Đọc lại “Dạ ký” của Phùng Cung (5)
(tiếp theo)
Chân dung nhà văn Tô Hoài tiếp tục được Phùng Cung hoàn chỉnh với những nét đặc tả rất thực pha chút phóng dụ châm biếm :
“Tầm vóc anh không thay đổi, chỉ có con dế mèn bên cạnh anh là to lớn khác thường, nó xấp xỉ một con ngựa - loại ngựa gié - đang tuổi phát nha. Anh đã dắt nó, hay nó dắt anh không rõ - tranh thủ đại diện ruổi rong đất lạ, ê hề! Nay đang cùng nhau nghỉ dưới một gốc cây đa cổ thụ rợp bóng mát. Con dế đang lóm lém ăn cỏ, còn anh cũng đang ngồi đọc bản thảo, tay phải cầm bút máy thỉnh thoảng có ghi thêm hay sửa chữa gì đó. Cả người và vật toát lên đầy vẻ hả hê, sung túc. “
Trên con đường sự nghiệp của Tô Hoài người ta thấy ‘con dế mèn” lúc nào cũng kè kè bên anh, cả vật và người đều “hả hê, sung túc” thì đủ biết ông thuộc loại nhà văn nào :
“Trước mặt anh là một quan lộ, một dãy người gánh toàn sách là sách. Họ gánh đi bán rong hay chuyển đi phân phối cho đại lý. Họ nhìn anh, anh nhìn họ gật gù cười cười, rõ ràng là quen thuộc nhau cả. Có người nói văn anh đang hợp thời vận! Quyển nào anh viết ra cũng có tẩm ít mùi dế mèn nhưng chẳng thấm tháp mấy. Có thể ví như người bán trà ấm, vảy vài giọt ét-te sen, nhài vậy. Anh đã đạt tới mức quán quân thực hiện khẩu hiệu "nhanh, nhiều, tốt, rẻ". Sách anh được phát hành số lượng không hạn định, bầy tại quầy sách quốc doanh; cứ như gạo cửa hàng mậu dịch vậy. - Làm gì có chuyện đong gạo ngoài cửa hàng! Lòng nhân ái, sợ người người đói văn khát sách nên anh trổ tài đáp ứng. Ngồi chỗ nào anh cũng viết được. Đứng chỗ nào anh cũng viết được, tay cứ thoăn thoắt nhả đều đều. Có người nói anh viết như đan len! Và anh đã chiếm lĩnh một góc trong cái tam giác thơm Tô Hoài - Lê Văn Trương – Hồ Biểu Chánh.”
Văn chương mà “nhanh nhiều tốt rẻ” , “hợp thời vận” , bán như “gạo mậu dịch” thì rõ ràng là “văn chương quốc doanh”, “ văn chương cán bộ”,” văn chương phải đạo” phục vụ kịp thời cho Đảng rồi. Phùng Cung nhận định Tô Hoài như vậy đâu có oan ? Khi đã chấp nhận làm bồi bút, đeo chữ “thọ” sau lưng thì nghiệp văn chương của Tô Hoài chỉ có sinh không có …tử :
“Ngồi nghỉ đã lâu lâu, anh đúng dậy, kéo theo con dế, anh vỗ vào lưng dế như vỗ vào lưng ngựa! Hẳn anh đang lấy lưng dế làm chuẩn, tập thể dục, thể thao. Anh cứ nhấp nhổm nhảy mãi vẫn không qua lưng con dế mèn! Anh bị ngã! Chống tay nhổm dậy; nhìn trước, nhìn sau, xem có ai nhìn thấy không? Anh đứng hẳn dậy, lắc đầu ngán ngẩm. Tại sao anh lại lắc đầu ngán ngẩm nhỉ? Ngã thì lại dậy. Phải chăng anh đã nghĩ xa xôi sợ "sinh nghề, tử nghệ". Theo thiển nghĩ của tôi thì anh lầm rồi! Nghệ của anh chỉ có sinh làm gì có tử! “
Sau Tô Hoài đến …Lê Đạt, một trong những nạn nhân chính trong tai ách Nhân Văn – Giai Phẩm, đồng hội đồng thuyền với Phùng Cung. Vậy chắc Lê Đạt phải được “vẽ ra” một cách ưu ái :
“Tôi đang bận tâm suy nghĩ; tôi vừa chớp mắt một cái bỗng lại thấy mình đang ở giữa chợ. …Tôi định rẽ hẳn vào dãy hàng chó xem người ta bán, mua, người ta khen, chê tướng mạo lũ chó má. Chợt cùi tay ai đó huých nhẹ vào sườn tôi. Qua cái kiểu huých ấy, tôi đoán ngay là cùi tay của bạn thân. Tôi quay cổ lại, đúng là Đào Công Đạt - Lê Đạt - cái tên do anh Nguyễn Huy Tưởng đặt cho từ rừng Việc Bắc. “
Quả nhiên, Phùng Cung bầy tỏ :
“ Lê Đạt, tôi rất có cảm tình với anh, phục anh, mặc dù anh ra đời sau tôi tám tháng. Anh thông minh, anh có tú tài Tây và còn học cao hơn nữa. Đầu toàn quốc kháng chiến anh còn theo học trường pháp lý - Đỗ Xuân Sảng. Còn tôi không dám giấu giếm, chỉ có cái trung học - phải thi lại lần hai. Anh hay lắp bắp, lắp bắp vui miệng như tép nhảy. Tôi chỉ hơi khó chịu với anh một chút vì bất cứ với ai anh hay giở giọng "lãnh tụ non". Tôi cũng đại khái biết anh, có giai đoạn anh đã nhậm chức secrétaire particulier cho một vị cỡ nào đó - anh nói chuyện hay chen tiếng Pháp - khi đang nói, anh ngừng lại, đấm nhẹ lên trán, để tìm từ Việt cho thích hợp - na ná như người ở Pháp lâu năm mới trở về nước - bất đắc dĩ có kinh nghiệm - phụt tiếng Pháp. Theo tôi không chắc chắn lắm - phần nào để tạo dáng kẻ nhiều chữ? “
Tuy nhiên, Phùng Cung vẫn nhắc tới tật ‘cầm nhầm “ chữ người khác của Lê Đạt
:“ Lê Đạt là người sòng phẳng, ngay thẳng, đôn hậu, chỉ phải nỗi: tính đôi khi tắt mắt; hoặc hay cầm nhầm - có kinh nghiệm chữ của người khác khảm sâu trong sáng tác văn thơ của mình - dẫu có vết, thì ngọc vẫn là ngọc! Tôi còn quý anh ở một điểm nữa là anh hay cho tôi đi ăn phở. Có lần tôi vui miệng hỏi anh: "Tiền đâu mà cậu cứ cho mình ăn phở mãi thế?" Anh nói nhỏ vừa đủ tôi nghe: "Bà cụ mình vẫn có chút buôn bán nhỏ kiếm thêm!..." Tôi cười, không phải chê bai gì. Nhưng anh hiểu lầm như là tôi có ý chê việc buôn bán - Vào cái thời mà gia đình cán bộ vẫn phần nào dựa vào buôn bán để cải thiện đời sống đều bị coi là thiếu trong sáng - Anh liền cười văng tục: "Chả thế lấy đéo đâu ra cho mày ăn!.." Tôi chẳng phật ý về câu nói. Tóm lại tôi vẫn thấy có bổn phận đối với anh như bát nước đầy. “
Gặp Lê Đạt, nhà văn Phùng Cung muốn “kiểm chứng” lại những suy nghĩ của ông về Tô Hoài :
" Nhân dịp gặp anh, tôi khẳng định sự nhìn nhận của mình về anh Tô Hoài, về giai nhân. Tôi đưa mắt hỏi anh, không chần chừ Lê Đạt khẳng định: "Đúng luý!" Tôi hỏi lại: "Có chắc không?" Lê Đạt nói: "Chắc!" Tôi lại hỏi tiếp: "Sao lại như vậy nhỉ?" Lê Đạt cười: "Ai mà biết được, ông anh lắm mưu nhiều mẹo; có thể nói là đương kim vô địch đấy!" Tôi ngỡ ngàng hỏi: "Về cái gì?" Lê Đạt đập mạnh bàn tay vào vai tôi: "Thôi đừng vờ! Mày mà không biết à?" Tôi nói: "Không biết thật mà!" Bây giờ Lê Đạt mới nói toạc ra: "Về cái khôn chứ cái gì!" Tôi công nhận lời nói của Lê Đạt; chẳng những Lê Đạt mà anh em trong văn nghệ thường cũng nói như vậy. Lê Đạt lúc nào cũng lại đưa tay vỗ vỗ lên trán nói: "Tao nghĩ, về văn ông anh đã bội thu, còn muốn gì nữa cho nhọc xác!" Tôi chưa kịp đáp lời, Lê Đạt mau miệng tiếp: "Bọn mình nhặt được vài hạt khôn của ông anh rơi vãi thì cũng lấy làm mãn nguyện phải không mày?"
Vậy là cả hai người đều thống nhất thừa nhận cái cốt lõi của Tô Hoài là cái…khôn. Chính cái “sự khôn” đó đã giết chết nhà văn và Phùng Cung không khỏi thầm “thương hại” :
“Tôi bần thần cả người, tâm trạng tôi ngổn ngang, không vui, cũng chẳng buồn, chẳng ước ao hay nuối tiếc gì cái hạt khôn của anh Tô Hoài để rơi vãi.
“Tiếc thay! Nếu anh không ủ một mưu mẹo gì cao hơn; đến bây giờ mới ngoặt bước sang một đường mới khác thì hơi muộn. Dẫu sao thì cũng là giả. Có lẽ anh nhạy bén trong lúc thật giả lộn sòng nên mới quyết tâm như vậy chăng? Tôi nghĩ trách ông Xanh kia vẫn còn õng ẹo, đã cho người ta cái ngoại hình hấp dẫn thế này, sao không phóng tay mà còn bủn xỉn đắn đo tiếc rẻ không cho nốt cái chút nhỏ bé cần thiết; để người ta được trở thành một giai nhân hoàn mỹ; để người ta mang cái thân hình ngà ngọc ngay từ tuổi mâng mâng bẻ gẫy sừng trâu, hành hương trên đường tìm Chân Mỹ. Tôi chẳng dại dột gì mà dính Mỹ với Thiện ở đây. Nếu người ta không đem được cái Chân Mỹ dáng hoa ban phát nơi nơi thì ít nhất cũng cho một vùng không nhỏ. Mặt này thiết tưởng người ta còn gặt hái gấp bao nhiêu lần gặt hái văn chương. Cái tháp ngà Chân Mỹ hẳn mở rộng cửa đón chờ. Người ta khỏi phải khéo khôn, loay hoay; khỏi bị ngộ nhận rất tội nghiệp”
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét