Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

HÀ NỘI...HỒI ẤY (22)

                 Hànội…”hồi ấy” (22)     

                                                                                                                            Tranh Salvador Dali         

9.

Niềm tin còn sót lại của tôi vẫn còn bấu víu vào y khoa hiện đại nên tôi đã đưa nàng tới đủ các thứ phòng khám bệnh, trung tâm thần kinh, các cơ sở chữa trị bệnh tâm thần… Khi đã thất vọng với các thứ áo blouse trắng, máy điện tim, điện phổi, tôi lại đưa nàng về phương đông, tới các ông lang ít khí cụ hơn nhưng lại đầy những lời phán xét mơ hồ, ẩn nghĩa và rút cuộc vẫn không một ai nói rõ cho tôi biết nàng mắc cái bệnh gì.
Không dám trách cứ ai trong giới thầy thuốc ở cả hai phương trời, tôi nhẫn nại đưa nàng trở về căn buồng giờ đây đã trở thành một thế giới thu hẹp của riêng nàng. Chẳng đòi bất cứ điều gì, sáng sáng nàng húp vài thìa cháo bà Đ. bưng vào, đến trưa ăn không hết một bát cơm nhỏ và bữa chiều thường thường chỉ là một quả chuối, một cái bánh đậu xanh hoặc một bát chè đường. Thật kỳ lạ, tuy ăn rất ít vậy nhưng người nàng vẫn mượt mà, hồng hào, ngày càng trở nên quyến rũ, xinh đẹp hơn. Ngoài bữa ăn và giấc ngủ ra, suốt ngày nàng ngồi ở giường, không sờ tới mấy cuốn sách tôi cố tình để đầu giường, không làm bất cứ việc gì ngoài đặt hai bàn tay lên đùi và ngồi im lìm như một nữ tù nhân bị giam trong ngục.
-               Em có đói không ?
Rất nhiều lần tôi hy vọng nếu không cất tiếng trả lời, ít ra nàng cũng nhìn tôi, nhưng không, nàng vẫn như chẳng nghe thấy gì hết, mắt nàng cũng không khá hơn, mọi thứ đồ đạc, ông bà Đ. và cả tôi, tất cả đều như nhau trước cái nhìn của nàng. Người đau khổ buồn, buồn rầu nhất là ông Đ., bây giờ hầu như suốt ngày ông chẳng đi đâu, chẳng quan tâm tới cái gì, chỉ ngồi trước cửa buồng con gái, lâu lâu lại thở dài:
-               Bố hại con rồi, con ơi…
Tôi an ủi ông rằng có rất nhiều người mắc các thứ bệnh ngoài tầm hiểu biết của y học nhưng rồi chỉ sau một thời gian tự nhiên khỏi, chẳng cần chữa trị gì hết. Ông co rúm người trong chiếc áo sờn cũ, lấy tay che mắt như sợ hãi cái gì đó :
-               Không phải, không phải đâu, trời hại tôi đấy anh ạ. Tôi nói riêng anh biết , đừng sang tai bà ấy, thêm lo chẳng lợi lộc gì . Hồi còn bộ đội, đơn vị tôi được phái về một làng ven vùng địch hậu hỗ trợ cho phong trào diệt tề trừ gian. Tôi được phân công canh giữ một tên địa chủ tình nghi móc nối với bọn phản động đội lốt tôn giáo, giam dưới tầng hầm một nhà thờ xứ đạo. Một buổi sáng có đứa con gái  bằng trạc tuổi con bé nhà tôi tìm tới xin vào thăm bố. Vì muốn lợi dụng tình cảm bố con để thằng địa chủ kia phải khai ra nên Ban chỉ huy chấp nhận cho phép gặp nhưng phải khám xét thật kỹ không để cho nó tuồn tài liệu vào phòng giam. Sau khi nhờ cô y tá kiểm tra kỹ rồi, tôi vừa định mở cửa phòng giam thì chợt thấy một bên má con bé sưng phồng lên. Tôi lạnh toát cả người, đúng nó ngậm tài liệu trong mồm mang cho thằng bố nó rồi. Tôi quát: nhả ra, con bé ấy vẫn giương mắt, giả bộ ngây ngô chẳng hiểu gì, tôi mới điên lên bắt nó há mồm thật to ra. Cũng có thể vì tính ương bướng, cũng có thể vì sợ quá nên con bé ấy cứ ngập ngà ngập ngừng mãi làm máu căm thù giai cấp trong tôi bốc lên ngùn ngụt và chẳng nghĩ ngợi gì nữa tôi dang thẳng cánh tát cho hai cái hộc cả máu mồm cho nó nhả tài liệu ra…
Chợt ông Đ. lên một cơn ho dữ dội, co giật hết cả người, nước mắt nước mũi đầm đìa, hai tay ôm ngực rũ rượi như thể có cái gì đang quẫy lộn trong đó. Tôi phải đỡ lấy ông, rót cốc nước lạnh cho ông uống cơn ho mới dịu dần. Tôi bảo thôi ông nghỉ đi, cứ nói mãi ngứa cổ lại ho nữa đấy. Ông lắc đầu, thều thào :
- Không sao đâu, anh cứ để tôi kể cho dứt chuyện may ra tôi bớt lo nghĩ được phần nào. Mấy hôm nay đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy con bé ấy hiện về, mặt mũi đỏ lòm, miệng thì cứ gào lên: ác giả ác báo, ác giả ác báo. Liệu có phải thế thật không hả anh ?
-               Cái chính là cô ta có thể chết vì hai cái tát tai của bác không đã ?
-               Không chết nhưng ốm liệt trong bệnh xá cả tháng  trời và rồi anh biết không, nó cũng trở nên câm điếc như con bé nhà tôi vậy.
Tôi cau mày nhìn ông :
-               Nhưng có thật cô ta ngậm tài liệu trong miệng không ?
-               Tài liệu đâu ra, nó bị … sưng mộng răng thôi. Trời ơi, sao lúc đó tôi điên quá không biết…
Ông còng người xuống như cái tàn nhang trĩu nặng bởi nỗi nuối tiếc, ân hận và cả khiếp sợ nữa. Tôi không tin nỗi bất hạnh của nàng lại là sự “trả oán” cho lỗi lầm ngày xưa của bố nàng, nếu thực như thế, hình phạt phải rơi vào chính ông chớ. Tuy nhiên tôi không hề có ý định an ủi, cứ mặc ông ngồi trước  phòng con gái ngày này qua ngày khác, khiếp sợ sự trả thù của người ngày xưa ông đã tát cho đến tật nguyền. Bà Đ. thấy chồng trong tình trạng đó đâm lo, thôi không quát tháo ông như ngày trước, ngược lại, đôi khi còn nấu nướng món ngon dỗ dành ông ăn như cái thời xửa thời xưa ông mới về làm bạn với bà.
Hồi này bà bỏ bê cả làm ăn, dăm ba bữa lại lên chùa cúng vái cho con gái khỏi bệnh nên tiền nong chi tiêu trong nhà bớt hẳn đi, thỉnh thoảng tôi phải đưa cho bà mua thêm thức ăn và thuốc thang cho nàng. Cho tới hôm tôi lo toát mồ hôi khi sờ túi không còn một đồng xu, kỳ lương còn rất xa, thùng gạo nhà nàng đã cạn sạch từ hai ngày nay mà chưa thấy bà Đ. đong mới đổ vào. Còn thằng Trịnh ? Sau hôm bị vợ đuổi, nó còn một ít tiền dắt lưng, mấy hôm nay đã bốc hơi thành rượu cả rồi, cứ nhìn cái mặt xanh lè của nó cũng đoán được túi tiền nó ra sao ? Nó báo cơm cả hai bữa ở bệnh viện, có hôm tôi vừa bước chân vào phòng đã thấy mùi cơm thiu bốc lên nồng nặc từ chiếc chảo rang đặt trên bếp. Tôi chửi hắn là bác sĩ mà ăn uống mất vệ sinh, hắn cười xòa :
-               Yên chí đi, tao đã chuẩn bị sẵn thuốc tháo tỏng đây rồi. Cơm này nhà ăn nó mới nấu hôm qua, tao quên không mở  nắp cặp lồng nên mới… hơi có mùi vậy thôi. Rang lên thế này vi trùng nào cũng phải chết.
  Tôi vừa bịt mũi vừa nhai cũng không sao nuốt nổi cái thứ “mẻ” nhão nhoét ấy, Trịnh vét sạch chảo cơm, cười hể hả :
-               Thế là tiết kiệm năm trăm mua cơm mới, có tiền mỗi thằng được chén rượu.
Tôi bảo hắn rằng từ chiều hôm qua mọi thứ đều tăng giá cả rồi, năm trăm chỉ còn mua được chén rưỡi rượu thôi, và cứ cái đà gía cả leo thang này thì lương chỉ đủ uống rượu, phải tìm cách cứu lấy cái dạ dày thôi. Hắn cười bí mật :
  -  Yên chí, mày yên chí đi, mình sắp giàu rồi, tao đang ngấm ngầm thực hiện idée của thằng hoạ sĩ Ngời, thắng qủa này thừa tiền cho mày tậu nhà lấy con gái ông bà Đ.
   Qủa nhiên không đầy tuần sau từ nhà nàng trở về ôm nỗi lo túng tiền, tôi thấy hắn ngồi giữa phòng xung quanh là một đống chai lọ, nồi áp suất, bếp dầu… Hắn đưa ngón tay lên miệng ra hiệu tôi im lặng, rón rén ra ngoài đường ngó trước ngó sau, quay vào gài cửa ghé tai tôi thì thào :
-               Tao đang đợi thằng Ngời chở bia hơi tới. Mình sẽ đun nó lên, pha thêm nước và nabica rồi đổ vào chai, đóng nút…
Tôi hoảng sợ :
-               Chúng mày nấu bia lậu hả ?
-               Idée của thằng họa sĩ đấy,cùng tắc biến, biến tắc … phải làm lậu thôi. Mày thấy bây giờ có ai “ chính danh” mà sống nổi không ?
Có tiếng gõ cửa rất khẽ, Trịnh reo lên nho nhỏ:
-               Thằng Ngời đấy, đúng ám hiệu rồi. Mở cho nó vào đi…
Chàng họa sĩ có bộ ria mép đen sì tay dắt xe, tay sách can bia mất hẳn cái vẻ lử khử, trầm tư thường ngày ở quán “ nghệ sĩ”, trở thành năng nổ, nhanh nhẹn không ngờ. Chàng thoăn thoắt thao tác trên cái dây chuyền can bia, nồi áp lực, bếp dầu, máy đóng nút chai khiến tôi ngờ rằng chàng đã vứt cây cọ để hành nghề bia “ rởm” từ khá lâu rồi. Chàng khoe với tôi :
-               Tôi xin cam đoan với ông rằng không một dân bợm nhậu nào phân biệt nổi chai bia của tôi với chai chính phẩm của Nhà nước, trừ ra đưa nó vào phòng hoá nghiệm.
Từ lâu tôi đã tâm niệm rằng vào quán “ Nghệ sĩ” của bà Dậu uống rượu thì được, còn dính dấp, quen biết mấy ông đó thì chớ. Ngờ đâu do Trịnh rủ rê đánh quả bia “ rởm”, một chàng hoạ sĩ “chân đất”  đã bước vào nhà tôi.Tôi thấy Trịnh dùng cái từ đó để phân biệt những chàng như Ngời với các vị cao niên lão thành vẫn tụ họp ở trụ sở Hội tạo hình bàn về các trọng tâm sáng tác qua từng ngày lễ lớn, tuy nhiên ở ta mức sống của các thứ hoạ sĩ trên đời xem ra cũng chẳng cách xa nhau cho lắm. Không biết vài chục năm nữa có bức tranh nào của các vị đó bán tới được cái giá triệu đô la không, chứ bây giờ chỉ cần vài trăm hẳn đã mua được một cái có tầm cỡ quốc gia. Riêng anh chàng Ngời này từ khi cầm cọ chưa thu lại một đồng vốn nào bởi lẽ chàng khăng khăng không chịu bán cho dù chưa có ai hỏi mua. Chàng bảo tôi :
-               Nghệ thuật trên hết. Tôi đã phải bán lương tâm, muối mặt làm cái ghế nấu bia lậu này chẳng qua cũng để lấy tiền mua sơn, mua vải. Phải biết hy sinh cái nhỏ mới làm được cái lớn ông ạ. Vài chục năm nữa, hậu thế sẽ định giá đúng về tôi…
Vào một ngày chủ nhật tươi đẹp, tôi theo chân chàng “ chàng trai của hậu thế” đi vào một ngách nhà hẹp ướt át nước cống và nước rửa bát, lần theo cầu thang gỗ dốc đứng, trèo lên phòng tranh của chàng ở căn gác xép hẹp vừa bằng căn buồng “ tổ dế !” của tôi. Tôi không dám thú nhận với chàng rằng dẫu là người tỉnh thành chưa bao giờ tôi bước chân vào bất kỳ phòng tranh nào thỉnh thoảng vẫn thấy quảng cáo trên báo, trình độ thẩm mỹ của tôi chỉ tới các tranh cổ động thường treo đầu đường nhân ngày quốc tế lao động, ngày đi đắp đê, hoặc là ngày tổng vệ sinh toàn thành phố. Những bức tranh đó chỉ cần liếc qua cũng biết đâu là người công nhân, nông dân, trí thức, đâu là búa liềm, nông trường, nhà máy…còn bức tranh chàng treo ngay cửa phòng, chao ôi tôi đã trợn đến rách khoé mắt cũng chỉ thấy một mớ bòng bong chẳng ra  hình thù gì, màu sắc thì rối tung, thoạt nhìn tưởng cái cầu vồng, nhìn kỹ hoá không phải, lại giông giống như cái chổi xể đang quét bụi. Nhìn vẻ mặt tôi, chàng nở nụ cười tinh quái :
- Ông thấy thế nào ?
Tôi toan nói toẹt ra rằng vẽ thế này thì… tôi vẽ cũng được, cứ cầm cây chổi nhúng vào sơn rồi nhắm mắt nhắm mũi quẹt phứa lên vải vậy là thành tranh chẳng kém gì cái tranh kia, tuy nhiên nhớ lại Trịnh dặn có tới xem tranh thì cấm không được chê mà mất mối làm ăn, bởi vậy tôi đành gật gù, giở giọng tán :
-               Đẹp, đẹp lắm, ông vẽ cái suối tóc này đúng là tóc tiên, tôi cứ có cảm giác  như đứng trước động Thiên Thai vậy.
        Chàng hoạ sĩ cau mặt :
-               Tôi không có ý định vẽ thế, đây là một khoảnh khắc trầm tư được ghi lại bằng một bức họa không hình.
Tôi giật thót :
-               Bức họa không hình ?
-               Chứ sao…
Rồi chàng giảng giải tôi nghe nghệ thuật thế giới bây giờ đã đi quá xa, đã diễn tả cả cái không  sờ tới trong con người như tiềm thức, vô thức , bằng thơ không nghĩa, hội họa không hình, tôi đành thú nhận rằng tôi mù tịt về các cái đó, bởi vậy tôi thích những bức tranh có hình hơn. Chàng họa sĩ kéo tay tôi đi dọc bức tường ám khói trên có treo cả một dãy tranh càng xem tôi càng kinh sợ, một đoàn người không mặt, đầu là cái ống bơ, kéo nhau đi giữa một hoang mạc ngổn ngang xương khô bên dưới một bầu trời u ám, một cô gái tay chân là bốn cái cẳng bò, hai bầu vú là cặp sừng nhọn hoắt, một người đàn ông đầu chuột thân heo mặc lễ phục, tay cầm gậy như sắp đi dạ hội… Tôi quay ngoắt sang chàng họa sĩ lúc này đứng khoanh tay như một nhà chúa tể sáng tạo thế giới :
-               Anh vẽ cái gì mà kỳ quặc thế ?
-               Chân dung con người với các bản tính có thực của nó.
Tôi há miệng :
-               Ý anh muốn nói tới bản tính con thú trong con người ?

                                            (còn nữa)

                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét