Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

THẰNG..."CHỆT"

           Thằng “chệt”

Cánh cửa mở ra, lập tức cái ồn ào ngoài phố ùa vào căn phòng kê vừa đúng hai cái giường cá nhân, một cái bàn, một cái ghế và một cây đàn. Tất nhiên, căn phòng còn có thêm một gã đàn ông , tùm hụp chăn che kín tới cổ, thò ra một cái đầu bù xù, dở thức dở ngủ và nếu thằng hàng xóm không đẩy cửa bước vào la ầm lên, hẳn gã còn ngủ tiếp nữa.
“Dậy đi, tao vừa gặp vợ mày mặc xường xám, bám theo thằng chệt hói vào tiệm cơm tàu kìa..”
Gã tỉnh cả ngủ, giương mắt giỏng tai như mèo ngửi thấy mùi chuột.
'Mày ngồi dậy đi chớ, tao cho mày con dao Thái Lan, tới ngay đó đâm chết thằng chó Tàu ấy đi. Con mẹ nó đã lăm le cướp nước, lại còn vào cướp vợ người ta…”
Một cơn buồn mửa chợt dâng ngang cổ làm gã lúc lắc cái đầu và rướn người chặn giữ mọi thứ trong dạ dày lăm le muốn bật tung.
“'Tao thật không ngờ con cợ mày son phấn vào nom lại ngon lành thế. Chỉ có điều những thứ ấy không dành cho mày nữa. Nó nhảy vào lòng thằng “chệt” rồi. Mày có biết không?'
“ Nhảy vào lòng thằng chệt ? Mẹ kiếp, cả những thằng vẫn nhơn nhơn mặt thớt trên tivi cũng đã nhảy vào lòng thằng Trung Quốc rồi. Trách gì con đàn bà ?”
Gã càu nhàu rồi làm như cái tin động trời kia chằng ăn nhằm gì nên gã lại nhắm mắt, chùm chăn kín mặt, không thèm để ý tới thằng cha đưa tin đang châng hẩng đứng thộn giữa nhà. Rồi thấy chẳng làm cách nào có thể dựng dậy cái xác chết người ta chưa chôn, thằng cha kia bước thụt lùi ra khỏi phòng và sập cửa cái rầm.
Cho dù bóng tối lại lấp đầy căn buồng, chiếc chăn lại kéo lên kín mặt và đôi mắt lại nhắm nghiền, gã vẫn thấy cái vẻ lạnh tanh, khinh khỉnh của vợ gã lúc sáng khi nàng trở về lục lọi giấy tờ gì đó trong ngăn kéo bàn.
'Dậy đi, đồ thối thây, dậy đi tìm cho tôi tờ hộ khẩu...'
Thì ra nàng đang làm hồ sơ xin vào làm một Công ty xây dựng Trung Quốc . Vậy thì tờ hộ khẩu dù có nằm đâu cũng phải dốc ngược cả căn phòng này lên tìm cho ra.
May thay sau khi đã bới tung mọi thứ, gã tìm thấy nó lẫn trong một cái cặp giấy, gã chưa kịp mừng rỡ, nàng đã giật phắt nhét vào ví và hầm hầm bước ra khỏi cửa để lại nơi mũi gã mùi nước hoa quen thuộc. Gã khép lại cánh cửa bị vợ gã mở toang, không thiết dọn dẹp những thứ vừa bị lục tung, trở lại giường nằm sau khi nhận ra vợ gã quên không vứt lại tờ giấy bạc như mọi ngày cho gã ra đầu đường ăn một đĩa cơm sườn. Không sao cả, gã tự an ủi, lâu lâu nhịn một bữa cho sạch ruột? Gã leo lên giường trùm chăn, nhắm nghiền mắt, bịt chặt hai tai vẫn nhìn và nghe thấy thằng hàng xóm nhăn nhở xúi giục những lời bẩn thỉu.
Thế rồi mệt ngoài vì những ý nghĩ u ám bám chặt trong đầu, gã vùng dậy, bụt mọc ngay giữa giường và cái đàn treo trên tường từ lâu lắm không sờ tới, bất chợt đập vào mắt làm gã ngẩn ngơ.
Than ôi đã có một thời lâu lắm, xa lắc lơ, cứ mỗi lần gã ôm đàn ra sân khấu, cả rừng người lại nổ tung những trận vỗ tay. Thế rồi như có phép lạ, cả ngàn người đang la hét, múa may, bất chợt sững cả lại như đã chết hết khi gã búng tay vào dây đàn và từ trong cổ họng, tiếng hát cất lên như thể trong đó đang có một cây viôlông réo rắt những âm thanh hút hồn người. Cứ sau mỗi bài hát, những người hâm mộ lại ào lên sân khấu cùng với những bó hoa tươi mơn mởn, tranh nhau ấn vào tay gã.
Nàng, tức vợ gã, cũng nằm trong số đó, nhưng ngoài bó hoa, nàng còn tặng hẳn một cái hôn, khiến cái bộ cảm quan nhạy bén của gã thầm reo lên: 'Trúng mánh, trúng mánh rồi...' Khi nàng buông ra để gã có thể nhìn rõ, gã bỗng sửng sốt vì vẻ đẹp hết sức quý phái hiếm thấy ở những cô gái mà giọng hát của gã dễ dàng rủ rê vào những cuộc tình khách sạn. Cặp mắt đen láy, vầng trán mượt mà, miệng nhỏ xinh xinh nhoẻn cười lộ hé hàm răng trắng muốt, tất cả đều toát ra trinh trắng, thuần khiết gái nhà lành, từ nhỏ được bảo vệ chặt chẽ bởi những luật lệ nghiêm khắc của các ông bố, bà mẹ làm nghề dạy học.
Gã cuống lên sợ vuột mất cơ may quý báu, rất nhanh, gã nhoẻn cười hết sức nhà nghề và nói khẽ vào tai nàng bằng cái giọng còn ngọt hơn cả lúc gã hát:
'Anh sẽ hát một bài tặng riêng em...'
Và rồi khi cô gái trở về chỗ, ngước mắt nhìn với đôi mắt rưng rưng, gã uốn giọng cất tiếng hát:
'Hoàng tử của lòng em có cây đàn ghi ta...'
Cả ngàn con người như đã biến sạch khỏi cõi đời, trong mắt nàng chỉ còn thấy mỗi gã. 'Hoàng tử của lòng em có cây đàn ghi ta... hoàng tử của lòng em có trái tim bao la...' từng lời từng lời chảy vào lòng nàng cháy bỏng như dòng dung nham tuôn trào tàn phá mọi vật, xóa sạch mọi vết tích, thời gian như quay lại điểm xuất phát để bắt đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tình yêu của chàng và nàng và những trận vỗ tay.
Tuy nhiên không giống các cuộc tình khác gã thường kết thúc trên giường; bằng phương cách tuyệt diệu có khi còn tài năng hơn cả giọng hát của gã, nàng đã trói gô được gã vào khuôn khổ gia đình để uốn nắn, nhào nặn theo những khuôn mẫu của nàng. Không đầy ba năm sau, nàng đã hoàn thành cuộc cách mạng trong khuôn khổ gia đình, ở cái vị thế bị đảo ngược, gã biến đổi 'sâu sắc và triệt để' tới mức râu gã không chịu mọc nữa, mặt gã nhẵn nhụi, và một hôm vợ hắn kinh hoàng bắt gặp gã đang ngồi trước bàn trang điểm của nàng... đánh phấn và kẻ lông mày như một cô gái sắp đi chơi với người yêu.
Nàng chỉ mới trợn mắt lên vì kinh ngạc, gã đã cuống lên, run bần bật như tên đầy tớ bị chủ nhà bắt gặp đang ăn vụng. Và rồi nàng còn muốn té xỉu khi nhận thấy ngực gã nổi lên lùm lùm một cặp ... vú đàn bà.
Từ bữa đó vợ gã bắt gã ngủ riêng, không cho động tới người nàng. Gã chấp nhận tình trạng ly thân hết sức thích thú cứ như được giải phóng khỏi kìm kẹp vậy. Tuy nhiên khi không còn chăn gối, cho dù bị khinh miệt mắng mỏ, và đôi khi bị đánh đập nữa, sự thực gã vẫn còn ghen, tức là vẫn còn yêu, điều sơ đẳng trong tình trường, phải không nào?
Đã bao nhiêu đêm gã thức trắng, mắt trừng trừng nhìn sang chiếc giường trống vắng cửa vợ gã kê kế bên, tưởng tượng ra những cảnh tượng vợ gã đang trải qua tại một nơi nào đó trời cũng chẳng biết, để rồi sáng hôm sau về nhà, mặt mũi nàng xưng xỉa lên và nếu gã dám đặt câu hỏi 'Đêm hôm qua cô đi đâu', lập tức nàng sẽ sừng sộ: 'Anh hỏi làm gì', gã sẽ cúi mặt xuống phản kháng bằng một tiếng thở dài khe khẽ, rồi cố rặn ra một nụ cười: 'Em muốn ăn gì để anh đi nấu'.
 Chao ôi, như thế gọi là sống ấy ư, chết đi còn hơn - không biết bao nhiêu lần gã thốt lên như thế và cũng không biết bao nhiêu lần gã tính làm một cái gì đó đập tan nỗi ê chề, nhục nhã gã phải gánh chịu trong cái gia đình khốn khổ của gã, vậy nhưng như có một ma lực nào đó kìm giữ lại, gã lại như con ngựa già, cúi đầu xuống kéo lê cái nếp thường ngày khổ đau và nặng nhọc.
Vậy nhưng sáng nay dường như có cái gì đó nổ tung trong con người gã. Con dao Thái Lan và loáng thoáng bên tai lời gã hàng xóm cứ như những con ong đốt vào lòng gã:
“Tao cho mày con dao, tới tiệm cơm tàu đâm thằng chó Tàu ..”
 Mắt gã quắc lên, hất tung cái chăn khỏi người, gã chồm dậy và lẽ ra gã với tay lấy con dao sáng quắt đang nằm giữa bàn, gã lại nhoài người tới với lấy cây đàn. Lâu lắm rồi gã không sờ tới nó, người bạn đồng hành tin vậy và thân thiết biết bao. Thật nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được gã và cái đàn lại đến nông nỗi này. Vì sao, vì sao vậy? Phải chăng cái bài hát định mệnh kia đã đưa cô nàng liêu trai ấy tới hại gã? Không, không hẳn là như thế, công bằng mà nói, trong những năm tháng tuyệt diệu của tình yêu, nàng đã đem tới cho gã đủ các sắc màu, các cung bậc của nghệ thuật yêu đến độ có lần gã đã phải thốt lên: 'Ngủ với em một đêm bằng một năm với tất cả các cô gái mà anh đã gặp'.
Lúc đó nàng không hề ghen, ngược lại, nàng còn bày thêm trò cho gã thụ hưởng để thưởng cho câu nói gã khen tặng nàng. Không, nàng chẳng có lỗi gì khi nhận chìm gã lẫn giọng hát tuyệt diệu của gã vào những lạc thú của tình yêu. Có lẽ cái lỗi duy nhất của nàng chính là chưa cho gã nếm đủ mùi nhục nhã, chưa cho gã chịu hết đắng cay để gã có thể lấy lại giọng hát đã mất.
Một cảm giác rạo rực rất kỳ lạ tràn ngập quả tim lâu nay vốn lười nhác của gã. Gã mở cửa, ôm cây đàn, thất thểu bước đi trên phố như một kẻ mộng du.
Tiệm cơm tàu đầu phố...
“ Anh đi tới với em đây, anh tới với em không nhằm nài nỉ tình yêu đã mất, anh tới em chỉ để đòi sự đắng cay và nhục nhã em còn thiếu chưa trút hết lên đầu anh. “
Vừa đi gã vừa lầm bầm trong miệng khiến những người ở tiệm cơm tàu tưởng gã ăn xin nên cứ để mặc cho gã bước vào. Kia rồi, nàng đang ngồi nơi bàn kia với thằng chệt đầu hói ấy . Hắn nói tiếng Trung Quốc , cười nói ha hả bất chấp những người ngồi quanh nhìn hắn với ánh mắt căm ghét.
 Như một kẻ tội đồ bước tới máy chém, gã đi tới bên nàng, búng nhẹ vào dây đàn. Vừa nhận ra gã, nàng đã nhăn mặt lại, ghê tởm như nhìn thấy một xác chết biết đi. Nàng mở ví lấy khăn mặt bịt mũi, rút ra tờ giấy bạc, quăng vào mặt gã:
'Thôi đi chỗ khác, khỏi hát...'.
Gã cung kính cầm tờ giấy bạc, cẩn thận nhét túi, rồi như có đồng nhập, gã thoắt biến thành người khác, dửng dưng với nỗi nhục nhã đang gánh chịu, với những con người đang tò mò vây quanh, gã hít một hơi căng đầy lồng ngực rồi từ thẳm sâu trong lòng gã, tiếng hát cất lên:
'Hoàng tử của lòng em có cây đàn ghi ta...
Hoàng tử của lòng em có tấm lòng bao la...'
Chao ôi lâu lắm, lâu lắm rồi người ta mới lại được nghe một giọng hát cao vút, hớp hồn người như đến thế, dường như cây đàn thụ cầm trong cổ họng gã bấy lâu nay im tiếng, nay bỗng lại cất lên với biết bao nhiêu cảm xúc bị dồn nén nay được thoát ra qua cổ họng một con thú bị thương. Tiệm cơm tàu đang ồn ào chợt im phắc, tất cả mọi người bị tiếng hát hớp hồn đều bất động như đã hóa đá. Riêng có thằng cha người Tàu ngồi với nàng là tỉnh táo hơn cả. Gã gắp vào bát nàng một cái lườn gà , cười hô hố :
“ Hảo lớ…hảo lớ…”
Người đàn bà mặc xường xám chết lặng giữa tiếng hát Việt và tiếng cười Trung  Quốc , rồi như phát điên, nàng phóng ra khỏi quán và cắm đầu chạy trên phố .




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét