Hànội…”hồi ấy” (21)
(tiếp theo)
Bà Dậu đón chúng tôi với nụ cười thăm dò :
- Bữa nay xin hai cậu miễn ghi sổ nhá.
Tôi lườm bà với cái vẻ của người có tiền làm Trịnh thích chí :
- Mới trúng số đây, bà có bán cả quán tôi cũng đủ tiền mua không thiếu một cắc.
Tôi kéo Trịnh vào một bàn khuất trong góc, ở đó có một lỗ cửa tròn nhìn ra bầu trời u ám cốt tránh xa cái bầu không khí tù đọng, lệt bệt đè nặng.
- Tại sao chúng nó cứ im như thóc cả thế kia ?
Chén rượu đầu tiên đã làm Trịnh bốc lên, đưa mắt nhìn khắp xung quanh và mặc cho tôi đá vào chân, hắn vẫn cứ lè nhè:
- Cứ như là chết hết cả rồi ấy. Mẹ kiếp, rượư vào thì lời phải ra chứ, câm miệng hến cả tổ phí rượu…
Tôi phì cười:
- Biết nói chuyện gì bây giờ?
- Chuyện thời tiết, chuỵên giá rau muống, chuyện phạt chó chạy rông ngoài đường… chuyện gì thì chuyện nhưng phải nói đi chớ…
- Có tôi, có tôi xin hầu chuyện với các ông anh đây…
Một anh chàng râu tóc lởm chởm, chiếc áo đại cán khoác ngoài chắc ít có dịp được nhúng nước, tay cầm chén rượu đi tới, chẳng cần đợi mời ngồi ngay xuống giữa hai chúng tôi. Trịnh xoè tay giới thiệu:
- Họa sĩ Ngời, một thiên tài trong bóng tối, đứa con chân đất của phố phường.
Chàng hoạ sĩ phẩy tay như không thích nghe ai nói về mình, nháy mắt với tôi :
- Bữa trước nghe anh kêu gọi xuống đường … kiếm tiền nghe sướng cái lỗ tai. Tôi chỉ xin hỏi anh, mỗi tháng anh đã kiếm được bao nhiêu và kiếm bằng việc gì ?
Tôi ấp a ấp úng :
- Tôi vẫn sống vào lương là chính thôi… chưa định… chưa định làm cái gì…
Chàng hoạ sĩ gật gù :
- Hoá ra anh cũng nói suông như cái đám kia thôi. Bữa trước nghe anh kêu gọi hùng hồn quá tôi cứ tưởng tháng anh kiếm bạc triệu.
Trịnh kêu lên :
- Chục ngàn chưa nổi. Lương kỹ sư hạng bét tháng chỉ đủ đong hai chục cân gạo ngoài. Cậu có cách gì kiếm được tiền cho tụi tớ tham gia với. Hồi này kho thuốc bị khoá chặt rồi hả ?
Trịnh đỏ bừng mặt :
- Tớ chỉ còn được quản lý… cái tên của nó thôi.
- Thế còn giấy nghỉ ốm ?
- Cũng thôi luôn, thằng khác ôm mất rồi.
Chàng họa sĩ ái ngại :
- Vậy chỉ còn cách xoáy tiền của vợ ?
- Cũng mất nốt vào tay thằng khác rồi.
- Trời đất, cái số anh cứt đến thế kia ư ? Anh nhờ coi tử vi đi, không khéo bĩ cực thái lai, mai kia lại vớ được vợ giàu kia đấy.
Trịnh cười toét miệng :
- Vậy đưa tớ vay ít tiền đi, mai kia “ thái lai” trả gấp đôi.
- Tiền thì chẳng có, nhưng xin tặng anh một idée này có thể hái ra tiền.
Tôi ngao ngán nhìn hai ông bạn trẻ ghé tai nhau thầm thì, vẽ bằng bút lửa trên… guốc, nấu xà phòng nước đóng chai, xây lò hấp chuối khô… biết bao nhiêu idée lỗi lạc sinh ra từ những cái đầu ưu tú của giới trí thức thành phố, rốt cuộc lãi chẳng thấy đâu, còn vốn dành dụm của vợ con mất tiêu vào đống dụng cụ chờ bán đồng nát. Hai nhà phát minh đã thầm thì xong, Trịnh đập tay xuống bàn reo lên:
- Nhất định thắng to.
Hoạ sĩ Ngời bắt tay tôi thật chặt, dặn đi dặn lại nhất định tôi phải tới xem tranh, một thứ sản phẩm tinh thần không thể bán được bằng bất cứ giá nào, nhưng lại sẵn sàng biếu không cho ai tri âm với kẻ sáng tạo. Tôi long trọng cảm ơn và nói trước rằng tôi là kẻ ngoại đạo của nghệ thuật nên chắc chắn không thể là tri âm của nhà hoạ sĩ. Anh ta vuốt vuốt bộ ria mép mà mãi giờ tôi mới nhận ra, mỉm cười bí mật :
- Cứ để rồi xem…
Tôi giục Trịnh về sớm còn ghé qua nhà hắn lấy đồ chở về phòng tôi.
- Tao có cần phải vào khiêng giúp mày một tay không ?
- Có gì mà phải khiêng…
Hắn cười khẩy rồi bỏ mặc tôi đứng ngoài cửa, lững thững bước vào nhà. Trước đây nhiều lần tôi đã bước qua cái cửa xanh kia, ngồi vào bộ xalông nghe hắn bốc phét về những ca mổ tim của bác sĩ Tôn Thất Tùng có phần hắn đóng góp rất lớn trong lúc vợ hắn mở tủ lạnh, đập đá bôm bốp pha cacao sữa đá mời khách. Những lúc đó tôi phục lăn cái vỏ quý tộc của gia đình hắn, bụng thầm nghĩ chắc tới kiếp sau tôi mới có được cái số may mắn như hắn. Ấy thế rồi bỗng dưng sao quả tạ chiếu vào cung mệnh của hắn sao đó, hắn rớt xuống vị thế một thằng tứ cố vô thân, còn thua cả tôi ở chỗ trên đầu không có lấy cái mái che. Cánh cửa xanh lại mở cho hắn lách người ra, vai khoác tay nải, miệng cười nhăn nhở :
- Xong … tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
- Có thế thôi hả ?
Hắn vỗ vỗ vào cái tay nải :
- Có thế này thôi, nàng đã gói ghém sẵn rồi. Nàng bảo còn của nả gì trong nhà phải đợi ra toà phân xử , tao bảo khỏi lo cái đó, nó là tiền em bỏ ra sắm em cứ giữ hết. Nàng đưa tao bút để ký đơn thuận tình ly hôn, tao ký liền, nàng bảo anh không đọc à, tao bảo khỏi đọc, em đọc đủ rồi. Tao khoác tay nải đứng lên, nhìn một lượt quanh nhà, bất ngờ nàng khóc: “ Tha lỗi cho em…”. Tao bảo tất cả chúng ta đều không có lỗi. Tao bước đi, nàng còn kéo lại : “ Giá anh có với em một đứa con thì đâu đến nỗi…” Tao gỡ tay nàng ra bảo chuyện đó em sẽ có với chàng lái xe…Nàng đang khóc lóc ở trong đó, thôi ta đi…
Hắn trèo lên sau xe đạp tôi, chúi đầu vào cái tay nải. Tôi cố moi trong đầu cũng chẳng tìm ra lời an ủi nào , đành co cổ đạp vào dãy phố tối om.
- Tao sợ rằng cái thằng lái xe ấy rồi sẽ nhai tươi nuốt sống nàng mất thôi…
Đó là câu nói cuối cùng tôi được nghe thấy hắn nói về cái người đàn bà trước đây đã là vợ hắn. Đêm hôm đó tôi dẹp bỏ giường, trải chiếu xuống đất để hai đứa cùng nằm. Tôi bảo :
- Mày ngủ đây với tao rồi sẽ biến thành con bọ hung mất thôi.
Hắn đang thả hồn theo khói thuốc nhổm phắt dậy :
- Nếu được vậy thì quá hay, cả một dãy chuồng chồ kia khỏi lo ăn, lo tiền uống rượu. Này, nhưng lạ quá mày ạ, từ nãy giờ tao không còn ngửi thấy mùi thối nữa.
Tôi reo lên:
- Thấy chưa, bản tính bọ hung đã mọc mầm trong mày rồi đó, mai kia còn mọc lông ra nữa kia, tao đã nói bao lần mày không chịu tin.
Hắn không tin, mở cửa sổ, thò mũi ra hít hít :
- Không, không thấy, thậm chí còn dễ chịu nữa kia. Không khéo cứ cái đà này mai kia ngửi cứt lại thấy thơm chưa biết chừng.
Hắn có vẻ giễu cợt cái nguy cơ ấy, không mảy may lo lắng như tôi, thôi mặc hắn, vừa chịu một quả quá đau, mọi chuyện tiếp theo dù trời có sập, hắn có biến thành giòi bọ đi chăng nữa cũng chẳng là gì với hắn. Hắn đắp cái khăn tay che mặt, ngủ thiếp đi mặc cho tôi trằn trọc với bao ý nghĩ cắn rứt trong đầu.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét