Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

HỘI NHÀ VĂN VN ĐÃ TỚI..."PHIÊN ĐỔI GÁC".

      Hội nhà văn VN đã tới…
                                      ”phiên đổi gác”



Trong bài Nghị Hồng ơi, ông nỏ phải thế của Nguyễn Quang Vinh trên mạng trannhuong.com ngày 21/11/2011 vềcuộc điều tra bé nhỏ xinh xinh của Cu Vinh về ông Nghị Hồng “ luật nhà văn” nổi tiếng của cử tri chúng ta” có một đoạn rất đáng chú ý :
Có một nhà văn nổi tiếng ở Nghệ mình, kết nạp Hội nhà văn một năm với bác, khi nghe xướng tên bác lên đã cúi gằm mặt xuống vì xấu hổ. Vì anh em nhà văn hiểu bác rõ nhất, hiểu bác viết văn chương chữ nghĩa dở hơi như thế nào nên mới xót xa và cay đắng chúc mừng bác vô Hội, nhưng có lẽ đó là Hội ông Hữu Thỉnh, chứ dứt khoát không phải Hội Nhà văn Việt Nam.”
Vậy là dứt khoát cần phân biệt Hội nhà văn VN với Hội ông Hữu Thỉnh.
Còn nhớ Hội nhà văn VN vốn không phải như Hội ông Hữu Thỉnh bây giờ . Ngày xưa, Hội viên Hội nhà văn VN là oách lắm – mỗi tháng có tem thịt, tem đường mỗi thứ một ký, tết đến có bìa tết mua ở cửa hàng riêng, hàng năm được nghỉ 3 tháng sáng tác…
Tôi vào Hội năm 1978, lúc đó hội viên đa số các lão làng như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận Xuân Diệu…Lớp trẻ như tôi hồi đó chỉ có Đỗ Chu, Nguyễn thị Ngọc Tú, Nguyễn thị Như Trang, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Tô Ngọc Hiến…nhà phê bình gạo cội như Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ còn xếp hàng sau này mới len được vào. Bác Hữu THỉnh và ngay cả Ban chấp hành bây giờ vẫn còn …xa  mới tới cửa Hội.
Cả nước hồi đó có 3 trung tâm văn học : Hội nhà văn, Nhà xuất bản Văn Học và Viện Văn Học. Nhà xuất bản Văn học là nhà quốc gia, nhưng “chảnh” với thiên hạ lại là ở chỗ đội ngũ biên tập có tới…5 Hội viên Hội nhà văn. Nào nhà thơ Quang Dũng, nhà văn Bùi Hiển, nhà văn Nguyễn Thế Phương, nhà văn Hà Minh Tuân, nhà phê bình Như Phong …
.Hội viên Hội nhà văn Việt Nam hồi đó là “của hiếm” là vì tiêu chuẩn vào Hội khá khắt khe : phải có tác phẩm đã công bố và phải tạo được dư luận trong bạn đọc . Có được tác phẩm xuất bản hồi đó đã khó, tạo được dư luận trong bạn đọc càng khó hơn. Vì vậy Hội viên Hội nhà văn đều là “tác giả “ của một tác phẩm “nổi tiếng”. Chẳng hạn Nguyễn Thế Phương có “Đi bước nữa”, Đỗ Chu có “Hương cỏ mật”, Nguyễn thị Ngọc Tú có “Đất làng”, Tô Ngọc Hiến có “Người kiểm tu”, Nhật Tuấn có “Trang 17”…Tôi vào Hội là do nhà văn Nguyễn Thế Phương và nhà phê bình Như Phong bảo viết đơn và hai ông đó giới thiệu, tuyệt đối tôi chẳng phải chạy chọt, xin xỏ, quà cáp cho ai và những người khác được vào Hội hồi đó cũng vậy.
Hội viên hiếm hoi vậy nên đều quen biết nhau. Còn nhớ cái tết năm 1979, hội viên Hội nhà văn có bìa mua hàng Tết ở cửa hàng phố hàng Bài, gặp nhau vui lắm. Nhà thơ Xuân Quỳnh gặp tôi cứ dặn dò :” Này ông Tuấn, chơi bời nó vừa vừa thôi, còn để thời gian mà viết…”. Còn nhà thơ Phạm Tiến Duật thì đến tận cuộc họp của NXB Văn Học , lôi tôi ra ngoài thì thầm :” Anh em trẻ chỉ có cậu trong Hội đồng Bộ tuyển quốc gia thôi. Vậy cậu phải nhớ đấu tranh cho anh em…”.
Ôi Hội nhà văn Việt Nam, có một thời trong sáng, đẹp đẽ và cả tài năng nữa!
Tiếc thay, Hội nhà văn VN như tôi được biết đã không còn nữa, nó đã biến thành  Hội ông Hữu Thỉnh. Ngay từ năm 2004, cho dù bị đập tơi bời nhưng trong bài “Trò chuyện với Hoa thủy tiên”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không phải không có lý khi ông viết :
Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. “
và ông sổ toẹt cái danh của “nhà thơ” :
“cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.”
Tất nhiên không ai vơ đũa cả nắm , qúa khích như  Nguyễn Huy Thiệp, nhưng phải thừa nhận rằng gần 20 năm nay ông Hữu Thỉnh đã phá “tiêu chuẩn kết nạp” để “thay máu” Hội nhà văn, kết nạp phần lớn những người chưa kịp là “tác giả”, chưa có tác phẩm nào gọi là “tạo được dư luận trong bạn đọc” thậm chí vơ bèo vạt tép  cả những phần tử làm ô danh “nhà văn” như nhà thơ Hùng Anh ở Cà Mâu, hai ông nhà thơ “đại biểu quốc hội” - một ông đưa “luật nhà  văn” dở hơi, một ông phản đối Luật biểu tình làm nổi lên một trận bão phản đối trên mạng và trên báo chí.
Để xảy ra thảm trạng Hội nhà văn Việt Nam biến thành Hội ông Hữu Thỉnh trước hết là trách nhiệm của ông Chủ tịch Hội. Đã đến lúc ông Hữu Thỉnh phải trả lời trước công luận về chất lượng kém cỏi về mọi mặt của cả mấy trăm hội viên mà ông đã đưa vào Hội.
Trong thơ đã có người đưa ra khái niệm “phiên đổi gác”, Hội nhà văn VN cũng thế, cũng đã đến lúc phải “đổi gác” rồi. Để Hội nhà văn VN lấy lại uy tín như ngày xưa, thực sự là hội nghề nghiệp của những người “tồn tại” bằng ngòi bút, của những “tác giả” ít nhất một tác phẩm có giá trị tôi tha thiết đề nghị:
-  Ông Chủ tịch Hữu Thỉnh và phần lớn Ban chấp hành hiện nay nên từ chức. Chủ tịch Hội phải là những nhà văn có tác phẩm và có uy tín như Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, ủy viên chấp hành phải là những nhà  văn có tác phẩm được dư luận khẳng định thuộc thế hệ 7x, 8x .
- Xét lại tư cách Hội viên của những Hội viên vào Hội bằng chạy chọt, không có tác phẩm nào đáng gọi là văn học kiểu như Hoàng Hữu Phước, Nguyễn Minh Hồng và rất nhiều, nhiều nữa…sao cho danh hiệu Hội viên phải dành cho nhà văn “tác giả”.
Theo tôi, đã qúa muộn để ông Hữu Thỉnh tự nhìn lại mình để làm điều gì đó thực sự có ích cho sự nghiệp văn học. Con người là tổng số những hành động mà hắn đã thực thi. Bằng vào những hành động trong cả mấy khóa làm Chủ tịch Hội nhà văn, đã đến lúc ông Hữu Thỉnh có một hành động nào đó chứng tỏ ông là một công dân “ích nước lợi dân” rồi hãy nói tới chuyện là một…nhà thơ.
Mong lắm thay !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét