Hànội….”hồi ấy” (18)
( tiếp theo)
“ Thằng này đi đứt rồi”, tôi nghĩ bụng, thở ra cái giọng hằn thù như vậy là sắp bị vợ đuổi ra đường đến nơi, lỗi tại hắn thôi, cày cục chạy bằng được cho vợ bỏ nghề giáo viên nhảy sang dịch vụ xuất khẩu, từ ao ra biển vậy, thị phải so sánh chồng thị với những chàng tài ba, son trẻ khác chớ.
- Có cách nào khác đi được chăng? – Hắn hỏi trong tiếng nghẹn.
Từ nhỏ tôi vẫn thường được nghe rằng “ cuộc đời này nằm trong tay ta”, hoá ra không phải thế. Lớn lên đi làm lại tưởng nó nằm trong tay các thủ trưởng, cũng không đúng nốt. Cho tới bây giờ, thật khó mà biết được bàn tay bí ẩn nào đã bấm nút những hành động của ta. Tôi thở dài :
- Chẳng có cách nào khác đi được đâu, tất cả đều bị bỏ trong cái rọ thiên mệnh mất rồi.
Trịnh trừng mắt :
- Thiên mệnh là cái đéo gì xỏ lá thế ? Một thằng bác sĩ không bằng gót chân thằng lái xe.
Tôi bật cười :
- Nhân vật thứ ba đã xuất hiện rồi hả ?
- Tới rồi, sứ giả của thiên mệnh là một thằng cao to, mặt thịt, răng vàng choé và suốt ngày nhai kẹo cao su.
- Mày phải chấp nhận thôi, đó là sự thay thế hợp quy luật…
Cả tôi lẫn hắn cùng cười phá lên, vỡ tan bầu không khí trầm tư của các qúy vị đang mượn hơi men thoát ly hiện thực trong quán rượu nhỏ bà Dậu ít lâu nay đã được mệnh danh là “quán nghệ sĩ”. Một nhà thơ gìa bị “cấm bút” trong tai nạn nghề nghiệp từ cái năm nảo năm nào, đưa tay quẹt ngang mắt, nói chõ sang :
- Cười như vậy người ta gọi là cười hô hố đấy hai anh bạn trẻ. Kiểu đó người ta chỉ cười ở chợ thôi.
- Vậy xin hỏi thi sĩ, ngồi ở đây phải cười theo kiểu nào ạ ?
Tôi vội kéo tay Trịnh ngăn không cho hắn đứng dậy, tính sang bàn bên cà khịa với ông già. Trong quán chợt im phăng phắc dường như ai nấy đều nín thở, cố không để một que diêm làm bùng nổ bầu không khí vốn dĩ đã nặng trịch vì những khuôn mặt rầu rĩ. Bất chợt nhà thơ già gục đầu xuống bàn khóc nức nở, rung rung đôi xương vai dưới chiếc áo cánh nâu bạc phếch. Một ông khách bước ra khỏi quán, ngang qua chỗ bàn tôi, vỗ vai Trịnh nói nhỏ :
- Ở đây người ta cười như thế kia kìa, anh bạn trẻ ạ…
Tôi quay mặt đi khỏi nhìn thấy một người đàn ông khóc, một hành vi vốn chỉ dành riêng cho đàn bà và trẻ con. Ma quỷ lại ám tôi sao đó, tôi đứng bật dậy oang oang :
- Các quý vị ạ, các quý vị chỉ giỏi cắn nhau thôi. Ấy thế mà lúc nào mặt các quý vị cũng vác lên trời như thể ở trên đó chỉ rặt những điều cao siêu huyền bí mà chỉ riêng các quý vị mới hiểu được thôi. Tôi đã bao nhiêu lần lắng nghe các vị cãi nhau. Về cái gì kia chứ ? Có bao nhiêu quy tắc nhảy múa trên đầu ngòi bút một nhà văn ? Con người là con thú tự nhiên hay con thú chính trị ? Chính danh hay bàng danh…? Ấy thế mà trong sổ nợ của bà Dậu đây từ dăm ba chén đến một vài lít, vị nào cũng có tên cả. Ít tiền đáng tự hào lắm sao ? Thay vì luận về tư bản, quý vị thử xuống đường kiếm vài tờ bạc xanh tiêu chơi có hơn không…
Trịnh ôm lấy tôi, bịt miệng, la lên:
- Điên rồi, mày điên rồi, mới có ba chén mà đã bốc lên nói năng bậy bạ…
Hắn cõng tôi ra khỏi quán, đưa lên xích lô như thể tôi ốm nặng. Vài ngày sau, đôi lúc hắn nhìn tôi với con mắt của… thầy thuốc. Hắn nói con người tôi rất lạ, thường thì hiền lành cả đụt, nhũn như con chi chi, ấy vậy mà bỗng dưng trục trặc thần kinh sao đó, trong tôi như có con quỷ nhảy xổ ra cắn xé không kiêng nể bất cứ ai. Hắn nói đó là một trường hợp song trùng, lưỡng nhân cách mà bất kỳ một nhà thần kinh học nào cũng sướng rên nếu vớ được tôi làm vật nghiên cứu. Tôi mặc xác hắn ba hoa, bụng cười thầm, trong tôi có hai con người ấy ư, láo toét, một con người và một nửa con bọ hung thì đúng hơn. Hiểu được tôi chỉ có nàng, bởi lẽ không phân tích, xét đoán tôi như Trịnh, không tò mò, tọc mạch tôi như ông trưởng phòng, ở bên tôi nàng chỉ khẽ nắm tay, nhìn tôi với ánh mắt cảm thông không mục đích, cứ như thể nàng chính là tôi và tôi chính là nàng. Có lần tôi thử hỏi :
- Theo em anh là người “ lưỡng nhân cách” hay là một phần người, một nửa phần bọ hung ?
Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi :
- Anh chẳng là cái gì cả, anh chỉ là anh thôi.
Câu trả lời của nàng vẫn chưa làm tôi an tâm chút nào, sợi lông quái ác kia vẫn cứ mọc ra một cách bí ẩn và đêm đêm tôi vẫn căng mũi ra ngửi và chẳng thấy cái mùi gì cho dù như lời gã trộm cứt đã nói ngồi trong phòng tôi gã vẫn cứ ngửi thấy nó. Nỗi lo biến dạng thành bọ hung vẫn cứ nhoi nhói ngay cả khi ngồi bên cạnh nàng và vì tôi cứ nói đi nói lại về đề tài ấy nên nàng quyết định sẽ tới thăm căn phòng tôi xem cái môi trường xú uế ấy có kinh khủng như lời tôi mô tả không ? Tôi đã bỏ ra cả một ngày để dọn dẹp, rắc vôi bột ngoài cửa sổ, xịt thuốc muỗi quanh phòng và chờ mãi, chờ mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Ba ngày sau, khi căn phòng đã chở lại trạng thái thường ngày, vào cái lúc tôi nằm thượt trên giường, phát nhức đầu vì ám ảnh con bọ hung, nàng mới gõ nhẹ nhẹ vào cánh cửa. Tôi nhảy một bước tới bên nàng :
-Trời ơi, mất bao công dọn dẹp thì chẳng tới, phòng anh bây giờ chẳng khác gì cái chuồng lợn.
Nàng lách người vào, mỉm cười :
- Em muốn xem cảnh sống thực của anh cơ.
Nàng chỉ nói có thế thôi rồi suốt ngày hôm đó xắn tay áo lên quét tước dọn dẹp không những trong căn phòng tôi mà cả khắp xung quanh dãy chuồng chồ. Nhìn nàng chui rúc vào những chỗ ô uế, nhơ bẩn tôi thấy xót xa nhưng không sao ngăn được. Trước lúc về, nàng ngắm nghía công trình lao động của mình, quả thực như có một phép màu, căn phòng tôi sáng hẳn lên, thơm tho sạch sẽ chẳng khác một cô gái mới tắm. Tuy thế, nàng vẫn có vẻ buồn, đi tới đón gió ngoài cửa sổ và buông một tiếng thở dài :
- Anh ở mãi đây không khéo ốm mất thôi.
Tôi cũng bắt chước nàng, đi tới cửa sổ, hít một hơi thật dài :
- Quái thật, anh chẳng thấy cái mùi gì, lại thấy mát mẻ dễ chịu nữa kia. Thôi đúng trong người anh có chất bọ hung rồi.
- Không phải đâu, chắc anh ngửi mãi nên quen đi thôi.
Lúc đó chăm chăm vào đề tài của mình, tôi không nhận thấy nỗi lo lắng mỗi lúc một rõ trên mặt nàng. Hôm sau, vừa lò dò tới cửa nhà nàng, tôi đã va phải bộ mặt hầm hầm của ông Đ :
- Phải ngày hôm qua con bé nó ở nhà anh suốt từ sáng đến chiều không ?
Tôi thót người, đành thú nhận rằng đó lỗi tại tôi cứ khăng khăng giữ cô lại ăn cơm trưa, tuy nhiên chúng tôi rất trong sáng, lành mạnh không làm điều gì phạm vào gia giáo của ông mà tôi rất kính trọng.
- Anh có biết anh làm thế là hư hỏng con gái tôi không ?
Tôi đành ngồi im thin thít, kính cẩn nghe ông thuyết giảng tràng giang đại hải về luyến ái quan cách mạng, hôn nhân, gia đình và về cái sự không tin được bất kỳ thằng con trai nào một khi đứa con gái đã dẫn xác vào phòng riêng của nó. Hôm đó tôi không được phép gặp riêng nàng và chỉ được nhìn thấy khi nàng bưng nước ra cho ông Đ. mời tôi. Nàng có vẻ buồn, nhẫn chịu và trời ơi, bên mắt nàng có một quầng thâm chạy dài mà tôi tin chắc rằng đó là dấu vết một trận đòn chiều qua ông Đ. đã trừng phạt nàng. Tôi bỗng nổi cáu cứ như ông ta không phải đánh con gái ông mà là đánh vợ tôi vậy. Thế là người tôi bừng bừng như thể sắp sửa xông tới bóp cổ lão già, tuy nhiên tôi vẫn kiềm chế được, chỉ cất giọng rất lễ phép:
- Thưa bác cháu rất đồng tình với mọi quan điểm bác vừa đưa ra. Có điều… đánh người dù là bố đánh con hoặc vợ đánh chồng đều là phạm vào luật hình sự đấy bác ạ…
- Cái gì ? Anh nói cái gì ?
Tôi vẫn tỉnh bơ :
- Nếu ra toà, người ta sẽ xử tôi đánh người từ ba tháng tù treo tới sáu năm tù giam tuỳ theo thương tích đấy bác ạ…
- Cút ngay, mày cút ngay khỏi nhà tao.
Chao ôi, nếu tôi không nhanh mắt né đầu thì cả cái chén tống đã đập vào mặt tôi rồi. Ông bố vợ tương lai đuổi tôi chạy quanh bàn, tay cầm gậy vụt túi bụi, may quá, nàng đã xuất hiện kịp thời, ngăn ông lại để tôi có cơ hội co chân phóng thẳng ra cửa, suýt nữa đâm sầm vào bà Đ. cắp rổ ở đâu vừa về. Bà túm chặt lấy tôi, la toáng :
- Chuyện gì thế ? Anh chạy đi đâu ?
Tôi kẹt cứng trong tay bà, may quá, cô con gái đã hét lên :
- Mẹ buông ra cho anh ấy chạy đi. Bố đánh chết anh ấy giờ …
Lập tức bà Đ. buông tôi ra xông tới đức ông chồng. Tôi phóng ngay ra phố, bỏ lại sau lưng tấn bi hài kịch diễn ra chắc om sòm lắm. Tôi nằm liệt ba ngày liền,phần vì những nhát gậy ông Đ. bổ xuống đầu đau nhức lạ lùng, phần vì cánh cửa nhà nàng đã khép chặt, không một chút tin tức gì lọt được tới tôi. Nàng ngựa vía có ghé thăm nhưng tôi đóng chặt cửa nhất định không tiếp khiến Trịnh phải bật cười:
- Sợ bị cám dỗ hả ? Hay sợ con gái ông Đ. bất thần tới kiểm tra ? Mày yên trí đi, cô ta bị cầm tù rồi. Tao nói thật nhé, mày phải bỏ cái ảo tưởng “ một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”, trừ ra mày có tim vàng…24 kara.
Tôi ngước nhìn lên trần sạch bong các thứ mạng nhện, dấu vết một ngày hạnh phúc được sống bên nàng, lo thắt tim không hiểu mấy ngày nay lão già còn đánh đập nàng nữa không ? Quả thực cái máu “ bốc đồng” đã hại tôi vô kể, cứ như nó chực sẵn trong người, nhảy xổ ra bất kỳ lúc nào, chẳng đếm xỉa gì tới lợi ích của tôi. Phải chăng đó cũng là một phẩm chất bọ hung ? Mặc cha nó, bây giờ tôi đã tin chắc một điều dẫu tôi có biến thành bọ hung thực đi nữa, nàng vẫn cứ yêu tôi, một lão già chứ mười lão nàng cũng bất chấp hết. Tôi ngồi nhỏm ngay dậy, vui vẻ lay người Trịnh đang lờ đờ như ngủ gật :
- Mày có muốn uống rượu với bò nhúng tái không ? Tiền đây…
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét