Thập kỷ “cáo phó”
- Mẹ ông ta chết, tôi lo từ bát cơm quả trứng đến khăn xô vải liệm. Suốt đêm tôi canh quan tài cho vợ chồng ông ta ngủ. Sau đám tang, tôi sút hai cân thịt. Vợ ốm cấp cứu cũng mặc đấy, con bỏ nhà đi lêu lổng cũng xếp lại. Hẵng lo mồ yên mả đẹp cho mẹ ông ta cái đã. Ấy thế mà ân nghĩa, trời ơi ân nghĩa, từ khi kí cái lệnh cách chức tôi, ông ta đã vứt tất cả xuống sông này rồi.
Tiếng rền rĩ của ông lay động mặt sông. Một chiếc thuyền câu treo ngọn đèn đỏ đọc lắc lư. Tôi không dám nhìn nữa, gương mặt ông như một cục sáp bị nung chảy bởi một ngọn lửa đang thiêu đốt tâm can. Người con gái thất tình, người mẹ mất con - có lẽ chưa nỗi đau nào hành hạ con người ta ghê gớm như khi bị mất …chức , mất quyền uy. Tôi muốn đứng dậy quá, nhưng ông giữ lại :
- Cậu cứ ngồi đây cho tôi kể hết. Thật lạ, cậu chẳng giống ai trong mọi người. Gặp cậu, tự dưng tôi muốn gần gũi, muốn phơi bày gan ruột. Như thế là ba mươi năm ra sống vào chết, cúc cung tận tụy, tôi còn được cái gì? Trời ơi, sao mà tôi dại thế. Tôi chẳng đòi gì cho tôi cả. Mấy lần ông ta cho tôi đi học, tôi không chịu đi. Đi học, vậy thì công việc của tôi ai làm? Chẳng ai làm được tỉ mỉ, chu đáo bằng tôi cả. Cứ thế, lần nào cũng vậy. Trong khi đó, những thằng đi sau tôi, linh của tôi, bây giờ cũng đều cục trưởng cục phó cả rồi.
Tôi cố choài khỏi cánh tay như chiếc kìm sắt của ông. Nhưng tôi không bỏ đi nổi. Đôi mắt ông van nài đến nhức nhối. Tôi giúp gì ông được? Tôi chỉ là một thằng con trai mới lớn, am hiểu gì cuộc đời để lựa được đôi lời khuyên giải.
- Vậy mà tôi có ghen tức gì đâu. Ai lên được là ta mừng phải không ? Thôi mặc các ông trên đầu, mình cứ làm tròn chức trưởng phòng hành chính cái đã. Ai cũng cần đến tôi. Chuông điện thoại réo suốt ngày. Gặp tôi từ xa, người nào cũng phải chào.
Có tiếng quẫy nhẹ và đầu cần câu động đậy. Tôi nhắc:
- Cá cắn câu kìa bác. .
Một con tôm cong người chống đỡ mà vẫn bị tàn nhẫn lôi vào bờ. Ông thay mồi, ném lưỡi câu xuống nước.
- Cậu cứ ngồi đây. Thế nào tôi cũng cho cậu con cá gáy nửa ki lô. Cái số tôi đen nhưng câu cá thì lại đỏ. Tôi cũng mới câu một năm nay thôi. Trước kia làm gì ra thì giờ. Mình ngờ đâu được lại có ngày đi câu như thế này. Tưởng sẽ giữ được cái chức trưởng phòng cho đến khi hưu, ai ngờ... thì ra ông ta thí tốt cậu ạ.
Tôi mải nhìn đốm lửa đốt nương từ xa tít trên núi cao nên không thể hiểu hết được ông ta nói những gì qua cái giọng hối hả, mập mờ và lộn xộn kia. Tôi tự trách đã la cà ra chỗ ông ngồi câu để phải nghe những điều "rắc rối cuộc đời" tôi không hề muốn nghe. Tôi giận cô người yêu của tôi, hẹn hò gì chậm cả tiếng đồng hồ. Hay bị ông bà già “cấm trại" rồi'? Xé rào ra em ơi, xé rào đến với anh, ôm nhau đi tới bãi cát đằng kia, hôn nhau. Tôi chợt cắt ngang lời ông:
- Này bác, cho tôi hỏi, ngày xưa bác có yêu không ?
Ông chưng hửng và nhăn mặt khi phải cố nhớ về cái thời đã xa xôi quá:
- Cái đó ngày xưa bọn tôi gọi là tìm hiểu. Hồi mới đi bộ đội tôi tìm hiểu một cô cùng xóm. Chẳng may khi cải cách gia đình cô ta bị quy địa chủ, tôi phải cắt Sau đó tôi tìm hiểu một cô bần nông ở nơi đóng quân. Một tháng sau, chúng tôi ”xây dựng" liền.
Tự dưng tôi muốn biết "tìm hiểu' với "yêu nhau' có khác nhau lắm không, tôi bèn hỏi:
- Thế khi tìm hiểu bác nói thế nào ?
- Đầu tiên tôi trình bày với chính trị viên. Đồng chí ấy hội ý chi ủy rồi đi với tôi đến gặp gia đình. Tôi đã chuẩn bị trước nên đỡ hồi hộp. Tôi bảo:
- Hoàn cảnh của cô và tôi cùng chung một giai cấp . "
Tôi phì cười:
- Thế cô ta bảo sao?
- Cô ta bảo anh nói vậy em cũng đồng ý thôi.
Đồng chí chính trị viên mừng lắm, lúc về dặn tôi:
"Vui duyên mới không được quên nhiệm vụ'
Trời ơi, tôi không sao mà nhịn cười cho được. Giả sử người yêu tôi có mặt lúc này, chắc cô cũng phải nhảy lên như tôi. Ông ta chợt trừng mắt:
- Sao lại cười?
Tôi vội im và nói lấy lòng: .
- Tôi cười vui tí thôi, bác kể tiếp cái đoạn kỷ luật đi.
Mắt ông già trợn ngược lên:
- Kỷ luật tôi thì phải bỏ tù ông ta, tôi chỉ thừa hành thôi, có phải chủ mưu đâu. Đời nó đểu thế, ăn cắp quả trứng thì tù, ăn cắp con bò lại lên chức, lên chức mãi. Từ đó chuông điện thoại không réo tên tôi, gặp mình từ xa, chẳng ma nào đon đả nữa. Tôi phải đi dọn hố xí. Xuất thân hốt phân trâu vòng vo mấy chục năm lại vẫn hốt phân người. Rõ thực "con sãi ở chùa lại quét lá đa". Một lần, ông ta gọi tôi đến an ủi: làm việc gì cũng là làm cách mạng, làm ở đâu cũng có đóng góp, cứ chịu khó rồi lại được cất nhắc. Tôi biết thừa ông ta thả lời đường mật. Nhưng tôi vẫn vung chổi lên, thề với mình:” Thua keo này ta bày keo khác.”
Cần câu bị lôi bần bật. ông kéo lên một chú cá béo. Chú hớp miệng, mắt lồi lên, giãy giụa tuyệt vọng. Tội nghiệp, chú chẳng có cơ hội nào để "bày keo khác nữa". Tôi vụt nói:
- Bác cho tôi con này.
- Con này bé quá. Chịu khó chờ, tôi sẽ cho cậu con to hơn.
- Không cần, tôi lấy con này. Tôi sẽ ngồi nghe bác kể chuyện.
Ông đưa cho tôi con cá. Tôi đặt nó trong lòng bàn tay vỗ nhè nhẹ, rồi dang cánh tay ném thẳng xuống sông. Mặt nước vỡ ra những vòng tròn. Ông trợn mắt, tôi vội giải thích:
- Hãy cho nó “bày keo khác" bác ạ.
Ông bật cười, gật gật. Mặt sông im trở lại. Các chú cá, hãy tránh thật xa chỗ này, hiểm nguy đang chờ các chú.
- Cậu bảo thế này có tức không? Đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới dọn được thơm tho gọn gàng. Độp cái nó làm cho một cục ở ngay miệng chồ, mình chịu sao nổi. Tôi mới để ý rình. Vừa nhác thấy hắn kéo quần đi ra, tôi xộc vào, thì trời ơi, nhãn tiền rành rành một đống. Tôi phóng ra ngay và chẳng may vớ phải ông trởng phòng nhân sự. Tôi lo hắn quát lại tôi, chẳng ngờ hắn nhũn như con chi chi, vừa nhận khuyết điểm vừa biểu dương tinh thần trách nhiệm của người làm công tác vệ sinh. A ha, hóa ra mình cũng ghê đấy chứ. Từ nay cóc sợ thằng nào. Mình đã nằm ráp đất rồi, đánh một cái thì ta lật sấp, đánh cái nữa ta lại lật ngửa. Vậy có cái gì mà phải sợ. Thế là ngày ngày, tôi vác chổi đi đi lại lại suốt mấy dãy chuồng chồ. Thật vô phúc cho đứa nào dám bĩnh ra ngoài lỗ.
Giọng ông sang sảng, tiếng ông cười như nước chảy trong ống. Tôi chợt thấy thèm nghe tiếng nói của người yêu tôi quá Có lần nàng bảo tôi: "Suốt đời em thương những chiếc lá, em cứ coi mỗi chiếc lá là một cuộc đời". Tôi nhìn rừng cây âm u, chiếc lá nào là của ông. Tội nghiệp, những chiếc lá, đã góp gió thành bão để rồi cuốn đi chính nó.
Ong chợt kéo tay tôi :
- Một hôm họp toàn cơ quan, có mặt cả ông ta, tôi mới đứng lên xin phát biểu.
"Báo cáo thủ trưởng, các ngày chủ nhật ai cũng đều nghỉ làm, nhưng mà chẳng có ai nghỉ ỉa cả. Vậy thì cớ làm sao chỉ chấm cho tôi có 26 ngày công?".
Tôi phá ra cười như một thằng điên. Chờ mãi, ông sốt ruột:
- Kìa, sao cứ cười mãi thế?
- Ha ha...
- Đừng cười nữa! .
- Ha ha. . .
- Tôi đã bảo cậu thôi mà!
Ông quát lên làm tôi im bặt. Chiếc cần câu lại bị kéo. Tôi đỡ lấy con cá xấu số và tôi chợt kêu lên:
- Thôi chết lại con cá lúc nãy.
- Sao cậu biết?
- Đây này, đúng cái vết xước ở đuôi mắt đây này.
Ông cười lạnh lẽo:
- Có số đấy. Cái số nó đến ngày chết, cưỡng chả được.
- Bác mà cũng mê tín ?
. - Trước đây tôi không tin. Bây giờ tôi rất tin. Người ta sướng khổ thế nào là do định mệnh cả. Cậu có tin không?
. Tôi bướng bỉnh:
- Tôi không tin, chẳng có số phận và định mệnh nào hết. Đời này là do tay ta.
- Cậu nói như tôi hồi trẻ ấy.
- Bác cho tôi con cá này nhé.
- Tôi không cho. Lại định vứt nó xuống sông chứ gì?
- Con cá này của tôi, lúc nãy bác đã cho tôi rồi.
- Nhưng cậu đã vứt nó đi. Tôi câu được, vậy nó là của tôi chứ.
- Nếu không cho thì bán vậy.
Ông cười sằng sặc:
- Đúng giá 100 ngàn đồng.
Tôi nóng mặt, rút tất cả tiền trong túi, ấn vào tay ông:
- Tôi thiếu bác hai chục sáng mai xin trả nốt.
Ông trợn tròn mắt nhìn tôi như thể tôi là người ngoại quốc:
- Cậu mua thực không?
- Sao lại không thực.
- Được rồi con cá này là của cậu.
Ông ngẩn ngơ đút tiền vào túi, tôi ném con cá xuống sông cười đắc thắng:
- Bác thấy chưa, chẳng có số má định mệnh nào hết. Con cá ấy có chết đâu.
Ông cời ha hả:
- Tôi thử cậu đấy. Lấy tiền của cậu chẳng thà tôi ôm đá nhảy xuống sông còn hơn.
Mắt ông sáng lên khi ấn trả tiền vào túi tôi .Và bỗng dưng ông trở thành hùng dũng một cách cường điệu:
- Nói thực cho cậu biết, tôi cũng xả láng cuộc đời chả kém gì cậu. Nếu không nghĩ tới vợ con, tôi đã xẻ “nó" ra làm hai mảnh từ lâu rồi. Ngoài mặt tôi vẫn "dạ dạ" nhưng trong bụng tôi thù "nó" "khắc cốt ghi xương".
Vẻ mặt ông trở thành dễ sợ. Nó lại sắp giống như cục sáp bị nung chảy. Ông tiến tới, nắm lấy tay và thì thào vào tai tôi:
- Tôi nghĩ được cách hạ nó rồi. Cậu có biết một chỗ người ta dễ để lộ bí mật không? Cái bồ đựng giấy trong chuồng chồ đó. Hằng ngày tôi phải moi ra và đốt đi các loại công văn, biên lai, hóa đơn, thư từ nhảm nhí. Tôi rình cái lúc "nó" đi cầu ra, tôi mới ập vào khều lấy cái tờ giấy "nó" vừa dùng. Thế nào cũng có ngày tôi vớ được . . .
Tôi vùng khỏi cánh tay ông ta:
- Ông xê ra, đừng có đụng vào người tôi.
Vừa lúc ấy tôi nhìn thấy một người từ xa chạy tới. Đúng người yêu tôi rồi, tôi vội vã:
- Bồ tôi đến kìa. Thôi chào bác.
- Gượm đã, cậu cho tôi hỏi một câu này thôi, liệu tôi có sống được đến ngày "nó” chết không?
- Không ai trốn được cái chết. Tất cả những người như ông ta sẽ cùng được cáo phó trong một thập kỷ sắp tới, thập kỷ cáo phó….
Tôi nói một hơi rồi bỏ chạy. Đúng thế đấy, tôi chạy trốn ông ta để về với nhân loại của tôi, văn minh của tôi: NÀNG.
Tôi ôm chầm lấy và hôn vội vã. Tôi bỗng cháy lên thèm khát được hòa nhập ngay vào nàng để giải thoát khỏi những ám ảnh vừa nãy. Nàng hơi ngạc nhiên nhưng vẫn chiều tôi như thể tôi đang là một cậu bé hờn dỗi. Tôi chìm sâu vào thân thể nàng và rồi bất chợt qua bờ vai trần trắng nuột, tôi nhìn thấy một người lủi thủi ôm cần câu đi vào trong tối. Mảnh trăng trên trời cũng biến đâu mất. Dường như thanh sắt cong nóng đỏ ấy đã rơi vào lòng tôi cháy rát . .
CƯỜI TÝ CHÚT :
Hồi mồ ma Nguyễn Khải, sau khi viết xong truyện này tôi đưa ông đọc. Đọc xong, nhà văn “đàn anh” trợn mắt :”Mày lôi cả thế hệ tao ra chuồng chồ mà …đánh ?”. Tôi không biết trả lời sao, chỉ biết cười hì hì…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét