trình cha tiền tứ kỳ” *
“ Mấy vạn”
“ Trình cha ba vạn mốt…”
Cha lại cuộn tiền cho vào túi. Cha ăn chưa hết bát cơm mà được món bổng những hơn năm vạn, mình vai vác cầy, tay dong trâu, làm hang đá, dựng đèn đại khó nhọc hàng tháng chẳng được xu nào…”
Các cha đạo có “ăn tiền” như cán bộ ngày nay ăn phong bì không ? Hay ông nhà văn “bôi bác”, “vơ đũa cả nắm” ?
Hình như đã “ấn định” viết tiểu thuyết với chủ đề ‘xung đột” nên chẳng riêng gì các cán bộ cốt cán như Môn, Nhàn, Thuy…mà ngay chính nhà văn Nguyễn Khải nhìn đâu cũng thấy “xung đột”, nhìn cái gì cũng thấy “địch phá hoại”.
Năm ấy thôn Hỗ được mùa, “no ăn cho nên thanh niên đua nhau chơi diều sáo….Thanh niên chơi, cán bộ chơi, cả cụ già cũng thả diều…Ong trùm Hoà nói chuyện với Môn, với Nhàn, với các cán bộ của xã :” Đấy, nhờ sự lãnh đạo của Uỷ ban, năm nay thôn nhà vui vẻ quá, đàn sáo suốt đêm…”
Chơi diều ở nông thôn là chuyện bình thường, nhưng tác giả cũng cố gài cho nó một ẩn ý “chính trị” :
“ Thôn xóm đương sầm uất vì việc đạo , vui vẻ phần đời thì vợ Liêu ngồi bán hàng ở chợ Hỗ rỗi mồm kháo chuyện :” bây giờ ở dưới đất các ông cán bộ tranh hết phần nói nên dân lại phải làm mồm ở trên giời…”
Thế là lập tức nhiều người phụ hoạ :
”Đấy, nghe kỹ mà xem, cái sáo nó cứ kêu : cha ơi…cha ơi…cha ơi….”.
Thế rồi một số người xì xào to nhỏ với nhau :
“ Bây giờ hoạ cộng sản dâng lên như nước thuỷ triều, không thể đối địch với chúng được , càng cựa càng bị giây pháp luật thít chặt  đành phải nhờ tiếng sáo nó kêu khắp bốn phương may ra có thấu đến Chúa , đến đức Mẹ , đến các cha ở miền Nam không ?”
Vậy là giống đội cải cách “phóng tay phát động quần chúng” nhìn đâu cũng ra địa chủ, qua tiếng sáo diều ông nhà văn cũng nghe thấy tiếng nói cuả  bọn “phản động”.
 Sau vụ “sáo diều”  đến vụ làm “nhà nguyện”.
Cũng nhân dịp năm nay làm ăn xởi lởi nên một vài xóm rục rịch dựng nhà nguyện để sớm tối giáo hữu đến đọc kinh , đỡ phải lên mãi nhà thờ xứ…”.
 Thông thường, chuyện dựng nhà nguyện có gì ghê gớm, nhưng ông nhà văn cũng lồng vào đó “âm mưu phá hoại  của nhà thờ”. 
Thế là nhân dịp Chú tịch xã Môn đi vắng nửa tháng, ông trùm Hoà xin phép bà Phó Chủ tịch Nhàn dựng nhà nguyện. Bà này lý luận :
“ Đứng về phía chính quyền mà xét thì việc dựng thêm nhà thờ họ lẻ rất phù hợp với chính sách bảo vệ tín ngưỡng của chính phủ, đứng về mặt đạo thì lại càng nên khuyến khích hơn , nước Chúa có được mở rộng thì mới có thêm nhiều linh hồn được  cứu chuộc…”
Thế là bà Phó Chủ tịch Uỷ ban cho phép luôn.
“Uỷ ban đồng ý buổi sáng thì buổi chiều họ xóm trại khởi công xây dựng nhà thờ ngay….Văn phòng của ông chánh đốc công xây nhà thờ họ chật ních người đến làm việc phúc đức. Giá thóc chợ Hồ xuống hẳn vì xóm trại đem thóc đi bán nhiều quá…:”.
Như vậy nhà thờ phải làm vội làm vàng để qua mặt ông Chủ tịch xã.  Nhưng rủi cho mấy ông, khi nhà nguyện cất xong, sửa soạn làm lễ khánh thành thì ông Chủ tịch xã đi công tác về.
Ngôi nhà nguyện đã xây xong, ông Chủ tịch xã không ngăn cản được nữa, trong cuộc họp Uỷ ban, ông thẳng thừng phê bình bà Phó Chủ tịch Nhàn “hữu khuynh” cho phép dân xây nhà nguyện :
“Tôi thử hỏi các đồng chí chỉ riêng có một xóm trại xin làm nhà thờ hay là cả miền này , cả tỉnh này đang rục rịch yêu cầu thế ? Có phải chỉ sau khi ông Lân nhân danh đức Cha đi kinh lý các xứ mới sinh ra cái chuyện này không ? Tại sao các xóm phàn nàn là hồi  này gọi đi họp rất khó. Bây giờ chưa khó lắm đâu, nay mai mà để mỗi xóm lẻ mọc lên một cái nhà thờ hoặc một cái nhà nguyện thì tối đến chỉ đánh chuông đến boong một tiếng là cán bộ ngồi trơ một mình khai hội với bức vách. Đồng chí Nhàn bảo tôi tả, nhưng tôi lại nhận xét đồng chí giải quyết các việc thuộc về tôn giáo rát khờ dại. Cứ giải quyết theo hướng đó thì có ngày uỷ ban đem vợ con lên núi ở…”
Và ông gây sự bằng cách không cho tổ chức ăn mừng khánh thành và bắt mấy ông trùm đạo mang hết sổ sách lên để ông…kiểm tra và chỉ đạo :
“ ..vôi nhà xứ đã có sẵn mười tạ , nay mua thêm hai mươi tạ nữa là vừa đủ, xây hai cổng , xây tường hoa , quét vôi trong nhà thờ. Nhà thương phía sau nhà cô mụ quá dột nát thì sẽ vận động các xóm góp rạ , góp tre lợp độ dăm buổi . Ghế gãy đóng lại, nếu còn thiếu thì đóng thêm. Không nên mua chiếu ngoài rất tốn, chỉ cần mua ít đay, ít cói  rồi triệu tập thanh nữ, bà già lại đánh đay, đem bàn dệt vào dệt…”
Vậy là ông Chủ tịch xã muốn làm cha thiên hạ, cai quản luôn cả việc đời lẫn “sự đạo”. Ông “thò tay chỉ việc” cho nhà thờ sát sạt vậy chứng tỏ Đảng “quan tâm” “ưu ái” tôn giáo lắm, thể hiện “chính sách tự do tín ngưỡng” sáng ngời còn kêu ca nỗi gì ?
Cũng may, hồi đó  nếu tiểu thuyết “Xung đột” của nhà văn Nguyễn Khải mà lọt vào tay một chuyên viên phân tích của Toà Thánh  thì còn gì là những “lời hay ý đẹp” về tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta ?

             
*tiền dùng để cầu nguyện cho linh hồn người đã qua đời
            
                             (còn tiếp)

                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét