(tiếp theo)
- Trời, uống bia lúc này là nhất. Chỉ tiếc thiếu món mực nướng.
- Được rồi mực nướng cũng có, em đã sửa soạn đủ rồi. Anh nói đi đã, em chưa biết cái gì ?
Bình ngồi nhỏm dậy, cười cười:
- Em chưa biết em sẽ...viết tiếp cái cuốn tiểu thuyết ấy như thế nào?
Tôi trừng mắt:
- Sao anh biết?
- Trời đất, quẳng ở bàn sờ sờ còn hỏi sao anh biết.
Ừ nhỉ, tôi thật đoảng, tính tôi buông tung bỏ vãi thế, trách anh tò mò sao được? Tôi chợt ngượng vì cái dòng “Người con gái ra đi vào lúc mờ sáng...”, từ đó đến nay tôi chưa viết thêm chữ nào.
Bình rít hơi thuốc nữa, búng qua cửa sổ, lẳng lặng đi tới giá sách, lúi húi tìm, rút ra đưa cho tôi một cuốn sách cũ nát :
- Em đọc sách này chưa?
Tôi giật cuốn truyện “ Một ngày cho tình yêu” của Philip Roth và hiểu ngay ý định riễu cợt của anh. Truyện viết một cô gái giàu có, cứu anh chàng toan tự tử, từ đó tình nguyện nuôi anh ta để suốt ngày anh ta viết...văn. Tất cả bản thảo của anh, viết ngày này qua ngày khác, được cất trong ngăn kéo khóa kỹ, cho tới một ngày, cô gái lục ra xem và ngã ngửa vì đã nuôi báo cô anh chàng đại lãn : anh ta chỉ viết vỏn vẹn được mỗi dòng : “Madam X. ra đi vào lúc năm giờ chiều”.
Tôi cười nhạt, quăng cuốn sách xuống giường:
- Ý anh muốn nói gì ?
- Một sự trùng hợp trong lời mở đầu.
- Chứ không phải anh đang nuôi báo cô một con bé ăn hại hả ?
- Không, không bao giờ, đó là sự suy diễn của em.
Anh hoảng lên, e ngại nhìn tôi cứ như tôi sắp nổi giận đùng đùng xách quần áo trở về nhà mẹ như mọi lần, nhưng không tôi chỉ cười nhạt :
- Anh ngủ đi, em sẽ viết tiếp.
Được rồi đã thế tôi sẽ giữ nguyên mở đầu này. “người con gái ra đi vào lúc mờ sáng...”. Nhưng than ôi, tôi sẽ viết tiếp thế nào đây ? Tôi cứ ngồi im trước bàn , ngọn đèn tỏa sáng mờ , từ trong màn tiếng ngáy rõ to của ông chồng đang ganh đua với tiếng mối tắc lưỡi trên trần nhà. Cơn buồn ngủ kéo đến như trận sương mù lan ra ngày càng dày đặc trong trí tưởng khiến những hình ảnh tôi cố hình dung cho cuốn tiểu thuyết tương lai chỉ mờ nhạt như những chấm sao trên trời vào đêm muà đông.
Suốt mấy giờ liền, toàn bộ cố gắng của tôi chỉ còn nhằm cưỡng lại cơn buồn ngủ và rồi cuối cùng, khi chiếc loa treo giữa khu nhà tập thể phát ra bài nhạc thể dục, tôi tưởng đã nghĩ ra điều gì đó và cắm cúi viết ngay tại phòng làm việc, xung quanh ngồi la liệt những ông Giám đốc, ông Phó giám đốc, ông Trưởng phòng biên tập, các ông biên tập viên, cô thợ may, cô phe... Không, trong tất cả những con người ấy, tôi chưa chọn được ai để làm nhân vật. Ấy thế mà tôi cứ viết, viết mài miệt mặc kệ những đôi mắt kia đang nhìn tôi như những ống kính quan sát. Và rồi không phải tôi tỉnh dậy, mà chính cái dạ dày được một mùi thơm kỳ diệu lẩn quất đâu đây, lọt qua khứu giác, kích thích nó thức dậy.
- Dậy đi em, dậy rửa mặt rồi ăn phở, anh vừa mua về .
Đứng bên cạnh bát phở bốc khói nghi ngút là chồng tôi cười nhăn nhở, nửa âu yếm, nửa thương hại con bé ngủ gục trên bàn. Tôi dấu biến ngay tờ bản thảo vào ngăn kéo khóa tách lại, chà, lại một sự trùng hợp nữa với hành động của anh chàng đại lãn được cô gái nhà giàu nuôi báo cô để “viết văn”. Cái nhà ông Philip Roth nào đó thật ác, theo sát từng hành động để riễu cợt tôi. Hình như đoán được ý nghĩ tôi và cũng để tôi khỏi ngượng, chồng tôi rời cái nhìn khỏi tấm áo ngủ trễ nải của tôi để hướng tới bát phở:
- Em rửa mặt nhanh lên ăn kẻo nguội. Tái nạm,nước béo lại đập cả trứng gà, anh mua một bát thượng thặng bồi dưỡng em đấy.
Cho dù cái dạ dày tôi đang sôi lên đủ thứ âm thanh và cuồng nộ, tôi vẫn khoan thai đứng dậy mở tủ, chọn bộ quần áo ưng ý nhất, từ từ bước vào buồng tắm chốt cửa lại. Tôi trút hết quần áo, làm vài động tác thể dục, xoa bóp, sung sướng ngắm nhìn những đường nét còn rất săn chắc trong tấm gương lớn. Bất chợt tôi cảm thấy mình đang bị nhìn, quay người lại, tôi thấy thoáng một ánh mắt biến đi đằng sau khe cửa. “Thôi, bố!” Tôi quát to lên và tính cho đức ông chồng gáo nước chừa cái thói đó , nhưng vòi nước lạnh làm tôi dịu hẳn, một niềm vui không rõ nảy ra và tôi khe khẽ hát bất chấp nhạc điệu. Khi bước ra ngoài phòng, ngồi trước bát phở hãy còn bốc khói và cặp mắt hân hoan của chồng, tôi lại kêu lên :
- Đời vui quá, không buồn được.
- Vui lắm chứ, nhất lại với một người vợ như em, chà, sao sáng nay nom em đẹp lạ .
Tôi lườm chồng, tuy nhiên câu nịnh ngọt ngào của anh không phải không gây cho tôi chút sung sướng nào, bởi vậy, tôi “sang trang” không những xóa đi cho anh hết tội lỗi, mà còn chìa má thưởng cho anh một cái hôn. Anh đập hai tay vào nhau, reo lên và sấn tới.
- Thôi ông, ông đừng lạm dụng.
Tôi vung tay ra ngay khi cơn phấn khích của anh có chiều hướng vượt quá cái giới hạn dự định.
- Thôi, anh chả đi đâu nữa, xa em, anh chết mất thôi.
Giọng anh thành thực làm tôi cảm động, giá như anh bớt say đắm, hành hạ tôi một chút, có khi tôi yêu anh cũng nên. Tiếc thay anh không biết điều đó, hoặc giả biết nhưng không làm được, bởi vậy nếu mai kia anh đi thực, tôi cũng không cảm thấy nhớ nhung, buồn bã gì cho lắm, ngược lại, tôi sẽ rảnh rỗi, thảnh thơi tha hồ viết lách. Vẻ bần thần của tôi làm anh hiểu khác, anh gặng :
- Anh đi, em có buồn không ?
Biết nói sao, nói dối, tôi không thích, nói thật, tôi không nỡ, đành đánh trống lảng :
- Anh có đi nữa đâu mà hỏi, xa em anh chết thì đi làm gì?
Tôi dục anh đã tới giờ đi làm để cắt đứt câu chuyện xem ra đã nhuốm mùi “cải lương” vốn làm tôi khó chịu. Trong các đám cưới, tôi cho rằng người ta đã sai lầm lấy hình đôi chim câu làm biểu trưng hạnh phúc gia đình. Quả thực còn gì ngán hơn cảnh vợ chồng suốt ngày rù rì bên nhau, anh dạ, em vâng, lặp lại và chán ngấy như trên bàn ăn chỉ có mỗi món bánh ngọt bỏ quá nhiều đường. Quan niệm này bị Hồng Loan cãi lại rất hăng. Nó lấy bố mẹ ra làm gương , các cụ ngót nghét lục tuần cả rồi mà chiều nào cũng ngồi với nhau trên ghế đá trong vườn, ngày nghỉ, chủ nhật lại cặp tay nhau dạo phố. Nó mô tả bố mẹ nó yêu nhau thắm thiết quá, còn hơn cả những cặp tình trẻ làm tôi không thể nào mà không hỏi :
-Vậy mày có thấy ông già sờ ti bà già lần nào chưa ?
Tôi hối hận đã trót xì ra một câu trâng tráo đến thế làm Hồng Loan tròn xoe mắt, phẫn nộ một cách cao quý vì sự xúc phạm hết sức trần tục đến tình yêu thiêng liêng của bố mẹ nó.
Nó giận tôi mất mấy ngày và rồi chắc không tìm được ai chơi vui hơn tôi, nên lại tới rủ đi ăn bún ốc giảng hòa. Mãi sau này, khi đến nhà, gặp ông bà già nó tôi mới hiểu vì sao nỗi phẫn nộ của nó lại được nhân lên gấp nhiều lần vậy.
Hôm đó, tôi bấm chuông ngôi nhà theo điạ chỉ Hồng Loan ghi , thật không thể ngờ bà già ra mở cửa lại là mẹ nó. Bà chẳng có nét nào của nó, khô héo, bằng phẳng, “trước sau như một” khiến tôi một lần nữa lại hối hận nếu đã được gặp bà, tôi sẽ không bao giờ hỏi một câu phi thực tế như bữa trước.
Có thể vì cậu con trai đang học nước ngoài, biết chắc tôi đến chơi chỉ nhằm Hồng Loan, nên bà niềm nở mời tôi vào sau khi đã quát mắng đàn chó ngao khiến con nào con nấy cụp tai, im thít, chỉ còn nhìn tôi với vẻ đầy căm tức.
Theo chân bà vào phòng khách, lần đầu tiên tôi gặp bố Hồng Loan. Ngược với bà vợ, ông ta to béo một cách đáng sợ cho huyết áp của người ở độ tuổi như ông. Nhác thấy tôi, ông đặt xuống tờ báo đang đọc, nhìn xoáy vào ngực tôi chẳng hiểu sao lúc này cứ cong tớn lên. Tôi cười thầm, ưỡn lên chút rồi lại cúi xuống, lễ phép chào ông. Ôi chao, mắt ông mở hết cỡ đến rách cả mi. Bà già vội vàng kéo thốc tôi lên gác gặp Hồng Loan. Hóa ra cô nàng đang ngủ trưa, nếu tôi không đến chắc nó bỏ học luôn. Tuy nhiên hôm đó hai đứa cũng chỉ dự có mỗi tiết đầu, giờ lý luận văn học còn lại, chúng tôi cúp cua, đạp xe như ma đuổi, cổng trường khuất xa rồi mới dừng lại thở.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét