Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (KỲ 22)


 
                    
                                                    (tiếp theo)

    Có tiếng mẹ gọi tôi đi lễ bố. Hóa ra tôi đã ngủ một giấc, mặc mọi người bận rộn nấu nướng. Hình như cả mẹ lẫn chồng đều muốn tôi nghỉ ngơi, không cần động chân động tay, vậy thì mọi người coi tôi là bệnh nhân rồi còn gì?
Tôi bực tức trách Bình sao không thức tôi dậy, anh chỉ cười xòa: “mẹ bảo để em ngủ cho khỏe”. Mẹ tôi đã khấn xong, đẩy tôi tới trước bàn thờ có treo ảnh bố mặc quân phục, bên dưới bày đủ thứ gà luộc, khoai tây hầm cary, miến nấu, nộm đu đủ... Tôi nhớ ra ngày xưa bố tôi chỉ thích nhất món canh dưa nấu cá trê, cả năm mới về ăn một lần lại thiếu món đó, mâm giỗ còn ra cái gì. Tôi chắp tay lễ, nước mắt ứa ra thương bố gần như cả đời xa gia đình, vợ con chẳng nấu được cho bát canh ưa thích, chết rồi cũng vẫn không. Trong bữa ăn, tôi trách mẹ tôi chuyện đó, mẹ gạt đi:
      - Con dở hơi, ai lại cúng canh dưa nấu cá trê bao giờ?
     - Nhưng bố con thích nhất món đó.
      Mẹ tôi im bặt, mặt buồn hẳn. Bình đá chân tôi ra hiệu, tôi vội lảng  chuyện khác. Tuy vậy, đầu óc tôi vẫn lởn vởn hình ảnh bố ngày trước, mỗi lần bố về phép, cả nhà quây quần quanh bữa ăn ngon thế này. Những năm tháng trẻ trung nhất của mẹ đều trôi qua trong ngọn lửa lạnh chờ chồng, nỗi buồn đêm đông và niềm vui mang tới phần nhiều do những lá thư.
Nếu lặp lại “cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” , liệu thế hệ chúng tôi  đủ gan chịu đựng như bố mẹ không? Tôi nhìn em tôi và chính tôi, không, chúng tôi khó mà theo gương bố mẹ, dù thường xuyên được giáo dục đề cao người chiến sĩ ngoài mặt trận và người phụ nữ hậu phương như chị xã viên trong phim bữa trước. Tôi hỏi Bình , anh cười:
     - Nếu anh và em sống vào thời đó, nhất định mình cũng sẽ giống  bố mẹ thôi.
     -Tại sao lại thế?
     -Tất cả phụ thuộc khí hậu xã hội, bây giờ chủ đề của bản giao hưởng đã đổi thành “chống tiêu cực”, “đổi mới tư duy, làm giàu đất nước” vì vậy người ta đã phải tính tới vai trò cá nhân trong cộng đồng.
      Tôi trố mắt, phục lăn sự sâu sắc của Bình, anh có cái đầu của nhà khoa học mà cộng cả tôi lẫn Hồng Loan  khó theo kịp. So với anh, ông Giám đốc may mặc chỉ là cây cỏ, vậy lẽ ra anh phải là một Giám đốc chứ, sao lẹt đẹt mãi chức trưởng phòng, không lẽ năng lực đầu óc anh rồi đây cũng  đổi sang đi buôn như chàng Điền, kỹ sư thủy văn? Tự dưng tôi thấy thích trò chuyện với chồng:
- Vậy ra anh cũng theo thời,cũng coi em là một cá nhân chứ không phải mẫu số chung của các bà vợ?
Thằng Tú mải ăn từ nãy giờ mới đá ngang:
- Chị Vân thuộc hệ phi tuyến, khác với các bà vợ, ẩn số của chị là vô tỷ.
Bình cười ngất:
- Hệ nào rồi cũng mô hình hóa được thôi. Toán học ngày nay đã lập được cả phương trình  cho nhân vật tiểu thuyết.
Tôi cãi:
- Nhưng với con người bằng xương bằng thịt thì đừng hòng.
Bình dồn tôi vào góc tường:
- Vậy sao em vẫn bảo anh nghệ thuật cao hơn đời sống? Thúy Kiều, Xuân Tóc đỏ sống lâu hơn người đời?
- Ngụy biện, anh chỉ được cái ngụy biện...
Cuộc tranh cãi chia hai phe, đẩy tôi đối diện với hai đại diện của khoa học kỹ thuật. Tôi căm ghét cái lối chia chẻ con người ra thành những vi lượng, cứ cái thói mô hình hóa bất kể cái gì, một ngày nào đó, dưới mắt các anh, con người chỉ còn là một tập hợp những phần tử vô cùng nhỏ.
- Đúng thế đấy, thằng Tú reo lên, chị không biết bây giờ người ta đã chụp được cả những mạch điện sinh học trong cơ thể nữa kia.
Tôi quay sang Tú, cười nhạt:
- Em ạ, chị sợ rằng mai kia, em xử sự với mẹ với chị toàn theo các quy tắc lôgích cả thôi.
- Vậy chị muốn sống như người Pichmê đang bị diệt chủng trong rừng Châu Phi sao?
- Chính văn minh khoa học đã mang tới cho họ bệnh lao, dịch hạch và các bệnh tật khác trong tâm hồn mà trước đây họ không có.
Bình cãi tôi một cách yếu ớt:
- Thế giới văn minh đang tìm cách cứu họ.    
- Bằng cánh nào? Tập trung vào công xã nhân dân hả?
- Vậy theo em nên giải quyết họ ra sao khi họ đã mất cơ hôi phát triển tuần tự theo các giai đoạn lịch sử mà loài người đã trải qua.
- Cứ để mặc họ sống trong những khu rừng của họ và rào kín lại không cho người văn minh xâm nhập.
- Như thế tới một lúc nào đó họ cũng sẽ vượt rào ra ngoài để tìm cái chưa biết giống hệt như con người hiện nay đang chạy đua vào vũ trụ để tìm những nền văn minh ngoài nhân loại.
- Vậy thì tò mò là một căn bệnh sẽ đưa con người tới diệt vong, khoa học kỹ thuật các anh chính là sản phẩm của bệnh tò mò đó thôi.
 Bình thở dài:
- Đúng vậy, nhưng ác thay không có thuộc tính đó, con người sẽ không còn là con người .
Đã tới lúc mẹ tôi phải can thiệp chấm dứt cuộc cãi vã xem ra còn dông dài nữa và cái chính là chẳng liên quan gì tới bố tôi, nhân vật chính trong bữa giỗ hôm nay, bà phàn nàn con cái bây giờ chẳng bén gót cha mẹ.
- Ngày trước,mỗi lần ông ấy đi về, nào quét tước dọn dẹp, nào thông cống, sửa điện, nào hỏi han, khuyên răn vợ con chẳng sót người nào. Bây giờ các anh các chị ai biết phận người đó.
 Thằng Tú lập lại câu nói cửa miệng:
-  Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm lấy chính mình.
Mẹ tôi cười buồn:
- Vậy mai mốt tôi già nằm đấy chắc các anh các chị tống tôi ra đường  tự lo cái thân tôi hả?
Tôi muốn nói một câu cảm động làm mát lòng mẹ nhưng lại thấy nó “cải lương ” quá nên thôi, chỉ lẳng lặng gắp cho mẹ miếng lườn gà thật nạc.
- Mẹ cứ hay lo xa - Tú càu nhàu.
- Tới lúc đó mẹ có cả cháu nội lẫn ngoại, hai chị em không khéo lại giành nhau bà về bế cháu ấy ư.
Bình cố đùa một câu nhạt phèo, không làm giảm đi được cái nặng nề  cuối bữa ăn. Tôi đứng dậy dọn dẹp bát đĩa và ra hiệu cho anh xuống phụ rửa . Vặn nước chảy vào chậu, tôi thở ra ngao ngán:
- Chà, giờ có cái máy rửa bát thì đỡ biết mấy.
Bình phì cười:
- Em ghét văn minh cơ khí lắm mà. Cơ trí sinh cơ tâm – em vẫn nói thế ?
Tôi trả lời bằng cách xì nước vào anh làm Bình nhảy cẫng lên. Sao anh không hỏi tôi đêm qua ngủ đâu nhỉ, có thực anh coi tôi là trường hợp ngoại lệ, không thuộc mẫu số chung của các bà vợ không? Tôi buột miệng :
- Biết hôm qua em ngủ đâu không?
- Anh có đi theo dõi đâu mà biết.
- Vợ bỏ đi ngủ... lang mà anh không tức hả?
- Tức làm gì cho tổn thọ, anh bây giờ khác trước rồi.
- Khác sao?
- Anh tin em.
- Không phải, anh không cần em nữa thì đúng hơn. Em bỏ đi mà anh cứ tỉnh bơ không thèm chạy theo quát tháo, lôi về.
- Nếu em thích thế lần sau anh sẽ làm thế.
Bình cười hể hả, vẻ ta đây lắm làm tôi nóng mặt:
- Đùa anh vậy thôi, anh mà ngăn cản, em lại càng đi.
- À, vậy là anh đã rút ra được qui luật trong em rồi.
Tôi nhăn mặt, hết cả hứng nói chuyện với anh. Sao thân phận con người nhỏ bé như tôi chịu tác động của lắm qui luật thế? Nào là quy luật thiên nhiên như mưa nắng, bệnh tật, nào là quy luật xã hội như tổng hợp các mối quan hệ, giờ anh lại phát minh thêm một thứ quy luật bên trong tôi nữa. Mặt tôi trầm hẳn xuống làm anh thở dài:
- Em kỳ lạ thật, vui đấy rồi lại buồn đấy, chẳng khác gì con lắc.
Tôi cười nhạt:
- Quy luật trong em là thế mà. Anh ráng mà vận dụng cải tạo vợ.
 Tôi bỏ lên phòng riêng nằm, khóa chốt bên trong, bắt anh xuống ngủ phòng khách. Đương nhiên, như vậy cũng là “quy luật”.

                          (còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét