Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

HÀNỘI..."HỒI ẤY" (20)

                                Hànội…”hồi ấy” (20)
                           (tiếp theo) 




Tuy nhiên, dẫu đã ra cho tôi cái điều kiện bất khả thi như vậy, ông Đ. cũng chẳng hề cấm đoán tôi tới với nàng. Tôi được phép ngồi riêng trò chuyện trong phòng khách, được mua tặng nàng những quà nho nhỏ… ông chỉ đặt ra một hàng rào cuối cùng : cấm đi chơi vào buổi tối, nhất là về khuya lại càng cấm kỵ. Than ôi, tôi và nàng ngày càng nhởn nhơ như con thú rong chơi chẳng hề nhớ tới rào cản ấy. Tất cả chỉ tại phim tối hôm đó hay quá, tôi và nàng mải mê trong câu chuyện về một thế giới khác, một nhân loại khác mà chỉ những con tàu từ ngoài vũ trụ hạ xuống mới đưa chúng tôi tới nơi… Vì tất cả những cái đó chúng tôi đã quên mất ông Đ. lăm lăm cầm cây gậy chờ sẵn nàng ở nhà. Thế là sau một thời gian ngắn ngủi được hạnh phúc tuyệt đỉnh bên cạnh nàng, một lần nữa số mệnh lại chơi tôi một vố choáng váng : nàng đã mất tiếng nói và trí nhớ sau trận đòn của bố nàng.
Đó là lỗi của ông Đ., của tôi hay là lỗi ở… thiên mệnh.


8


Qủa thực , trong tất cả các tài liệu y học tôi đã đọc, trong tất cả kinh nghiệm những thầy thuốc mà tôi đã gặp, đều không thấy trường hợp chấn động thần kinh nào giống như nàng. Suốt ba ngày liền, sáng nào tôi cũng chở Trịnh tới khám cho nàng, và lần nào cũng “ tim phổi bình thường, mạch đều, huyết áp tốt…” khiến hắn phải kêu lên :
-               Chịu thôi, tao chịu thôi, từ thủa cha sinh mẹ đẻ tao chưa bao giờ gặp một cái ca nào quái dị như thế này. Mày có đưa nàng tới Hội đồng giám định y khoa cấp quốc gia đi chăng nữa, người ta cũng kết luận như tao thôi : nàng là một kịch sĩ đại tài…
Không, không thể như thế được, hơn ai hết, tôi hiểu rằng không bao giờ nàng có cái phẩm chất dối gạt ấy, vả chăng, nàng làm điều đó nhằm mục đích gì kia chứ ? Cái thằng bác sĩ vườn đó không chịu hiểu rằng nàng chẳng hề mưu cầu bất cứ thứ gì cho nàng, chỉ nhận chịu và ban phát thôi, bởi vậy chỉ riêng ý nghĩ đổ cho nàng giả vờ cũng là một xúc phạm lớn. Vậy nhưng nàng vẫn ngồi đó, mảnh mai, tươi tắn, im lìm, chỉ riêng có đôi mắt, riêng có đôi mắt vô hồn, xa lạ cứ như hai cánh cửa dẫn vào thế giới ấm áp, đằm thắm, thân thiết ngày xưa đã khép lại rồi. Tôi muốn quỳ xuống, ôm lấy đôi chân thon nhỏ của nàng hét to lên :
“ Em nói đi, nói cho anh biết đi, có chuyện gì xảy ra với em vậy ?”.
Than ôi, nàng vẫn chỉ im lặng suốt từ sáng tới tối, chỉ nhìn tôi và cả bố mẹ nàng với ánh mắt hoàn toàn dửng dưng, không mảy may quen biết.
Ông bà Đ. bắt đầu nhận ra tính chất nghiêm trọng trong bệnh tình con gái, suốt ngày chì chiết nhau, bà trách móc ông chán rồi lại đến lượt ông chửi bới bà, đặc biệt, cả hai đều không nói động  tới tôi một lời mặc dù chính tôi là thủ phạm gây ra cái bi kịch nặng nề đang diễn ra này. Hầu như chẳng còn hàng rào cấm cản nào nữa, ông Đ. cứ để mặc tôi tự nhiên ra vào phòng con gái, săn sóc, nâng giấc nàng như một người chồng chính thức bên người vợ bệnh tật. Thế là hầu như suốt ngày tôi được ở bên cạnh nàng, nhưng than ôi, cái hạnh phúc ngày trước, cái sự thanh thản, bình an kỳ diệu xưa kia đã mất đi rồi, càng ngày tôi càng cảm thấy bên cạnh mình là phần xác bằng cao su của nàng, còn chính nàng, tình yêu của tôi đã rời bỏ tôi đi tới một xứ sở nào xa lạ lắm. Hay là nàng đã bay lên thiên đường ở tít mãi trên cao chỉ tới được bằng con tàu vũ trụ mà tôi đã vẽ ra cho nàng cái đêm trăng cuối cùng nàng vẫn còn là nàng kia ?
-                  Liệu có xã hội nào như thế không?
-                  Có chớ, nhất định phải có chớ.
-                  Ôi, ước gì hai đứa mình bay được lên tới đó…
Nàng đã nói như thế và nép đầu vào ngực tôi như một con vật tội nghiệp dưới ánh trăng huyền ảo. Phải chăng nàng đã bay một mình lên đó, bỏ tôi lại chơ vơ giữa cõi nhân gian dung tục này ? Tôi cầm lấy bàn tay nàng đặt lên trán tôi, không không, cái bàn tay lạnh ngắt, thờ ơ này là của con gái ông bà Đ. chứ không phải của nàng, tôi bỗng hoảng sợ buông ngay ra và để mặc cô ta ngồi ngơ ngẩn bên cạnh giường, tôi phóng ngay ra khỏi phòng.
-                  Bữa nay em nó có khá lên chút nào không anh ?
Tôi như choàng tỉnh nhìn bà Đ. vừa đi đâu về, tay cắp rổ và nhìn tôi với ánh mắt cầu khẩn.
-                  Dạ… vẫn thế ạ, vẫn chẳng nói năng gì và vẫn chưa nhận ra cháu.
Bà Đ. rít lên :
-                  Cái thằng bố vũ phu hành hạ con gái đến thế đấy. Giời hại gia đình tôi rồi giời ạ không biết kiếp trước tôi có phá chùa, bẻ tượng ở đâu không mà kiếp này tôi khổ đến thế này… Ối giời ơi là giời… giời…
Bà kêu lên thảm thiết, chân giâm bạch bạch xuống đất, hai tay tự tát vào má mình như người lên cơn động kinh. Tôi hoảng hốt quá vội dìu bà ngồi xuống ghế, lấy khăn ướt đắp trán bà, rót chén nước lạnh bà uống và bất ngờ tôi nhìn thấy nàng xuất hiện ngoài cửa phòng. Rất có thể nàng đã ra đứng đó từ lâu, đã chứng kiến mẹ nàng nổi cơn oán giận từ nãy, nhưng… thật kinh khủng, nàng vẫn dửng dưng, xa lạ  như trước mắt nàng không hề xảy ra chuyện gì và rồi nàng lặng lẽ quay vào không mảy may nhìn cả tôi lẫn mẹ nàng đang há miệng vì kinh ngạc.
Bà Đ. đã tỉnh táo trở lại, nhìn theo con gái, buông tiếng thở dài não nuột :
-                  Nó bệnh thật rồi. Bây giờ chỉ còn trông cậy vào anh thôi, từ nay tôi giao nó cho anh đấy…
Tôi cúi mặt, không còn biết nói sao. Gía như bà đừng nói thế, đừng vội quàng vào cổ tôi cái trách nhiệm nặng nề vậy, tôi sẽ an ủi bà rằng từ nay mọi thời gian, sức lực của tôi sẽ chỉ dồn vào một công việc duy nhất là thuốc thang chăm sóc nàng. Tôi lẳng lặng bước ra cửa còn nghe bà Đ gọi với lại :
-                  Ở lại ăn cơm đi, tôi vừa mua được con cá béo lắm…
Tôi thở dài bước ra phố và chẳng còn biết đi đâu, đành đâm đầu tới cơ quan. Gương mặt ông trưởng phòng lù lù hiện ra như biểu trưng cho cái thường ngày khắc nghiệt làm tôi nhói tim. Lại tiêu phí thời gian vào những chồng phiếu vô bổ, những việc vặt vãnh vô ích để rồi đầu kỳ lương lĩnh một món tiền chỉ đủ ăn hai bữa cầm chừng. “ Thiên mệnh” mất rồi, tôi chẳng còn chọn lựa nào ngoài cái cuộc sống người ta áp đặt cho tôi này. Ông trưởng phòng đang cắm cúi trước một đề tài gì đó chắc chắn không phải “ phương pháp tắm dưỡng sinh”, chuyện đó đã qua đi rồi, cũng nhanh chóng chẳng kém gì khi nó xuất hiện. Bây giờ chẳng ai buồn nhắc tới nó và những dãy buồng tắm trong cơ quan lại vắng ngắt như xưa.
-                  “ Cậu chuẩn bị cho tôi các tài liệu nói về xây dựng nhà ở trên đồi…”
Ông trưởng phòng sau cùng đã ngẩng lên và ra lệnh cho tôi. Lại một đề tài gì nữa đây, ông là người không chịu ngồi yên, nổi tiếng về lắm sáng kiến nhưng xem ra cho đến ngày về hưu ông cũng chẳng vượt nổi cái ghế trưởng phòng.
-                  Đề tài mới đây, huyện N. đang phát động một chiến dịch chuyển hết nhà cửa, công trình công cộng lên đồi, lấy đất trồng lúa cao sản.
Tôi cau mày :
-                  Vậy đình chùa, mồ mả làm sao ?
-                  Lên đồi, lên đồi tuốt. Nhưng chuyện đó liên quan gì tới ta, mình là con nhà kỹ thuật chỉ có nhiệm vụ thiết kế các kiểu nhà ở trên đồi sao cho nhanh nhiều tốt rẻ mà thôi.
Tôi cười khẩy, tranh luận làm quái gì chuyện đó, một khi một thử nghiệm đã được quyết định ở đâu đó, người ta chỉ còn mỗi cách là chờ xem nó diễn ra như thế nào mà thôi, tôi “ con ốc nhỏ” trong guồng máy, nhiệm vụ chính trị cao nhất là hoàn thành xuất sắc mọi công việc ông trưởng phòng giao cho. Thôi được, tôi sẽ tìm cho ông các tài liệu xây dựng nhà trên đồi, chẳng cần biết chuyện đó sẽ diễn ra như thế nào. Tuy thế, vài ngày sau, ôm đến cho ông trưởng phòng một chồng sách, tạp chí, tôi vẫn ngứa miệng :
-                  Thủ trưởng còn nhớ ngày xưa tỉnh N. cũng gom dân để quy hoạch đất đai, xây dựng hợp tác xã quy mô huyện không ? Thảm trạng ấy vẫn chưa được rút kinh ngiệm sao ?
Oâng trưởng phòng tái mặt , xua xua tay :
-                  Thôi thôi, chuyện đó để cho Trung ương người ta lo. Cậu chớ có động tới chuyện đó ảnh hưởng tới khí thế của anh em trong phòng đang tích cực tham gia phục vụ chiến dịch.
-                  Vậy nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành ?
-                  Tốt lắm, tốt lắm, cậu nghỉ đi, chừng nào cần tôi sẽ cho người tới gọi.
Ông đứng dậy, đẩy tôi giật lùi đi ra khỏi phòng như thể tôi còn nấn ná sẽ lây lan tư tưởng phá đám sang những người khác đang căm cụi làm việc. Chẳng còn mong gì hơn, bỏ lại ông trưởng phòng với đề tài tham gia chiến dịch của ông, tôi phóng một mạch về nhà và hoảng lên thấy cửa phòng nửa khép nửa mở. Tôi vứt vội xe ở ngoài, đinh ninh tóm cổ thằng kẻ trộm, cho dù tài sản của tôi toàn những thứ chỉ đáng bán đồng nát. Vừa ló đầu vào, mùi rượu nồng nặc đã xông lên mũi và tôi nhìn thấy ông bạn quý đang nằm ngoẹo đầu lên giường ngáy khò khò. Giấc ngủ qủa thật đã phơi bày hết những nét vất vả khốn khổ trên mặt mà ngày thường hắn vẫn cố giấu đi bằng tính bông phèng, lên gân mà ai cũng tưởng đời hắn vô lo, vô nghĩ, cái số hắn sướng. Tôi ngước nhìn đồng hồ treo tường, bụng phân vân không hiểu sao giờ này hắn còn vẫn la cà đây, không về trình diện vợ theo những quy định ngặt nghèo kiểu như giờ ăn chiều nhất thiết không được vắng mặt, buổi tối phải về nhà trước 9 giờ. Tôi chạy vội ra đầu phố mua ly đá chanh, xốc hắn dậy, ghé vào miệng hắn :
-                  Dậy, dậy, uống đi cho rã rượu.
Hắn mở mắt, uống ừng ực rồi lại nằm vật xuống nhắm mắt. Tôi bật cười, túm áo hắn lôi bật dậy :
-                  Tỉnh chưa? Giờ này không về nhà, vợ mày nó cắt tiết.
Hắn giương lên đôi mắt lờ đờ :
-                  Còn vợ đâu nữa mà về…
-                  Vậy nó đi đâu rồi ?
-                  Chẳng đi đâu cả, vẫn ở nhà của nó, nhưng… “ chuyện đó” xảy ra rồi…
Tôi chợt hiểu, nhói lên thương bạn, và rồi tôi quát lên :
-                  Mày phải bình tĩnh, không khéo nghi oan cho nó, vội vã bỏ đi làm khổ cả đôi…
Hắn ngồi bật dậy, lần túi châm điếu thuốc, hít một hơi rõ dài rồi buông giọng triết lý :
-                  Tao đã nói với mày rồi, “ chuyện đó” trước sau cũng xảy ra, có điều tao không ngờ nó lại nhanh quá vậy.
-                  Nhân vật thứ ba là ai vậy ?
-                  Vẫn thằng đó, cao to, mặt thịt, răng vàng choé và suốt ngày nhai kẹo cao su.
Tôi cố vớt vát :
-                  Mày chịu thua cái thằng lái xe đó hả ?
-                  Sứ giả của “thiên mệnh” mà, không thua sao được. Trưa nay về đột xuất, tao nhìn thấy cái đầu bù xù của thằng đó lấp ló trên giường. Con vợ tao chạy ra đứng chẹn cửa buồng : “ Đến nước này tôi không muốn giấu anh làm gì ? Anh phải đi thôi.” Tao cãi: “ Chính cô theo trai, cô phải đi.” Nó cười nhạt : “ Nhưng cái nhà này lại do cơ quan tôi phân cho tôi.” Tao gật đầu : “ Cô nói có lý. Thôi chào, chúc một ngày vui vẻ.” Tao chuồn một mạch ra quán bà Dậu, rồi từ đó tao phóng thẳng về đây. Mày còn tiền không, uống chầu nữa mừng cho tao được tự do…
Giọng hắn cay đắng, nghẹn đầy nước mắt làm tôi không thể không chiều hắn. Quán “nghệ sĩ” vẫn khoác bộ mặt ngày thường, khói thuốc vẫn mù mịt, những đôi mắt vẫn nhìn về vô cực và vỏ lạc luộc vẫn bừa bãi trên các bàn.

                  (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét