Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

ĐỌC LẠI DẠ KÝ CỦA PHÙNG CUNG (3)


 Đọc lại “Dạ ký” của Phùng Cung (3)
      
(tiếp theo)

Không muốn làm một “quan hoạn” trong cái nền “văn chương bị thiến “đó, Phùng Cung hoảng quá bỏ chạy :
Chạy là thượng sách! Tôi phá chạy, anh ta huỳnh huỵch đuổi theo sau. Rõ ràng tôi cắm cổ gắng sức mà vẫn như chạy tại chỗ. Anh ta cũng không đuổi kịp được tôi. Chạy được một lúc, tôi ngoái nhanh cổ nhìn lại, không phải Quang Dũng mà là một nữ du kích; đầu chít khăn đen kiểu mỏ quạ, áo cánh nâu, quần đen có chít ống, trông cũng xinh xinh. Tôi vừa chạy vừa nghĩ chẳng lẽ Quang Dũng tàng hình hay cô du kích tàng hình. Tôi cứ chạy lối chữ chi như để tránh luồng đạn. Chạy mệt quá! đứt hơi rồi. Tôi đành nhắm mắt gửi thân cho số phận. Ngồi thụp xuống thở. Và cũng chẳng thấy ai đuổi mình. Người ấy biến đâu? Thế là thoát! Tôi ngồi nghỉ lấy lại sức, nhờ có vài củ khoai và vài ngụm chè xanh sinh nhật, cái đói khát cũng đã tạm ổn. “
Thời đó trên sách báo và các phương tiện truyền thông suốt ngày ra rả tuyên truyền về các gương “anh hùng” . Tình trạng đó được Phùng Cung chế riễu – một tội rất nặng vào lúc đó – như sau :
Cũng như người ta nói: "Ra ngõ gặp anh hùng", là rất có cơ sở, rất có lý. Ngay nơi gia đình tôi đang ở, cũng hàng chục Hùng - Hùng Sơn, Hùng Việt, Hùng Anh, anh Hùng, thậm chí có cả Hùng Nhèm, Hùng Giẻ Rách v.v... Cũng là thời thịnh anh Hùng nên người ta ngưỡng mộ cái danh hiệu cao sang ấy mà đặt tên không ngoài sự khuyến khích "hướng hùng". “
Thời “thịnh anh hùng” cũng là thời “ thịnh nhà văn”, tác giả ra ngõ cũng gặp…nhà thơ và không phải một anh vô danh tiểu tốt mà hẳn một con người nổi tiếng – nhà thơ Hoàng Cầm :
“Nhà thơ tôi may mắn gặp đây - sau một phen hết hồn bị thiến trượt - là Hoàng Cầm: Một người bạn vong niên kể tuổi đời tuổi văn thơ cũng xứng đáng là bậc "liền anh" của tôi. Anh có dáng thư sinh nho nhã - nghe nói cũng có đôi người phái đẹp chê anh là ẽo uột! “
Vốn coi nhà văn nhà thơ đều là sĩ quan binh lính trong “binh chủng văn học”  nên Phùng Cung mô tả Hoàng Cầm :
Với tư thế một sĩ quan văn học trong đoàn quân bách chiến, trời phú trong cổ họng có cái còi mạ vàng; nhờ đó anh sổng giọng vàng mười sang sảng khi ngâm thơ - Có người đố kị bảo thơ anh đầy vẻ lấp lánh trang kim hàng mã - Cũng vẫn lối đố kị có vẻ khen anh nổi tiếng nhờ ngâm thơ chứ không phải vì thơ hay. Cứ cho là đúng; cứ cho là không đúng đi - Tất cả đều là phù phiếm có giới hạn - Nhờ tài hoa, duyên phận, anh đã "cuỗm" được một phụ nữ nạ dòng "đờ luých" - đó là lời đùa quá trớn của bạn anh - chẳng thấy cần phải nêu tên; nhưng thôi, tôi cứ nêu béng tên ra để khỏi mập mờ - đó là Tử Phác. Tôi biết Tử Phác với Hoàng Cầm có thể nói là đôi bạn nối khố nhưng, cũng không ít lời cay độc ngay trong lúc trò chuyện với nhau. Hình như Tử Phác ta cũng ít nhiều có sự ghen tị với Hoàng Cầm về đường phu thê? Tử Phác độc quyền châm chọc Hoàng Cầm, ai khác cũng nói lời của Tử Phác như vậy; tức thì Tử Phác bênh bạn chầm chập: "Ôi chà! nạ dòng loại chúa như thế còn gấp triệu lần loại váy đụp lên ngôi - loại váy đụp đã lên ngôi thì khiếp lắm!... - được thôi mà!..." Đương nhiên cái lối nói này lạc hậu tầm cỡ quốc tế! Nên chỉ là nói vụng.
Thật là đẹp đôi! Thật là trai tài gái sắc! Cái đất Hà Thành này, cái đất quanh vùng Hoàn Kiếm này, - theo tôi - nếu không muốn nói là hiếm thì cũng không nhiều - trong mâm ăn hàng ngày chắc có cơm tám chả chim. “
“ Cơm tám chả chim” là món ăn quý tộc Hà Nội vào thời đó và phải là giới cán bộ cao cấp mới được thưởng thức, quần chúng công nông cứ đứng xa mà…ngó. Hai chàng nghệ sĩ Hoàng Cầm – Tử Phác nếu hàng ngày được xơi món đó thì hẳn “tiêu chuẩn cung cấp” phải cỡ …trung ương.
Tất nhiên vào thời đó, các nhà văn thơ nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm sau học tập chỉnh huấn, đâu có dám gặp nhau. Bởi vậy nhà thơ Hoàng Cầm phải tìm cách tránh mặt Phùng Cung :
“Hoàng Cầm nắm vai tôi hổn hển: "Mình đang nghỉ giải lao, đang bận tập, nếu không thì mời cậu về nhà chơi". Tôi vội hỏi, "Tập tành gì?"
Hoàng Cầm quay sau lưng, lấy tay chỉ chỏ. “
Hoá ra Hoàng Cầm đang trong đoàn quân thuộc binh chủng “văn học” tức là các nhà văn nhà thơ đã được Đảng chọn lọc, tin cậy :
“ Tôi nhìn theo tay anh, thấy một bãi tập rộng, cỏ mọc xanh rờn xung quanh đều có hàng rào thép gai cao chừng hai tầm đầu người lớn. Hai bên phía bãi tập là mấy ngôi biệt thự mới: cái thì mái cong như mái chùa; cái thì mái vòm, trên nóc có hình củ tỏi. Bỗng một hồi chuông vang lên, Hoàng Cầm định bắt tay tôi để vào bãi. Nhưng anh lại dừng ngay và nói với tôi: "chưa đến đợt bọn mình!" Tôi lại hỏi anh: "Tập tành gì vậy - và nơi đây là gì?" Anh trả lời: "Cứ đứng đây nhìn sẽ biết". “
Vậy nhưng “binh chủng nhà văn” đâu có cần bắn ai mà tập lăn lê bò toài, tì má, nín thở, bóp cò…súng. Đúng nhà văn không cần tập bắn súng mà tập luyện cái…lưỡi cho rẻo để còn uốn theo chỉ thị của Đảng.
Và sau đây là cái màn “tập uốn lưỡi ” được Phùng Cung mô tả rất ấn tượng :
Tôi nhìn vào trong đã thấy sáu bảy hàng người, mỗi hàng chừng vài chục. Có hai người đang đứng trước những hàng người, nói gì tôi không nghe rõ. Một người cao đen, mà trong anh em văn nghệ mệnh danh là đầu bếp vụng; người kia là nhà thơ giả thiểu số. - Theo Hoàng Cầm cho biết người cao đen là giáo sư viện trưởng qua đào luyện theo hệ Nam Hải. Người nhà thơ là giáo sư viện phó, qua đào luyện theo hệ Đông Phương. Cả hai tôi đều biết, nhưng tôi thắc mắc: Nam Hải là gì? Đông Phương gì? sao anh lại nói mập mờ khó hiểu vậy - tôi không tiện hỏi. Sau mấy tiếng hò hét của hai vị giáo sư - Giáo sư viện trưởng, vươn ra một cái lưỡi đỏ, dài hàng trượng và hơn thế nữa. Cái lưỡi cứ ngoằn ngoèo lượn như xiếc Trung Hoa múa lụa vậy. Mấy hàng học viên do giáo sư này chỉ huy cũng phóng lưỡi đỏ, cũng ngoằn ngoèo nhưng còn ngắn hơn giáo sư nhiều - Còn vị phó giáo sư thì phóng một loại lưỡi khác thẳng đơ như dùi cao su, bề dài cũng hàng trượng, có kém cũng không đáng kể - Cái lưỡi của vị phó giáo sư không múa liệng mà cứ đập lên đập xuống, cái lối dẻo cứng. Theo tôi đúng là một trăm phần trăm cao su nhân tạo hay thiên nhiên thì không biết - Mấy hàng học viên dưới sự huấn luyện của vị này cũng phóng lưỡi ra cũng đập lên đập xuống, tất nhiên so với phó giáo sư còn kém nhiều! Tôi nhìn thấy cũng ngoạn mục, cũng lại sờ sợ. Tôi chưa được nghe ai nói về sự việc này - Nay đột nhiên được thấy tận mắt mới biết mình còn ngờ nghệch nhiều trong cuộc sống! “
Hai vị Viện trưởng Viện phó của cái Viện tác giả không muốn nêu tên này, vào thời bấy giờ không phải ai khác chính là Hoàng Tung Thông và Vũ Đức Phúc – Viện trưởng, Viện phó Viện Văn học . Buổi tập “múa lưỡi ” của các nhà văn đang sôi động thì được lãnh tụ văn nghệ – nhà thơ Tố Hữu tới thăm làm hai vị Viện trưởng, Viện phó vừa uốn lưỡi lại phải vừa uốn lưng đến gãy cả xương sống :
“ Đột nhiên tôi thấy một người nhỏ thó, mắt hơi lé, nói giọng kim từ đâu vừa đến. Viện trưởng, viện phó cung kính cúi nửa người - Hẳn có lắp bản lề trong lưng. Rồi lại thẳng người, vươn lưỡi lăng qua, lăng lại - nghi thức lễ tân của học viên chào thượng cấp. Tôi hỏi Hoàng Cầm xem ai đó. Hoàng Cầm nói nhỏ: "Thi hào, viện trưởng danh dự của viện!". Tôi cố hỏi Hoàng Cầm: "Học viện gì và làm sao anh lại được vào theo học?" Hoàng Cầm khẽ trả lời: "Học viện múa lưỡi đấy!" Anh còn thố lộ với tôi, trong viện có nhiều giáo sư và tuy cùng một viện nhưng hai ngành múa khác nhau. Thỉnh thoảng hai ngành có thi đấu. Lưỡi nọ quấn lưỡi kia vẫn chưa phân thắng bại: Về lý thuyết thì hai bên đều đầy sức thuyết phục. Cũng theo anh kết luận thì hình như lưỡi lụa đang có đà thắng thế. “
Buổi tập “múa lưỡi “ của “binh chủng văn học” quả thực đã lột tả được cốt lõi cái diện mạo chân thực của Hội nhà văn Việt Nam .

                                                                                 (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét