Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

HÀ NỘI...HỒI ẤY (19)

                 Hànội …”hồi ấy” (19)

                     (tiếp theo)



Hắn choàng dậy còn nhanh hơn một cái máy được cắm điện, tội nghiệp chắc tới ba hôm không ngửi mùi rượu. Từ sau hôm lộn xộn ở quán nghệ sĩ, bà Dậu đã thôi không cho hắn ghi nợ nữa, hắn đã bán tới bộ comlê may hồi cưới vợ và bây giờ chị ta đã khoá cả tủ lạnh sau khi hai chai nước ngọt không cánh mà bay . Hắn cười hể hề ::
- Tới tiệm phở bà Đ. rửa bát hỏi tin con gái bà cho mày chứ gì ? Yên trí, tao sẽ hỏi cặn kẽ hôm nay nàng ngủ mấy tiếng, ăn mấy bát cơm, hắt xì hơi mấy lượt…
Mới đánh hơi thấy rượu hắn đã thông minh, hoạt bát hẳn lên , tôi chỉ ngại lúc quá chén không biết hắn còn nhớ tới việc tôi nhờ cậy nữa  không. Quả nhiên suốt ngày hôm đó mặc cho tôi trông chờ đến đỏ con mắt, rối ruột gan, hắn lặn mất tăm luôn. Đêm đó tôi nằm tưởng tượng ra bao nhiêu chuyện kỳ quái , bà Đ. không đi làm, hắn phải mò tới nhà tìm nàng trong tình trạng say khướt và bị ông Đ. đánh cho một trận nằm liệt, hoặc hắn bắt quả tang vợ đang hú hí với “ nhân vật thứ ba” và bị anh chàng lái xe kia đâm cho nhát dao chết tươi, hoặc rất có thể hắn đã lao đầu vào gầm xe sau bữa rượu tuý luý quán bà Đ. ?
Mãi gần sáng tôi mới thiếp đi, thôi không nghĩ tới hắn nữa thì hắn lại xuất hiện trước mặt tôi, cười nhăn nhở kéo tôi đi giết ông Đ. để trả thù. Chúng tôi trèo qua tường, nhảy xuống chiếc sân xếp đầy chai lọ, đến gần giường ông Đ. đang ngủ, Trịnh ấn vào tay tôi một con dao sáng loáng. Tôi mắm môi mắm lợi nhằm ngực ông Đ. bổ xuống, ông ta cong người lên, giãy giãy và trời ơi, khi tôi nhìn xuống hoá ra không phải ông Đ. mag chính nàng. Tôi hét toáng lên, vứt dao bỏ chạy và rồi như có người vồ lấy mình :
- Kìa, tỉnh lại đi chớ, nằm mơ gì mà kêu váng lên thế ?
Tôi mở choàng mắt, a, chính hắn bằng xương bằng thịt đây rồi, tôi chưa kịp trợn mắt, mắng mỏ hắn đã lôi tay tôi dậy, ghé vào tai tôi thì thào :
- Dậy sửa soạn nhanh đi, bà Đ. tới thăm mày kìa.
Tôi khoác vội tấm chăn nhảy vào buồng tắm, hoảng lên không hiểu tại sao cái thằng khỉ đột kia lại dẫn bà ấy tới, có chuyện gì xảy tới với nàng rồi chăng ?
- Trời đất ơi, anh ăn ở thế này ấy ư ?
Bà Đ. kêu lên khi tôi vừa ló mặt ra ngoài, may quá, tôi nhẹ cả người khi trong tay bà không có cái gậy nào cả, ngược lại một nải chuối nằm lù lù trên bàn càng chứng tỏ bà tới tôi với đầy thiện chí.
- Nghe bạn anh nói anh bị mệt mấy hôm nay, tôi mới ghé thăm. Em nó không tới được, nó gửi quà cho anh đấy…
-  Thưa bác… cô ấy có khoẻ không ạ ? Có còn đau bên mắt nữa không ạ ?
Bà nhìn tôi, thoáng cười như thông cảm với cái điều tôi không tiện hỏi.
- Em nó khoẻ… anh yên tâm, ông nhà tôi thỉnh thoảng nổi máu điên vậy thôi, bình thường ông ấy cũng hiền lành, tử tế, thương vợ thương con. Ấy, bữa trước lúc anh về rồi ông ấy lại tỏ ra ân hận, không thấy anh tới chơi lại cứ thắc mắc anh có ốm đau gì không ?
Tôi không dám nói tôi phát ốm vì mấy gậy của ông, thôi, Phật dậy oán thù nên cởi chứ không nên thắt, vả lại, ông đánh tôi tức ông đã mắc nợ, không gả con gái cho tôi còn gả cho ai ? Nghĩ vậy tôi mới phụ hoạ với bà hết lời ca ngợi ông hiền lành như bụt, xuề xoà mát tính khiến thằng Trịnh lo tôi sắp bốc đồng, phải đá vào chân.
Bà Đ. vui vẻ ra về, không quên dặn lại chừng nào tôi khoẻ thì tới nhà “thăm em nó” và ăn bữa cơm thân mật do ông Đ. có nhã ý mời. Tôi cung kính vâng lời và khi bà đã ra tới ngoài phố, tôi mới quay lại cười ha hả với Trịnh :
- Trong họa có phúc, trong phúc có họa… mày thấy chưa, chịu ăn mấy gậy lại thành ra có lợi, nghiễm nhiên trở thành khách mời của ông Đ. và cứ cái đà này phải gả con gái cho tao là cái chắc.
Hắn buông một câu làm tôi cụt hứng :
- Tao như mày lấy cớ ăn đòn bỏ chạy cho rồi.
- Mày tưởng đàn bà ai cũng như vợ mày sao ?
Tôi ân hận đã quá lời, nhưng không, hắn không tự ái mà còn cười phá lên:
- Đàn bà không có ngoại lệ. Tao sẽ cố sống cho tới ngày mày trắng mắt ra.
Mấy ngày sau khi mặt mũi đã tươi tỉnh trở lại, tôi thắng bộ đẹp nhất, run tay gõ cửa nhà nàng. Tôi thất vọng, ngừơi mở cửa không phải nàng mà chính ông Đ. và suýt nữa bật ngược trở ra khi thấy trong tay ông lăm lăm cây gậy.
- Vào đi, anh vào đi, nhà tôi mới xin được con chó nên phải cầm gậy đón khách.
Quả nhiên, mãi sâu trong góc sân, một con Mực nằm lù lù nhe ra hàm răng trắng ởn khi tôi nhón chân bước qua. Tôi mải đưa mắt tìm nàng, vấp một cái đau điếng, suýt nữa tuột vỡ chai rượu tây cắp nách làm quà biếu bố vợ tương lai.
- Mấy hôm nay anh có nghe thấy người ta đồn ầm lên về một phương pháp chữa bệnh gọi là “ tắm dưỡng sinh” không ?
Tôi toát mồ hôi :
- Dạ … không, cháu chỉ nghe người ta đồn sắp bỏ các loại tem phiếu thôi ạ.
Ông Đ. bĩu môi:
- Cái đó nói làm gì, bỏ rồi lại dùng, dùng rồi lại doạ bỏ, mặc cha mấy thằng thương nghiệp, chẳng ai thèm quan tâm nữa. Tôi nói chuyện “tắm dưỡng sinh” kia, nghe nói chữa được cả thấp khớp, viêm phế quản, đau dạ dày nữa kia. Chẳng mấy xu thuốc nào mà khỏi bệnh, mạnh khoẻ thì hay quá. Anh có biết cái phương pháp đó ra sao không ? Ngày tắm mấy lần, tắm nước nóng hay nước lạnh, có phải xoa bóp gì không ?
  Tôi giấu biến cái ý nghĩ định nói toẹt cho ông biết rằng chính tôi là người đã đẻ ra cái phương pháp bịp bợm đó, nhưng than ôi, tôi không dám, làm sao ông tin được tôi và không chừng ông lại cho tôi ăn vài gậy vì cái tội giễu cợt ông cũng nên. Tôi đành bấm bụng ngồi nghe ông giảng giải về sự lưu thông khí huyết hệ kinh lạc và triết lý âm dương trong trị bệnh để ca ngợi phương pháp “tắm dưỡng sinh” mà theo ông đoán tác giả là cụ Hải Thượng Lãn Ông chứ không phải như các nhà khoa học sùng ngoại của ta cứ đi tìm trong các sách tây y.
Mãi lúc mâm cơm được dọn ra, tôi mới được nhìn thấy nàng, vết bầm trên mặt đã biến mất, cái ánh lấp lánh trở lại trong đôi mắt nàng. Tôi tự nhủ sẽ nhảy lên bóp cổ bố vợ tương lai một khi ông còn có gan đánh đập vợ chưa cưới của tôi. Bắt đầu từ giờ phút này tôi thề với tôi sẽ bảo vệ nàng trong vòng tay của mình, sẽ không bao giờ làm tối sầm bầu trời trong sáng trong đôi mắt nàng, sẽ… ấy, tôi lại bốc lên rồi mà chẳng tự biết, tôi cắt ngang lời ông Đ. đang thao thao bất tuyệt về phương pháp “ tắm dưỡng sinh” :
- Thưa bác, nếu bác cho phép, từ nay cháu xin được coi bác như… ông nhạc tương lai.
  Oâng Đ. như người bị hãm đột ngột, ngoác miệng :
- Cái gì ? Anh nói cái gì ?
Tôi phải nốc thêm hớp rượu nữa lấy can đảm chạy theo câu nói của mình :
- Thưa bác, cháu xin phép bác được cưới… con gái bác…
- Ái chà, ra thế đấy, tình yêu thời hiện đại nhanh hơn tàu vũ trụ. Tôi xin hỏi anh đã gặp được nó mấy lần ? Đã kịp tìm hiểu những gì về nó ?
Tôi cuống cả lên :
- Dạ… thưa bác… cháu yêu… cháu yêu…
- Tôi biết, tôi biết… nhưng tình yêu chưa đủ tạo ra hôn nhân được đâu. Tôi đã sống gần hết cái đời tôi nên tôi hiểu. Trước hết tôi dặn anh một điều, nếu lấy nó,  tôi cấm anh không được đưa nó về cái phòng của anh ở sát dãy chuồng chồ ấy…
Lạy trời, hoá ra ông lão chẳng lẩm cẩm tí nào, lo cho con gái đến thế thì còn tỉnh hơn cả tôi ấy chớ. Vấn đề ông đặt ra quả là cốt lõi, vốn làm tôi nghĩ ngợi đến đau cả đầu trong bao nhiêu đêm mất ngủ. Nhưng biết làm sao, người ta đào hầm qua biển Manche còn dễ dàng hơn tôi tự xây lấy một căn nhà dẫu rằng nó chỉ bằng cái hộp diêm thôi. Tôi cứ đáp bừa :
- Thưa bác cháu trù tính cả rồi ạ…
- Anh tính ra làm sao ?
- Cháu sẽ để dành tiền… mua một miếng đất ngoại thành… mua gạch và xi măng thuê thợ cất nhà…
Oâng Đ. cười khà khà :
- Lương tháng anh bao nhiêu ? Tiêu hết bao nhiêu ? Để dành được bao nhiêu ? liệu tới năm … mồng thất tháng mồng cửu đã mua nổi chục mét đất chưa ? Tôi đây này, bốn mươi năm tham gia cách mạng, về hưu được vài ngàn nó đổi tiền một cái là tay trắng.
Tôi đành ngớ ra trước lý lẽ trần trụi, rất xác đáng của ông :
- Vậy thưa bác… cháu phải làm gì ?
- Làm gì thì anh phải hỏi chính anh ấy chớ, sao lại hỏi tôi ?
Tôi đành cúi mặt xuống, xấu hổ vì cái thói huênh hoang đòi xin cưới con gái ông làm vợ, tôi cũng không dám nhìn vào đôi mắt đầy thông cảm của nàng đang ngồi nhẫn chịu như Phật bà quan âm trong góc nhà. Giờ đây tôi mới thấu hiểu sự phụ bạc của nàng Ánh  Tuyết, sự cản phá quyết liệt của cha nàng Cẩm Lai, mỗi người đều có lý riêng của họ và chẳng nên oán trách bất kỳ ai. Vậy thì tôi chỉ còn oán trách sự bất lực của… chính tôi sao ? Cũng không phải nốt, thôi đành đổ tại… “ thiên mệnh” vậy thôi, lỗi là tại … ông Trời.

                             (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét