Hà nội…”hồi ấy “ (17)
(tiếp theo)
7
Ánh lửa kỳ diệu lại thắp sáng trong đôi mắt nàng khi tôi trở lại nhà ông bà Đ. Nàng hết giận rồi, tôi thầm reo lên và ấn vào tay ông Đ gói cà phê tôi vét tiền túi mua trong một cửa hàng sang trọng. Có thế chứ, suốt tuần qua, ngày nào tôi cũng tắm tới… ba lần, chà xát kỹ càng cho bay bằng hết cái mùi… ngựa vía kia đi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình sạch sẽ đến thế, lúc nào cũng cứ như người mới tắm khiến ông trưởng phòng phải tò mò :
- Phương pháp dưỡng sinh mới hả ? Tắm nhiều vậy lên được mấy cân rồi ?
Tôi đáp bừa rằng chẳng tăng được mấy tí, nhưng phương pháp “tắm dưỡng sinh” này làm tôi hết mệt mỏi, khoẻ mạnh lên nhiều. Ông trưởng phòng chăm chú nhìn mặt tôi, gật gù :
- Cậu nói có lý.Tuần trước nom cậu tai tái, phờ phạc như thằng sắp ngã bệnh, giờ nom khá lên nhiều, đôi má đã thấy hồng hồng.
Tôi càng đắc ý bốc phét rằng phương pháp này ra đời từ mãi bên… Ấn Độ, trải qua mấy trăm năm nay đã bị thất truyền, tôi phải bỏ công sức cả tháng trời mới tìm ra được một tài liệu nói về nó.
Ông trưởng phòng reo lên :
- Thảo nào, tháng trước cứ thấy suốt ngày cậu lần mò các giá sách lại tưởng cậu mắc bệnh thần kinh vì thất tình. Lẽ ra cậu phải báo cáo với tớ ngay từ đầu để còn hỗ trợ. Đâu, tài liệu ấy đâu, đưa xem nào…
Tôi cuống lên đáp bừa rằng tài liệu viết bằng chữ phạn, tôi đang nhờ bên Viện ngôn ngữ dịch giúp nhưng đại để ngày tắm ba lần, kỳ cọ không thiếu chỗ nào và nhất là phải tránh xa đàn bà, không để cái hơi của nó nhiễm vào người.
Ông thực hiện theo lời tôi được đúng ba ngày đã lăn ra ốm vì… cảm lạnh. Tuy nhiên ông thư ký công đoàn phòng “tắm dưỡng sinh” chưa được một tuần đã đỏ da thắm thịt, khoẻ hẳn lên làm phong trào vượt khỏi phòng tôi, lan sang cả văn phòng Đảng uỷ và Ban Giám đốc. Thành công không ngờ của “tắm dưỡng sinh” khiến tôi băn khoăn không khéo chính mình đã tìm ra một phát minh khoa học lớn chứ chẳng chơi, ngay cả đến Newton vĩ đại cũng tìm ra quy luật trọng lực cũng chỉ từ một việc vớ vẩn là ngắm quả táo rơi đấy thôi. Và thế là tôi lao vào cuộc truy tìm mọi thứ tài liệu có dính dáng đến chuyện “tắm táp” hăng hái, miệt mài chẳng kém gì dạo tôi chui khắp xó xỉnh các kệ sách thư viện tìm hiểu về sự “biến dạng của con người thành bọ hung”.
Ông trưởng phòng sau lần phát ốm vẫn chưa chừa, ít lâu sau do rủ rê của những người xung quanh, ông lại lao vào một đợt “tắm dưỡng sinh” mới, lôi kéo cả bà vợ và hai cô con gái suốt ngày bì bõm trong buồng tắm , còn hơn thế nữa ông còn chủ trì hẳn một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước trong đó ông là người đề xướng, chủ trì nghiên cứu và tôi được vinh dự làm trợ lý tư liệu cho ông. Từ đó ba dãy nhà tắm trong Viện thường vẫn vắng hoe nay bỗng trở nên ồn ào náo nhiệt suốt từ sáng đến tối, xà phòng trở nên khan hiếm và kim đồng hồ nước quay đến chóng mặt làm Ban Giám đốc phải tức tốc ra một thông tri nhấn mạnh :
“Việc tắm dưỡng sinh tuy chưa được nghiên cứu đầy đủ về mặt lý thuyết nhưng trong thực nghiệm tỏ ra rất có hiệu quả nhất là phù hợp với tình hình khan hiếm thuốc men và thực phẩm hiện nay. Trong khi chờ đợi Uỷ ban khoa học, và kỹ thuật Nhà nước ra quyết định công nhận, Ban Giám Đốc khuyến khích toàn thể cán bộ công nhân sử dụng phương pháp tắm dưỡng sinh nhưng mà là tắm… ở nhà, nghiêm cấm mọi hình thức tắm ở cơ quan để đảm bảo chỉ tiêu nước sinh hoạt đã được ấn định bởi Công ty cấp nước quốc gia…”
Mặc dầu chỉ thị rất rõ ràng, được thông báo hàng ngày trong toàn cơ quan, dãy buồng tắm vẫn chật ních người bất chấp sự ngăn cản của đội bảo vệ, bởi lẽ khi xây dựng, các nhà thiết kế chưa dự đoán được phong trào tắm dưỡng sinh nên đã xây chung cả hố tiêu hố tiểu trong nhà tắm. Trong khi đó, điện thoại trên bàn ông trưởng phòng tôi réo suốt ngày, một cơn bão những câu hỏi từ khắp nơi trút xuống đầu ông, người chủ đề tài, về mọi khía cạnh có liên quan đến chuyện tắm rửa, chẳng hạn nên dùng nước mấy độ, tắm nước sông có hiệu quả như tắm nước máy không, việc kỳ cọ có nên dùng khăn hay đá nhám… có nơi thậm chí còn mời ông tới tổ chức tập huấn cho Câu lạc bộ tắm dưỡng sinh đang được xúc tiến thành lập…
Phát hoảng vì cơn sốt do chính mình gây ra, lấy cớ đi thư viện thu thập tài liệu cho ông chủ nhiệm đề tài, tôi nằm lì ở nhà và vì cái máy nhà tôi chỉ nhỏ giọt vừa đủ rửa mặt và nấu ăn, nhất là yên tâm cái mùi “ngựa vía” đã bay hết, tôi thôi không tắm ba lần trong ngày nữa, cho dù cái phương pháp dưỡng sinh ấy có làm tăng tuổi thọ lên gấp mấy lần cũng mặc. Tuy nhiên nằm mãi ở nhà, ám ảnh biến thành bọ hung lại đè nặng trong tôi. Một điều rất lạ lùng là dẫu tôi có tắm tới mười lần trong ngày đi nữa, sợi lông quái ác kia vẫn cứ mọc dài tuy tôi rất chăm chỉ cắt nó đi. Vậy “tắm dưỡng sinh” mà làm gì khi nó chẳng ngăn được cái chất “ bọ hung” cứ ngấm ngầm phát triển trong tôi. Bây giờ trong căn buồng sát hố xí kia, tôi sống rất thoải mái, hít thở không khí rất dễ chịu chẳng hề cảm thấy mùi xú uế kia nữa. Tôi đã quá quen hay bản tính “ bọ hung” đã hình thành vững chắc trong tôi ? Một đêm khi gã ăn cắp cứt lò mò đi qua cửa sổ, tôi gọi giật trở lại :
- Anh kia, vào đây…
Gã lập cập bước qua cửa phòng, chiếc áo choàng ngoài rách bươm để lộ một bộ xương khô thò ra ngoài chiếc áo may ô và chiếc quần đùi màu ám khói. Chai ôi, đứa con của Chúa, người anh em của tôi, sao khốn khó và tiều tuỵ đến nhường này?
- Lạy anh, em đã bảo vợ em nó mua gói trà biếu anh rồi, anh thông cảm cho em.
Tôi cảm thấy uất nghẹn ở cổ :
- Tôi cần gì trà thuốc của anh, tôi chỉ mời anh vào uống chén nước cho tôi hỏi chuyện thôi. Anh đứng lên đi, ngồi xuống ghế…
Gã cóm róm chỉ dám đặt nửa đít xuống mặt ghế đẩu :
- Cảm ơn anh, nếu anh không nhận, cho em mai biếu ông cảnh sát khu vực vậy. Nhưng thưa anh loại người như em còn chuyện gì để hỏi ? Hay anh là nhà báo ?
Tôi đưa gã chén nước, châm điếu thuốc đặt vào tay gã, dịu giọng :
- Không không, báo chí nào thèm để ý đến anh, tôi chỉ muốn hỏi thực anh làm cái nghề này anh có cảm thấy… khó ngửi tức là thấy… thối không ?
- Thối lắm chứ sao không? Sáng nào chở hai sọt cứt về nhà, vợ cũng đã sắp sẵn một thùng nước to cho tắm rồi mới được vào nhà ôm con, nghỉ ngơi.
Tôi hỏi gặng :
- Anh có thấy thối thực không ?
-Trời ơi, chui vào cứt không thấy thối sao mà lại còn giả vờ với ông anh ?
- Thối nhiều không ?
Tôi cố níu tia hy vọng cuối cùng :
- Ngồi trong phòng này anh có ngửi thấy không ?
Gã hít hơi thật dài, chun mũi :
- Có chớ, nhưng không nồng nặc bằng cái hầm chồ lúc em mở nắp. Lúc đó em phải lấy khăn bịt mũi lại, không thì ngất.
Tôi lặng người, hoá ra chỉ có tôi là điếc mũi, không ngửi thấy cái mùi khó chịu ấy thôi, bản tính rõ rệt nhất của loài bọ hung. Tôi thoáng nhớ tới lời khuyên của nàng ngựa vía “ phải cúng thôi”, đúng, đúng, trong câu chuyện này có điều gì đó rất huyền bí, không thể giải thích bằng đầu óc phân tích khoa học được. Nếu không thế, hẳn gã trộm cứt này đã biến thành bọ hung từ lâu rồi, trước cả tôi nữa, ấy vậy mà chính tôi chứ không phải gã là người mang nhiều triệu chứng biến dạng nhất. Hẳn tạo hoá đã phú cho gã một hệ thống đề kháng mạnh mẽ hơn tôi. Tôi đâm ghen với gã, buồn cho thân phận mình thua đến cả một tên chuyên ăn trộm cứt. Tôi mang nỗi buồn đó than thở với Trịnh vào một buổi ngồi trong quán rượu bà Dậu, hắn trố mắt nghe rồi đặt chén rượu xuống cười ha hả :
- Có vậy thôi mà cũng phải nghĩ ngợi ? Bọn mình thua thằng móc cứt là cái chắc. Này nhé, hắn có nhà riêng này, khỏi luồn lách xin xỏ, hắn làm được ra tiền nuôi vợ nuôi con, tức là hắn thực sự làm chủ trong gia đình. Cả hai thứ đó mình đều không có, thua đứt đuôi rồi còn gì. Bởi vậy hắn đi làm về còn được vợ trữ săn cho thùng nước tắm, còn mình, mẹ kiếp, ló mặt về là bị vợ nhìn bằng con mắt khinh khỉnh, coi mình chẳng khác gì quân thù hằn.
Hắn khoe với tôi rằng vợ hắn mới may bộ váy áo bằng nhiễu kim tuyến “ rất cực kỳ” nếu quy ra rượu thì cả tôi lẫn hắn uống thoải mái trong luôn ba tháng. Mỗi buổi sáng thức dậy trên giường, he hé mắt nhìn vợ trang điểm hắn lại ám ảnh cái nỗi lo “ chơi trèo”, thân phận thằng nhỏ đòi ngủ với bà chủ, trước sau cũng bị đá lộn xuống đất…
- Chớ nên lấy vợ, hắn quát vào mặt tôi, mắt đỏ ngầu, đàn bà là cái túi không đáy, nó chỉ trông lên những mục tiêu cao hơn cái nó đang có, mày có là thiên thần đi chăng nữa, tới một ngày nào đó nó cũng coi mày như cái bị rách chưa quăng vào sọt rác.
Tôi cãi :
- Thế còn tình nghĩa vợ chồng ?
Hắn cười sằng sặc :
- Cái đó còn bay nhanh hơn mùi nước hoa trên người nó.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét